Paris du ký

Thứ Hai, 11/02/2019, 12:04
Dù bạn ở Paris cả tháng, vẫn chỉ có thể là “Cưỡi ngựa xem hoa”, chỉ có thể nói như vậy khi đến kinh đô ánh sáng nơi này. Bởi miền đất huyền thoại này chứa trong mình nó bao lớp lang, trầm tích văn hóa, lịch sử của nước Pháp và lục địa già châu Âu.


Tháp Eiffel đẹp hay xấu, cuộc tranh cãi thế k

Dù đã chọn thời điểm đến Paris vào dịp hè để thỏa sức ngắm kinh đô hoa lệ ở thời tiết lý tưởng nhất, thế nhưng Paris đã đón chúng tôi với một bầu trời xám xịt. Mặc trời mưa gió, ảm đạm, chúng tôi vẫn bắt đầu khám phá Paris từ biểu tượng của kinh đô ánh sáng - tháp Eiffel. 

Quả thật, ấn tượng đầu tiên về ngọn tháp trăm tuổi, niềm tự hào của Paris trong tôi không có gì đặc biệt. Khi đó, tôi ở khoảng cách đủ xa để có thể tạo ra “ảo ảnh” tự sướng, giơ tay chạm vào đỉnh Eiffel, đánh dấu một kiểu ảnh thời thượng làm kỉ niệm.

Giờ xem lại vẫn không thoát khỏi cảm giác hụt hẫng với một ngọn tháp nhỏ xíu - vì ở xa (so với người tôi), trông yếu ớt dưới bầu trời mây xám vần vũ. Với người ta, ấn tượng ban đầu (về một ai đó, vùng đất nào đó hay một điều gì đó…)  bao giờ cũng rất sâu sắc. Vì thế, dẫu ngày hôm sau, hôm sau nữa, khi bầu trời trong xanh, nắng vàng trải khắp Paris, đi đâu trong thành phố này tôi cũng vẫn nhìn thấy ngọn tháp cao hơn 300m đó và không hề thấy đẹp. 

Khải Hoàn Môn, Paris.

Hơn 100 năm qua, tháp Eiffel đã được ca tụng và làm tốn giấy mực của biết bao nhà văn, nhà thơ rồi đi vào phim ảnh, truyền hình như một biểu tượng tự hào của Paris. Sao tôi chẳng có ấn tượng gì đặc biệt và chợt hiểu ra rằng có những cái đẹp được tìm thấy qua thời gian, khi nó trở nên thân quen hay trở thành nhân chứng lịch sử… 

Chả thế mà Gustave Eiffel và công trình để đời của ông khi mới xuất hiện đã từng bị phê phán, nguyền rủa là vô dụng và quái dị, là sự nhục nhã, là vết đen trên bầu trời Paris... Nhưng, ngay trong năm đầu tiên đã có tới 2 triệu lượt khách đến thăm tháp Eiffel, và con số hiện nay là hơn 6 triệu mỗi năm (chỉ đứng sau nhà thờ Đức Bà Paris). Tháp Eiffel thu hút hơn 200 triệu du khách từ mọi nơi trên thế giới đã đến đây kể từ ngày khánh thành. Từ tội đồ, Eiffel đã trở thành công đồ của nước Pháp.

Tháp Eiffel được ca ngợi nhất khi về đêm, khi triệu bóng đèn nhỏ gắn trên tháp nhấp nháy hòa lẫn trong thứ ánh sáng thần thánh, huyền ảo của cả thủ đô hoa lệ. Hơn nữa với độ cao lí tưởng của mình, tháp Eiffel là địa điểm duy nhất giúp du khách mãn nhãn với Paris. Tầng 3 của tháp Eiffel cách mặt đất 276,13 m là nơi tuyệt nhất để ngắm toàn cảnh vẻ đẹp của Paris.

