Nước C và nước K

Thứ Sáu, 14/09/2018, 11:14
Nước C và nước K là 2 quốc gia có chung đường biên giới. Thay vì cùng nhau hợp tác phát triển, hai nước này lại thường xuyên chiến tranh với nhau.

Xét về dân số, quân sự, diện tích lãnh thỗ thì nước K có ưu thế vượt trội nước C. Tuy nhiên, dù đã thực hiện hàng trăm cuộc chiến tranh xâm lược, nước K vẫn không tài nào thắng nước C.

Tất cả các ông vua nước K trước khi chết, chỉ trăn trối một điều duy nhất cho người nối ngôi: “Con phải chinh phục nước C”. Chính vì câu nói này, nhà vua hiện nay của nước K luôn bị ám ảnh, ngài ăn không ngon, ngủ không yên. Ăn ngủ sao được khi chưa thực hiện di nguyện của vua cha.

Ngài cũng nhiều lần thân chinh đưa quân đi đánh, hao binh tốn của rất nhiều nhưng vẫn không mang lại kết quả gì. Đã vậy, quân tướng của ngài nhiều lần phải ôm đầu máu chạy về. Nhà vua rất buồn phiền vì tuổi già đã đến, con trai thì không có, di nguyện phụ vương lại chưa hoàn thành.

Thấy nhà vua ngày nào cũng buồn phiền, quan tể tướng Đại Hiền liền khuyên nhủ:

- Ngài có 3 chàng phò mã đều tài năng xuất chúng. Vậy ai có kế sách thôn tính được nước C thì ngài truyền ngôi.

Ảnh minh họa

Sau một lúc suy nghĩ, nhà vua thấy lời khuyên của quan tể tướng có lý, vừa chọn được người nối ngôi, vừa tiêu diệt được nước C theo di nguyện của cha ông. Thế là 3 chàng phò mã được gọi đến. Chàng rể Cả xin thực hiện kế sách trước, sau khi nghe xong, nhà vua nước K ưng thuận liền.

Chàng phò mã Cả thực hiện kế sách phá hoại kinh tế của nước C. Chàng mang tiền của nước K sang nước C mua bán ở khu vực biên giới gây mất an ninh tiền tệ. Chàng cho người đấu thầu các công trình giao thông và xây dựng rồi thi công chậm chạp nhằm gây lãng phí cho nước C. Đồng thời, chàng cũng cài cắm người trà trộn nắm giữ các ngành kinh tế chủ lực, nhằm làm lũng đoạn toàn bộ nền kinh tế của nước C. Tuy kế sách này có làm cho nước C phát triển chậm lại, nhưng không kiệt quệ và bị hủy diệt một sớm một chiều như mong muốn. Thế là chàng phò mã Cả đành phải nhường cơ hội cho hai chàng phò mã còn lại.

Lần này đến lượt chàng phò mã Thứ hiến kế, nhà vua nước K nghe xong gật gù ưng thuận. Chiến lược của chàng là hủy diệt nước C bằng bệnh tật. Kế sách này lúc đầu cũng có những thành công nhất định. Nhiều khu vực của nước C ô nhiễm nước và không khí trầm trọng, nhiều loại thức ăn bị nhiễm độc, nhiều người dân nước C bị bệnh hiểm nghèo.

Chàng phò mã Thứ tưởng chừng kế sách sẽ thành công nay mai, và ngôi vua nước K sẽ không thoát khỏi tay chàng. Tuy nhiên, nhiều nhân sĩ tri thức nước C phát hiện ra âm mưu thâm độc nham hiểm này và có giải pháp ngăn chặn hiệu quả. Thế là kế hoạch của chàng phò mã Thứ lại bị phá sản.

Đến phiên chàng phò mã Út thi thố tài năng. Chàng xác định giáo dục là quốc sách của một quốc gia, nên cho rằng chỉ cần làm hỏng nền giáo dục là nước C sẽ suy vong.

Nghĩ là làm, chàng tìm cách khiến nước C nở rộ gian lận thi cử để vùi những người tài xuống và đưa những thằng ngu lên. Đồng thời, chàng cho người phá hoại ngôn ngữ của nước C bằng cải cách loạn xạ ngay từ lớp 1, đến mức cha mẹ trình độ tiến sĩ cũng không thể dạy học được cho con.

Kế sách của phò mã Út tuy rất thâm độc, nhưng có một nhược điểm lớn là cần thời gian dài mới phát huy tác dụng. Và trong thời gian đó, các nhân sĩ trí thức của nước C đã nhìn rõ âm mưu của nước K, nên tìm cách ngăn chặn.

Cả 3 chàng phò mã đều chưa thành công, nhưng vua nước K cho rằng phò mã Út là trí tuệ nhất nên đã truyền ngôi cho chàng. Và cục diện giữa nước C và nước K vẫn tiếp tục như hàng ngàn năm qua.

Nghĩa Nam
.
.
.