Nửa thế kỷ hát khúc "đợi chồng"

Thứ Năm, 26/10/2017, 18:53
Yêu, rồi cưới một cựu binh người Nhật tham gia quân đội Việt Nam trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Thế rồi chiến tranh loạn lạc, bà đã phải chia tay chồng, một mình nuôi 3 đứa con thơ dại. Hơn nửa thế kỷ dài đằng đẵng, bà Nguyễn Thị Xuân (xã Vĩnh Ngọc, Đông Anh, Hà Nội) vẫn một lòng chờ chồng là ông Shimizu với niềm tin ông sẽ quay trở về.


Ngày hội ngộ bà mới hay biết chồng mình đã có gia đình rất hạnh phúc bên Nhật. Bà chẳng oán thán, chỉ cười mà nói: "Thế là tôi đã thỏa được ước mơ gặp lại chồng".

Bặt vô âm tín

Chúng tôi đến thăm bà Xuân vào đúng những ngày trời trở gió, đó cũng là lúc bà phải thở khí dung. Thế nhưng khi nhắc đến cụ ông Shimizu (tên tiếng Việt là Nguyễn Văn Đức) đôi mắt bà sáng lên, giọng nói lưu loát và rành mạch hơn rất nhiều. Tiếng Nhật câu nhớ câu quên, nhưng bài hát "Đợi chồng", bà Xuân không quên một từ nào. Bà bảo, không có bài hát này chắc bà không sống được đến này hôm nay. 

Bà Xuân là người gốc Hải Phòng, những năm 1941-1942 khi Nhật Bản sang chiếm đóng Việt Nam, bà làm thuê cho một hàng ăn chuyên bán cho lính Nhật. Chính tại đây, cơ duyên khiến bà gặp ông Đức, người đàn ông nói tiếng Việt thành thạo và rất hiền lành. Bà kể lại: "Ông ấy hơn tôi khoảng 3-4 tuổi. 

Gặp tôi ông ấy hỏi, Xuân đã lập gia đình chưa, tôi trả lời chưa, vậy là ông ấy bảo tiếp luôn, thế thì tôi xin cưới Xuân nhé. Chỉ có chừng ấy thôi mà tôi yêu ông ấy, chẳng bao lâu sau, chúng tôi đã kết hôn". 

Đám cưới Việt - Nhật diễn ra nhanh chóng, chỉ với bánh kẹo nhưng vô cùng ấm cúng. "Chúng tôi sống rất hạnh phúc, ông nhà tôi là người tử tế và rất hiền. Ở với nhau mấy năm trời nhưng không bao giờ ông ấy mắng, thậm chí nói to lấy một câu. Nhiều lúc, thấy tôi hay mọi người nói chuyện hơi to với nhau là ông ấy nhắc ngay, bảo nói chuyện thì nên nói vừa phải, đủ nghe thôi"- Nhìn bức ảnh của chồng bà Xuân nhớ lại.

Bức ảnh ông bà chụp ngày hội ngộ năm 1996.

Do đặc điểm công tác của ông Đức, bà Xuân theo chồng đi khắp nơi, khi thì đến Hải Đương, Thanh Hóa rồi lại ngược lên Thái Nguyên, Bắc Kạn… tùy vào nhiệm vụ của chồng được Việt Minh giao phó. Khi cuộc sống vợ chồng bước vào thời kỳ thăng hoa nhất thì ông Đức trở về Nhật Bản, bà không mảy may biết, chỉ nghĩ rằng chồng mình đi công tác. 

Bà Xuân nhớ lại: "Suốt từ năm 1946 đến 1954, ông Đức tham gia công tác huấn luyện trong quân đội Việt Minh ở rất nhiều địa phương. Đi đến đâu ông ấy cũng mang theo mẹ con tôi. Dù đi lại nhiều nhưng vợ chồng, cha con ở bên nhau là hạnh phúc lắm rồi".

