Phận “cu li” đào thiếc

Thứ Hai, 20/02/2017, 11:18
Nếu bạn sở hữu một chiếc điện thoại di động, có thể nó được làm bằng thiếc từ đảo Banka ở Indonesia. Ở đây, việc đào thiếc tàn phá môi trường và mỗi năm giết chết hàng chục người thợ.


Những người thợ đào thiếc ấy vẫn bị gọi là “cu li” như thời Indonesia là thuộc địa Hà Lan. Tại Banka, 20% trong 1,3 triệu dân đảo là “cu li” và 40% làm việc trong các ngành liên quan. Dưới các mỏ sâu 15 mét, những thợ mỏ sử dụng cuốc chim đào lớp đá granit để tìm thiếc, thứ kim loại đang cần nguồn cung ứng ngày càng tăng từ vài trăm năm qua.

Banka (phía đông Sumatra thuộc Indonesia) chiếm một vị trí quan trọng trong thị trường thiếc thế giới. Nó cùng “đảo em” là chân của một vành đai thiếc dài hình chiếc ủng kéo dài từ Myanmar xuống Thái Lan, Malaysia, Singapore và Indonesia. Khi Hà Lan đô hộ Indonesia hồi đầu thế kỷ 19, một trong những nhiệm vụ đầu tiên của họ là khai thác nguồn thiếc phong phú của Banka, người dân đảo cùng “cu li” gốc Hoa đã cùng nhau dùng cuốc xẻng đào quặng thiếc.

Điều kiện làm việc vô cùng khắc nghiệt của các công nhân ở mỏ thiếc Banka.

Ngày nay, cần có thiếc để làm mối hàn các sản phẩm tiêu dùng bằng điện như điện thoại thông minh, máy tính bảng, và có khoảng 7 gram thiếc được sử dụng trong một điện thoại di động… Banka và Belingtung đáp ứng 90% nguồn thiếc của Indonesia (quốc gia xuất khẩu thiếc lớn hàng thứ hai thế giới). Theo cuộc điều tra hoạt động khai thác mỏ thiếc Indonesia của tạp chí Businessweek, Tập đoàn thiếc PT Timah cung cấp thiếc trực tiếp cho các công ty điện tử như Samsung, Sony, LG…

Cái chết chực chờ “cu li”

 “Con dế” của bạn đọc có thể sử dụng thiếc Banka được đào bởi hàng chục ngàn “cu li” như Suge. Người thợ mỏ 44 tuổi này đã đào thiếc từ 12 năm nay, cho biết đó là công việc kiếm ra tiền, mỗi người kiếm được khoảng 5 bảng Anh/ngày trong một kỹ nghệ giúp Indonesia có được nguồn thu xấp xỉ 42 triệu bảng. Nhưng rồi  mỏ của Suge bị sụp đất và chân trái của anh bị đứt làm đôi. Vụ tai nạn đã cướp đi 3 đồng nghiệp của anh.

Cha của Suge cho biết con ông còn sống là may mắn lắm rồi. Ông bảo tai nạn của Suge là “đòn cảnh cáo của đấng Allah muốn hắn thay đổi lối sống !”. Suge khóc vì bị cha mắng không chịu cầu nguyện nên tai nạn đã xảy ra. Anh kể: nhờ nghĩ đến đứa con gái nhỏ, ý chí sinh tồn giúp anh cố hết sức trồi lên khỏi lớp bùn. Suge nói: “Tai nạn của tôi là sự hy sinh nhỏ nhoi để đem lại hạnh phúc cho mọi người trên thế giới, qua chiếc ĐTDĐ, các sản phẩm điện tử”, nhưng cha anh ngắt ngang: “Vớ vẩn. Chúng tôi làm ra thiếc nhưng chúng tôi không có ĐTDĐ”.

