Ở nơi mặt trời đi ngủ muộn

Thứ Hai, 07/09/2020, 13:24
Bắt đầu từ giữa tháng Năm dương lịch, đất trời cực Tây chìm vào những ngày mưa dai dẳng. Mưa trắng đất trắng trời. Mưa thối đất thối cát. Mưa nát lòng người. Mưa buồn muông thú. Có những tháng rà rã ngày nào cũng có ít nhất một trận mưa. Và phải đến đầu tháng Mười một những trận mưa mới thưa vắng dần...


Tôi nhận quyết định lên A Pa Chải công tác khi đúng vào mùa ngâu ở dưới xuôi. Vợ tôi bảo: "Anh chọn đi công tác đúng ngày thật. Rồi lại hai năm đằng đẵng vợ chồng Ngâu!". "Ô, hay chửa? Đi lúc nào là do cấp trên, do tổ chức chứ mình thích, mình chọn mà được à?".

Nàng ngùi ngùi, trong mắt có những giọt mưa Thu. Bảy năm sống chung yên ấm, giờ phải xa nhau những hai năm sao nàng không trống vắng? Hơn 500 km từ Hà Nội lên thành phố Điện Biên Phủ và gần 270 km từ Điện Biên Phủ vào A Pa Chải mùa mưa là một hành trình không mấy dễ chịu với một đấng nam nhi đã xa những cung đường núi hơn 10 năm.

Từ Hà Nội lên thành phố của hoa ban tôi đã một phen ngất ngư, quay cuồng. Được đơn vị đón bằng xe con từ thành phố vào A Pa Chải, tôi phấn chấn thoát khỏi cảnh chủ xe bắt khách, người hàng nêm vào nhau chật chội, bức bối. "Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây súng ngửi trời/ Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống/ Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi", lòng tôi lan tràn những câu thơ của thi sĩ Quang Dũng thuở nào. 

Chẳng dám so sánh với những người lính tài hoa trong đoàn quân Tây Tiến kiêu hùng, nhưng tôi cũng đang là một người lính lên với núi rừng để góp phần bảo vệ cương thổ của Tổ quốc đây. Tôi nhất định sẽ thả hồn phiêu du cùng dốc đèo, đất trời Tây Bắc hùng tráng, mộng mơ, biết đâu làm được bài thơ "con cóc" nuôi phây hoặc tìm được cái tứ cho truyện ngắn nào đấy. Nhưng niềm vui chớp mắt qua mau, sau mươi cây số, chiếc xe "gầm cao, máy thoáng" nhưng lại khá nhẹ của đơn vị bắt đầu văng qua, văng lại ở mỗi khúc cua làm tôi xây xẩm mặt mày.

Đường lên A Pa Chải.

Suốt hành trình tôi rơi vào trạng thái lúc tỉnh, lúc mê, chỉ mong mình ngủ được để nhanh kết thúc cung đường, nhưng không thể được, tôi đã phải hai lần xuống ngang đường để trả lại đất những gì đất sinh sôi nuôi sống con người. Trước đó, tôi đã được Thượng tá Vũ Đình Bính, người có thâm niên gắn bó với núi rừng Tây Bắc 34 năm nhường cho chiếc ghế đầu, lại bày cho đủ cách từ bấm huyệt vào lòng bàn tay đến vặt lá rừng vò nát đặt trước mũi. Ơn trời, sau gần 10 giờ đồng hồ hành trình cũng kết thúc. Cái sự "kém tắm" của tay "lính mới" nơi cực Tây là tôi trong cung đường ấy là đề tài hấp dẫn thi thoảng anh Bính mang ra "góp cỗ" trong những cuộc vui.

Bắt đầu từ giữa tháng Năm dương lịch, đất trời cực Tây chìm vào những ngày mưa dai dẳng. Mưa trắng đất trắng trời. Mưa thối đất thối cát. Mưa nát lòng người. Mưa buồn muông thú. Có những tháng rà rã ngày nào cũng có ít nhất một trận mưa. Và phải đến đầu tháng Mười một những trận mưa mới thưa vắng dần. Ai đã trải qua những mùa mưa ở đây, có cảm giác chàng Ngưu và nàng Chức đã trốn Ngọc Hoàng để đến góc trời này tình tự cho thỏa nỗi nhớ mong. Họ bất chấp, họ không còn nhớ luật trời và cuộc gặp gỡ kéo dài suốt bốn, năm tháng ròng. 

