Ở nơi "mùa xuân mong manh"

Thứ Ba, 31/01/2012, 14:14

Tôi đến Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân (Quận, Thủ Đức, TP HCM) vào một ngày cuối năm khi những tia nắng vàng vọt của buổi chiều tàn cố len lỏi qua khe hở của khung cửa hắt vào nơi những thiên thần đang ngủ. Có mấy ai biết được phía sau cánh cửa ấy nhiều sinh linh bé bỏng đang giành giật sự sống từng ngày từ tay thần chết.

Gạt vội giọt mồ hôi trên trán, tôi bước nhanh vào bên trong. Và khi chưa đến đây, chưa tận mắt chứng kiến cảnh những mảnh đời trẻ thơ đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ được chăm sóc, được nuôi nấng bởi bàn tay yêu thương vô bờ bến của các bảo mẫu thì có lẽ, trong tôi vẫn bình yên.

Mùa xuân cho những cánh hạc mong manh

Không khí rộn ràng chuẩn bị đón chào năm mới cho các bé đã được những người mẹ khẩn trương chuẩn bị. Không khó để nhận ra nét lạc quan ở mỗi mẹ bởi khi mùa xuân đến và đi đồng nghĩa với sự sống mong manh của các con được kéo dài. Ở nơi này, mỗi đứa trẻ là một số phận, một cuộc đời và nỗi đau riêng và mỗi bảo mẫu cũng là những thiên tình kể không bao giờ có hồi kết.

Chị Lan Hương được mệnh danh là anh hùng của khoa sơ sinh. Chị có tuổi đời và tuổi nghề lâu nhất ở Trung tâm, là cánh chim đầu đàn trong công việc cũng như trong cuộc sống. Chị có 16 năm trong nghề nuôi dạy trẻ, trong đó 9 năm gần gũi và chăm sóc trẻ bị nhiễm HIV. Không thể nhớ hết có bao nhiêu cuộc đời tuổi thơ đi qua đời chị, được chị chăm sóc và thương yêu.

Chị bảo: "Thời gian tôi chăm sóc chúng còn nhiều hơn những đứa con của tôi nữa. Chồng tôi mất lâu rồi, 3 đứa con cũng đã trưởng thành có gia đình riêng. Chúng rất thương tôi, luôn động viên tôi là mẹ hãy cố gắng lên vì những trẻ thơ bất hạnh hơn con mình. Đây là một động lực, một hậu phương vững chắc cho tôi yên tâm làm việc". Qua tết này là chị Lan Hương nghỉ hưu. Tôi thấy ánh mắt chị thoáng buồn khi đề cập đến việc một ngày phải rời xa những đứa trẻ ở đây.

Tình thương của các mẹ còn cao hơn cả sự sợ hãi bệnh tật.

"Tôi không nỡ rời xa bọn trẻ, một ngày không được nhìn thấy chúng cười, chúng khóc là trong người cứ thấy thiếu thiếu một thứ gì đó", chị bộc bạch. Bởi không chỉ chị Hương mà còn rất nhiều những người mẹ ở Trung tâm này đã gắn cuộc đời mình với các bé, đã cho đi rất nhiều và họ đang hạnh phúc khi nhận lại tiếng gọi bi bô "mẹ" của những thiên thần. Và trên hết mỗi ngày họ nhận được càng nhiều những giọt nước mắt cảm thông hơn là kỳ thị.

Những đứa trẻ ở Trung tâm này, mỗi bé cùng có một nỗi đau chung là mang trong mình căn bệnh mà tử thần có thể cướp chúng đi bất cứ lúc nào. Hơn bao giờ hết, các bé đang phải từng ngày chiến đấu với bệnh tật để giành giật sự sống. Trong tiềm thức còn chưa trọn vẹn có bé nhận thức được bản thân mình là ai, mình đang sống dưới một mái nhà chung.

Còn như ở khoa sơ sinh này thì tất cả tương lai, cuộc sống của bé đành gửi nhờ trái tim bao la của những người mẹ thứ 2.

Mọi người không bao giờ quên được trường hợp của bé Tuyết Minh. Khi được chuyển từ Bệnh viện Nhi đồng 1 về Trung tâm, bé trong tình trạng lao phổi nặng, mắt không mở được, hoại tử hai chân, bí tiểu. Mỗi lần cho bé tiểu là các chị bảo mẫu phải nén bụng bé xuống vuốt nhè nhẹ. "Chúng tôi cảm nhận được sự đau đớn của thân xác trẻ thơ khi mà bệnh tật đã cướp đi vĩnh viễn đôi chân, đôi mắt, lấy đi của em tâm hồn và cả bầu trời phía trước", chị Hương đau đớn thốt ra.

