Phí tăng, chất lượng dịch vụ có tăng?

Thứ Ba, 17/11/2015, 07:18
Thú thật, một trong những việc tôi ngại nhất trên đời là tới bệnh viện, dù đi khám hay thăm một bệnh nhân nào đó. Qua cổng bệnh viện đã là một thế giới khác: Những khuôn mặt lo âu của mọi người, mùi nồng gắt của các loại thuốc, tiếng la hét của trẻ con, bước chân vội vã của những người khoác áo blouse trắng…

Trong ký ức của mình, tôi đã ròng rã hàng tháng trời phải ăn ngủ vạ vật trong bệnh viện để chăm sóc người thân cho đến khi trút hơi thở cuối cùng nên những u buồn còn ám ảnh tôi đến tận bây giờ. Thế nhưng ai cũng vậy, đôi khi mình phải làm những việc mình không muốn như một nghĩa cử cần phải có.

Ít thì tháng một lần, nhiều thì vài lần trong một tháng, tôi vẫn phải vào bệnh viện thăm người này, người nọ. Lần gần đây nhất, tôi đến Bệnh viện Đ. vào một tối cuối thu. Trời lác đác mưa, thoảng trong không gian chút gió lạnh giao mùa. Leo bộ qua 3 tầng cầu thang, vượt qua một hành lang mấy chục mét ken đặc kẻ nằm, người ngồi, cuối cùng cũng tới được căn phòng có bệnh nhân tôi cần thăm.

Cảm giác của tôi lúc đó như con cá bị ném lên bờ vì thiếu ôxy trầm trọng. Tôi đã phải nhịn thở khi đi qua hành lang đó bởi rất nhiều loại mùi kinh khủng hòa trộn vào nhau khiến mấy lần tôi suýt nôn. Những bệnh nhân đau đớn, mệt mỏi, khuôn mặt xám ngoét ngước đôi mắt vô hồn lên trần nhà. Họ đã nằm đó từ khi nào và còn phải nằm đến bao giờ nữa?

Ai rồi cũng già nua, bệnh tật. Đó là quy luật chung của kiếp người. Người may mắn thì bị bệnh nhẹ, nằm ít ngày trong bệnh viện rồi về. Kẻ bất hạnh thì mắc bệnh hiểm nghèo, nằm viện không phải tính bằng tuần mà bằng tháng, bằng năm. Rồi những tai nạn từ trên trời ập xuống, rơi vào ai thì người đó phải chịu.

Người bệnh chịu khổ đã đành, người thân của họ cũng chịu khổ không kém. Cắt cử nhau vào viện trông nom, chăm sóc là giải pháp tối ưu nếu nhà không neo người, còn không, phải bỏ tiền thuê người chăm sóc, tất nhiên với số tiền không nhỏ.

Vòng vo nói vậy để bạn đọc hiểu rằng, đã nằm viện thì đủ nỗi lo, nhưng nỗi lo lớn nhất, mệt mỏi nhất, nghiệt ngã nhất vẫn là nỗi lo về tiền bạc. Cho dù bạn có thẻ bảo hiểm y tế thì số tiền bạn đổ vào cho một ca bệnh hiểm nghèo không hề nhỏ.

Minh họa của Tả Từ.

Cũng bởi nói đến chuyện tiền bạc nên nhiều người “giật nảy mình” khi biết một thông tin mới: Dự kiến từ 15/11 tới đây, giá 1.800 dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh tăng. Mặc dù ngành y tế giải thích rất kỹ rằng, viện phí nếu tính đầy đủ tiền lương vào cũng chỉ tăng 3-7%, chỉ có một số ít dịch vụ, phẫu thuật phức tạp, kéo dài thì mức tăng sẽ cao.

Trong đó, ở lần điều chỉnh viện phí này, liên Bộ Y tế, Tài chính và Bảo hiểm xã hội đã tính toán rất thận trọng, chia làm 2 giai đoạn thực hiện để tránh việc viện phí tăng cao đột ngột. Trước mắt, từ nay đến cuối năm 2015, giá của 1.800 dịch vụ y tế chỉ được tính cộng thêm phụ cấp đặc thù và tiền lương của cán bộ y tế, đến cuối quý I-2016 mới tính tiền lương của cán bộ y tế.

Giải thích dài dòng theo "lộ trình" là thế, nhưng người dân đâu phải ai cũng hiểu. Điều họ quan tâm nhiều nhất đó là việc tăng phí dịch vụ y tế thì chất lượng dịch vụ có tăng không? Đã tăng phí dịch vụ một lần thì sẽ tăng lần thứ hai, thứ ba và đã tăng phí thì hầu như không bao giờ giảm xuống, trong khi thu nhập của người lao động ít thay đổi và luôn tỏ ra lạc hậu với giá cả thị trường.

Vậy ngành y tế phải làm gì để nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh? Theo các chuyên gia y tế, để tăng chất lượng khám chữa bệnh thì cần có sự thay đổi từ con người, chất lượng nhân sự đến điều chỉnh về cấu trúc các loại hình cơ sở y tế, trang thiết bị, thuốc men, sinh phẩm… Khi nền y tế của chúng ta còn quá nhiều vấn đề chưa giải quyết được thì bài toán nâng cao chất lượng dịch vụ y tế là vô cùng nan giải, khó khăn.

Nếu tôi nhớ không nhầm thì đây là lần thứ 2 tăng phí dịch vụ y tế. Xét trên bình diện chung, các dịch vụ khám chữa bệnh có cải thiện hơn trước nhưng sự quá tải tại các bệnh viện tuyến trên, thái độ phục vụ người bệnh, vệ sinh môi trường trong bệnh viện, các loại "cò" khám chữa bệnh… vẫn còn nhiều điều phải bàn. Và vì thế, những mong muốn về nâng cao dịch vụ y tế luôn là điều mới mẻ, cấp thiết với mọi người.

Tuấn Nguyễn
.
.
.