Chúng tôi đã may mắn khi lần đầu tiên đến Paris đã được lên tầng cao nhất của tháp Eiffel bằng thang  máy (không phải lúc nào thang máy cũng hoạt động và không phải lúc nào du khách cũng được leo lên tháp Eiffel). Từ đây, những cây cầu bắc qua dòng sông Seine thơ mộng, những quảng trường khổng lồ, đại lộ thênh thang rồi nhà thờ, cung điện, lâu đài như thu cả trong... tầm tay.

Lâu đài Versailles và những món nợ lộng lẫy

Lâu đài Versailles là nơi ở của các triều đại phong kiến Pháp, điểm đến đáng ngạc nhiên, về cả sự đồ sộ và lộng lẫy của các công trình kiến trúc, trong quần thể rộng tới hơn 67.000m2!

Chúng tôi đã không khỏi ồ lên bất ngờ khi thấy Ban quản lý cung điện đưa ra con số 700 phòng, 2.513 cửa sổ, 352 ống khói, 67 cầu thang, 483 chiếc gương và diện tích mái ngói lên tới 13 héc-ta trong các cung điện Versailles, Grand Trianon và Petit Trianon của lâu đài Versailles. 

Người ta bảo, muốn thăm thú hết cả phần công viên của lâu đài Versailles rộng tới 800 héc-ta trong đó có các khu vườn cảnh kiểu Pháp vốn dành riêng cho Hoàng hậu năm xưa, 600 vòi phun nước, 55 hồ nước lớn nhỏ, 372 bức tượng trang trí và 35km kênh đào chạy quanh khu lâu đài này thì phải mất tới cả tháng đi bộ.

Thành phố Versailles là một làng bé nhỏ, hẻo lánh, nằm trong một khu rừng, dân lưa thưa, cách Paris 23 cây số về phía tây. Lúc đầu, Vua Louis XIII cho xây một lâu đài nhỏ, để ông nghỉ ngơi khi săn bắn tại đây. Nhưng trước cảnh đẹp hữu tình, Vua Loius XIII  đã quyết định cho xây tòa lâu đài Versailles vào năm 1624 khi ông mới 23 tuổi. 

Cung điện được chuyên gia nổi tiếng Philibert Le Roy thiết kế và trông nom xây dựng. Công việc này hoàn thành năm 1634, 2 năm sau đó một vườn cảnh kiểu Pháp được xây dựng thêm theo thiết kế của Boyceau et Menours. Năm 1643, Louis XIII qua đời, truyền ngôi lại cho con trai, một trong những vị vua vĩ đại nhất của Pháp, Louis XIV hay Louis Mặt Trời.

Là người đam mê và thích thưởng thức về nghệ thuật, nên bằng bất cứ giá nào Vua Louis XIV cũng phải làm cho cung điện lộng lẫy. Từ một lâu đài nhỏ của vua cha, Louis XIV đã biến nơi này thành một cung điện rộng lớn lộng lẫy, huy hoàng để có thể tá túc được 20.000 người, trong đó có Bộ trưởng và đông đảo quần thần của triều đình. 

Năm 28 tuổi (1866), ông chọn cung điện riêng cho mình, cho xây cất thêm ra cung điện Versailles. Thời đó, ông cho san bằng hết những ngọn đồi nhỏ chung quanh và lấp những bãi xình lầy. Ngoài ra ông cho trồng lại cây cối có lớp lang và nghệ thuật. Khu vườn cây này có diện tích hơn 1 triệu m².

Paris nhìn từ tháp Eiffel.

Sau khi Louis XIV qua đời năm 1715, các vua Louis XV và Louis XVI tiếp tục coi Versailles là lâu đài chính thức của nhà vua và xây dựng thêm các công trình khác trong đó có một nhà hát hoàng gia và một thư viện lớn. 

Cách mạng Pháp nổ ra, chế độ phong kiến Pháp dưới triều Vua Louis XVI sụp đổ thì lâu đài Versailles cũng mất đi vị trí vốn có của nó. Rất nhiều vật báu của lâu đài hoặc được đưa về Bảo tàng Louvre hoặc bị bán. 