Bệnh tình bé ngày càng trở nặng, Trung tâm chuyển bé lên Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch điều trị. Điều trị được vài hôm, thấy tình hình không khả quan, bác sĩ cho bé xuất viện với cái lắc đầu xót xa hãy về lo hậu sự cho bé. Chị Đoàn Hương kể tiếp: "Tôi và chị Lan Hương cố gắng thuyết phục bác sĩ cho bé ở lại thêm thời gian nữa. Hai chúng tôi khóc cạn cả nước mắt để giữ bé ở lại tiếp tục điều trị. Nhìn bé nằm bất động, đôi mắt nhắm nghiền thoi thóp thở mà không ai cầm lòng được".

Trong suốt 3 tháng trời ở bệnh viện, các chị phải thay nhau túc trực, canh chừng từng tiếng thở yếu ớt của bé. Vậy mà cuối cùng không biết do các chị khóc nhiều quá, khấn vái nhiều quá mà ông trời động lòng hay do sức mạnh của tình thương vô tận của những người mẹ mà bé Tuyết Minh dần hồi phục. Bé xuất viện vào chiều 30 Tết năm 2007 khi những vòng xe cuối cùng hối hả lăn bánh cho kịp thời khắc chuyển giao năm cũ.

Trời càng về chiều, câu chuyện của chị Lan Hương vẫn tiếp tục với những phận đời khổ đau trong kiếp sống. Chị chỉ vào một bé đang nằm thiêm thiếp trong khung giường ở góc tường.

Tôi đi bên cạnh, hướng mắt theo cánh tay của chị thì bắt gặp ngay gương mặt xanh xao, gầy guộc có vẻ như già cỗi theo bệnh tật nhưng không mất đi nét hồn nhiên của tuổi lên 4. Bé Khánh Ngọc nằm đó, thân hình nhỏ xíu của em chìm sâu vào trong hốc mắt, hốc má gầy xọp. Bản án tử thần sắp đến, bé sắp phải rời xa mái ấm ở Trung tâm, bé sẽ không bao giờ biết được người đã sinh ra mình, không bao giờ được ôm chặt vào lòng cha mẹ để sưởi hơi ấm tình mẫu tử. Bé nhìn tôi trân trối như đợi chờ, như cầu mong. Tôi không hiểu bé chờ đợi ở tôi điều gì, tôi nghe tim mình quặn đau.

Chị Hương ngậm ngùi: "Bình thường trông các bé bụ bẫm, dễ thương nhưng đến giai đoạn cuối, các bệnh phỏng rạ, ho sốt làm các bé suy kiệt, teo tóp rồi ra đi". Các bảo mẫu ở đây không bao giờ nói đến cái chết dẫu biết rằng họ đang sống và chiến đấu để chống lại điều đó, nhưng cũng nhiều lần họ phải lặng lẽ rơi lệ để thần chết gõ cửa những thiên thần vô tội.

Đây chỉ là những trường hợp trong vô số những bi kịch cuộc đời mà tôi ghi chép được ở Trung tâm, ở nơi luôn hiện hữu sự sống và cái chết vẫn đang có cuộc chiến âm thầm để giành giật bình minh.

"Yêu thương đi rồi ngày mai ai cũng về với cát bụi"

Các bảo mẫu ở đây là những người mẹ thứ 2 của trẻ em bị nhiễm HIV. Tình thương của các chị lớn đến mức lấn át cả nguy cơ lây bệnh. Hằng ngày, họ phải tiếp xúc trực tiếp với các bé từ vệ sinh cá nhân đến đút cơm, đút cháo và thuốc thang khi bé bị bệnh. Cực nhất là các bé ở tuổi sơ sinh, việc chăm sóc đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận cao. Và nguy cơ lây nhiễm là có thật.

Bữa ăn chiều của các bé khoa măng non.

Chị Đoàn Hương cho biết: "Trước khi vào đây, chúng tôi đã được học rất kỹ các kỹ năng chăm sóc và kỹ năng bảo vệ mình để tránh lây bệnh, nhưng cũng không loại trừ trường hợp xấu nhất xảy ra. Nhiều khi bé trở bệnh, ho sốt, co giật, lúc ấy chúng tôi không còn nghĩ đến điều gì khác ngoài ôm bé vào lòng vỗ về chỉ cầu mong cho qua khỏi cơn nguy kịch. Sau khi xong rồi mới nhìn lại và thoáng giật mình nhưng thấy bé cười hay bé ngủ ngon là mọi sợ hãi đều tan biến".

Có tới đây mới cảm nhận hết những yêu thương mà các bảo mẫu dành cho các em. Tôi không đủ can đảm để lao vào ôm hôn, nựng nịu một bé mà trên mình đầy những mụn nhọt, trầy xước. Một lần nữa tôi quay mặt đi như một sự cảm phục từ tận đáy lòng dành cho những người mẹ quả cảm. Tôi không bao giờ quên câu nói của chị Lan Hương "yêu thương đi rồi ngày mai ai cũng về với cát bụi".

