Phế liệu mà biết nói năng...

Thứ Ba, 19/04/2016, 15:06
Các bạn độc giả yêu quý! Sẽ có ai đó bĩu môi mà rằng bao nhiêu vấn đề hệ trọng của cuộc sống vô cùng bức thiết sao "Thư gửi từ cuộc sống" không đề cập mà lại viết về phế liệu quá ư bình thường và nhỏ nhặt này. Xin thưa đúng là nó nhỏ nhặt thật nhưng chẳng hề bình thường tẹo nào.

Phế liệu theo các nhà làm luật quy định tại Luật bảo vệ môi trường (2005) tại khoản 13, điều 3 là sản phẩm, vật liệu bị loại ra từ quá trình sản xuất hoặc tiêu dùng được thu hồi để dùng làm nguyên liệu sản xuất. Quá rõ ràng nhé. Vấn đề ở đây là người loại nó ra, thu hồi và sử dụng. 

Vâng, đó chính là sự chẳng hề bình thường mà vụ nổ mới nhất chiều 19/3/2016 tại khu đô thị Văn Phú, quận Hà Đông, Hà Nội, làm 5 người thiệt mạng, nhiều người bị thương, nhiều căn nhà và vật dụng bị hư hại là một minh chứng. Thật kinh hoàng khi nơi xảy ra vụ nổ là ngôi nhà tập kết phế liệu. 

Theo cách gọi dân gian những người làm nghề liên quan đến phế liệu như thu gom, mua bán được gọi là nghề đồng nát. Và đây chính là một vựa đồng nát đúng nghĩa. Những thượng vàng hạ cám có thể sử dụng đều được thu mua tập kết. Có thể kể  tất cả các dạng kim loại trừ vàng. Tiếp theo là ti tỉ thứ từ vỏ chai rượu đến các loại nilon. Nhỏ nữa là bìa các tông là giấy vụn và bất cứ thứ gì có thể. 

Minh họa: Lê Tâm.

Theo phía cơ quan điều tra cho biết nguyên nhân ban đầu được xác định là vụ tai nạn liên quan đến vật liệu nổ. Những người ở vựa đồng nát này đã dùng cưa để cưa một thứ vật liệu gây nổ, có thể đó là quả bom hoặc giả là một đầu đạn tên lửa. Thật khó tưởng tượng nổi những nạn nhân này lại có thể hành động dại dột như vậy. Và họ phải đổi sự dại dột đó bằng chính sinh mạng của mình kéo theo bất hạnh cho biết bao người khác. Cả nỗi hoảng sợ, lo lắng bất an của cộng đồng.

Cách đây chừng 30 năm dạo tôi còn làm việc bên ngành điện có một vụ án rúng động gây thiệt hại lớn mà nguyên nhân chỉ là mấy chục cân cáp thép dây chằng cột điện. Tôi đã viết một phóng sự điều tra về vụ án đổ cột điện này. Đường dây 110 KV Ba La- Hòa Bình lúc đó có nhiệm vụ cấp điện phục vụ thi công công trình thủy điện Hòa Bình. Tuyến đường dây này có nhiều cột gọi là cột bút chì vì có hình dạng tương tự. Cột được chằng néo bằng dây cáp thép 3 phía. Thủ phạm vụ án là Vương Đình Thông. 

Chẳng hiểu sao hắn lại nghĩ ra cách kiếm tiền quái gở và ngu ngốc như vậy. Đêm tối, Thông cắt dây chằng mang bán được ít tiền. Cột điện thiếu dây chằng nên đổ gục ngay sau đó gây mất điện thi công thủy điện. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng bởi những thiệt hại to lớn vì mất điện và phải thay thế 2 cột đổ. Tất nhiên Thông lĩnh án tử hình. Đau xót là vựa đồng nát mua số cáp thép đó bị khởi tố và nhận một án tù tương xứng. Nhớ vụ án này tôi muốn nhấn mạnh đến yếu tố con người đối với phế liệu.

Nghề đồng nát có từ rất lâu (còn có tên khác là ve chai). Tại các thành phố lớn có hẳn một đội quân thu gom bất cứ thứ gì lựa được từ các gia đình, từ các thùng rác và thậm chí là từ các bãi rác thải lớn. Đây là những người nghèo khó từ nông thôn ra và họ buộc phải chọn nghề này để mưu sinh. Phương tiện thu mua đồng nát xưa kia là quang gánh, giờ chủ yếu là xe đạp, cá biệt có cả xe máy. 

Hàng ngày những người này đi đến tận hang cùng ngõ hẻm để nhặt nhạnh và thu mua từ những nhà có đồ bán. Cuối ngày họ mang đến các điểm thu mua trung gian. Tại đây hàng hóa được phân loại và tiếp tục được định giá bán cho các bãi phế liệu. Cuối cùng là công đoạn tái chế các nguyên liệu này. 

Thực tế thì nghề đồng nát họ có thể thu mua cả ôtô, máy bay hư hỏng về "làm thịt" lấy các phụ kiện đem bán. Đã có những làng làm nghề đồng nát giờ thành làng tỷ phú. Thậm chí họ thành lập công ty với hàng trăm công nhân. Với những người làm nghề chân chính thì phế liệu thực sự là thứ vật chất nuôi sống họ. Nhưng cũng không ít kẻ lạm dụng để biến tài sản xã hội thành phế liệu.

