Nông dân làm thơ

Thứ Tư, 01/03/2017, 07:00
Từ 30 năm qua, nông dân Zhang Lian quần quật lao động trên ruộng khoai 4ha của ông ở ngôi làng Xiji. Năm 2001, một cơn hạn hán nặng tàn phá ruộng khoai và hoa hướng dương của nhà nông 45 tuổi này: đó là hai nông sản thích hợp trên mảnh đất của ông và cũng là nguồn thu nhập duy nhất của gia đình.


Ở vùng đất khắc nghiệt khu tự trị Ningxia Hui (tây bắc Trung Quốc), thơ ca là nguồn động viên tinh thần duy nhất của những người nông dân chân lấm tay bùn. Ban ngày, họ  bán  mặt cho đất bán lưng cho trời. Ban đêm, họ sáng tác những câu thơ….

Từ 30 năm qua, nông dân Zhang Lian quần quật lao động trên ruộng khoai 4ha của ông ở ngôi làng Xiji. Năm 2001, một cơn hạn hán nặng tàn phá ruộng khoai và hoa hướng dương của nhà nông 45 tuổi này: đó là hai nông sản thích hợp trên mảnh đất của ông và cũng là nguồn thu nhập duy nhất của gia đình.

Cảm hứng đêm giao thừa

Trước đêm giao thừa Tết Nguyên đán năm ấy, Zhang toan bán một bộ da cừu, tài sản giá trị duy nhất của ông, để mua một hộp kẹo mà ông đã hứa cho đứa con 7 tuổi. Nhưng chẳng ai mua. Cảm thấy tuyệt vọng, trong cái lạnh giá buốt, Zhang chậm bước về ngôi nhà tranh của ông, vốn cách chợ 20 km. Pháo hoa bừng sáng trên các con đường quê, những ngôi nhà treo lồng đèn đỏ và mọi người vội về nhà để ăn Tết cùng gia đình. Nhưng Zhang chẳng thể chia vui cùng mọi người: “Thậm chí tôi cũng chẳng biết ngày mai kiếm đâu ra cái ăn. Tôi về nhà không có gì trên tay ngoài bộ da cừu chẳng bán được”.

Và trong đêm giao thừa ấy, Zhang - từng phải bỏ học cấp 3 vì bố mẹ quá nghèo không thể cho con đi học tiếp - bắt đầu sáng tác thơ. Zhang kể:  “Tôi bước đi, với da tôi trên tay. Chẳng có lấy một đồng. Chỉ có da tôi trên tay tôi… Tôi tuyệt vọng, cảm thấy nhục nhã, bước đi mà thân xác rã rời. Tôi không nói về bộ da cừu của mình”.

Thời trung học, Zhang đã sáng tác hơn 1.000 bài thơ trên các cuốn sách giáo khoa cũ, bên lề các tờ báo, tạp chí cũ. Ban đầu, việc sáng tác chỉ để giải trí, nhưng sau này trở thành nguồn sống của ông. Mỗi năm, vụ khoai giúp ông có được 3.000 NDT (480 USD). Năm 2000, ông vay bạn bè 2.000 NDT để in 400 bản tập thơ đầu tiên “Đêm xuống” . Sau đó, ông đi gõ cửa từng nhà để bán thơ, khi vào thời kỳ nông nhàn: “Xin chào, tôi là thi sĩ Zhang Lian. Vui lòng mua giúp tôi một cuốn nhé ?”. Zhang bán giá 7 NDT mỗi bản và bán được 350 bản.

Năm 2008, Zhang gia nhập Hội Nhà văn Ningxia và chuyển hẳn sang mảng văn học. Năm 2012, Zhang được Hội Nhà văn Trung Quốc bình chọn là một trong 10 Thi sĩ nông thôn xuất sắc nhất.

Và cũng nhờ đi gõ cửa từng nhà bán thơ, trung bình mỗi năm Zhang kiếm được 30.000 NDT, đủ để đưa gia đình rời làng lên định cư ở thị trấn Xiji.

