Nữ sinh viên đại học và cái kết có hậu với chàng trai tật nguyền

Thứ Hai, 22/08/2016, 11:26
Tình cờ quen biết nhau qua chương trình Quà tặng âm nhạc, nữ sinh viên Trường Đại học Sài Gòn đã phải lòng chàng trai nghèo bị tai nạn lao động, cụt hết các ngón bàn tay phải và khuôn mặt dị dạng, mắt bị mù.

Vượt qua mọi rào cản từ gia đình và xã hội, sau 4 năm kiên trì yêu thương nhau, họ đã có mái ấm hạnh phúc với một thiên thần xinh xắn. Ngày ngày, người vợ trẻ chở chồng tật nguyền đi mưu sinh bằng nghề hát rong.

Tìm về xóm Tân Hòa, xã Thạch Hương, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), hỏi chuyện gia đình của anh Phạm Trường Giang (SN 1984), bà con lối xóm nơi đây đều tỏ thái độ cảm thông và chia sẻ khi cho rằng, anh này được hưởng lộc "thần tài", không những may mắn thoát chết trong một tai nạn kinh hoàng mà còn tìm được vợ đẹp, có con khôn ngay cả khi đã là người tàn phế.

Gia đình hạnh phúc của anh Giang, chị Duyên hiện nay.

Chị Lưu Thị Duyên (SN 1989) đã bước vào cuộc đời của anh từ trên giảng đường đại học để viết nên câu chuyện tình yêu cổ tích thần kỳ giữa đời thực.

Nghị lực của một chàng trai tật nguyền

Anh Phạm Trường Giang sinh ra trong gia đình có 4 người con, bố mẹ làm nông nghiệp, cuộc sống khó khăn nên gắng gượng cho các con học xong lớp 12 thì rẽ ngang, tự bươn chải mưu sinh. Cầm tấm bằng tốt nghiệp cấp 3 trong tay, Giang vào Đà Nẵng để tìm kiếm việc làm nhưng chẳng nơi nào nhận.

Cực chẳng đã, Giang tìm đến một mỏ đá tại xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang xin làm thuê với mức lương 1,8 triệu đồng mỗi tháng, bao ăn ở. Dù công việc cơ cực, đồng lương bèo bọt song Giang vẫn cố gắng bám trụ trong suốt thời gian gần 5 năm trời.

Cuối năm 2008, khi đang có ý định làm hết tháng để lĩnh lương, xin nghỉ về quê kiếm việc khác để làm thì tai nạn lao động ập đến. Do bất cẩn trong quá trình nổ mìn khai thác đá, Giang và một số lao động khác bị đất đá vùi lấp.

May mắn giữ lại được mạng sống, song Giang bị gãy tay, tất cả các ngón của bàn tay phải bị đứt lìa, không thể nối lại. Ngoài ra, gương mặt của Giang cũng bị biến dạng, méo mó và mắt bị mù, hạn chế tầm nhìn đến 99%.

Sau hơn 2 tháng điều trị tại bệnh viện, Phạm Trường Giang được công ty hỗ trợ thêm 20 triệu đồng để về quê, ngoài ra không có thêm bất cứ khoản chi phí đền bù nào. Với suy nghĩ giữ lại được mạng sống là điều may mắn nhất, nên gia đình Giang không đòi hỏi gì thêm, chỉ tập trung điều trị, phục hồi chức năng cho con. Vượt qua cú sốc tâm lý, Giang bắt đầu hành trình tìm lại mình.

Từ chiếc radio cũ kỹ của cha, Giang đã kết nối được với thế giới bên ngoài và 14 tháng sau kể từ khi ngã rẽ phận người ập đến, anh đã được Đoàn Khuyết tật tình thương tỉnh Nghệ An đón nhận.

Tại đây, vừa học thêm tại các trung tâm, vừa tự luyện khả năng sử dụng các loại đàn như Guitar, Organ cũng như khả năng thanh nhạc của Giang đã được nâng lên. Hằng ngày, anh có thể tham gia đàn hát tại các chương trình giao lưu nghệ thuật, gây quỹ tình thương.