Cung điện Versailles được chuyển thành Bảo tàng Lịch sử Pháp (Musée d’Histoire de France). Đây cũng là nơi chứng kiến việc ký Hòa ước Versailles dẫn đến sự kết thúc của Thế chiến I. Năm 1979, lâu đài Versailles gồm cung điện và công viên đã được UNESCO đưa vào danh sách Di sản thế giới.

Ở thời điểm hiện tại, số lượng nhân viên quản lý và điều hành lâu đài lên đến 900 người. Trong số này có 400 người là nhân viên bảo vệ, họ chịu trách nhiệm trông nom 3 triệu lượt người tham quan lâu đài và 7 triệu lượt người tham quan khu vực công viên hàng năm.

Cũng giống như khi đến thăm các công trình kiến trúc, lịch sử có giá trị khác ở kinh đô ánh sáng, đến Cung điện Versailles bạn sẽ chứng kiến những dòng người cuồn cuộn liên tục nối đuôi nhau vào chiêm ngưỡng, biến những khán phòng rộng lớn như đại sảnh gương như trở nên hẹp và chật chội vô cùng. 

Khách tham quan như lạc vào thế giới cổ tích với những bức tranh tường, đá cẩm thạch, đồ trang trí mạ vàng và đồ điêu khắc…, với các chủ đề và hình tượng bước ra từ thần thoại Hy Lạp và La Mã, được thực hiện bởi đông đảo các nghệ nhân, họa sĩ trứ danh thế kỷ 17-18.

Đại sảnh gương (Hall Of Mirrors) - nơi đón tiếp sứ thần và tổ chức đại tiệc của triều đình phong kiến Pháp là công trình ra đời sau nhưng lại là điểm nhấn, được trang hoàng lung linh nhất. Với 17 khung vòm (Arch) hướng thẳng ra cửa sổ, mỗi vòm gắn 21 miếng kính lớn, tổng cộng số kính ở phòng gương là 357 miếng, phản chiếu vườn Versailles bên ngoài. Ánh hoàng hôn ở đây tuyệt đẹp. 

Lúc xây dựng, kính là một vật liệu quí giá và hiếm nhất. Trên thế giới chỉ có Venice có đủ khả năng và kiến thức để sản xuất kính. Vua Pháp sai người đến tận Venice (Ý) dụ dỗ một số thợ chuyên giỏi về triều đình Pháp để sản xuất kính. Theo “truyền thuyết”, để độc quyền, chính quyền Venice đã sai người đến tận Paris đầu độc nhưng chỉ chết một vài người trong số này. Chính vì thế mới có một đại sảnh hoành tráng tồn tại tại Versailles đến tận ngày nay.

Tôi đã kịp lang thang hầu khắp Paris, thăm những cảnh đẹp nổi tiếng: nhà thờ Sacre Coeur trên đồi Montmartre, Bảo tàng Louvre, nhà thờ Đức Bà Paris, đại lộ Champs Elysee, Khải Hoàn Môn, tháp Eiffel… nhưng ấn tượng nhất vẫn là chuyến du thuyền trên sông Seine.  Hoàng hôn về, ánh đỏ của chiều tà phản chiếu lên dòng nước sông Seine khiến cảnh sắc vô cùng lãng mạn. 

Rồi màn đêm buông xuống là lúc tháp Eiffel và các công trình kiến trúc độc đáo khoác lên mình ngàn vạn bóng đèn lộng lẫy, kiêu sa. Nhất định nếu có lần nữa được đặt chân đến nơi này, tôi sẽ không bỏ lỡ cơ hội được lên du thuyền sông Seine - ngắm thủ đô ánh sáng về đêm. Thế cho nên, như người ta nói, dù thế nào, với Paris, tôi cũng mới chỉ cưỡi con ngựa và ôm một bó hoa đi qua mà thôi.

Hoàng Quân
.
.
.