Ngôi nhà văn học quốc gia

Thực tế là nhiều nhà văn, nhà thơ nghèo đều sống ở tỉnh này, gồm những người có tên tuổi và đoạt nhiều giải thưởng quốc gia. Ở vùng núi Ningxia (những năm 70 của thế kỷ trước, Liên Hiệp Quốc đã xếp nơi này là khu vực hoàn toàn không thể sinh sống) này, những nhà thơ, nhà văn trồng khoai chật vật nuôi gia đình, nhưng họ duy trì được đam mê sáng tác. Với họ, văn học không chỉ là thú vui tinh thần mà còn có thể giúp họ đổi đời.

Năm 2011, Xiji - một trong những nơi nghèo nhất vùng - được Hội Nhà văn Trung Quốc và Quỹ Văn học quốc gia chọn là “Ngôi nhà Văn học quốc gia”, nhờ nổi tiếng về hoạt động văn học và nhiều tác giả địa phương  có nhiều tác phẩm đáng chú ý. Hoạt động của các nhà văn nhà thơ này được gọi là “Văn học Xihaigu” , tức ghép tên của 3 vùng nghèo nhất là Xiji, Haiyuan và Guyuan. Đó là nơi tôi luyện dòng văn học nông thôn Trung Quốc mà gần đây gương mặt tiêu biểu là Mạc Ngôn đã được trao giải Nobel Văn học.

Điều kiện thời tiết khắc nghiệt: suối kiệt nước, những khe núi hiểm trở, sự trống vắng của vùng đồi cát của Ningxia luôn xuất hiện trong dòng “Văn học Xihaigu”, đói nghèo là điểm nhấn của những văn phẩm khi các nhà thơ nhà văn muốn mô tả cuộc sống và văn hóa nông thôn.

Guo Wenbin 46 tuổi , sinh ra và lớn lên ở Xiji, cho biết: “Sống trong một gia đình nghèo ở vùng quê rất nghèo này, tôi đã từng tự hỏi: Tại sao mình khổ đến thế?”.

Hiện là Phó chủ tịch Hội Nhà văn Ningxia, Guo nói tiếp: “Nhưng tôi không thể sáng tác nhiều câu chuyện mà không có những trải nghiệm đó”. Năm 2007, Guo  đoạt giải  Lu Xun, một trong các giải thưởng văn học cao quý nhất Trung Quốc,  theo tên một tác giả nổi tiếng của Trung Quốc. Tác phẩm đoạt giải của ông là truyện ngắn kể về cuộc đời của hai đứa trẻ ở một ngôi làng hẻo lánh.

Giã từ kiếp giang hồ

Guo kể rằng ở Xiji, việc làm ruộng trên vùng đất cằn cỗi nhiều cát rất khó khăn, vì chuyện tưới tiêu tùy trời có mưa hay không. Nếu hạn hán thì đi đứt cả năm làm lụng cong xương. Guo nói: “Những trải nghiệm cuộc đời giúp tôi có những câu chuyện hay; đổi lại, văn học và sáng tác giúp người ta đổi đời”.

Kang Pengfei từ bỏ kiếp giang hồ để viết văn.

Kang Pengfei thì không thấy có tương lai trong việc trồng khoai, việc mà cha ông của anh đã làm suốt cả đời. Bố mẹ Kang mù chữ, còn  anh bỏ học năm 15 tuổi.  17 tuổi, Kang bỏ làng  đi sau đó giao du với một nhóm trộm cắp. Có lần, Kang đã  lột  sạch 85 NDT của một cặp vợ chồng mặc cho người vợ quỳ xuống van xin Kang đừng lấy vì họ đã phải làm lụng cả tuần mới có được số tiền ấy. “Vụ đó khiến tôi ray rứt mãi. Chẳng ai dạy tôi điều hay lẽ phải hoặc xử sự đúng cách. Tôi biết làm như thế là có tội, nhưng tôi không đủ can đảm thay đổi”.