Anh Phạm Trường Giang với "đồ nghề" mưu sinh hằng ngày của mình.

Được một thời gian, Giang xin nghỉ đoàn để đi học nâng cao trình độ về vi tính và tiếng Anh, sau đó được một tổ chức tình thương tại tỉnh Bắc Ninh đón nhận vào làm việc. Hằng ngày, anh vừa tham gia các hoạt động gây quỹ tình thương của đoàn, vừa hát rong để kiếm thêm thu nhập.

Phạm Trường Giang tâm sự, từ nhỏ bản thân anh rất thích âm nhạc, song không biết hát. Chỉ đến khi bị tai nạn dẫn đến tàn phế, anh mới kiên trì luyện giọng và bằng nghị lực cộng với niềm đam mê cháy bỏng, đến nay anh đã có thể mưu sinh bằng chính giọng hát của mình.

Sở trường của Giang là dân ca Nghệ Tĩnh và nhạc đỏ, nhạc trữ tình. Cũng bởi say mê âm nhạc, Giang tình cờ biết đến chương trình "Quà tặng âm nhạc", phát trên sóng phát thanh của Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An.

Từ chỗ độc giả thân thiết, Giang đã tham gia giao lưu trực tiếp và hát cho độc giả nghe qua sóng phát thanh. Lần ấy, anh đã để lại số điện thoại để độc giả giao lưu, chia sẻ.

Chuyện tình qua Radio

Cũng là một người con xứ Nghệ xa quê, chị Lưu Thị Duyên, quê xã Nghi Kiều, huyện Nghi Lộc (Nghệ An), sinh viên của Khoa Kế toán, Trường Đại học Sài Gòn cũng thường xuyên tìm đến chương trình "Quà tặng âm nhạc" để gửi gắm tâm tư, tình cảm.

Cuối năm 2011, khi ấy đang là sinh viên năm thứ 2, chị Duyên bất ngờ bị cuốn hút bởi giọng hát ngọt ngào, lãng mạn của một "ca sĩ" nghiệp dư trên sóng phát thanh.

Từ câu chuyện được chính anh Giang chia sẻ mà chị nghe qua chương trình, Duyên đã quyết định lưu lại số điện thoại để chủ động nhắn tin làm quen.

Ban đầu, hai người chỉ nói chuyện xã giao, chia sẻ những niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống. Cứ như vậy, theo thời gian, tình cảm bắt đầu nảy sinh và lớn dần lên, từ chỗ chỉ thi thoảng liên lạc, đến việc ngày nào anh chị cũng nhắn tin, gọi điện cho nhau. Đến lúc nhận thấy không đơn thuần là tình cảm thông thường nữa, Giang đã nói thật cho chị Duyên biết về thân phận éo le của mình.

Không vỡ mộng, mùa hè năm 2012, nhân dịp về quê nghỉ, nói dối gia đình phải học hè và đi làm thêm, chị Duyên đã quyết định từ Nghệ An vào Hà Tĩnh gặp gỡ anh Giang. Cuộc gặp định mệnh, ngoại hình của anh đã không làm cho chị thất vọng mà ngược lại, hai người đã xác định sinh ra là để thuộc về nhau.

Cũng bắt đầu từ đấy, anh Giang, chị Duyên đã phải trải qua một "cuộc chiến" dai dẳng với gia đình chị Duyên, bởi khi biết cô con gái xinh xắn của mình yêu một người đàn ông tật nguyền, tương lai không đoán định, bố mẹ chị Duyên đã phản đối ra mặt. "Đó thực sự là thời gian khó khăn nhất của chúng em.