Trong những chiều mưa ảm đạm, tiếng con chim "bắt cô trói cột" day diết khảm khắc vào đất trời, vào lòng người. Huyền thoại nối liền huyền thoại, buồn thương chưa hết lại nối buồn đau của những mối tình trắc trở. Có phải không, đâu chỉ "trái đất ba phần tư nước mắt/ đi như giọt lệ giữa không trung" (Xuân Diệu) mà cả ở những nơi huyền diệu, thần tiên nước mắt cũng dư thừa?

Xã Sín Thầu nơi cực Tây Việt Nam là một xã thật đặc biệt với 96% là đồng bào Hà Nhì, bà con còn lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Độc đáo bậc nhất phải kể đến những lễ hội Gạ Ma Thú (lễ cúng bản), Khù Sự Chà (tết truyền thống), Dế Khù Chà (tết mùa mưa)... Tôi thâm nhập địa bàn với niềm hứng khởi của một tay ham viết lách thích lặn sâu vào đời sống đồng bào để mong gặp những tinh túy của văn hóa tộc người. Tôi ấn tượng với văn hóa của người Hà Nhì ngay từ khi tôi chưa lên với A Pa Chải, chưa tiếp xúc với những con người bằng xương bằng thịt. 

Đấy là trước đó, tôi có đọc cái truyện "Khước xuân" của tác giả Nguyễn Xuân Tường, một cái truyện nhân văn, dung dị, vui tươi và hôi hổi hơi thở cuộc sống vùng cao. Trong câu chuyện có những pha làm chàng sĩ quan trẻ "thót tim" khi hòa mình vào đời sống phong phú, tươi lành, nguyên sơ của người Hà Nhì. Rồi một ngày sau bao háo hức, mong chờ tôi cũng được đơn vị cử xuống địa bàn dự lễ hội Gạ Ma Thú. Lễ này thường được tổ chức vào cuối tháng Hai đầu tháng Ba âm lịch, khi ấy hoa ban đang vào độ căng mãn, mùa đốt nương tra hạt bắt đầu. 

Ngày lễ được chọn vào ngày Hổ hoặc ngày Trâu với ước nguyện mong mưa thuận gió hòa, con người, ngũ cốc, vật nuôi đều nảy nở sinh sôi. Địa điểm được chọn cúng đầu tiên trong lễ hội là một khu rừng gần bản, chỉ thầy cúng và con trai, đàn ông được tham gia lễ cúng. Có lẽ vì thế một số người nói đây là lễ hội đàn ông! Từ ngày mới đến đây, tôi đã được đồng bào nơi này coi như một người con của bản, và dĩ nhiên tôi là đàn ông nên được cùng với thầy cúng và đàn ông, trai tráng đi ra rừng.

Nghe bảo, trước đó thầy cúng phải "chay tịnh" ba ngày, như vậy mới giữ được sự linh thiêng, thần rừng, thần núi, thần suối... mới chứng giám cho. Cúng xong ở rừng thì cả đoàn đàn ông, con trai chúng tôi kéo nhau về cúng bản. Lễ cúng ở bản là to nhất, vui nhất trong ba ngày lễ hội. Lúc về bản, tôi đã được các cô gái xinh đẹp trong những bộ trang phục rực rỡ như những đóa hoa rừng "lôi" vào vòng xòe, rồi họ quàng vào cổ tôi hai quả trứng luộc đã được nhuộm hồng đựng trong một sợi dây kết từ những sợi len sặc sỡ. Giữa vòng xòe, trong ánh lửa bập bùng, trong men rượu sóng sánh, hai quả trứng hồng trước bụng lúc la lúc lắc theo nhịp bước làm tôi cứ tủm tỉm cười. 