Suge nói: “Nhìn quanh làng tôi xem, ai nấy đều giàu hơn, con cái họ được đến trường”. Nhưng anh biết rõ đó là sự thay đổi giả tạo. Hai người hàng xóm của anh vừa chết khi “đi mỏ”, nâng tổng số “cu li” “ra đi” không chính thức trong năm 2016 lên 78 người. Trong tháng 11-2016, số vụ cảnh sát ngăn chặn thợ “chui” cũng tăng đáng kể. Số liệu cho thấy số vụ tai nạn như Suge gặp phải tăng gấp 4 lần, từ 11 vụ năm 2010 lên 44 vụ năm 2011. Các nhà hoạt động nói con số trung bình thực tế phải là từ 100 - 150 vụ/năm. 

Suge cũng gặp may vì công ty tư nhân (thầu cung cấp mỏ cho Tập đoàn thiếc quốc gia Timah) của anh đã bồi thường tiền và hứa khi nào chân anh lành hẳn sẽ cho anh làm việc trở lại. Nhưng chuyện bồi thường là một “sự ưu ái hiếm quý” trong làng đào mỏ vốn phải tự lực cánh sinh. 

Dân Banka thường nói “đứng giữa ngã ba đường”: đào thiếc có nhiều tiền, nhưng tàn phá cảnh quan đảo nặng nề: đất ruộng và rừng bị san ủi, nguồn cá và dải san hô bị tận diệt, du khách không muốn đến nghỉ ngơi tắm biển nữa, vì hàng ngày có khoảng 80 “cu li” làm chui trên bãi biển Rebo. Họ nói “hên xui” khi được hỏi về năng suất: may mắn tìm được nhiều quặng thì “giàu trong một ngày”, rủi thì chỉ kiếm được chút đỉnh bán lấy tiền mua ít thức ăn.

“Chỉ còn cách trộm cướp”

Dân làng bỏ nghề cá, vì hoạt động đào thiếc cấp độ lớn trên bãi biển của các công ty tư nhân và Tập đoàn Timah đã khiến nguồn thủy sản Rebo cạn kiệt, đến độ các ngư dân đã phải tổ chức biểu tình phản đối. 

Thủ lĩnh của nhóm biểu tình là Tjong Ling Siaw 40 tuổi, thế hệ thứ ba của một gia đình ngư phủ. 10 năm qua, Tjong đi đầu trong việc phản đối chuyện đào thiếc ở thềm biển và đầu năm nay, anh cùng 600 người diễu hành trước dinh “chúa đảo” và trụ sở Timah ở thủ phủ Pangkal Pinang của đảo Banka. Họ đòi chấm dứt hoạt động này. 

Tjong nói: “Chính quyền trung ương đã chi nhiều tiền vào các chương trình huấn luyện ngư dân đánh cá, tặng phương tiện, thì tại sao lại không chấm dứt chuyện đào thiếc?”.

Nhưng cánh “cu li” nói nếu ngưng việc đào mỏ thì họ chẳng biếtsống bằng gì. Dulaksan 54 tuổi, nói ông không còn sức đi biển đánh cá, và “nếu không đào thiếc, người dân sẽ trở thành trộm cướp. Nếu không có cái ăn, chắc chắn tôi cũng đi cướp. Nếu bị bắt thì ít ra cũng có được bữa cơm miễn phí và chỗ để ngủ”. 

Mansur 35 tuổi nói đào thiếc là “nghề” duy nhất họ biết. Nhưng đó là nghề nguy hiểm: họ phải đeo mặt nạ và ống nhựa lặn sâu xuống nền cát đáy biển để tìm quặng, và nếu sóng mạnh quật rơi mặt nạ, người thợ có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được đồng nghiệp kéo lên kịp, họ có thể bị hôn mê hoặc tử vong. Khi tìm được quặng, họ bán lại cho “cò”, “cò” bán lại cho các công ty như Timah hoặc bất kỳ ai mua giá cao hơn.

Hiện tổ chức Thân hữu của địa cầu đang thúc đẩy các nhà sản xuất điện thoại thông minh đồng ý kế hoạch chấm dứt những tác động đến môi trường và sinh mạng  của thợ đào thiếc. Samsung và Apple đều khẳng định họ luôn kiểm tra các công ty cung ứng có được nguồn thiếc từ đâu, và hoàn toàn tuân thủ các tiêu chuẩn bảo bệ môi trường và tính mạng con người.

Trung Trực ( theo Guardian)
.
.
.