Nước uống đóng chai liệu có an toàn

Thứ Ba, 03/04/2018, 13:30
Mùa hè trời nắng nóng kéo dài làm cho cơ thể đổ nhiều mồ hôi, dễ dẫn tới mất nước, mệt mỏi, uể oải và làm việc kém hiệu quả. Cái nóng mùa hè cũng khiến bạn luôn cảm thấy khát nước, vì thế việc cung cấp đủ nước cho cơ thể là rất quan trọng. Nước sẽ giúp giải nhiệt, làm dịu cảm giác nóng bức, khó chịu.


Chúng ta có thể dễ dàng mua được đủ các loại nước giải khát từ nước lọc đến các loại nước trà, nước ngọt ở bất cứ tiệm tạp hóa nào, thậm chí là ngay trên vỉa hè hay lòng lề đường vì sự thuận tiện của nó.

Nhưng liệu có an toàn khi uống nước trong các chai nhựa tiện dụng nói trên? Bởi theo một số nghiên cứu gần đây cho thấy mức độ các vi hạt nhựa (microplastic) trong các nhãn hiệu nước uống đóng chai phổ biến có thể cao gấp đôi so với nước máy thông thường.

Các hạt vi nhựa có đường kính rất bé, được tạo ra trong quá trình tác động cơ học đến các mảnh nhựa lớn hơn. Phải mất đến hàng trăm năm, thậm chí là cả hàng nghìn năm để một mảnh rác thải nhựa bị phân hủy hoàn toàn trong điều kiện tự nhiên. Vậy khi chúng theo nước vào trong cơ thể chúng ta thì sẽ ra sao nhỉ?

Trong một dự án nghiên cứu, phân tích các loại nước đóng chai, các nhà khoa học thuộc Đại học New York, Fredonia và Orb Media, một tổ chức phi lợi nhuận sử dụng báo chí và khoa học dữ liệu để điều tra các vấn đề môi trường toàn cầu, đã phân tích nước trong 250 chiếc chai nhựa đến từ 11 nhãn hiệu nước đóng chai khác nhau trên thế giới. 

Kết quả cho thấy có một lượng lớn các phân tử nhựa này trong nước đóng chai so với trong nước máy, cụ thể là các hạt vi nhựa có trong 93% mẫu thử chứa trung bình 325 vi hạt nhựa trong mỗi lít nước được bán ra. Những hạt vi nhựa này quá nhỏ bé nên không thể nhìn bằng mắt thường được.

Để nghiên cứu, các nhân viên của Orb Media đã mua các thùng chứa nước được đóng gói sẵn từ 9 quốc gia và 5 châu lục. Các thương hiệu này đều phân phối rộng rãi trên toàn cầu bao gồm: Dasani, Evian, San Pellegrino, Nestlé Pure Life và Aquafina.

Tiến sĩ Andrew Mayes, một nhà khoa học của Đại học East Anglia, người đã phát triển kỹ thuật nhuộm huỳnh quang Red Nile cho biết các nhà khoa học đã sử dụng loại thuốc nhuộm huỳnh quang Nile Red để làm phát sáng các hạt nhựa siêu nhỏ có trong nước. Loại thuốc nhuộm này có đặc tính bám chặt vào các hạt nhựa mà không bám vào các loại vật liệu tự nhiên khác. Ông cũng khẳng định: “Tôi rất hài lòng rằng nó đã được dùng rất cẩn thận và chuẩn xác theo cách mà tôi đã làm trong phòng thí nghiệm của tôi”.

Bên cạnh đó, một nghiên cứu thuộc nhóm chiến dịch Câu chuyện của rác thải (Story of Stuff) cũng cho biết họ đã kiểm tra và khảo sát 19 nhãn hiệu nước đóng chai ở Mỹ và cũng phát hiện các sợi nhựa xuất hiện với mật độ khá cao trong nhiều loại nước đóng chai.

Điển hình là loại nước đóng hộp thương hiệu Boxed Water có trung bình 58,6 sợi nhựa/lít nước; còn thương hiệu Ozarka và Ice Mountain (thuộc sở hữu của Nestlé) có nồng độ lần lượt là 15 và 11 sợi nhựa mỗi lít. Nước Fiji có 12 sợi nhựa/lít.

Bà Abigail Barrows, một trong những người nghiên cứu của nhóm Story of Stuff, cho biết những sợi nhựa này có thể đi vào trong chai nước theo một số cách nhất định. Bà nói: “Các sợi nhựa có thể dễ dàng bay lên không trung. Điều này không chỉ xảy ra ở bên ngoài mà bên trong các nhà máy, nó có thể đến từ những chiếc quạt hoặc bay ra từ vải trên quần áo chúng ta”.

Những phát hiện này khiến chúng ta không khỏi giật mình lo lắng. Tuy nhiên, kết quả của bản phân tích đã không hề được công bố trong bất cứ một tạp chí khoa học nào vì chưa được thông qua các đánh giá khoa học và hiện chưa rõ những phát hiện này có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe con người.

Phát ngôn viên của Tổ chức Y tế Thế giới nói với tờ Guardian: “Mặc dù chưa có bằng chứng nào về ảnh hưởng của các vi hạt nhựa microplastic đối với sức khỏe con người, nhưng đây vấn đề đang thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Chúng tôi sẽ làm việc nghiêm túc hơn với những bằng chứng đang có hiện nay để thiết lập một chương trình nghiên cứu nhằm đưa ra một bản đánh giá rủi ro toàn diện hơn”. Những loại nguyên tố PET (thành phần làm chai nhựa) có thể chuyển sang nước mà chúng ta đang uống:

. Phthalates: Những hợp chất này làm cho nhựa dẻo hơn. Chúng chỉ gây hại cho con người nếu được sử dụng với số lượng lớn và có thể gây ra các vấn đề về nội tiết.

. Antimony: Là một chất xúc tác quan trọng của PET. Nó có thể gây ung thư cũng như các vấn đề về hệ hô hấp. Nhưng các cơ quan y tế đã đưa ra những giới hạn về hàm lượng có thể có trong một chai nhựa, và hàm lượng đó rất thấp. Ðể đảm bảo an toàn cho người sử dụng, WHO đảm bảo rằng những tiêu chuẩn này phải được tuân thủ một cách nghiêm ngặt.

. Formaldehyde và acetaldehyde: Những hợp chất này làm cho nước đóng chai đôi khi có hương vị “nhựa”. Các chuyên gia nói rằng điều này chỉ xảy ra khi chai đã được phơi ra ánh sáng mặt trời, làm cho các hợp chất ngâm vào nước, vì vậy phải hết sức cẩn thận. Chai PET sử dụng bình thường không có hàm lượng formaldehyde và acetaldehyde cao.

Văn Ưng
.
.
.