Nước biển dâng nhấn chìm 5 đảo trên Thái Bình Dương

Thứ Năm, 05/10/2017, 15:03
Trước nay, người ta vẫn mơ hồ về hậu quả của trái đất nóng lên làm nước biển dâng. Nhưng năm 2016 đã có bằng chứng rõ ràng về tác động của nước biển dâng, khi có tới 5 hòn đảo đã biến mất vào Thái Bình Dương.


Đó là một phần của quần đảo Soloman. Những hòn đảo bị nhấn chìm không có người ở, nhưng những hòn đảo khác gần đó thì có. Trong 6 hòn đảo có người ở, những vùng đất rộng lớn đã bị cuốn trôi hoàn toàn, và 2 ngôi làng bị phá hủy bởi nước biển dâng cao.

Xu hướng đáng lo ngại này dường như đang tiếp tục. Một nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng thậm chí sẽ còn nhiều hòn đảo ở Micronesia đang bị Thái Bình Dương nhấn chìm.

Patrick Nunn, Giáo sư Địa lý và là Phó giám đốc của Đại học Sunshine Coast tại Trung tâm Nghiên cứu bền vững của Úc, đã tiến hành khảo sát bờ biển các hòn đảo ở Micronesia. Ông và các cộng sự cũng đã nói chuyện với người dân địa phương và nghiên cứu hình ảnh vệ tinh của Pohnpei cùng các hòn đảo xung quanh. Nhóm nghiên cứu đã xem xét những tác động nào có thể làm tăng mực nước biển trong khu vực. Họ phát hiện ra rằng những hòn đảo lớn đã biến mất hoàn toàn.

"Có một hòn đảo nổi tiếng mang tên Nahlapenlohd", Giáo sư Nunn viết trên tờ Kaselehlie Press. "Hòn đảo này to lớn đến nỗi vào năm 1850, nó là nơi diễn ra một cuộc chiến chớp nhoáng. Người ta kể rằng những chiến binh đã ẩn mình đằng sau những rặng dừa để tránh đạn pháo. Nhưng ngày nay, không có dấu hiệu nào của Nahlapenlohd, thậm chí một chút cát để đánh dấu nơi nó từng tồn tại cũng không có”.

Giáo sư Nunn cho rằng nước biển dâng đã làm hòn đảo này biến mất. Ông cho biết mực nước biển đã tăng lên ở hầu hết các khu vực Thái Bình Dương trong 50 năm qua, với một vài biến động nhỏ.

Nhiều hòn đảo đã bị thu hẹp đáng kể, trong đó có đảo Nahtik bị giảm 70% và Ros mất khoảng 60% diện tích đất kể từ năm 2007. Nunn và nhóm của ông cho rằng sự thu hẹp nhanh chóng này là do hiệu ứng Bruun, khi nước biển dâng đã mang cát từ các phần cao của hòn đảo ra ngoài khơi xa.

Giáo sư Nunn viết: "Mặc dù khó có thể chắc chắn, nhưng nhiều bằng chứng cho thấy mực nước biển dâng cao gây ra sự biến mất và thu hẹp các hòn đảo cát ở phía nam Pohnpei”.

Dù vậy, cũng có một tin tốt: Các nhà nghiên cứu đã phát hiện hầu như không có sự xói mòn nào dọc theo bờ biển của đảo chính Pohnpei, có thể do hòn đảo này được bảo vệ bởi rừng ngập mặn xung quanh.

Hồng Ðịnh
.
.
.