“Phát sáng” một vùng non nước biên cương Cao Bằng

Thứ Ba, 11/02/2014, 11:00

Có lẽ chưa bao giờ hai địa danh Quảng Bình và Cao Bằng được nhắc tới nhiều như thời gian gần đây sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời. Nếu như Quảng Bình là nơi “chôn nhau cắt rốn” thì Cao Bằng là nơi Đức thánh Võ cùng “đất nước đứng lên” giữa đêm trường nô lệ. Không những thế, vùng đất biên giới phía Bắc này của Tổ quốc còn có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa rất đặc biệt...

Nhìn lên bản đồ Tổ quốc, chúng ta thấy bảy tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh hợp thành hình vòng cung từ tây sang đông biên giới phía Bắc, trong đó Cao Bằng nằm nghiêng về phía Đông Bắc. Như nhiều người phương Nam xa xôi, chúng tôi mơ ước được một lần về thăm mảnh đất địa đầu hàng ngàn năm tuổi của tổ tiên. Sau khi đáp máy bay xuống sân bay Nội Bài của Hà Nội, xe đưa chúng tôi theo quốc lộ 3 qua Thái Nguyên, Bắc Kạn vượt đèo Giàng, đèo Gió, đèo Mã Phục và hàng loạt địa danh lịch sử khác để đến với Cao Bằng.

“Phát sáng” một vùng địa linh

Có một điều thú vị, chúng ta thường nghe nói về xứ Lạng, xứ Kinh Bắc, xứ Thanh, xứ Nghệ, xứ Quảng, xứ Nẫu, xứ Đồng Nai, xứ Cà Mau,… nhưng với riêng Cao Bằng thì không ai gọi “xứ” mà là “non nước” - non nước Cao Bằng. Vâng, hai chữ “non nước” cũng đã thể hiện sự tôn vinh một vùng đất thiêng, cái nôi văn hoá cho cả dân tộc, từng đi vào ca dao:

“Cái cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non
Nàng về nuôi cái cùng con
Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng”

Non nước Cao Bằng là vùng đất vốn hợp cùng Lạng Sơn thành châu Quảng Nguyên dưới thời Lý - Trần. Theo nhà nghiên cứu văn hoá Vũ Ngọc Khánh, trong lịch sử không nơi nào trên đất nước ta có được vị thế như Cao Bằng, khi gần như liên tục mang tư cách kinh đô, một vùng đất “phát sáng”, tuỳ theo vai trò và mức độ rộng hẹp khác nhau. Điều đó không phải không có lý. Truyền thuyết dân tộc Tày kể rằng, từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên, vùng Cao Bằng là địa phận nước Nam Cương của cư dân Tây Âu, với kinh đô đặt ở Hoà An. Trong câu chuyện Chín chúa tranh ngôi vua, Thục Phán sau khi đánh bại các đối thủ đã thống nhất hai thành phần cư dân Lạc Việt và Tây Âu lập nên nước Âu Lạc, lên ngôi vua An Dương Vương, chuyển thủ đô về Cổ Loa. Nghĩa là từ thời kỳ đầu lập quốc, Cao Bằng đã từng là một trung tâm chính trị, văn hoá.

Cho tới thế kỷ XI, vùng đất này lại trở thành trung tâm của quốc gia “tự trị” Trường Sinh, có khi lấy quốc hiệu Đại Nam, thủ phủ đặt tại Nà Lư, với các thủ lĩnh đứng đầu là cha con Nùng Tồn Phúc, Nùng Trí Cao. Vương quốc này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn ngủi thì bị diệt vong. Đến cuối thế kỷ XVI, khi nhà Mạc thất thế bỏ Thăng Long chạy lên miền ngược đã chiếm cứ Cao Bằng, thiết lập nên vương triều riêng, tách hẳn khỏi sự quản lý của chính quyền Lê - Trịnh. Gần 100 năm vừa chống chọi với nhà Lê, các vua nhà Mạc cũng vừa xây dựng Cao Bằng trở thành một trung tâm chính trị, quân sự, văn hoá và kinh tế. Chỉ sau khi nhà Mạc bị tiêu diệt, Cao Bằng mới đổi thành một trấn, rồi một tỉnh biên giới.

