Không có gì mà ầm ĩ cả

Phạt cho tồn tại

Thứ Tư, 30/03/2016, 16:58
Nhà báo dũng cảm Đỗ Doãn Hoàng vừa bị côn đồ tấn công là sự việc được nhắc đến với tần suất cao trên các báo những ngày qua. Nhìn rộng ra, không ít những đồng nghiệp của anh tại nhiều tỉnh, thành phố cũng liên tục bị côn đồ tấn công, đe dọa tính mạng. Hình thức tấn công gồm nhiều dạng.

Có thể ẩn danh hoặc có thể ngang nhiên tấn công công khai với trang phục bảo vệ. Dù là nhân viên bảo vệ của cơ quan lớn, bảo vệ nhà hàng hay những kẻ vô danh ngoài đường, cái giống nhau của chúng là các hành vi mang tính côn đồ hung hãn với mục tiêu định trước. 

Những kẻ xúi giục côn đồ biết rõ quyền thân thể và tác nghiệp của nhà báo được ghi rõ trên luật thế nào, nhưng chúng không coi trọng những thứ chỉ tồn tại trên giấy tờ. Ngay bây giờ, các nhà quản lý cần có những hành động cụ thể để bảo vệ những chiến sĩ cầm bút của mình. Tấn công nhà báo là tấn công vào thiết chế dân chủ hóa minh bạch hóa của xã hội, tấn công vào quyền được tiếp cận thông tin của người dân và sự tôn nghiêm của pháp luật. Những chuyện đã nói mãi rồi, đừng đánh trống bỏ dùi.

Câu chuyện khác về đánh trống bỏ dùi. Chúng ta đã quen với những sai phạm tràn lan tới mức "Anh sai, nó sai, cả làng sai…". Việc xử lý chúng, ta lại càng quen với thực tế "Phạt cho tồn tại". Chỉ cần kẻ sai phạm có hành vi "Khắc phục hậu quả” là có thể sai phạm tiếp một cách phấn khởi. Các cơ quan thanh, kiểm tra có xu hướng trở thành trung tâm nhân đạo, từ thiện. Với xu thế này ta có thể thành lập Hội "khuyến sai" để nền “sai” được phát triển và thậm chí được bảo vệ.

Minh họa: Lê Tâm.

Cách đây ít hôm, có một tòa cao ốc sừng sững nhận sai phạm xây quá chiều cao cho phép tới 16m. Lần này chủ đầu tư “ngoan” lắm, sẵn sàng chấp hành phạt thế nào cũng chịu. Sau thời gian im ắng đợi xu hướng "Tân quan, tân chính sách" thì chủ nhà mới thẽ thọt xin phép "phạt cho tồn tại".

Lý sự thì đủ đầy: Quá trình phá dỡ có thể gây ra nguy cơ gây sự cố nghiêm trọng cho người sử dụng; nguy cơ mất an toàn cho khu cư dân liền kề; nguy cơ mất an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông; gây lãng phí của cải vật chất cho đất nước.

Chủ đầu tư xin được "mở đường" cho tồn tại sai phạm như sau: Phạt cho tồn tại. Dừng việc phá dỡ và hiến tặng phần xây dựng sai phạm này vào mục đích công ích có lợi cho cộng đồng hoặc phục vụ công tác đảm bảo an ninh, quốc phòng. Cho phép được chủ động liên hệ với Hội Chữ thập đỏ để hiến phần sai vào mục đích từ thiện… Tuy nhiên, những đòi hỏi “cống hiến sai phạm” này đã bị lãnh đạo thành phố từ chối chứ nếu không khéo cuối năm các sai phạm gia lại nhận giải thưởng... cống hiến.

Một số cán bộ quản lý ngó lơ sai phạm trên bị thuyên chuyển công tác. Điều lạ là công việc của những cán bộ đã để lọt sai phạm vẫn là công việc cũ. Trước là cán bộ thanh tra cấp quận thì nay thành cán bộ cấp thành phố. Nhưng vậy là giáng hay thăng? Đây cũng là một dạng phạt cho tồn tại nhưng không phải là tồn tại công trình mà là tồn tại con người quản lý yếu kém.

Lại nhớ bộ tiểu thuyết trào phúng "12 chiếc ghế" của văn học Liên Xô đầu thế kỷ XX. Truyện kể rằng tại thị trấn N có một lão chủ nhiệm nhà dưỡng lão, vì đối xử thô bạo với các cụ bà, đã bị cách chức và cử đi làm nhạc trưởng dàn nhạc giao hưởng. Ta lại giật mình tưởng như chúng ta đang lùi từ thế kỷ XXI về ngót trăm năm trước. Đây là một hình ảnh điển hình của công việc khen thưởng kỷ luật cười ra nước mắt đồng hành cùng chúng ta xuyên thời gian.

Còn bạn. Bạn thích làm chủ nhiệm nhà dưỡng lão hay chỉ huy dàn nhạc giao hưởng?

Lê Tâm
.
.
.