Đấy là tôi lại nghĩ đến chàng sĩ quan trẻ trong truyện "Khước xuân" được các cô gái Hà Nhì xin "khước" đến nước không còn một mảnh giáp trên người, lúc la lúc lắc chạy về đơn vị. Tôi hỏi Chu Khai Phà, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Sín Thầu về ý nghĩa của hai quả trứng hồng, Phà cười rất ẩn ý: "Thì... hai quả trứng... lễ hội đàn ông mà... hì hì". 

Con gái Hà Nhì giờ khác những cô gái Hà Nhì hai ba mươi năm về trước, họ xuống phố, họ đi học, họ đi làm, họ đi muôn nơi rồi... "Con gái ở bản giờ hiếm lắm, nó không chịu trao "khước" cho bọn con trai bản đâu. Và giờ cuộc sống cũng khác ngày xưa nhiều rồi!" - Phà nói với tôi. Tôi miên man dưới ánh trăng mơ huyền, tiếng nói cười con trai con gái lẫn tiếng chiêng bập bùng, vọng vang, những câu thơ râm ran gọi về tim tôi bổi hổi:"Miệng lầm rầm gọi vía núi vía sông/ Quả tim a cồ phập phồng nhịp tên a nhí/ Hẹn ngày vía Trâu xuống đồng tra hạt/ Ta về mưa đổ rờ rỡ rừng ban…". Đêm ấy, thực sự tôi đã có một đêm say trong hơi rượu, trong nhịp xòe rộn rã, trong ánh trăng bát ngát và trong tình người vùng cao nồng đượm.

Nhà văn Nguyễn Phú (nguyenphubp@gmail.com).

Tôi hay nói đùa với chị Pờ Mì Lế, nữ Bí thư trẻ tuổi, xinh đẹp của Đảng ủy xã Sín Thầu là tôi hâm mộ... cái mũi của người Hà Nhì. Theo quan sát khá kĩ của tôi thì người Hà Nhì có cái mũi dài, thẳng, gọn, rất thanh tú. Cái mũi làm cho khuôn mặt trắng trẻo con trai, con gái Hà Nhì thanh thoát, sáng bừng lên. Tộc người Hà Nhì nơi đây luôn sản sinh ra những người con ưu tú. Ngay cả khi họ đã về với tiên tổ rồi, nhưng bóng họ vẫn đổ dài trên những sườn núi, đổ dài trên những cánh rừng và đổ dài trong nỗi nhớ của gia đình, dòng tộc. 

Hôm tôi xuống dự tết Dế Khù Chà tại nhà anh Pờ Chinh Pạ mới biết thêm về con người huyền thoại của dòng họ Pờ nơi cực Tây này. Ông là Pờ Sì Tài, cố Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu, pho sử đồ sộ, cây đại thụ của núi rừng Mường Nhé. Ngay từ khi còn là một cậu thiếu niên, ông Tài đã tham gia hoạt động cách mạng, rồi từ đó, bàn chân ông in hằn trên khắp một dải biên cương của tỉnh Lai Châu, khi tiễu phỉ, lúc chống quân xâm lược phương Bắc. 

Những năm chống lấn chiếm biên giới, ông là một "biên tướng" tổ chức bà con đấu tranh, kiên quyết giữ từng gốc cây, thước đất quê hương. Sau này, khi hai Nhà nước tiến hành phân giới cắm mốc thì ông thực sự là một "tấm bản đồ", một "cột mốc sống" giúp cho đoàn phân giới cắm mốc của ta hoàn thành nhiệm vụ. Tôi nhìn lên bức tường dày đặc huân chương, bằng khen mang tên ông, rồi ngắm người đàn ông có gương mặt vuông vức, ánh mắt quắc sáng, toát lên khí chất yêng hùng. Cả buổi tối hôm ấy hình ảnh người đàn ông gần 100 kg, cao như một dáng núi phăm phăm đuổi theo gót quân thù giữa trời đêm biên tái cứ chạy đi chạy lại trong óc tôi.

Bây giờ thì tôi hiểu vì sao trong những ngôi nhà trình tường nơi rừng thiêng núi thẳm này luôn có những đôi mắt thao thức chong đêm. Và vì sao ở nơi này mặt trời đi ngủ muộn!

Nguyễn Phú
.
.
.