Nước - Dầu mỏ mới

Thứ Tư, 04/01/2017, 16:19
Với tình trạng ô nhiễm ngày một nặng và dân số ngày càng tăng, nước sạch dự báo sẽ sớm trở thành một thứ tài nguyên quý giá không kém dầu mỏ trong thế kỷ trước. Nhưng không như dầu mỏ có thể thay thế bằng các loại nhiên liệu khác như điện, nhiên liệu sinh học, khí đốt..., nước là thứ không thể thay thế và ai cũng cần nước để sống.


Kỳ 1: Giá trị nhất hành tinh

Tờ Economist cho rằng dù nhiều nơi nước hầu như không mất tiền mua, nhưng đó là thứ giá trị nhất hành tinh. Người ta giết nhau vì kim cương máu, các nước phát động chiến tranh vì giành giật tài nguyên dầu mỏ, nhưng tất cả những hàng hóa giá trị nhất trên thế giới sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nếu thiếu nước.

Quyền con người

Sau hơn 15 năm tranh luận, cuối tháng 7-2010, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã bỏ phiếu công nhận tiếp cận nước sạch và điều kiện sống hợp vệ sinh là một trong những quyền căn bản của con người, với 122 phiếu ủng hộ, 44 phiếu trắng và 0 phiếu chống.

Đó là một sự công nhận khá muộn màng, vì nhiều quyền cơ bản của con người được công nhận trước đó không thể tồn tại nếu không có nước. Chẳng hạn quyền được sống. Có người được xác nhận nhịn ăn suốt 2 tháng trời mà không chết, nhưng không ai có thể sống mà không uống nước trong vòng 3-4 ngày.

Không chỉ tối quan trọng đối với con người, nước còn là cội nguồn của tất cả các dạng sống. Khi truy tìm sự sống ở các hành tinh khác, điều người ta quan tâm trước hết là xem hành tinh đó có nước hay không. Hoặc quyền được ăn - khoảng 1/3 hoạt động sản xuất lương thực trên thế giới cần đến việc tưới tiêu...

Cho đến nay, việc thiếu tiếp cận nước sạch là vi phạm nhân quyền lớn nhất trên thế giới. Theo bà Maude Barlow - cố vấn cao cấp về nước cho Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, gần 2 tỷ người sống trong các khu vực căng thẳng về nước và 3 tỷ người không có nước dùng trong vòng 1 km từ nơi ở của họ. Cứ 3,5 giây có 1 trẻ em chết do uống nước bẩn.

Nước bẩn, sát thủ đáng sợ

Nghiên cứu của Viện Nước quốc tế Stockholm (SIWI), nước bẩn giết chết nhiều người hơn so với động đất và chiến tranh. Ước tính mỗi ngày trên thế giới có tới 5.000 trẻ em bị chết do các bệnh liên quan đến nước bẩn. Trong khi đó, theo một phúc trình của LHQ năm 2006, có tới 1,1 tỷ người không tiếp cận được nước sạch và hơn 2,6 tỷ người không có điều kiện vệ sinh cơ bản. 1,5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi và 4,43 triệu em ở độ tuổi đến trường bị chết mỗi năm do các bệnh liên quan  đến nước và vệ sinh môi trường.

Một nghịch lý là người dân ở các nước nghèo phải tốn nhiều tiền cho nước sạch hơn so với các nước phát triển từ 5-10 lần. Nhiều cư dân vùng Hạ Sahara ở châu Phi có ít hơn 20 lit nước mỗi ngày, và 2/3 không có nhà vệ sinh đạt chuẩn. Ngược lại, bình quân 1 người Anh dùng 150 lít nước/ngày trong khi người Mỹ dùng 600 lít/ngày. Cá biệt có cư dân Phoenix, Arizona (Mỹ) dùng tới 1.000 lít/ngày – gấp 100 lần so với người Mozambique.

“Nước là cuộc khủng hoảng chính của hàng triệu người dễ tổn thương nhất trên thế giới”, nhà môi trường Kevin Watkins nói. Phúc trình của LHQ cho biết đa số các nước đang phát triển chi ít hơn 1% GDP cho hệ thống cung cấp nước sạch cho người dân, và hầu hết hệ thống đó phục vụ cho người giàu ở thành thị. Chính vì điều này, người nghèo mất nhiều thời gian hơn để có được nước dùng. Người dân Hạ Sahara bỏ ra 40 tỷ giờ mỗi năm để đi lấy nước, tương đương 1 năm trời làm việc của tất cả người lao động ở Pháp.

Cạn kiệt nguồn cung

Thiếu nước sạch đang là một vấn đề nhức nhối, nhưng tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn khi thế giới hết nước sạch, và điều đó rất có thể xảy ra vì dân số ngày càng tăng trong khi nước sạch ngày càng ít đi do ô nhiễm và biến đổi khí hậu.

Cách nay 2.000 năm, chỉ có khoảng 250 triệu người trên trái đất, nhưng ước tính đến năm 2020, chỉ riêng Bắc Phi và Trung Đông đã có 400 triệu người. Trong khi đó, những sa mạc như Sahara đang ngày càng mở rộng, và các nguồn nước ngày càng cạn kiệt. Mực nước Biển Chết đã giảm xuống hơn 10m trong thế kỷ 20. Hồ Chad – một trong những nơi khởi nguồn của sông Nile – giảm gần 100 m nước mỗi năm.

