Ở thượng nguồn sông Mẹ

Thứ Sáu, 13/09/2013, 10:42

Sông Đồng Nai phát nguyên từ cao nguyên Lâm Viên thuộc tỉnh Lâm Đồng. Ở đầu nguồn con nước này người Mạ gọi là sông Mẹ. Đối với người dân Tây Nguyên, núi nào cao gọi là núi Cha, sông nào lớn chảy ra từ triền núi là sông Mẹ. Vùng đất có tên cha mẹ ở rừng núi đại ngàn này là nơi ở của buôn làng người Mạ, người Khor, người Chror đã tồn tại từ thời kỳ hái lượm đến tận bây giờ, và để đến được tận nơi heo hút đầu nguồn này chúng tôi đã đi xe máy men theo tỉnh lộ 725 trong cơn mưa trắng trời. Đêm về ngồi tựa lưng bên dãy chum chóe đối diện với bếp lửa hồng   nghe những câu chuyện của các già làng một thời theo bóng thời gian.

Lâm Viên cao gần 1.700m, đó là bức tường chắn gió của Nam Tây Nguyên từ hướng đông thổi vào. Vì vậy bất kỳ cơn bão hay áp thấp nào hình thành từ biển đổ bộ vào đất liền, cả khu vực này đều bị mây đen đan kín bầu trời rồi mưa như trút kéo dài cả tuần. Ban đêm nhiệt độ xuống thấp kèm theo những cơn gió rừng hoang thổi thốc về lạnh buốt cả ruột gan. Vào những ngày này, cứ chiều về người Kinh đóng cửa nhìn ra đường còn các cư dân bản địa ngồi quây quần bên bếp lửa hồng nghe người già kể chuyện râm ran từ thuở hồng hoang, cái thời tổ tiên người Mạ cưỡi trên lưng con rùa to từ biển đi vào cát cứ vùng thượng nguồn sông Mẹ.

Khi chúng tôi đến, cả sơn nguyên này nằm trong tầm ảnh hưởng của cơn bão số 6. Gió xoáy từ biển đông thổi về gặp bức tường thiên nhiên dội ngược, làm cây rừng vặn mình chao đảo, cành lá bị hất tung va đập vào nhau xơ xác. Đỉnh Pang Per nằm trên dãy núi BunTrao cao gần 2.000m mờ ảo trong mưa rừng tím rịm. Đi 3 tiếng đồng hồ trong mưa gió mới thấy được buôn làng. Ở đầu nguồn sông Mẹ này hầu hết là người Mạ, nhưng cho đến nay, chưa có nhà sử học nào biết chính xác người Mạ từ đâu đến và định cư ở đây từ giai đoạn nào. Dù nguồn gốc nguyên thủy của sắc dân này như thế nào, họ cũng là những người con trên dải đất hình chữ S đã cùng 54 dân tộc anh em cùng nhau vỡ đất cùng nhau chung sống cả ngàn năm nay.

Trong tâm thức người Mạ, họ không có khái niệm quốc gia. Với họ, buôn là hình bóng của đất nước, trong buôn có một ông vua không ngai, không quân lính. Đó là vị già làng có uy tín đã sống gần cả trăm mùa rẫy. Khi còn sống, cụ là túi khôn, là luật tục của buôn làng, khi chết, trở về với rừng thiêng được dân làng nể trọng.

Hơn 50 năm trước, người Mạ không sống một nơi cố định như bây giờ, thông thường mỗi nơi không quá 10 năm, vì khi đất bạc màu nhiều cỏ dại hoặc chồi non mọc lên, già làng dẫn cả buôn đi tìm nơi mới. Chính vì thế di tích của bộ tộc chỉ là những câu chuyện kể nên dần dần phai mờ trong ký ức. Trong quan hệ xã hội, cho đến bây giờ người Kinh ở nông thôn vẫn thường nể phục người ở đất kinh kỳ. Còn đối với người sắc tộc, người ở núi thấp nể trọng người ở núi cao. Vì vậy người Mạ Đạ Đờng ở đây được coi là Mạ gốc, là người sống ở vùng núi cao được các bộ tộc khác trân trọng.