Cuộc sống của Kang đổi thay khi anh đọc được cuốn tiểu thuyết mà anh… chôm trong một hiệu sách. Đó là cuốn “Thế giới bình thường” , trong đấy một nhân vật nói: “Người ta sẽ được mở mắt vài lần trong lần. Sự mở mắt sớm sẽ quyết định số phận của người ấy”.

Kang nói cảm xúc ấy khuấy động tinh thần anh: “Tôi khóc khi đọc cuốn tiểu thuyết ấy và tôi quyết định phải trở thành một người tốt”. Khi đem trả cuốn sách, ông chủ hiệu sách cao tuổi  không la mắng  mà lại còn tặng anh một cuốn khác. Ông ấy đã nói với Khan rằng “Cứ đọc đi, và quyền lực của văn học sẽ giúp cháu”.

Khi trở về nhà, Kang bắt đầu viết nhật ký. Năm 1998 , bài thơ đầu tiên  của Kang được đăng trên báo. Năm 2003, tiểu thuyết “Chuyến xe buýt đêm” của Kang đoạt một giải thưởng quốc gia. Để có thêm vốn kiến thức, Kang đã lục tìm  sách giáo khoa cũ để ôn lại những cú pháp, câu từ. Mỗi ngày anh viết khoảng 2 giờ, có khi thức suốt đêm để sáng tác và sáng ra thì ra thẳng ruộng khoai.

Vào tháng 10, nhiệt độ buổi sáng ở Xiji xuống rất thấp, mây mù và tuyết phủ xám ngọn núi nhưng Kang và vợ kiên nhẫn đào khoai. Vụ nào trúng thì ruộng khoai của anh giúp gia đình kiếm được hơn 30.000 NDT. Cả nhà anh thường ăn khoai bữa trưa. Kang cởi áo khoác để lộ hình xăm con trâu của khoảng thời gian anh “lạc lối”, anh bảo: “Tôi thích một nhân vật điện ảnh có biệt danh Trâu, là một tên trộm vặt. Nhưng nay tôi chỉ muốn xóa dấu xăm này”. 

Anh kể rằng anh cũng đã thuyết phục “chiến hữu” quay về cuộc sống tử tế: “Nhưng họ cười nhạo tôi, nói tôi bị một cuốn tiểu thuyết tẩy não và chỉ có những đứa ngu mới đọc sách. Gần đây, một trong số “anh em” đó bị kết án 13 năm tù vì tội cướp. Với bản thân tôi, nếu không có văn học, có lẽ tôi cũng đã không tìm ra  được ý nghĩa cuộc sống của mình. Viết văn không giúp tôi giàu, nhưng khiến tôi tin rằng một nhà nông có thể sống một cuộc đời đầy hy vọng”.

Văn hóa và truyền thống

Xiji có 510.000 dân nhưng có đến 37 câu lạc bộ văn học, hơn 200 nhà văn, nhà thơ đã có tác phẩm được in, gồm 6 người thuộc Hội Nhà văn Trung Quốc và 31 người thuộc Hội văn học tỉnh - Guo Ning, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Xiji cho biết. Là ổng biên tập một tạp chí văn học lớn ở địa phương, Guo nói trong 3 năm qua ông đã nhận hơn 25.000 email của nhiều cộng tác viên: “Đọc và sáng tác là văn hóa và truyền thống của chúng tôi. Mọi người đã có được mối quan hệ thân thiết nhờ văn học”.

Wang Xueyi 52 tuổi, bị liệt sau một tai nạn hồi 19 tuổi, nói nhờ sáng tác mà ông “sống lại”. Vụ tai nạn khiến ông nằm liệt giường suốt 7 năm, ông chỉ có thể đọc sách và viết lách. Năm 1987, Wang in tập truyện đầu tay và kiếm được 40 NDT. Khi một nhà biên tập gọi đặt viết thêm nhiều truyện nữa, ông cảm thấy mình còn có ích trên đời: “Nếu không nhờ đọc truyện của tôi,  có ai biết một kẻ liệt như tôi. Khi những người yêu văn học đến thăm tôi lần đầu tiên, tôi cảm thấy như mình là món đồ cổ cuối cùng cũng được tìm thấy sau nhiều thế kỷ. Các vị khách ấy cũng là nông dân, chúng tôi nói chuyện về mùa màng, thú nuôi và dĩ nhiên là bàn luận văn học”.     