Đúng vậy, lưỡi hái tử thần không chừa một ai, chỉ có điều sớm hay muộn mà thôi. "Ai sinh ra có tình thương của cha mẹ, được hòa nhập cộng đồng, được sống và làm những gì mình thích là hạnh phúc trọn vẹn rồi. Còn đây, những trẻ thơ phải mang bất hạnh từ trong bào thai, sống và chết nó mỏng manh biết nhường nào. Vậy thì tại sao mình không chia sẻ hạnh phúc mình có được cho các em". Chị Hương nói như dốc lòng. Tất cả các chị khi được hỏi có sợ lây nhiễm không, không ai bảo với ai nhưng người hỏi tìm được câu trả lời chung là "tình thương cao hơn tất cả, nó phá vỡ mọi rào cản ngăn cách về bệnh tật, về hiểm nguy. Nó càng làm cho người gần người hơn".

Tôi bước vào khoa măng non, đúng là những măng non dễ thương và dễ mến biết bao. Ở lứa tuổi này có bé đã nói rành mạch, có bé còn đang bập bẹ. Khi thấy khách, tất cả đều dồn ánh mắt nhìn như dò xét, như khát khao. Đôi chân định bước tới nhưng rồi vội vàng lùi lại, ngồi ngay ngắn theo hàng. Sau lời nhắc nhở của cô giáo, tất cả đều vòng tay đồng thanh thưa: "Chúng con chào cô ạ".

Tôi sà xuống đám trẻ thơ hỏi tên từng bé, nắm tay từng bé. Ôi bàn tay lạnh giá, nhỏ bé và gầy guộc. Chúng cần và khao khát tình thương và hơi ấm biết bao. Ở cái tuổi bé bỏng đó, những đứa trẻ bình thường đang được sưởi ấm, nâng niu trong vòng tay ấm áp của cha mẹ, còn ở đây thì… Một giọt nước mắt vội lăn tôi không kịp ngăn lại.

Chị Bảo Châu chỉ vào bé đang ngồi bất động ở góc sân nói: "Tội lắm, đứa nào cũng vậy. Cứ thấy người đến bất kể lạ hay quen chúng đều lao vào đòi ẵm bồng, đòi trò chuyện. Thương các con lắm nhưng không có thời gian để nâng niu, vỗ về từng đứa được lâu". Chị kể về trường hợp của bé Lê Văn Vũ, trong khi các bé tíu tít hỏi chuyện tôi thì Vũ chỉ ngồi lặng lẽ, co ro ở góc bàn. Chị Châu kể thêm: "Bây giờ còn đỡ rồi chứ hồi mới chuyển tới bé, không nói năng gì, cứ lẳng lặng một mình tự chơi, tự ăn mặc dù bảo mẫu nói gì bé đều hiểu, chỉ dạy làm gì bé đều biết. Mãi sau này tôi mới nhận ra bé đang cần tình thương, cần được sự quan tâm. Bé làm vậy để gây sự chú ý. Khi đã hiểu bé rồi, chúng tôi chú ý và dành thời gian quan tâm đến bé nhiều hơn. Bây giờ bé nói cười, trò chuyện rất vui vẻ".

Không chỉ thế, một số bé đến tuổi này thì bệnh đã vào giai đoạn cuối nên rất dễ mắc bệnh cơ hội trở nặng rồi đi. Chị Châu nói giọng buồn buồn: "Cũng muốn thủ thỉ với các con, dạy chúng những điều về cuộc sống bên ngoài nhưng rồi quá bận bịu, càng không thể lắng nghe hết những câu chuyện của các bé được. Nhiều lần có đứa buột miệng hỏi cha mẹ là gì hả cô mà đau đớn cõi lòng". 

Những đứa trẻ ở đây, chúng là những sinh linh vô tội. Ngay khi còn nằm trong bụng mẹ hoặc mới chào đời đã bị tuyên án tử hình. Các trẻ thơ ấy đã phải trả giá cho những sai lầm sa ngã của cha mẹ. Chúng bị ruồng bỏ một cách tàn nhẫn ở bệnh viện, ở vỉa hè, ở thùng rác, bị người đời kỳ thị, xa lánh và tất cả các em khi đã đến Trung tâm này đều được chăm sóc, được cho một mái ấm, cho tình thương từ những người không phải là máu mủ.

Tôi tạm biệt các bảo mẫu ra về khi nắng chiều đã tàn, đưa tay vẫy chào những em bé đang ngẩn ngơ nhìn theo mà lòng trào dâng một niềm xúc động khôn cùng. Tôi bước thật nhanh ra cửa không dám quay đầu nhìn lại vì sợ bắt gặp những ánh mắt tròn xoe, trong veo của các em quá tội nghiệp sẽ níu lòng người đi

Ngọc Thiện
.
.
.