Sông Mẹ đang làm thủy điện.

Con đường rộng mà chúng tôi vào buôn hôm nay không phải mới được mở từ lúc Nhà nước ghép các buôn làng thành ấp, xã theo mô hình nông thôn mới mà đã có hàng trăm năm trước. Vì ở phía nam dãy núi BunTrao đã có đường mòn dẫn sang vùng Mạ BLao rồi từ đó đi xuống Phan Thiết, người Mạ gọi là đường Gung Bojai (đường Phan Thiết). Đó là con đường mà tổ tiên của họ đã đi viễn hành mang sản vật từ rừng núi xuống miền xuôi đổi muối. Theo Ông KLọ, hơn 80 tuổi ở buôn BĐưng cho biết, cha của ông đã từng theo con đường ấy xuống biển và trở về hết một con trăng.

Đêm rừng hoang phủ xuống buôn làng, có lẽ trong các gia đình gốc Tây Nguyên, bếp lửa hồng là không gian đoàn tụ duy nhất. Chúng tôi ngồi cạnh bếp hơ hơ đôi bàn tay lạnh ngắt, nhìn gian nhà cũ đầy dấu tích của bụi thời gian. Trong nhà chỉ thấy chum chóe, cung tên hoặc chiến tích của thời hái lượm. Có nhà thờ ảnh Bác Hồ, có nơi thờ Chúa, Phật và cũng có nhà không thờ gì cả. Khoảng hơn 40 năm trước, trong những căn nhà dài người Mạ, không hề thấy bàn thờ, họ không theo tôn giáo nào và cũng không thích để hồn người chết trong nhà.

Ngày ấy, người Mạ chỉ thờ cúng thần linh tập trung tại một khu rừng gọi là rừng thiêng, còn ở trong nhà, hồn của người xưa hay của Yàng chính là bếp lửa hồng. Khách đến thăm bỏ thêm củi là tỏ lòng hiếu khách, mặc dù bếp luôn luôn đỏ lửa để giữ sự no đủ cả năm. Vào những kỳ lễ hội, đều đốt một đống lửa to để thần linh thấy ánh sáng tìm đến. Cũng như người Kinh đốt nhang khấn vái, vì tin rằng khi vong hồn nghe được lời gọi, nhận được mùi hương mới theo gió tìm về.

Đêm thứ hai bên bếp lửa, chúng tôi được gặp già làng KPrẻo người đã sống ở đầu nguồn sông Mẹ hơn 80 mùa rẫy. Dưới ánh lửa chập chờn, gương mặt người già nhăn nheo như quả đười ươi khô nhập nhòe trong tối sáng. Màu da nâu phản chiếu với lửa hồng, ánh lên như một pho tượng trong gian nhà tranh ong ong màu khói. Trước khi vít ống rượu cần mời khách, ông đưa hai tay lên trời thì thầm một tràng thổ ngữ: “Ớ Yàng! Hôm nay có khách đến nhà, đã đốt thêm củi, mở chóe rượu mới. Xin mời Yàng mời người quen người lạ nâng cần uống rượu với nhau… ố hô!”.

Sau đó ông KPrẻo chuyển qua tiếng kinh giọng trầm xuống chậm rãi: “Người Mạ của tao sống tình nghĩa như Nhà nước tặng nhà cho bà con, ví dụ như chuyện KWet. Tao còn nhớ vào năm 1970, KWet, KChé lên rẫy đuổi khỉ ăn bắp lại gặp KChàng trên đường về thăm vợ đẻ. Không biết Yàng xui khiến thế nào lại gặp xe bay (máy bay) chở tướng tá của sư đoàn kỵ binh Mỹ từ Đắk Lắk về. Xe bay phát hiện, muốn bắt sống chúng nó không ngờ bị bắn hạ bằng súng CKC. Lúc ấy KWet và KChàng cùng nổ súng nên không biết thằng nào bắn trúng. Vì vậy khi cấp trên bảo viết giấy kể công để được khen thưởng, KChàng nói với KWet rằng tao về thăm vợ đẻ chứ không phải đi bắn xe bay, nó bị bắn trên rẫy của mày là công của mày. Vì vậy, sau này mỗi lần KWet đi dự hội nghị cấp trên được Nhà nước tặng cái gì đều phải chia hai. Có lần KWet được tặng một bộ vest nên về chia cho KChàng cái quần còn nó cái áo. Mỗi khi họp hành, hai thằng đều mặc mỗi đứa mỗi thứ. Tình nghĩa là chỗ đó mày ơi! Nghe đâu sau này xã, huyện đề nghị phong cho KWet lên chức anh hùng nhưng nó không ưa lắm, nó chỉ xin cấp trên cho cái nhà để ở còn ngon hơn làm anh hùng!”.

