Nửa đời lặn lội đi tìm hài cốt người yêu

Thứ Năm, 08/01/2015, 10:30
Hơn bốn mươi năm qua, bà giáo Chu Lưu Quang, sinh năm 1950, trú tại thị trấn Sơn Tây, Hà Nội, đã đi khắp dải đất hình chữ S, sang cả Lào và Campuchia để tìm hài cốt người yêu. Và cũng từng đó năm, người phụ nữ này sống cô độc để giữ trọn lòng trung trinh với người đã mất. Ước nguyện lớn lao nhất của bà là tìm được hài cốt của người yêu. Có như vậy bà mới thanh thản nếu sau này hai người được gặp nhau ở một thế giới khác.
Vn ch dù gp kiếp sau

Phải hẹn hò rất nhiều lần và cũng phải thuyết phục rất nhiều lần bà giáo Chu Lưu Quang mới đồng ý gặp chúng tôi. Bà bảo: "Chuyện của bà cũng bình thường thôi mà, có gì đáng để viết đâu". Có thể đó là chuyện xuất phát từ tâm người đàn bà chung tình nên bà thấy đó là chuyện rất đỗi bình thường, đáng làm và nên làm. Còn chúng tôi và có lẽ nhiều người khác nữa sẽ thấy đấy là một tấm gương ngời sáng về lòng chung thủy sắc son. Hơn bốn mươi năm qua người phụ nữ ấy đã vượt qua những đắng cay, cô độc để sống và đi tới cùng lời hẹn ước lứa đôi.

Những bức thư tình bà đọc đến thuộc làu.

Trong ngôi nhà ngỏ, người phụ nữ với đôi mắt buồn rười rượi đã kể cho chúng tôi nghe về tình yêu dang dở của đời bà. Hồi đó, bà giáo Chu Lưu Quang đem lòng yêu người thanh niên cùng thôn là Đào Đức Định. "Anh ấy là người rất lãng mạn. Hồi chúng tôi yêu nhau anh Định vẫn thường dẫn tôi lên đồi hái sim. Anh ấy còn bảo, nếu chúng mình lấy nhau, anh thích con đầu lòng là con gái và anh muốn nó giống hệt em" - bà tâm sự. Tình yêu đang độ chín thì hai người phải chia tay để anh Định lên đường nhập ngũ. Lúc đó bà Quang vừa tròn 19 tuổi.

"Đó là năm 1969, anh Định làm đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Trước ngày lên đường, anh đã đàn và hát cho tôi nghe. Thế nhưng, khi đang đàn và hát say sưa thì dây đàn bỗng nhiên bị đứt. Tôi đã khóc và nói với anh ấy rằng đó là điềm báo không lành. Anh ấy nhìn tôi cười và bảo: "Em đúng là con gái. Chỉ hay suy diễn lung tung". Anh ấy nói vậy nhưng cũng không giấu được những giọt nước mắt. Anh Định còn nói với tôi, nếu anh ấy đi lâu quá mà chưa trở về thì đừng đợi, đừng để vụt mất tuổi thanh xuân" - bà giáo Quang nhớ lại.

Từ khi người yêu cất bước ra đi là từng ngày bà giáo Quang sống trong thấp thỏm lo âu. Cũng may những cánh thư từ chiến trường liên tục được gửi về khiến cô giáo trẻ phần nào yên tâm. Mỗi khi nhớ người yêu, bà lại gửi những tâm sự của mình vào những lá thư chan chứa yêu thương. Thế nhưng đến một giai đoạn bà Quang gửi đi rất nhiều thư nhưng không nhận được hồi âm. Linh tính của người đàn bà đang yêu mách bảo về một điều chẳng lành.

Chân dung liệt sĩ Đào Đức Định.