Vị thế Cao Bằng chưa dừng ở đó, mà tiếp tục giữ sứ mệnh “phát sáng” của mình. Ngày 8/2/1941, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã trở về Tổ quốc mà nơi đầu tiên vị lãnh tụ đặt chân đến là Cao Bằng. Từ đó vùng “địa linh” này biến thành một căn cứ địa, một thủ đô kháng chiến, hội tụ tinh hoa trí tuệ và khí phách của những người con ưu tú. Cũng từ nơi đây, các chủ trương, đường lối và cả nhân lực đã toả đi khắp mọi miền đất nước vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Tiếp đó, ngày 22/12/1944, Cao Bằng trở thành nơi ra đời của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ 34 chiến sĩ ban đầu với trang bị vũ khí thô sơ, do Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp trực tiếp thành lập và chỉ huy, trải qua thực tế khắc nghiệt chiến trường, đã trở thành một đội quân hùng mạnh hàng đầu thế giới, đủ khả năng tiêu diệt mọi kẻ thù xâm lược. Điều đặc biệt là chiến công đầu tiên của đoàn quân ấy cũng khởi đi từ “địa linh” Cao Bằng, với hai trận đánh tiêu diệt hai đồn binh của Pháp là Phai Khắt và Nà Ngần vào ngày 25 - 26/12/1944, cách đây gần tròn 70 năm.

Huyền thoại một vùng nhân kiệt

Từ thực tế lịch sử phong phú của mình, Cao Bằng đã trở thành vùng đất sản sinh nhiều nhân kiệt đi vào huyền thoại trong quá trình đấu tranh sinh tồn trước sự hung bạo của thiên nhiên và các thế lực ngoại xâm, thổ phỉ cướp phá. Những người quê quán Cao Bằng mà tôi có dịp quen biết hay thổ lộ rằng, khi đi xa họ nhớ nhất là danh thắng thiên nhiên cùng những câu chuyện dã sử ly kỳ độc đáo về những vị anh hùng của quê hương. Đó là những nhân vật xa xưa trấn thủ biên cương như Nùng Trí Cao, Dương Tự Minh, Tông Đản, Nùng Trí Viễn, Hoàng Lục… từng tham gia đánh quân Tống, rồi Bế Công Lượng chống quân Minh, Mã Quốc Anh tập hợp nghĩa quân đánh Pháp xâm lược… Đó là những thủ lĩnh tiểu phỉ trừ gian bảo vệ bản làng như Bế Nguyên Luận, Thang Trường Hợp và các thủ lĩnh bất bình với triều đình phong kiến trung ương đã đứng lên hùng cứ một phương như Nùng Tồn Phúc, Bế Khắc Thiệu, Nông Văn Vân…

Không chỉ các thủ lĩnh quân sự, mà Cao Bằng còn sản sinh những nhân vật văn hoá, danh y tài giỏi như Hoàng Quỳnh Vân được suy tôn là Vua Ca Đáng, Bế Văn Phùng tức Trạng Tư Thiên, Bế Hựu Cung - tác giả của sách Cao Bằng thực lục, Trần Quý - Trần Kiên có tài bốc thuốc cứu người…

Nhà thơ Trần hùng (ngoài cùng bên phải) tiếp đoàn văn nghệ sĩ TP HCM.

Giống như các vùng văn hoá khác, ký ức dân gian qua dã sử ở Cao Bằng có nhiều điểm rất khác biệt với chính sử. Có những nhân vật mà các sử gia phong kiến cho rằng là phản nghịch thì lại được nhân dân tôn thờ, thần thánh hoá như những người có công lớn với xứ sở, cộng đồng. Một trong những nhân vật mang nhiều huyền thoại nhất là Nùng Trí Cao, được dân thiểu số bản địa tôn vinh là Khâu Sầm Đại Vương, có nhiều nét tương đồng với Phù Đổng Thiên Vương trong truyền thuyết người Việt. Nùng Trí Cao là một nhân vật lịch sử có thật từng được ghi chép vào sử sách Việt Nam lẫn Trung Hoa, nhưng lai lịch sinh ra ông không rõ ràng.

Theo truyền thuyết, ông từng cưỡi ngựa thần và dùng cây trúc trăm đốt mà mỗi đốt nảy ra một kỵ sĩ (binh thần) để đánh quân Tống. Sau khi bị thất trận, ông đã phóng ngựa thần về núi Khâu Sầm, bay lên đỉnh núi Thống biến vào đám mây hồng để lên trời, từ đó đỉnh núi này được gọi là Mã Bân, tức Ngựa Bay. Tuy nhiên, theo tài liệu lịch sử thì sau khi bại trận, thủ lĩnh Nùng Trí Cao đã chạy sang nương náu nước Đại Lý và bị bắt chém đầu bỏ vào hòm dâng nạp vua Tống.