Khi tôi đến buôn Pru, người du kích bắn rơi máy bay Mỹ năm xưa đã trở về với đất. Lúc ra nghĩa trang thắp nén hương chào người dũng sĩ thời chiến tranh vệ quốc, tôi không biết dưới mồ KWet, ông ấy có mang theo người chiếc áo vét mà ông và KChàng chia nhau trong tiếng cười đặc quánh tình người của thời trai trẻ.

Buôn Pru, buôn BTạch bây giờ đã có điện lưới quốc gia, bệnh xá, trường học và cả trăm căn nhà mới được Nhà nước xây tặng. Tuy vậy, khi đêm về căn nhà tình nghĩa điện thắp sáng choang, màn hình tivi nhộn nhịp sắc màu nhưng dường như chỉ thu hút được lớp trẻ, còn các bậc có tuổi vẫn quanh quẩn nằm, ngồi bên hàng chum chóe cạnh bếp lửa hồng. Lúc chúng tôi đến nhà ông KVổi, 80 tuổi, buôn Pru, mới 4 giờ chiều nhưng hai vợ chồng ông ngồi co ro trong gian nhà cũ tối om chập chờn ánh lửa. Khi được hỏi vì sao không ở nhà mới, ông KVổi trả lời với âm sắc buồn buồn: “Ở nhà xây lạnh lắm, không dám đốt lửa vì sợ khói đen nhà. Ban đêm ngủ sợ gió thổi bay nóc ướt hết, ở nhà cũ ấm hơn có lửa cháy suốt ngày đêm, muốn ăn cái gì cũng dễ hơn, bếp lửa ở cạnh tay mình mà!”.

Đầu nguồn sông Mẹ bây giờ chưa phải giàu có, vẫn còn nhiều hộ thiếu ăn, Nhà nước còn cấp sổ xóa đói giảm nghèo nhưng đã chấm dứt việc du canh du cư phá rừng làm rẫy. Đến năm 2013 toàn xã Lộc Bắc đã trồng gần 500ha chè, 200ha điều và gần 600ha cà phê.

Mười năm trước, già làng KRền và Trưởng thôn KSra đã trồng thử lúa nước, đến nay đã mở rộng hơn 20ha, năng suất cao hơn hẳn lúa rẫy. Những lúc nông nhàn, buôn này đi thăm buôn kia hay đi Phan Thiết, Đắk Nông… bằng xe máy chứ không phải “gùi trên vai và giáo trong tay” nữa. Chuyến lữ hành đổi muối tròn một con trăng chỉ còn là chuyện kể của các già làng. Những căn nhà sàn dài lợp bằng lá Srôi dần dần nhường chỗ cho nhà xây lợp tôn nằm dọc hai bên đường. Vì vậy đến vùng sơn cước hôm nay không còn những ngôi nhà dài ngày trước, có chăng là những căn nhà sàn ngắn ngủn còn sót lại và những tiếng cồng chiêng chỉ ngân lên vào mùa lễ hội. Lớp trẻ thời nay đã hội nhập với cộng đồng, điện thoại di động cầm tay nhưng vẫn mang gùi đi chợ. Chuyện bắt đầu từ thuật ngữ “ngày xưa” râm ran bên bếp lửa hồng dần dần sẽ trở thành ký ức

Trần Đại
.
.
.