Bước ngoặt cuộc đời bà Xuân bắt đầu từ năm 1945, sau khi Nhật đầu hàng quân đồng minh. Khi đó khoảng 100.000 binh lính Nhật đang đóng ở Đông Dương. Thay vì trở về nước, chồng bà Xuân đã cùng khoảng 600 cựu binh tham gia lực lượng Việt Minh chống Pháp. Một nửa số binh lính ở lại đã thiệt mạng trong cuộc chiến hoặc bệnh tật. 

Khi Việt Minh giành chiến thắng trước đội quân của Pháp năm 1954, một số người sống sót phải quay về quê hương. Ông Đức là một trong số 71 binh lính đầu tiên đưa về Nhật năm 1954 mà không được phép mang theo gia đình. Những người còn lại rời đi năm 1961 và có thể dẫn theo vợ con.

Khi đó, vợ chồng ông Đức đang có 2 người con là Nguyễn Thị Phương (7 tuổi); Nguyễn Văn Phi (3 tuổi) và một em bé đang trong bụng. Gia đình bà đang ở Thanh Hóa, ông Đức luôn tỏ ra buồn chán, không thiết ăn uống, nói chuyện với ai, trái ngược hẳn với tâm tính của ông. 

Trong phòng của bà Xuân, đây là góc kỷ niệm quý giá nhất.

Chuyện binh biến thay đổi, có lẽ ông Đức lường trước được cuộc chia tay không hẹn ngày gặp này. Ông không muốn nói sự thực với vợ con, ông không muốn bà phải lo lắng phải khổ sở. Rồi một ngày ông đưa vợ con ra tiệm ảnh chụp một bức thật đẹp để làm kỷ niệm, rồi ông nói với vợ mình bằng giọng vỗ về: "Tôi đi lần này ít là 5 tháng, nếu lâu hơn thì Xuân tự lo. Xuân nhớ, đừng bao giờ để các con thất học". 

Khi ấy, bà Xuân chỉ nghĩ chồng đi công tác và không suy nghĩ nhiều. Ông xách ba lô đi thẳng về hướng thị xã Thanh Hóa và không trở lại. Hết 5 tháng, 5 năm, 50 năm… Ôm con nhỏ bà khóc cạn cả nước mắt. Chiến tranh loạn lạc, chẳng biết thế nào, bà quyết định lấy ngày ông ra đi làm ngày giỗ để cúng cơm. 

Cuộc sống cơm áo, ba đứa con nhỏ đè nặng lên đôi vai bà. Thế nhưng từng đó chẳng hề hấn gì với nỗi nhớ chồng, thương chồng. Ngày nào bà cũng thẩn thơ ngồi hát khúc ca Nhật buồn: "Ngồi buồn em trông xa xa. Mong ngóng anh về cùng em. Một mình em đây cô đơn. Mong sao ngày mai có tin anh về...".

Bức ảnh kỷ niệm của ông Đức cùng vợ con trước khi trở về nước Nhật năm 1954.

"Tôi chỉ thương ông ấy"

Ông Đức trở về Nhật Bản và không liên lạc gì với vợ con. Sau nhiều năm bặt vô âm tín, sợi dây liên lạc với người vợ Việt Nam được nối lại vào những năm 1996 - 1997 do những gia đình người quen của bà Xuân tại Nhật Bản. Biết câu chuyện cảm động chờ chồng mấy chục năm, đài truyền hình NHK của Nhật đã lặn lội sang Việt Nam làm một bộ phim khá dài về bà Xuân. 

Ông Đức may mắn được xem về bộ phim đó, ông chỉ biết khóc và viết những dòng thư đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ xa cách: "Tôi sẽ sang thăm Xuân. Xuân mặc dáo dài ra đón tôi nhé". Năm 2006, ông Đức trở lại Việt Nam, đặc biệt hơn lần này ông đi cùng một người vợ Nhật Bản. Dẫu biết chồng mình đã lấy vợ khác, nhưng bà Xuân vẫn vui mừng cùng ba người con là Phương, Phi, Bình ra sân bay Nội Bài đón ông. 