Nhưng mỗi lần nghĩ tới, bà Quang lại gạt đi và an ủi rằng đến một ngày người yêu bà sẽ trở về. "Lá thư cuối cùng của anh ấy gửi cho tôi, anh ấy đã viết là: "Chúng ta xa nhau vào mùa mưa là mùa ly biệt, nhưng rồi Định tin rằng, thống nhất Tổ quốc là một ngày nắng đẹp. Định sẽ trở về quê hương, sẽ bước vội trên con đường từ bến xe về nhà dù còm cõi ốm đau, dù tàn phế... miễn làm sao vẫn có một tâm hồn trở về gặp Quang và gia đình". Thế nên tôi luôn tin anh ấy sẽ không thất hứa với tôi" - bà Quang nhớ lại.

Nhưng điều bà giáo Quang không dám nghĩ tới thì nó vẫn cứ đến. Tháng 10/1974, gia đình ông Định nhận được giấy báo tử. Hay tin, bà giáo Quang chết lặng. Bao nhiêu hy vọng về một ngày đoàn viên hạnh phúc giờ tan thành mây khói. Lúc đó, bà đã nghĩ đến cái chết để mong được gặp lại người yêu dù là ở một thế giới xa xôi. Thế nhưng khi tỉnh táo bà Quang lại nghĩ mình nhất định phải sống. Sống để tìm hài cốt của người yêu, để tâm hồn ông không phải vất vưởng, lạnh lẽo ở một nơi xa lạ nào đó.

Bà giáo Quang tâm sự: "Không biết các bạn trẻ bây giờ yêu nhau thì thế nào, chứ bọn mình ngày xưa yêu nhau là trọng lời hứa lắm. Đã thề là chờ đợi nhau thì sống chết cũng phải giữ lời thề". Thế nên dù không chính thức cưới hỏi và cũng chả cần ai công nhận, nhưng trong lòng bà giáo Chu Lưu Quang đã "cưới" chàng thanh niên Đào Đức Định từ ngày ông ngỏ lời yêu.

Chng đường tìm m đy chông gai

Chỉ vào chiếc đàn ghi-ta đứt một dây treo trên tường, bà giáo già tâm sự: "Trước khi chia tay, anh Định đã tặng tôi chiếc đàn ghi-ta này. Anh bảo, khi nào đất nước hòa bình, anh sẽ trở về đàn và hát cho tôi nghe. Giờ tôi giữ nó giống như báu vật của mình vậy". Nhiều lúc ký ức ùa về, bà giáo Quang lại gỡ cây đàn ghi-ta xuống để lau chùi và khóc. Đã nhiều lần bà tưởng tượng rằng, nếu người yêu bà không hi sinh thì có lẽ giờ bà đã có một gia đình đầm ấm và hạnh phúc.

Kể từ ngày gia đình người yêu nhận được giấy bảo tử của ông Định, bà đã đặt quyết tâm chừng nào còn sống thì chừng đó bà sẽ đi tìm phần thi thể của người yêu. Thế nên sau mỗi dịp nghỉ hè bà lại bắt đầu hành trình đi tìm mộ đầy gian khó. Những chiến trường mà ông Định đã từng qua bà đều đã có mặt nhưng vẫn bóng chim tăm cá. Nhiều người bảo bà "điên" vì đã không biết nghĩ tới hạnh phúc của bản thân mà cứ mãi đeo đuổi những điều hư vô. Cũng đã có biết bao người đàn ông muốn xây dựng hạnh phúc gia đình với bà nhưng bà đều từ chối. Bởi theo bà quan niệm, hạnh phúc là được sống với người mình yêu.

Bức thư cuối cùng người yêu gửi cho bà.

Hơn bốn mươi năm đi tìm mộ liệt sỹ Đào Đức Định, bà Quang không còn nhớ nổi mình đã đi tới những đâu và gặp những ai nữa. Bởi ở đâu có manh mối là bà đều tìm đến. Người thân trong gia đình liệt sỹ Định nhiều lúc cũng rơi vào tuyệt vọng nhưng bà Quang thì không. Bà không bỏ qua bất kể một cơ hội nào để tìm hài cốt người yêu. Dựa vào lá thư cuối cùng liệt sỹ Định viết gửi về cho bà từ đất bạn Lào nên bà Quang cũng đã hai lần sang đó để tìm mộ.