Mực nước ngầm tại hàng triệu hecta ở miền Bắc Trung Quốc giảm 1m/năm, khiến việc đào giếng ngày càng tốn kém. LHQ ước tính các giếng ở khu vực này phải khoan sâu 1km hoặc hơn mới có nước sạch. Những khối băng trên dãy Himalaya, từng được mệnh danh là “tháp nước của châu Á”, đang tan biến với một tốc độ báo động. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến lưu lượng nước của các con sông chính như sông Mê Công, sông Dương Tử (Trung Quốc), sông Hằng (Ấn Độ), sông Indus (Pakistan).

Ngoài ra, ô nhiễm là một hệ quả đáng sợ nhất của quá trình phát triển công nghiệp, và làm tổn hại nghiêm trọng đến nguồn cung nước sạch trên thế giới. Trung Quốc hiện là nơi bị cáo buộc gây ô nhiễm nguồn nước nhiều nhất. Sông Dương Tử ở nước này là một trong những con sông bị ô nhiễm nặng nhất thế giới. Hơn 40% trong 662 thành phố lớn của Trung Quốc không có hệ thống xử lý rác và chất thải. 

Ước tính của chính quyền Bắc Kinh cho biết 9/10 thành phố trong nước có hệ thống nước ngầm bị ô nhiễm, và khoảng 300 triệu người phải uống nước không an toàn.

Một báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) nói rằng, đến năm 2030, nhu cầu toàn cầu đối với nước sẽ vượt quá mức cung cấp đến 40%. Hiện 2 tỷ người sống ở các nước đang căng thẳng về nước và đến năm 2025, 2/3 dân số thế giới sẽ phải sống trong những nước hoặc khu vực chịu căng thẳng về nước, trừ khi xu hướng hiện tại thay đổi. Hơn nữa, sẽ có thêm các cuộc xung đột về nước vì nguồn tài nguyên này càng ngày càng khan hiếm. Goldman Sachs ước tính tiêu thụ nước trên toàn cầu sẽ tăng gấp đôi mỗi 20 năm.

Ngành công nghiệp 400 tỷ USD

Vào thời điểm đó (năm 2000), Fortune cho biết việc cung cấp loại chất lỏng “mọi người đều cần” và “ngày càng cần hơn” đang được tư hữu hóa trên khắp thế giới, từ Buenos Aires đến Atlanta hay Jakarta và tạo ra những cơ hội kinh doanh cực kỳ béo bở cho các đại gia công nghiệp. Cung cấp nước cho người dân và doanh nghiệp là một ngành công nghiệp mang về 400 tỷ USD mỗi năm. Số tiền đó tương đương 40% so với ngành dầu mỏ, và lớn hơn ngành dược phẩm toàn cầu 1/3.

Chỉ tính riêng ở Hoa Kỳ, nước là một ngành công nghiệp trị giá 100 tỷ USD. Ngành công nghiệp nước đã chuyển mình mạnh mẽ từ ngành ít lợi nhuận thành một ngành ðýợc ví von là “vàng xanh”. “Ngành này rất có tiềm nãng phát triển. Sẽ có chiến tranh thế giới vì nước trong tương lai, vì đó là một loại tài nguyên quý giá và có giới hạn”, Peter Spillett, một nhà điều hành cao cấp của Thames Water, nói.

Hiện ngành công nghiệp nước trên thế giới đang tập trung vào tay 3 đại gia, gồm Vivendi và Suez của Pháp, và Thames Water của Anh, nhưng thuộc sở hữu của Tập đoàn Đức RWE. Năm 1993, 3 đại gia này chỉ hoạt động tại 12 nước, nhưng tính đến năm 2003, họ là nhà cung cấp nước sạch cho 56 nước. Trong đó, đại gia nổi trội nhất là Suez. Trong 30 thành phố lớn nhất mời thầu dịch vụ cung cấp nước trong giai đoạn từ 1995-2000, 20 thành phố chọn Suez. Chỉ trong năm 1999, công ty này có doanh thu 32 tỷ USD và đạt lợi nhuận 1,5 tỷ USD.

Béo bở nước đóng chai

Bên cạnh việc cung cấp nước uống qua hệ thống ống nước như các đại gia Suez, Vivendi và Thames Water, các công ty tư nhân cũng thu lợi lớn từ hoạt động bán nước uống đóng chai, với doanh thu ước tính hơn 50 tỷ USD/năm.

Người Mỹ ước tính chi mỗi năm 11 tỷ USD cho nước uống đóng chai, và con số này mỗi năm một tăng vì nhu cầu đối với nước uống đóng chai cũng tăng nhanh theo dân số và theo sự nóng lên của trái đất. Năm 2006, người Mỹ tiêu thụ 37.505.242.500 lít nước uống đóng chai, tăng 9,5% so với năm 2005, trong khi lượng tiêu thụ bình quân đầu người tăng từ 115 lít lên 125 lít. Doanh số năm 2006 cũng tăng 8,5% so với năm 2005. Trong vòng 5 năm tính đến năm 2007, tăng trưởng bình quân của ngành nước đóng chai là 10%, cao hơn so với mức 6% của ngành nước ngọt.

Cho đến nay, nước đóng chai là ngành tăng trưởng nhanh nhất trong các ngành công nghiệp ẩm thực trên thế giới. Tại Bulgaria, thị trường nước đóng chai tăng trưởng tới 22% trong năm 2007. Ở châu Mỹ Latin, ngành này đạt tăng trưởng bình quân 14%/năm trong 5 năm trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính, trong khi thị trường châu Á tăng trưởng bình quân 13% trong cùng kỳ. Hiện các đại gia nước uống đóng chai trên thế giới là các tên tuổi như Nestle, Pepsi Co. (với nước Aquafina), và Coca Cola. Cả 3 đại gia này đều có doanh thu trên 1 tỷ USD/năm từ nước đóng chai.

(Còn tiếp)

Hòn Rồng
.
.
.