Phá sản vẫn sợ mất “thi đua”

Thứ Sáu, 05/05/2017, 10:49
Trung Quốc hiện phải chấp nhận các bước gian khổ để cơ cấu lĩnh vực công nghiệp phình trương trong lúc nỗ lực kìm cương nợ công, nên đã cho phép các doanh nghiệp phá sản, theo báo The Wall Street Journal.


Một thời cán bộ chính quyền địa phương giấu chuyện phá sản vì sợ mất thành tích thi đua, nhưng nay Trung Quốc phải chấp nhận để công ty "xác sống” phá sản. Đó là các công ty làm ăn bết bát, mắc nợ nặng ở các địa phương vì chỉ sống nhờ tiền hỗ trợ của Nhà nước.

 Theo Bloomberg, các quan chức cấp cao trong chính phủ nhiều lần thất hứa về việc cho phép các công ty “xác sống” khổng lồ phá sản dù hoạt động kém hiệu quả, nợ nần quá “khủng”. Điển hình là ngành thép, một trong những ngành kinh tế hàng đầu của Trung Quốc, khi số doanh nghiệp được xem là thuộc diện “xác sống” đang ngày càng nhiều.

Ngành thép Trung Quốc đang lâm tình trạng sản xuất thừa.

Giấu chuyện phá sản vì sợ mất thành tích thi đua

Ở Trung Quốc, vấn đề phá sản còn hiếm. Các cán bộ chính quyền địa phương thường xem sự phá sản là phản ánh sự thất bại. Chen Xiahong, một học giả chuyên về phá sản ở Đại học Khoa học và Luật Trung Quốc, nói: “Cán bộ chính quyền địa phương thường dùng mọi cách phòng chống phá sản, để bản thành tích thi đua của họ không bị vết nhơ”.

Trước đây, cách làm phổ biến của Trung Quốc là Nhà nước hỗ trợ để giữ những công ty làm ăn bết bát “sống sót”, nhằm duy trì sản lượng và tránh những bất ổn vốn xảy ra khi phải cho nhiều nhân công nghỉ việc. Chính phủ “bơm” tiền và giữ việc làm cho nhân công trong một giai đoạn ngắn, hoãn đưa ra những quyết định cứng rắn hơn về cách chuyển đổi nền kinh tế ì ạch trở lại ổn định.

Cho đến nay, hầu hết các vụ phá sản liên quan đến những công ty nhỏ hơn, và các quan chức vẫn cảnh giác nguy cơ bùng phát một sự bất ổn tầm cỡ lớn. Bắc Kinh ước tính sự sa thải nhân công sẽ tác động đến 500.000 thợ mỏ than và thợ mỏ thép trong năm 2017, và đến năm 2020 sẽ là 1,8 triệu nhân công bị mất việc.

Ngày 28-2 vừa qua, Bộ Lao động Trung Quốc cho biết muốn việc sa thải được tiến hành “một cách trật tự và ổn định”.

Theo thống kê của He Fan, nhà kinh tế tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh, hiện có khoảng 10% các công ty niêm yết ở Trung Quốc là công ty “xác sống”, dù trên thực tế có lẽ còn nhiều hơn nữa, vì rất nhiều các công ty khác còn chưa niêm yết và do đó thiếu thông tin chính xác.

Bằng cách lãng phí tiền cho các doanh nghiệp đang hấp hối, và đồng thời làm tăng thêm khoản nợ khổng lồ của khu vực doanh nghiệp này, các quan chức Trung Quốc đang chấp nhận hy sinh tăng trưởng, việc làm và chậm đổi mới nền kinh tế đất nước.

Theo đánh giá của nhà kinh tế học He Fan, các công ty “xác sống” đang ngăn chặn sự hồi phục của kinh tế Trung Quốc, sự tồn tại của chúng ngăn cản các nguồn lực được phân bổ một cách hiệu quả hơn trong nền kinh tế, dẫn đến sự lãng phí và thậm chí là hậu quả nghiêm trọng.

Và một sự thực khác mà các fan hâm mộ phim kinh dị đều biết, nhưng có vẻ như các nhà hoạch định chính sách thì không, đó là: các “xác sống” luôn tạo ra rất nhiều các “xác sống” khác.

“Chính phủ phải nắm sừng trâu để giải thể xác sống”

Luật phá sản của Trung Quốc tương tự luật của Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác. Nhưng việc giải quyết nợ thường được tiến hành bằng các cuộc thương lượng riêng, hoặc đơn giản hơn là chủ công ty bỏ trốn.

Theo số liệu chính thức của Tòa án nhân dân Tối cao Trung Quốc, từ năm 2012 đến 2014 có khoảng 2.000 vụ phá sản/năm, chiếm 25%  trong tổng số 800.000 công ty giải thể hàng năm. Nhưng năm 2015, số vụ phá sản đạt con số kỷ lục: 3.683 vụ, năm 2016 tăng lên 5.665 vụ, khi nợ công ty tăng đáng kể.

Tòa án nhân dân Tối cao Trung Quốc bắt đầu kêu gọi vận dụng Luật phá sản rộng hơn, như để các công ty tái cơ cấu dưới sự bảo vệ của tòa án.

Tình trạng phá sản tăng cao không có nghĩa Bắc Kinh ngưng bảo lãnh, nhất là cho các công ty nhà nước tầm cỡ lớn. Tính đến tháng 2-2017, chính phủ đã bơm hơn 62,5 tỉ USD  cho một số “khổng lồ” công nghiệp nhà nước.

Rafael Halpin, nhà phân tích Trung Quốc của Công ty Tư vấn đầu tư North Square Blue Oak(Mỹ) nói với báo The Wall Street Journal: “Bắc Kinh không muốn gây ra một cuộc khủng hoảng, nên họ xử lý cẩn thận. Nhưng tất cả các dấu hiệu này chỉ ra một mong muốn lớn là xử lý những vấn nạn lâu nay như nợ công ty”.

Theo tờ báo này, ông Guo Shuqing, lãnh đạo Ủy ban Giám sát và Quản lý Ngân hàng Trung Quốc (CBRC) hôm 2-3 vừa qua nói chủ đề chính của kỳ họp Quốc hội Trung Quốc (đã bế mạc hồi trung tuần tháng 3) là quản lý nợ, như một cách xử lý sức tăng trưởng kinh tế chậm nhất từ 25 năm qua.

Ông Guo Shuqing nói: “Chính phủ phải nắm sừng trâu trong việc giải thể các công ty xác sống”. Nợ xấu của Trung Quốc là 218 tỉ USD hồi cuối năm 2016, tăng gấp ba lần so với năm 2013, theo số liệu chính thức. Nợ công ty nay vươn đến 18 ngàn tỉ USD, tức 160% GDP Trung Quốc.

Kim Hương (theo The Wall Street Journal)
.
.
.