Ông bố “bỉm sữa” và hành trình khám phá kỳ diệu

Thứ Năm, 20/08/2020, 12:43
Từng là phóng viên du lịch của nhiều tờ báo lớn nhưng anh Cao Mạnh Tuấn đã quyết định bỏ việc, rời xa cái gọi là “ổn định” để có thời gian chăm sóc vợ và cùng các con khám phá những cung đường mới. Đó là hành trình kỳ diệu mà anh Tuấn dùng để nuôi dưỡng ước mơ và tâm hồn của những đứa trẻ đang dần lớn khôn.


Nghỉ việc để lo việc "bỉm sữa"

Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, anh Cao Mạnh Tuấn (42 tuổi) tìm được cho mình một công việc phù hợp với sở thích, đó là phóng viên du lịch. Mỗi hành trình, mỗi chuyến đi trải nghiệm đã giúp anh thỏa mãn mơ ước khám phá mà không sách vở nào có thể truyền tải. Cũng nhờ những chuyến đi đó đã giúp anh thêm yêu thiên nhiên, bị cuốn vào những công việc bảo tồn sinh học. Và cũng nhờ đó đã giúp anh kết mối nhân duyên với người vợ hiện tại, khi cả hai gặp gỡ nhau trong một lần tham gia cứu hộ gấu ở Tam Đảo.

Sau hơn một năm quen nhau, cả hai nên duyên vợ chồng và có đứa con đầu lòng. Em bé Mèo được chào đón trong niềm vui vỡ òa, hạnh phúc của hai vợ chồng. Nhưng chẳng bao lâu sau, các bác sĩ chẩn đoán bé mắc hội chứng Down và ung thư máu.

Đây là một nỗi đau của một người lần đầu được làm bố. Để có thời gian chăm sóc, chạy chữa cho con, anh Tuấn đã  tạm xin nghỉ việc. Thế nhưng, những cố gắng sau 6 tháng rời xa công việc ấy của anh vẫn không giữ được bé Mèo bên mình. Sự ra đi của con khiến anh suy sụp tinh thần, trở thành một vết sẹo khó có thể xóa nhòa đối với anh.

Anh Tuấn và bé trong một lần trải nghiệm.

Hai năm sau, năm 2015, vợ chồng anh Tuấn sinh thêm bé Dê và tiếp tục đón chào bé Bu vào cuối năm 2019. Khi những đứa con ra đời, cũng là lúc vợ anh phát hiện căn bệnh u tuyến giáp, sức khỏe suy giảm. Anh Tuấn đã có một quyết định táo bạo khiến cuộc đời chuyển sang một ngã rẽ mới, đó là từ bỏ hẳn công việc chính để đi làm bán thời gian. Nhờ vậy anh có thể gánh vác phần việc nhà giúp vợ, toàn tâm, toàn sức chăm lo cho các con.

Chia sẻ về quyết định này của mình, anh Tuấn nói: “Khi quyết định từ bỏ công việc chính, không ít người can ngăn tôi. Bố mẹ có lẽ là người buồn lòng nhất. Ông bà nói, luôn mong tôi có một công việc ổn định, bõ những ngày tháng ăn học. Thế nhưng tính tôi khá kiên định và tôi chưa bao giờ hối hận về điều đó. Vợ tôi luôn tôn trọng quyết định của tôi, miễn là không gây ảnh hưởng tới người khác”.

Kể từ đó, hầu hết mọi sinh hoạt của hai con đều do một tay anh Tuấn đảm nhận, từ việc pha sữa, nấu cháo cho tới đưa đón con đi học, đi chơi. Khi  bé Bu 1 tháng tuổi, vợ quay trở lại bán hàng online để có đồng ra đồng vào phụ giúp chồng, anh Tuấn lại là người trực tiếp chăm sóc cô con gái nhỏ như một bà mẹ “bỉm sữa” thực thụ.

Nhìn cảnh một ông bố quay cuồng trông con, pha sữa, đưa đón con… có lẽ sẽ khiến nhiều người phải ái ngại, nhưng với anh Tuấn, đó là những công việc rất đơn giản. “Tôi không cảm thấy khó khăn lắm trong việc chăm con. Có thể đàn ông vụng về hơn một chút, không thể yêu cầu phải tỉ mỉ, chuẩn chỉnh 100%  nhưng về cơ bản, đây là điều ai cũng có thể làm được. Dĩ nhiên có vất vả nhưng nếu bản thân mình mong muốn chia sẻ thì phụ nữ sẽ bớt vất vả đi nhiều”, anh Tuấn chia sẻ.

Hành trình nuôi dưỡng ước mơ

Cũng nhờ quyết định táo bạo của mình mà anh Tuấn đã có cơ hội, có thời gian để cùng các con trải qua những hành trình đáng nhớ theo cách mà anh mơ ước. Đó là khi bé Dê 6 tháng tuổi, anh đã đưa con lên Mộc Châu để cùng khám phá những cung đường quanh co, những đồi hoa mơ, hoa mận trắng ngần. Kể từ đó, cứ hầu như hàng tháng, hai bố con lại lên lịch đi khám phá những địa điểm mới trong nước. Nhờ vậy mà hiện tại mới chỉ 5 tuổi, nhưng bé Dê hiện đã sở hữu nhiều kỷ niệm trong những chuyến đi khám phá với bố.

