Phận đời sau những gánh nước thuê

Thứ Ba, 19/04/2016, 15:51
Lão năm nay đã ngoài 80 tuổi. Thân hình lão gầy gò, ốm yếu, dáng đi liêu xiêu, lẹo vẹo, thế nhưng ngày nào lão cũng gánh ít nhất hai thùng nước để kiếm thêm tiền nuôi đứa con tâm thần và bà vợ đã già yếu, chẳng thể làm được gì. Lão bảo đời lão quá khổ, nhưng nếu không gánh nước thì lão chẳng biết làm thêm gì để nuôi vợ con ở vào cái tuổi gần đất xa trời này.

Chúng tôi đến thăm lão Nguyễn Đường khi lão vừa gánh nước trở về. Căn nhà của lão nằm sâu tít trong một con hẻm nhỏ của thành phố Hội An. Nếu không có một ông chú tốt bụng dẫn đường, có lẽ chúng tôi cũng chẳng tìm ra. 

Gọi là nhà nhưng chẳng khác gì một phòng trọ. Nhà lão chỉ vẻn vẹn có vài mét vuông, kê được đúng cái giường đơn, một chiếc tủ nhỏ, một chiếc ti vi cũ kỹ và tấm phản nhỏ là nơi chui ra chui vào của vợ chồng lão và đứa con tâm thần đã ngoài 50 tuổi. Ban ngày tấm phản được dựng lên để lấy chỗ ăn uống của gia đình lão. Tối đến mới trải xuống để nghỉ tạm. Thấy chúng tôi vào chơi, anh con trai cười ngơ ngác rồi đứng lên sang hàng xóm ngồi chơi với mấy chú chó con.

Vợ chồng lão tuổi đã cao nên hơi có phần nghễnh ngãng, phải nói rất to, chậm rãi từng từ một lão mới nghe ra. Hai vợ chồng cứ thay phiên dịch cho nhau nghe khi được chúng tôi hỏi chuyện. Lão nói tiếng trọ trẹ, câu được câu không phần vì giọng Quảng Nam, phần vì lão đã quá già yếu, hai hàm răng đã rụng gần hết. Lão bảo, lão vừa đi bộ gánh hai gánh nước trở về. Giờ già rồi, lão chỉ gánh được có thế. Ở thành phố Hội An này, người ta chuộng nước giếng cổ Bá Lễ ngay gần nhà lão để nấu thức ăn. Nước giếng trong veo, ngọt lịm, bao nhiêu năm nay chẳng bao giờ cạn.

Vợ chồng lão Nguyễn Đường trong căn nhà nhỏ.

Mỗi thùng nước nặng trĩu chỉ có giá 5.000 đồng. Ngày xưa còn trẻ thì lão còn gánh được nhiều, một ngày cũng vài chục gánh còn có đồng ra đồng vào phụ với đồng trợ cấp tuổi già ít ỏi của hai vợ chồng và anh con trai bị bệnh thần kinh, nhưng giờ già rồi, ít người thuê, mà lão cũng chẳng còn sức mà gánh nên một ngày lão chỉ kiếm được một hai chục, hôm có hôm không.

Ở thành phố Hội An có nhiều người dân nghèo cũng đi chở nước giếng thuê cho các nhà hàng, quán ăn như lão, nhưng họ còn đi được xe máy, kéo được xe đẩy. Mỗi chuyến ít cũng được 4-5 thùng nước. Còn lão từ bé đến lớn có biết cái xe máy là gì, xe đạp cũng chẳng có mà đi, chỉ có đôi quang gánh, đôi thùng tôn đã cũ kỹ mà lão cũng phải đi xin và đôi chân đã chai sạn, nứt nẻ. Thế mà lão gánh nước đi khắp thành phố. Chỉ cần có người thuê thì dù ở xa đến mấy lão cũng gánh đến tận nơi. Miễn là có tiền.

Đã ngoài 80 tuổi, trí nhớ không còn minh mẫn nên lão chẳng nhớ được gì nhiều về cuộc đời của lão. Quê lão gốc Quảng Nam. Nhà nghèo, lão phải tha phương cầu thực từ tấm bé. Lão gặp vợ ở Sài Gòn khi vào đó bôn ba kiếm sống. Vợ lão cũng quê gốc Quảng Nam. Một năm sau, hai vợ chồng lão sinh được một đứa con trai kháu khỉnh trong niềm vui mừng khôn xiết. 

Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang, vừa tròn một tuổi thì anh con trai bị một trận ốm “thập tử nhất sinh”. Không một đồng xu dính túi để chữa trị cho con, vợ chồng lão chỉ biết ngồi “cầu trời khấn phật” đừng lấy đi niềm hạnh phúc nhỏ nhoi của vợ chồng lão. Anh con trai may mắn qua khỏi, nhưng từ đó lại trở thành một đứa trẻ khù khờ, ít nói. 