Bà đã đến các nghĩa trang ở Luông Pha Băng và Thà Khẹt, không bỏ sót dù chỉ một ngôi mộ ở hai nơi đó nhưng vẫn không thấy ngôi mộ nào có tên của người yêu. Bà chia sẻ: "Có lúc tôi không còn niềm tin nữa, những lúc ấy tôi thường ra mộ gió (ngôi mộ xây ở địa phương, chỉ có tên của liệt sỹ Định chứ không có hài cốt - pv) của anh để cầu mong anh tiếp thêm cho tôi nghị lực. Tôi đã tâm sự với anh rất nhiều và xin anh dẫn đường chỉ lối cho mình".

Giây phút thảnh thơi của bà Quang.

Quá trình tìm kiếm mộ liệt sỹ Định của cô giáo Chu Lưu Quang tưởng chừng đi vào ngõ cụt thì vào năm 2010 tia hy vọng đã đến với bà cùng gia đình liệt sỹ Định. Năm đó, tình cờ bà lên mạng và biết trang tin "Hỗ trợ gia đình liệt sỹ trong việc tìm kiếm hài cốt người thân", bà đã gửi đăng thông tin liệt sỹ Định lên trang web. Và may mắn đã đến khi bà nhận được cuộc điện thoại từ đồng chí Lã Hữu Vĩnh ở TP Hồ Chí Minh, người cùng đơn vị với liệt sỹ Định năm xưa.

 Bà Quang liền bắt xe vào gặp ông Vĩnh. Gần một tháng với sự giúp đỡ của những đồng đội cũ của ông Định, bà đã đi khắp các nghĩa trang ở miền Tây, miền Nam để tìm mộ người yêu. Cuối cùng, ông trời không phụ lòng, bà cùng với những người đồng đội năm xưa đã tìm được nơi giải mã phiên hiệu đơn vị mà liệt sỹ Định đã hy sinh năm xưa.

Niềm vui vỡ òa khi bà Quang biết được phiên hiệu 24KB của người yêu. Bởi trước đó, gia đình không hề biết liệt sỹ Định hy sinh ở chiến trường nào. Đơn vị 24KB năm đó đã tham gia trận đánh trong chiến dịch Chen La II của quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia. "Đồng đội của anh Định cho biết, trước khi mất, anh chiến đấu rất dũng cảm. Thi thể anh Định cùng ba đồng đội nữa được mai táng gần chùa Phum Bân thuộc tỉnh Kandal, Campchia", cô Quang chia sẻ - Đây cũng là cuộc tìm kiếm mà bà nhớ nhất. Bởi sau chuyến đi miền Nam này, bà đã thấy liệt sỹ Định ở đâu đó rất gần.

Nhìn người phụ nữ luống tuổi trong ngôi nhà giữa một buổi chiều đông nhập nhoạng chúng tôi chợt thấy chạnh lòng. Một chút gì đó cảm thương lẫn cảm phục cứ trào dâng trong lòng chúng tôi. Những vần thơ của bà giáo già Chu Lưu Quang viết gửi người yêu cứ ám ảnh khôn nguôi: "Anh! em đến rồi không nhận ra em sao?/ Chiếc nón trắng còn đây/ Chiếc khăn hồng còn đó/ Và bài thơ dang dở đợi anh về...". Mong sao một ngày không xa nữa, bà giáo Chu Lưu Quang sẽ tìm và đưa được hài cốt liệt sỹ Đào Văn Định trở về quê hương sum vầy ấm áp. Có lẽ đó sẽ là phần thưởng lớn lao nhất cho người phụ nữ cả đời chấp nhận hy sinh để giữ vẹn lòng chung thủy.

Phong Anh
.
.
.