Không có gì mà ầm ĩ cả

Nồng nàn hay nồng nặc?

Thứ Ba, 01/12/2015, 14:42
Thành phố Quy Nhơn (Bình Định) rầm rộ mở chiến dịch "chặt bỏ 3.000 cây hoa sữa" vì... dân kiện do không chịu nổi mùi. Lại nhớ nhiều thành phố cũng bị hoa sữa hành hạ mũi chứ không riêng gì Quy Nhơn.

Phong trào hoa sữa phát triển nhanh và mạnh trong một thời gian ngắn. Trước 1975, cây sữa chỉ độc quyền ở Hà Nội? Từ thập niên 1980, cây sữa được "phủ sóng" toàn quốc. Có thể kể ra, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Lạng Sơn, Quảng Nam, Khánh Hòa , Quy Nhơn, Tây Nguyên, Trà Vinh tiến rất nhanh trên con đường nồng nàn hóa đô thị.

Các tuyến đường có nhiều hoa sữa của Lạng Sơn là Nhị Thanh, Lê Lợi, Bà Triệu, Quang Trung… Dân bán hàng nước cũng than thở bị dị ứng và choáng váng với mùi hoa. Thậm chí có lúc phải bỏ bán hàng để cứu mũi. Có bạn nữ trẻ than thở rằng "Ăn cơm tối xong là tôi phải "sơ tán" sang nhà bạn ở ngoại ô thành phố để trốn mùi hoa".

Đà Nẵng cũng đã từng phải loại bớt hoa sữa cho dân đỡ khổ.

Minh họa: Lê Tâm.

Khánh Hòa với 1.000 cây trên 53 tuyến đường cũng tra tấn mũi người dân đến mức chính quyền đã nhất trí phải loại bớt. Tuy vậy, việc thay mới không dễ dàng nên người dân phải xác định sống chung với nồng nàn.

Cây hoa sữa mới xuất hiện tại Trà Vinh, được trồng nhiều ở hai tuyến đường Quang Trung và Hùng Vương với số lượng trên 100 cây. 100 cây hoa sữa mơ mộng giờ đây đang trở thành nỗi sợ hãi của người dân và họ yêu cầu cơ quan chức năng phải đốn bỏ. Vấn đề từ nồng nàn đã chuyển sang nồng nặc. Dân sống dọc ở hai bên đường khó chịu, nhiều người còn bị dị ứng nên càng quyết liệt yêu cầu cơ quan chức năng "khai tử" hoa sữa.

Hà Nội là nơi có nhiều thi ca về hoa sữa nhất nhưng mật độ trồng vẫn thua xa địa phương khác. Đường Quang Trung, Nguyễn Du, cây sữa thưa thớt cũng đủ nồng nàn dịp cuối đông. Đến mức hoa này trở thành biểu tượng lãng mạn Thủ đô. Đến mức đã từng có một ban nhạc lừng danh Thủ đô tên là Hoa Sữa. Tuy vậy, các khu đô thị mới, mật độ hoa sữa dày hơn đang đe dọa việc kinh doanh do khách hàng choáng váng.

Một vài cây thì dễ chịu chứ một vài ngàn cây thì lượng đổi chất đổi mất rồi. Nồng nàn thành nồng nặc và hậu quả là nôn nao.

Tại sao hoa sữa được trồng gì mà lắm thế? Vụ này  do máu văn nghệ của các nhà lãnh đạo chứ ai vào đây nữa. Truy gốc thì "tạo gió" cho vụ này là các nhà thơ, "tạo bão" cho vụ này là các nhạc sĩ. Lãnh đạo nghe câu "Mùa hoa sữa về thơm từng cơn gió" của Trịnh Công Sơn, thế là cảm xúc nảy tưng lên. Lãnh đạo đắm mình trong câu "Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm" của Hồng Đăng thì cảm xúc cũng nảy tưng lên và quyết tâm biến địa phương mình đuổi kịp Thủ đô về lãng mạn. Các nhạc sĩ thật quá… nguy hiểm. Chắc có nhạc sĩ đã từng sáng tác riêng cho lãnh đạo các bài hát về vàng tâm ca hay mỡ ca chẳng hạn.

Việc trồng rồi chặt được gọi là tư duy hoa sữa, tốn tiền dân hại sức khỏe cộng đồng bao giờ mới chấm dứt? Cái gì hay ho mấy cũng cần tính mức độ. Không phải cái gì cũng đồng bộ hóa.

Còn bạn, bạn có thích mọi rung cảm bị "đồng phục" hóa không?

Lê tâm
.
.
.