Ông Đức đã già, không còn là một quân nhân tuấn tú năm nào, ông ngồi xe lăn từ từ đi ra khỏi nhà ga sân bay. Các con đã òa khóc nức nở, người cha chỉ có trong câu chuyện của mẹ giờ đã hiện hữu trước mắt. Còn phía bà Xuân, bà im lặng, bà bảo: "Tôi đã khóc không còn nước mắt nữa rồi". Ông Đức ở lại Việt Nam chưa đầy một tuần, họ cùng đi thăm thú Hà Nội. 

Bà Xuân bày tỏ cảm thông với chồng sau hơn nửa thế kỷ chờ đợi.

Ông Đức không giải thích nhiều, chỉ cầm tay vợ mà nói: "Tôi mừng vì Xuân còn khỏe. Tôi có lỗi với Xuân, với các con!". Hơn nửa thế kỷ chờ chồng, khi gặp lại chồng đã có vợ khác, gia đình êm ấm nhưng bà Xuân chẳng hề oán trách. 

Bà bảo: "Tôi chỉ thương ông ấy. Đàn ông thì cần phải tìm cho mình một người phụ nữ để chăm sóc. Ông ấy có nói với tôi và các con là có nguyện vọng gì cứ nói để ông bù đắp, giúp đỡ. Mẹ con tôi có cần gì đâu, ông ấy bệnh tật, lại vượt cả 4.000km về Việt Nam gặp lại tôi là hơn cả trong mơ rồi. Giờ có ra đi tôi cũng thấy nhẹ lòng, được thanh thản".

Trong thời gian ngắn ngủi ở Việt Nam, các con cháu đã tổ chức lễ mừng thọ cho bà Xuân, ông Đức và cả người vợ thứ hai của ông Đức. Bà Xuân nhìn về phía treo những bức ảnh kỷ niệm của gia đình tươi cười nói: "Tôi có một mơ ước là có ai đó bên Nhật gửi về cho tôi bức ảnh của ông ấy khi về già, để đặt cạnh ảnh tôi cho xứng. Năm 2006 tôi được gặp ông ấy, được chụp ảnh cùng, cùng tóc bạc, cùng da đồi mồi ngồi cạnh nhau. Quả đúng giấc mơ thành hiện thực".

Lần hội ngộ đó là lần cuối cùng bà và các con được gặp ông Đức, bởi 5 năm sau khi về Nhật ông đã qua đời. Tin ông mất vẫn được mọi người giấu kín với bà, bà luôn tin rằng chồng mình còn sống, chỉ yếu chút vì bệnh tật. Lá thư gần đây nhất ông Đức gửi cho bà cũng đã 12 năm, lá thư bằng tiếng Nhật đã được bà dịch sang tiếng Việt cẩn thận và để ngay trên đầu giường. 

Lá thư có đoạn: "Em ơi, anh không nói chuyện dài được với em vì anh đang bị ốm. Anh muốn gửi lời thành thật cảm ơn và xin lỗi em. Anh làm phiền em, làm em gặp nhiều khó khăn. Anh thành thật cảm ơn và cảm phục em đã nuôi 3 con thành người, xây dựng gia đình thành công tốt đẹp...".

Chia tay bà Xuân, chúng tôi cứ nhớ mãi câu nói của bà: "Tôi chỉ thương ông ấy. Đàn ông thì cần phải tìm cho mình một người phụ nữ để chăm sóc". Có lẽ vì tình yêu ấy, tình thương ấy mà người phụ nữ này mới có thể hát khúc "đợi chồng" đằng đẵng suốt hơn nửa thế kỷ đã qua. 

Phong Anh
.
.
.