Phi văn có thành nghệ sĩ?

Thứ Năm, 18/04/2013, 15:36
Liệu ngành Giáo dục có cần vì lý do không bỏ sót nhân tài mà xem nhẹ môn văn đối với các đối tượng thí sinh mà trong tương lai họ sẽ là những người lao động trong lĩnh vực sáng tạo, biểu diễn văn học nghệ thuật chăng?

Trên các trang báo hàng ngày chúng ta đọc, không hiếm gì những vụ án đau lòng con giết cha, cha giết con, bạo lực học đường... mà thủ phạm đang dần "trẻ hóa". Rồi cũng trên các trang báo mỗi ngày ta đọc, một đời sống khác không liên quan đến tội phạm, một đời sống hào nhoáng và lấp lánh của những nghệ sĩ showbiz cũng rất nhiều chuyện bức xúc.

Riêng hai góc ấy của đời sống mỗi ngày trên mặt báo thôi, đã khiến không ít người thở dài, lo âu.

Mỗi khi đọc một vụ án, tôi thường tự hỏi, không biết kẻ phạm tội kia thời đi học có học tốt môn văn không, và nếu hắn đã đọc sách nhiều hơn, thì biết đâu tâm hồn hắn đã không bị cái ác ngự trị nhiều đến thế. Giống như mỗi khi nghe một siêu mẫu A, ca sĩ B của làng giải trí "xì" ra một phát ngôn thảm họa nào đó, tôi cũng thường hay nghĩ, nếu họ đọc sách nhiều hơn, thì có lẽ họ đã không "xả rác" nhiều như thế ra xã hội.

Trong bối cảnh xã hội như vậy, không thể không ngạc nhiên, và cả lo ngại khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định "miễn thi" môn văn cho các thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh cho các trường thuộc khối các ngành nghệ thuật (khối H, N, S), thay vào đó chỉ xét tuyển dựa trên kết quả môn Ngữ văn trong các năm học phổ thông trung học.

Và lập luận của các nhà quản lý giáo dục về mục đích của việc bỏ thi môn Văn là "để không bỏ sót nhân tài". Nghĩa là mở thêm cánh cửa bước chân vào cổng trường đại học cho những thí sinh có tài (được đánh giá bằng phần thi năng khiếu) nhưng điểm thi môn văn lại thấp.

Quan điểm này đã dấy lên nhiều tranh cãi trong xã hội. Liệu ngành Giáo dục có cần vì lý do không bỏ sót nhân tài mà xem nhẹ môn văn đối với các đối tượng thí sinh mà trong tương lai họ sẽ là những người lao động trong lĩnh vực sáng tạo, biểu diễn văn học nghệ thuật chăng?

Và một câu hỏi được đặt ngược lại, một sinh viên nào đó được cho là có năng khiếu, nhưng họ lại không có kiến thức văn học, thì liệu họ có thể trở thành một nghệ sĩ có những đóng góp đáng kể trong tương lai hay không?

Trên các diễn đàn, có thể gặp rất nhiều ý kiến phản đối quy định này của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đa số đều chung quan điểm rằng Văn là bộ môn gốc, là nền tảng tạo nên tính cách con người, quyết định không nhỏ đến những hành vi ứng xử của từng con người trong đời sống.

Trong một trả lời phỏng vấn báo chí xung quanh vấn đề học văn trong nhà trường, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Bùi Văn Ga cho rằng: "Không nên nói thiếu văn hóa là do học văn. Một mình môn Văn không thể quyết định văn hóa ứng xử của con người".

Người viết bài không hoàn toàn đồng ý với quan điểm này. Đồng ý là văn hóa của một người được hình thành bởi rất nhiều yếu tố, không chỉ có môn văn. Nhưng nếu môn văn đóng vai trò nền tảng mà bị xem nhẹ, thì những gì chúng ta thu nạp được trên cái gọi là nhân cách, văn hóa ứng xử của con người chỉ là một thứ váng mỡ không hơn.

Trong thực tế, không phải đợi đến quyết định này của Bộ Giáo dục, thì môn văn từ lâu, theo một nghĩa nào đó, cũng đã ít nhiều bị giáo viên và các em học sinh "bỏ rơi" trong nhà trường. Số lượng thí sinh đầu vào cho các trường khối C tuyển sinh hàng năm giảm sút một cách nghiêm trọng. Học sinh mỗi ngày một ngại và sợ môn văn, bởi cách giảng dạy cũ mòn, sáo rỗng của các thầy cô, bởi sự lạc hậu, đơn điệu của sách giáo khoa...

Thỉnh thoảng chúng ta lại gặp đâu đó trên báo chí, mạng internet những bài văn thảm họa. Đọc xong, thoạt đầu có thể cười, nhưng ngẫm nghĩ, thì đó là một sự xót xa, một thất bại của nền giáo dục nước nhà.

Không chỉ môn văn, một người anh em của môn văn là môn sử cũng cùng chung số phận. Có hàng ngàn thí sinh trên cả nước bị điểm 0 môn sử trong một kỳ thi tốt nghiệp, là hồi chuông báo động về chất lượng dạy môn này trong nhà trường.