Sự khác biệt giữa chính sử với truyền thuyết dân gian còn thể hiện sinh động qua hình tượng Dương Tự Minh, phò mã nhà Lý, có công lớn đánh đuổi quân Tống xâm lược năm 1145. Theo sử liệu, năm 1150 phò mã Dương Tự Minh hợp cùng Vũ Đãi, Đàm Dĩ Mộng… mưu bắt viên quan Đỗ Anh Vũ chuyên quyền. Do bọn Vũ Đãi ăn hối lộ của bà thái hậu nên chỉ tạm giam Đỗ Anh Vũ mà không giết. Sau đó, Đỗ Anh Vũ được triều đình tha, trở lại nắm quyền bính và tiêu diệt nhóm Vũ Đãi. Chịu chung số phận, phò mã Dương Tự Minh bị đày đi chốn rừng thiêng nước độc, mất tung tích… Tuy nhiên, vì yêu mến công đức của vị anh hùng Dương Tự Minh mà dân gian đã “bịa” ra nhiều truyền thuyết khác nhau về ông, đặc biệt là cái chết của ông rất có hậu chứ không bi thảm!

Không chỉ đối với người xưa, mà trong đồng bào các dân tộc Cao Bằng còn truyền tụng nhiều giai thoại về “Ông Ké” Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng nhiều chiến sĩ cách mạng, tướng lĩnh nổi tiếng từng gắn bó với cái nôi của cách mạng. Có lẽ không ở đâu như Cao Bằng, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp về cõi vĩnh hằng, tất cả 13 huyện và thành phố của Cao Bằng đều lập bàn thờ và tổ chức lễ viếng, truy điệu ông.

Người dân Cao Bằng cũng rất tự hào khi nói về những người con ưu tú của quê hương, nơi sản sinh rất nhiều tướng lĩnh cho quân đội như: Vũ Đức (Hoàng Đình Giong), Lê Quảng Ba, Đàm Quang Trung, Đàm Văn Nguỵ, Dương Mạc Thạch, Nam Long, Vũ Lăng, Vũ Lập, Bằng Giang,… mà trong đó phần lớn là thành viên sáng lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, rồi đưa quân Nam tiến, chinh chiến khắp mọi miền đất nước.

Một điểm đến quyến rũ cho du khách

Cao Bằng là tỉnh nằm trên cao nguyên đá vôi xen lẫn núi đất, địa hình phức tạp, tới 90% diện tích là núi rừng; có hai mặt bắc và đông bắc giáp với tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc, với đường biên giới dài tới 311km. Dân số Cao Bằng hiện khoảng 520.000 người, gồm nhiều dân tộc thiểu số sinh sống. Đông nhất là người Tày với nền văn hoá đặc sắc phát triển riêng biệt, đời sống kinh tế cũng khá hơn các dân tộc khác. Kế đến là người Nùng sống đan xen và chịu ảnh hưởng văn hoá của người Tày. Hai dân tộc này có chữ viết riêng trong nhóm ngôn ngữ Tày - Nùng. Người Dao sống chủ yếu ở vùng núi thấp, người Mông thì sống ở các vùng núi cao hẻo lánh, có ngôn ngữ thuộc nhóm Mông- Dao. Rồi người Mèo, Thái, Lô Lô, Sán Chỉ,… và cả người Kinh đều có những đóng góp nhất định làm phong phú bản sắc văn hoá Cao Bằng.

Giới trẻ rất yêu thích sự quyến rũ của động Ngườm Ngao.