Yang Xiuqin 40 tuổi , viết những tiểu thuyết tình cho các nữ nông dân như bà: “Ở nông thôn, phụ nữ thường không được đi học, nhưng tôi muốn chứng minh phụ nữ cũng cần được thụ hưởng giáo dục và có thể trở thành nhà văn”. Thành công của bà Yang đã khuyến khích 2 cô con gái 16 và 18 tuổi tiếp tục học tập, dù ông chồng thường hay càu nhàu việc vợ bỏ bê công việc đồng áng mà chỉ lo viết văn !”.

“Quá khùng, quá rảnh”

Ma Jianguo 43 tuổi, là nhà thơ duy nhất ở làng. Ông  nói: “Bị hiểu sai, bị xem thường là những sự cố thường gặp phải với các nhà văn nông thôn”. Hiếm khi ra khỏi làng, Ma chỉ thường sáng tác về cuộc sống và môi trường màu mỡ ở Jiangnan (hạ lưu sông Dương Tử). Ông nói: “Việc đó cần trí tưởng tượng. Tôi luôn tưởng tưởng sau những ngọn đồi kia là sông hồ, cây và hoa. Đó là địa thế tôi luôn muốn được sống”.

Tường nhà ông nông dân - thợ nề treo đầy các tác phẩm - chủ yếu là thơ cổ và những câu cách ngôn - viết trên giấy trắng và đóng triện. Từ năm 2007, mỗi năm ông Ma đều khoe thơ ở chợ phiên của làng: “Nhưng tôi chẳng gặp được người biết bình thơ. Tôi thường năn nỉ người ta bình, tốt xấu gì cũng được, nhưng chỉ vài người ghé qua. Đa số đều bảo tôi khùng, họ bảo: “Rảnh quá nên viết ba cái thứ vớ vẩn này.  Sao không đi nướng khoai ?”. 

Su Bingpeng là  Trưởng biên tập của tạp chí “Văn học sông Hoàng” (một tờ báo lớn ở Ningxia) nói: “Ở những vùng quê nghèo, văn học có thể là lực đẩy tinh thần mạnh mẽ, giúp người ta sống. Bên cạnh đó, vì không có nhiều trò giải trí, nên viết văn làm thơ là sinh hoạt phổ biến ở đây. Nhưng sáng tác thì khó kiếm ra tiền”. Tạp chí của ông trả 30 NDT cho một văn phẩm dài 1.000 chữ, nhưng số tiền nhuận bút giảm dần do tạp chí bị giảm số lượng.

Dù vậy, nhà thơ Zhang vẫn  sáng tác. Ông nói: “Tiền không là tất cả. Tôi tin người ta có quyền thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên và văn học, dù chẳng có tiền hoặc không được học hành”. Zhang nói sáng tác là sự thôi thúc từ thâm sâu bản năng của con người.

Lúc 10 tuổi, Zhang từng bị viêm gan cấp tính, bố anh dùng tấm bạt kéo con đi 20km tới bệnh viện. Đường làng mấp mô khiến Zhang thức giấc, Zhang nhìn thấy chân trời tím và ánh chiều đỏ rực: “Cảnh buồn nhưng đẹp lung linh. Tôi ứa lệ và đó là lúc tôi biết mình muốn làm thơ”. Ông còn trích một câu thơ từ bài “Đây là chốn thế giới buông màn”:

“Bạn có thể nguyền rủa, hoặc trốn chạy khi cuộc sống bủa vây bạn. Hoặc bạn có thể làm thơ”…

Thảo Hương (theo China Daily)
.
.
.