Bản thân em sinh ra trong gia đình có 6 anh chị em, bố mẹ cũng làm nông, các anh chị cũng vậy, nên niềm hy vọng lớn nhất đều đổ dồn vào em. Do đó, khi biết em yêu thương anh Giang, mọi người đã phản đối, thậm chí đòi từ mặt nếu chúng em đến với nhau", chị Duyên chia sẻ.

Ông Phạm Dung, bố anh Giang bày tỏ lòng biết ơn đối với cô con dâu thảo hiền.

Năm 2014, chị Duyên tốt nghiệp đại học, để "chia rẽ" hai người, gia đình đã xin việc cho chị ở Nghệ An với hy vọng xa mặt cách lòng. Thế nhưng, mọi nỗ lực chia cách đều không có ý nghĩa, thậm chí tình cảm của hai người càng gắn bó hơn sau mỗi lần bị cấm cản, chia rẽ.

Khi biết không thể thuyết phục được bố mẹ, Giang và Duyên quyết định đi "nước cờ" cuối cùng, ấy là sinh con để tìm kiếm sự ràng buộc. Ngày tháng trôi qua, cái thai trong bụng lớn dần lên, đến ngày sinh nở song vẫn không lay chuyển được ý chí của gia đình bên vợ.

Đến lúc xác định cháu bé đã đến ngày sinh nở, ông Phạm Dung (SN 1956), bố đẻ của anh Giang vẫn quyết định tổ chức đơn phương cưới hỏi, liên hoan để chính thức đón con dâu. Thật bất ngờ, ngày gia đình làm lễ liên hoan, bố mẹ chị Duyên đã từ Nghệ An vào và cho biết chấp nhận cuộc hôn nhân này.

Niềm vui càng lớn hơn khi đúng 10 ngày sau lễ cưới, vào ngày 23-10-2015, cháu bé Nguyễn Thị Thanh Hiền cất tiếng khóc chào đời trong vòng tay đón đợi của bố mẹ và gia đình hai bên nội ngoại.

Sau khi lấy chồng, sinh con, chị Duyên buộc phải nghỉ hẳn công việc kế toán ở công ty để ở nhà chăm sóc gia đình. Đều đặn mỗi ngày, với chiếc xe máy tích cóp mua được, chị Duyên chở chồng xuống thành phố để đi hát rong mưu sinh.

"Công việc bấp bênh, phụ thuộc vào thời tiết và sức khỏe. Bản thân em sức khỏe yếu, đau mỏi mỗi khi trái gió trở trời nên thu nhập cũng bấp bênh.

Cũng may, nhờ bản thân tự học thêm được khả năng chơi đàn Organ nên mỗi lần có sự kiện liên hoan, cưới hỏi ở làng trên xóm dưới, em đều "nhận sô" nên cũng có đồng ra đồng vào để mua bỉm, sữa cho con", anh Giang tiết lộ.

Hiện, con gái đầu lòng của anh chị đã gần một tuổi, dự tính trong tương lai gần, hai vợ chồng sẽ tích cóp vốn liếng để mưu sinh.

Ông Phạm Dung, bố đẻ anh Giang chia sẻ: Từ sau khi Giang thoát chết trong tai nạn mỏ đá hy hữu, gia đình nghĩ rằng đã có trời Phật phù hộ nên bản thân ông đã ăn chay, niệm Phật và năng lên chùa để tỏ lòng thành tâm.

Lúc Duyên dũng cảm bước vào cuộc đời của Giang, ông càng tin rằng, đã có phép màu kỳ diệu đến với con trai mình.

Ông Nguyễn Đình Kiều, Chủ tịch UBND xã Thạch Hương cho biết: Anh Phạm Trường Giang là điển hình nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Mặc dù tai nạn dẫn đến tật nguyền, hoàn cảnh khó khăn, éo le nhưng vẫn không ngừng tự học hỏi để vươn lên, vượt qua số phận. Chính quyền địa phương cũng đã tạo mọi điều kiện để hai vợ chồng ổn định nghề nghiệp, ổn định cuộc sống lâu dài.

Thiện Thành
.
.
.