Còn với bé Bu, vào tháng 2/2020, dù mới 4 tháng đã được lên máy bay cùng bố ra Côn Đảo. Do vợ bận việc nên anh Tuấn “một nách hai con” ra trước cả một tuần. Đây cũng là một trong những chuyến đi đáng nhớ nhất mà gia đình anh đã trải qua. Ở cái độ tuổi mới biết lẫy, bé Bu hằng ngày được tắm nắng và gió biển, tự do nghịch cát, được người dân bản địa bế truyền tay trên khắp đảo. Còn bé Dê thoải mái chơi đùa cùng những người bạn mới, cùng nhau tham gia những hoạt động mà người dân biển thường làm như bắt ốc, cào ngao…

Chuyến đi ấy đối với anh Tuấn cũng có nhiều kỷ niệm, bởi cả gia đình đã “mắc kẹt” trên đảo 2 tháng do dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Trong 2 tháng đó, vợ chồng anh Tuấn cùng các con sống như những người dân đảo thực sự. Họ thuê một căn nhà nhỏ, mua các vật dụng cần thiết phục vụ sinh hoạt và bắt đầu trải nghiệm cuộc sống của người dân nơi đây.

“Những ngày trời đẹp, chúng tôi cùng bạn bè thuê cano ra đảo chơi, tổ chức nướng BBQ ngoài trời. Khi người lớn đi tắm biển, bé Bu nằm chơi trên một chiếc phao giường chứ không phải trốn nấp trong lều lán. Dê thì được tham gia vào hoạt động “giáo dục môi trường” ở Hòn Bảy Cạnh (Côn Đảo). Ngoài tìm hiểu môi trường sinh thái, hoạt động cứu hộ rùa mà Dê từng tham gia vẫn khiến con hào hứng. Buổi tối, chúng tôi cùng quan sát rùa mẹ lên bờ đẻ trứng, sáng ra, sẽ lại đưa những chú rùa nhỏ mới nở trở về với đại dương…”, anh Tuấn chia sẻ.

Hai đứa trẻ sớm được hòa mình với thiên nhiên.

Sau những chuyến đi như vậy, với anh Tuấn và gia đình đó là sự trải nghiệm và cũng là rèn tăng cường sức đề kháng, cũng như khả năng thích nghi nhanh với bất cứ môi trường nào mà các con sinh sống. Bé Bu 10 tháng chưa phải dùng tới một viên thuốc hạ sốt. Ngay từ những ngày đầu đi lớp, bé không khóc nhè mà vui vẻ theo tay cô. Còn bé Dê luôn mạnh dạn và chủ động. Bé thích giao lưu và có thể ngồi trên bãi biển cả ngày để vui đùa, xúc cát với những người bạn nhỏ mới quen…

Tuy nhiên, quyết định nào cũng sẽ có những cái nhìn khác nhau và với quyết định của anh Tuấn cũng vậy. Sau mỗi lần chia sẻ chuyến đi của mình lên một nhóm du lịch có tiếng trên mạng xã hội do mình làm admin, anh Tuấn nhận được rất nhiều bình luận trái chiều về việc, “chuyến đi chỉ là niềm vui của bố” hay “đây là hành xác con nhỏ”.

Về vấn đề này, anh Tuấn không phủ nhận bởi dù ở góc độ nào cũng có thể thấy những chuyến đi xuất phát từ đam mê từ khi mới ra trường của ông bố “bỉm sữa”. Nhưng nếu nhìn rộng hơn, đặc biệt với những người có con nhỏ thì có thể hiểu với một chuyến đi cùng hai đứa trẻ, bố mẹ sẽ không có thời gian làm việc gì khác ngoài chăm sóc con.

Anh Tuấn cho rằng, không phải con có thể nhớ tất cả những hành trình mình đã tham gia, Nhưng anh tin, việc đưa con ra ngoài… sẽ mang đến những trải nghiệm quý báu. Tất cả những điều hay ho, đẹp đẽ của mẹ thiên nhiên mang đến sẽ thấm dần vào đôi mắt, vào thế giới quan của các con.

“Các con không thể kể ở Côn Đảo hay Phú Quốc… có gì mà chúng sẽ nhớ theo một cách riêng của mình. Với Dê, con thường hay nhớ đến những người bạn đồng hành hoặc quen biết trong chuyến đi. Qua những chuyến đi, tôi mong các con sẽ yêu thiên nhiên và có cái nhìn nhân văn hơn. Cá nhân tôi thì có thể mong muốn hơn thế, đó là mai này, Dê tham gia hoặc làm một công việc liên quan tới bảo vệ môi trường…”, anh Tuấn nói.

Nhiều người cũng cho rằng, muốn xách con “lên rừng, xuống biển” như anh, thì đầu tiên là phải… có tiền. Anh Tuấn thừa nhận, nếu có tiền thì con sẽ có điều kiện hơn nhưng không nhất thiết cứ phải có tiền mới đi được. Bản thân anh luôn tận dụng tất cả những khả năng để giảm thiểu chí phí và tăng cường số lượng chuyến đi. Anh đứng ra tổ chức, ghép tour cho các gia đình có cùng nhu cầu. Thậm chí, khi được mời review một địa điểm khám phá mới, các con vẫn là những người bạn đồng hành không bao giờ thiếu của anh...

Ngọc Trâm
.
.
.