Thương con, vợ chồng lão ra sức làm ngày làm đêm, mong kiếm tiền để chữa bệnh cho đứa con tội nghiệp. Ai thuê gì làm nấy. Nhưng dù đưa con đi đến đâu, lão cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Cuối cùng vợ chồng lão đành phải chấp nhận sự thật sẽ phải chăm sóc đứa con có vấn đề về thần kinh suốt đời. Từ đó, cuộc sống của gia đình lão càng khó khăn, chật vật hơn. Vợ ở nhà trông con, một mình lão bươn chải kiếm sống nuôi ba miệng ăn mà vẫn bữa đói bữa no. 

Sau nhiều năm tha phương cầu thực, lão và vợ con bìu ríu đưa nhau về quê hương sinh sống, trong tay không một đồng xu, một tấc đất cắm dùi. Năm đó là Mậu Thân 1968. Khi ấy, vợ lão vẫn còn khoẻ nên ngày tranh thủ đi gánh nước thuê cho người ta, trưa lại về nhà cơm nước cho anh con trai bị bệnh chỉ biết ngồi một chỗ. Còn lão cũng đương trai tráng nên đi bốc vác, phụ hồ. 

Không có tiền mua thuyền chài lưới, lão lại theo bạn bè, chủ tàu ra khơi đánh cá kiếm tiền nuôi gia đình. Hai vợ chồng làm quần quật cả ngày cũng chẳng đủ ăn. Đói nghèo bủa vây, vợ chồng lão quyết định không sinh thêm con nữa. Một thời gian sau vợ lão sức khoẻ yếu, không còn đủ sức gánh nước thuê thì lão lại thay vợ đi gánh nước, để vợ lão ở nhà lo việc cơm nước, nội trợ và chăm con. 

Anh con trai đã ngoài 50 nhưng lúc nào cũng ngơ ngơ.

Cứ thế lão gắn bó với nghề gánh nước thuê hơn 50 năm nay. Trời nóng cũng trời như lạnh, ngày nắng cũng như ngày mưa, lão đều dậy từ sáng sớm, gánh nước đến xế trưa mới nghỉ. Ăn uống xong xuôi, nghỉ ngơi một lúc lão lại gánh nước đến tận tối mịt. 

Nhiều người gọi lão là “di sản văn hoá” của Hội An, là người cuối cùng gánh nước thuê xuyên thế kỷ. Lão cũng được trao tặng kỷ lục “Người gánh nước thuê trong thời gian dài nhất tại Việt Nam” do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận. Hình ảnh lão gánh nước đi khắp phố phường Hội An cũng đã lọt vào ống kính của nhiều nhà báo, nhà nhiếp ảnh quốc tế. 

Nhiều khách du lịch nước ngoài đến Hội An đều tìm đến lão để mong gặp được nét đẹp hiếm hoi còn sót lại của phố cổ. Nhưng với lão đơn giản chỉ vì mưu sinh, một người không bằng cấp, không nghề nghiệp như lão làm sao có thể kiếm được việc gì ngoài gánh nước. Bốc vác, phu hồ cũng đến tuổi rồi phải nghỉ, nhưng gánh nước thì lão vẫn còn sức gánh được.

Thương hoàn cảnh gia đình lão già yếu, neo đơn, phải nuôi con bệnh tật nên nhiều người vẫn thuê lão gánh nước nên lão vẫn còn có việc mà làm. Một ngày chỉ được vài ba gánh nước nhưng còn hơn là phải ngồi một chỗ. Nếu bây giờ mà nghỉ, ai sẽ nuôi vợ con lão. Anh con trai thi thoảng giúp lão gánh được vài gánh nước nhưng cứ ngơ ngơ, người ta đưa tiền cho bao nhiêu biết bấy nhiêu, chẳng phân biệt được đồng nào với đồng nào, mà cũng chẳng biết giữ tiền, có khi đi đường còn đánh rơi mất. Thế nên lão cũng chẳng cho gánh nhiều. Lão nhận làm tất.

Vợ lão năm nay cũng đã ngoài 80, đau yếu thường xuyên. Chân tay sưng vù vì bệnh khớp, đi lại khó khăn. Hằng ngày lão đi gánh nước xong lại về đi chợ cho vợ. Dù chân đau nhưng vợ lão vẫn lọ mọ ra ngoài hiên nấu cơm cho cả nhà. Người ta bảo trẻ cạy cha, già cạy con, nhưng ngần này tuổi đầu, vợ chồng lão vẫn phải làm thuê kiếm tiền nuôi anh con trai bị bệnh tâm thần. 

Nhắc đến con, mắt lão lại nhoè đi. Lão thương anh lắm. Con người ta bằng tuổi anh đã con cháu đề huề. Còn anh chỉ ngơ ngơ ngác ngác chẳng biết làm gì ngoài việc quanh quẩn ở nhà hay lang thang bên hàng xóm. “May mà nó hiền khô, chẳng phá phách bao giờ, chứ không vợ chồng tôi cũng không biết phải sống như thế nào”, lão cười như mếu.

Điều lão lo lắng nhất bây giờ là nếu chẳng may vợ chồng lão mất đi, ai sẽ chăm sóc lo lắng cho con trai lão. Lão nay đã 84 tuổi, vợ lão cũng đã 86. Tuổi già chẳng ai nói trước được điều gì. Nói đến đó, mắt lão lại rưng rưng.

Ngọc Mai
.
.
.