Hà Nội một dạo rộ lên phong trào kẻ gian nậy nắp hố ga đem bán. Đã có tai nạn thương tâm vì những hố ga không nắp này. Ngay bản thân tôi ban ngày ban mặt đi xe máy đã bị sa hố dù ai đó đã thiện tâm cắm cành cây báo hiệu. Đó là vì cái tật tai hại hay ngẩn ngơ nghĩ trên đường. Bánh xe máy lọt hẳn xuống hố hất văng tôi bay trên mặt đường hàng mét. Chân tay xây xước không thiếu chỗ nào. Cú đập mặt khá mạnh làm rạn mũ bảo hiểm nhưng phúc tôi còn dày nên chỉ bị sưng một bên mặt ít hôm và não chẳng một tẹo hề hấn. Vì chi tiết này nên tôi coi cú đó như một cái hạn nho nhỏ của đi thay người. 

Xe máy hỏng nặng thay thế khá tốn kém. Nhưng nếu chỉ có thế thì đi một nhẽ, tôi nghe đồn rằng chẳng phải bọn nghiện cậy nắp hố ga đem bán đâu mà chính những người quản lý những cái hố ấy. Nghiện thì cậy được một cái nắp đã đủ mướt người sức đâu mà đánh được nắp hố ga cả tuyến phố. Lời đồn tôi nghe được là họ thuê người cậy nắp đem bán rồi lại chính họ mua lại để thay thế. Hóa ra họ được những hai lần tiền. 

Tôi chả tin. Làm gì có cái chuyện hoang đường thế. Dù đất nước có nhiều chuyện còn kinh khủng hơn như bỏ bao nhiêu tỷ tiền lành để rước về cái ụ tàu hỏng đồng nát của Vinashin năm nào thì cái thằng tôi vẫn không tin câu chuyện kia. Chẳng ai vô liêm sỉ đến mức ăn cả cái nắp cống. Mà lại là ăn kép, ăn những hai lần. Chả có chuyện đó. Thật thế.

Có thể coi những người làm nghề đồng nát như những con ong thợ cần mẫn ngày ngày cóp nhặt phế liệu, tái sinh chúng thành của cải cho đời. Tôi biết một tỷ phú xuất thân nghề này. Ông đã làm được nhiều việc từ những cân sắt vụn ban đầu. Và có lẽ bây giờ không thiếu những tỷ phủ khi nghề buôn bán phế liệu được nâng tầm khi chính phủ cho phép nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài để làm nguyên liệu sản xuất. 

Thú thật vốn không rành về làm ăn kinh tế nên tôi vô cùng mù mờ khi xem danh mục được phép nhập khẩu từ Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg ngày 19/12/2014 của Thủ tướng chính phủ. Chẳng hạn như giấy loại hoặc bìa loại thu hồi. Các loại phế liệu kim loại và cả thủy tinh vụn, thủy tinh phế liệu và mảnh vụn khác, thủy tinh ở dạng khối. 

Nhân nhắc đến thủy tinh, tôi mới đây học được từ một nhà văn nữ thói quen đập vỏ chai rượu tây mỗi khi uống hết. Thoạt đầu tôi tưởng chị có thú đập như vậy khi say nhưng không phải. Để chống bọn làm rượu rởm anh ạ. Nhà văn nữ tiết lộ. Nếu ai cũng ý thức đập vỡ chai đi thì bọn làm rượu rởm hết đường sống. Chúng không thể sản xuất được vỏ chai và cũng khó nhập được món hàng này. Thật là một phát kiến sáng suốt. Chỉ tiếc là vẫn còn trôi nổi rất nhiều loại vỏ chai tiếp tay cho bọn tặc tửu rởm. 

Trở lại với cái sự nhập khẩu nguyên liệu. Tốt thôi nhưng cần phải có sự công tâm của cơ quan quản lý. Bởi nhập phế liệu nếu buông lỏng rất dễ thành nhập rác thải. Phải thẳng thắn ở nước ta giờ chả có cái gì không thể nếu mang lại lợi nhuận. Đã có những trường hợp cơ quan chức năng từ chối thông quan cho những lô hàng không đủ an toàn bởi chúng là rác thải công nghiệp. Nếu không chặt chẽ cái sự ô nhiễm môi trường này sẽ biến đất nước chúng ta thành một bãi rác khổng lồ. Và lúc đó thì hậu quả là khôn lường.

Các bạn thấy không có quá nhiều điều để nói ở phế liệu. Thậm chí trong khuôn khổ hạn chế của một bức thư thì những gì cần nói cũng chẳng thể đủ. Yếu tố con người đối với phế liệu thật quan trọng và cần suy ngẫm. Một cái nắp hố ga mất đi lập tức hình thành một cái bẫy có thể gây tai nạn chết người. 

Những chai rượu rởm đầu độc biết bao nhiêu người và đã có nạn nhân tử vong vì cái lợi vô luân của những kẻ làm rượu giả. Những thanh giằng, bu lông cột điện luôn bị mất cắp. Thiết bị đường sắt bị xâm phạm. Cáp thông tin, dây dẫn điện, cáp quang cả trên bờ lẫn dưới biển liên tục bị đạo tặc thăm hỏi. Chúng cắt hàng trăm mét cáp chỉ để bán được một ít lõi kim loại. Giá trị vật chất đâu có nhiều nhưng hậu quả thì lại vô cùng lớn. 

Tự nhiên tôi nghĩ đến vật liệu nổ của vụ nổ Văn Phú mà biết nói năng thì những người xấu số kia đã chẳng dám dùng cưa để đùa cợt với cái chết. Những nắp ga nữa, nó sẽ nói chính xác tên người mua, kẻ bán và như thế sẽ chẳng còn những cái bẫy chết người.  Ừ nhỉ, phế liệu mà biết nói năng…

Hà Nội ngày 31/3/2016

Phạm Ngọc Tiến
.
.
.