Từ trong cái nôi văn hoá ấy, Cao Bằng đã sản sinh và quy tụ nhiều tài năng văn hoá nghệ thuật như nhà thơ Y Phương, nhà thơ Trần Hùng, nhà văn A Sáng, Nghệ sĩ nhân dân Dương Liễu,… Nếu như bây giờ Y Phương và A Sáng đã “bay” về Hà Nội thì ngược lại Trần Hùng, một người con từ Hà Tây - Hà Nội đã lên đây thực hiện nghĩa vụ quân sự rồi “trụ” lại sinh cơ lập nghiệp. Trần Hùng là một thi sĩ nổi tiếng vùng biên cương, từng là Chủ tịch Hội VHNT và hiện là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng. Hai thi sĩ Trần Hùng và Nguyễn Quang Thiều vừa đại diện Việt Nam tham dự Liên hoan Thơ quốc tế Yakutia ở Cộng hoà Liên bang Nga giữa tháng 11/2013. Theo lời nhà thơ Trần Hùng, chúng ta từng nghe nói nhiều về Cao Bằng với những thắng cảnh và di tích nổi tiếng như thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, hồ Thang Hen, hang Pác Bó, rừng Trần Hưng Đạo, mộ anh Kim Đồng,… và những món ẩm thực ngon lạ của các dân tộc Tày, Nùng, Dao…

Nhưng Cao Bằng không chỉ có thế. Về tắm mình trong cội nguồn vùng non nước thiêng liêng này, chúng ta càng hiểu thêm về những con người cụ thể đã góp phần hình thành nên vùng đất có bề dày lịch sử hiếm có. Như lời thơ Trần Hùng viết:

Xưa ai áo trắng như em, ai cầm hoa cúc xanh như em
Trăng lên từ cánh đồng võng nước, tiếng sênh sáo cuối mùa, tay cầm tay lá trắng, em che trăng một tấm yếm sồi, ta che em ngực trần lá nóng.
Xưa ai áo trắng như em, ai cầm hoa cúc xanh như em
Bến đò than, sung rơi tầm tã, tay cầm tay lá lúa, mùi tóc ẩm, mùi áo ẩm, mùi dòng sông ngun ngút.
Rồi gật đầu tạnh cơn mưa nắng lên ngơ ngác.

(Cúc xanh)

Hoạ sĩ Trần Đỗ Nghĩa, một người sinh trưởng ở Cao Bằng còn cho biết du khách trong lẫn ngoài nước khi đến đây không ai bỏ qua thác Bản Giốc hiện được Saigontourist đầu tư và khai thác. Là thác nước đẹp hàng đầu nước ta, thác Bản Giốc nằm trên sông Quây Sơn đổ những khối nước từ độ cao 30m xuống qua nhiều tầng đá vôi, thành các luồng nước như các dải lụa trắng phau, ầm vang ngày đêm giữa núi rừng hùng vĩ của biên giới Việt - Trung. Còn hồ Thang Hen và động Ngườm Ngao cũng quyến rũ không kém. Ở độ cao hàng ngàn mét so với mực nước biển, hồ Thang Hen là một trong những hồ đẹp nhất trong 36 hồ nằm ở trên núi nước ta, có hình thoi, phía đầu nguồn là cái hang rộng với nguồn nước chảy ra triền miên. Động Ngườm Ngao là thế giới của nhũ đá thiên nhiên với hàng ngàn hình khối sinh động khác nhau: rồng, hổ, voi, các loài chim, đụn vàng, đụn gạo,…

Bên cạnh đó, Cao Bằng còn khá phong phú về văn hoá ẩm thực, mà chủ yếu là những món ăn, thức uống của người Tày bản địa. Các món rau rừng ở đây thật đa dạng, ngoài giá trị ẩm thực còn chữa được bệnh, thường được dùng trong các bữa ăn như: măng đắng, rau chuối rừng, rau ngót, hoa ban, cỏ mần trầu, rêu đá, rau bò khoai, rau dớn, rau dạ hiến… Đối với người Tày, rượu là một nét văn hoá ẩm thực đặc sắc lâu đời, được chế biến từ gạo, sắn, khoai, ngô, mật mía, trái chuối,… đem ủ men làm bằng các loại lá rừng.

Do nằm ở vị trí xa xôi cách trở, hạ tầng cơ sở mới vừa được đầu tư, nên Cao Bằng chưa khai thác hết tiềm năng và chưa thực sự thu hút đông đảo du khách. Tuy nhiên, với những lợi thế về thiên nhiên và bề dày lịch sử - văn hoá hiếm có, vùng non nước Cao Bằng là địa chỉ về nguồn, là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn nghiên cứu và khám phá về một vùng đất còn hoang sơ, chất chứa nhiều bí ẩn thú vị ở địa đầu Tổ quốc

Phan Hoàng
.
.
.