Mới đây nhất, câu chuyện các em học sinh trường THPT Nguyễn Hiền (quận 11-Thành phố Hồ Chí Minh) xé đề cương môn sử xả trắng sân trường trong một clip được lan truyền trên cộng đồng mạng là ví dụ đặc biệt điển hình về một nền giáo dục học để thi, để đối phó là chính, chứ hoàn toàn không phải học để hiểu biết.

Người ta tự hỏi, vì lý do nhiều học sinh đã sợ hãi học văn và sử đến vậy? Vì lý do gì mà nhiều bạn trẻ lại hiểu về lịch sử các nước láng giềng nhiều hơn lịch sử nước mình? Đó là những câu hỏi nhức buốt chờ được các nhà quản lý giáo dục giải quyết.

Người ta cũng tự hỏi, tình trạng gia tăng tỷ lệ tội phạm tuổi vị thành niên trong những năm qua liệu có phải là hệ lụy của việc giáo dục trong nhà trường chưa quan tâm thích đáng đến việc dạy học sinh trở thành người công dân tử tế trước khi bắt các em phải vượt qua những kỳ thi lấy điểm 9, điểm 10?

Và việc ngày càng nhiều các nghệ sĩ trẻ tham gia vào đời sống sáng tạo nghệ thuật với một cái phông văn hóa kém cỏi phải chăng cũng là hệ lụy của việc học môn văn qua quýt, đối phó, chứ không phải học để trở thành một người có hiểu biết, có tâm hồn?

Những người có trách nhiệm, có lương tâm không khỏi buồn lòng khi nhìn vào bức tranh xã hội hôm nay. Dường như lòng tham, cái ác, sự vô cảm, tư duy thực dụng đang lên ngôi, đang lấn lướt những vẻ đẹp có tính chiều sâu, nhân văn. Dường như các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc đã không còn được lớp trẻ nâng niu, gìn giữ? Dường như sự tử tế của con người dành cho nhau đang cũng đang thưa vắng dần?

Trong khi còn quá nhiều câu hỏi vang lên chờ được giải đáp như vậy, phải chăng việc các nhà quản lý giáo dục đưa ra quyết định loại môn văn ra khỏi kỳ thi tuyển sinh vào khối ngành nghệ thuật như là một cách trả lời?

Nếu quả đúng như vậy, thì buồn thay, than ôi...

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục

“Chuyện thật hài hước”...

 

- Chỉ vài ngày sau khi Bộ GD&ĐT công bố các môn thi tốt nghiệp THPT 2013, nhiều học sinh Trường THPT Nguyễn Hiền (TPHCM) đã reo mừng và xé đề cương môn Sử ném khắp sân trường. Ông bình luận về sự kiện này như thế nào.

- Gần đây, hễ cứ đụng tới chuyện học hành, thi cử, trẻ em, nhà trường, tóm lại là những chuyện liên quan đến ngành giáo dục, ai còn chút nghĩ ngợi, quan tâm đến việc dậy dỗ con em mình hôm nay, cũng giật mình thon thót. Sao vậy? Đơn giản thôi, toàn những thứ xưa nay chưa từng thấy, oái oăm, khó hiểu và khó nuốt trôi.

Nhưng khi nhớ lại ông Bộ trưởng Bộ Giáo Dục & Đào Tạo cho rằng: hiện tượng nhiều bài thi sử đạt 0 điểm trong một kỳ thi quốc gia... là chuyện bình thường", thì lại thấy toàn thân lạnh toát: Phải rồi, khi ông Bộ trưởng Bộ Giáo Dục & Đào Tạo đã bảo thế thì đương nhiên những gì vừa xảy ra với ngôi trường nói trên là chuyện "rất chi là bình thường"! 

- Nhưng tôi nghĩ, hành động xé bộ đề môn sử cũng phản ánh tình trạng của một nền giáo dục lỏng, không chú trọng dạy học sinh yêu lịch sử dân tộc mình, mà chỉ là đối phó, học chỉ để thi chứ không phải vì để hiểu biết.

- Ối, giáo dục mà quá xem trọng thành tích, hướng học sinh vào những mục tiêu quá to tát, xem nhẹ những điều gốc rễ trong việc dậy dỗ con cháu, làm sao giới trẻ hôm nay không đua nhau chạy theo những thứ thời thượng, thần tượng người này, thích thú với kiểu cách kia và tự cho đó là sành điệu, là hiện đại, mà thực ra không hiểu rằng đó toàn là những thứ xa rời với cuộc sống đang diễn ra hàng ngày trên đất nước chúng ta, xa rời với văn hóa dân tộc ta.

- Thế hệ trẻ không được trang bị những tri thức cơ bản về sử, văn, những môn khoa học xã hội, sẽ dẫn đến một xã hội thiếu nhân văn, mất cân bằng thưa ông?

- Điều này không phải là "sẽ dẫn đến" mà là "đang diễn ra" rồi đấy. Trên báo đài gần đây chúng ta thấy phản ánh quá nhiều vụ việc giết hại, trả thù, thanh toán lẫn nhau ngay cả trong những người ruột thịt - nó đi quá xa cái lương tri của con người. Vậy thì, câu hỏi đặt ra là, phải sống trong bối cảnh mất cân bằng, thiếu nhân văn, bị bỏ rơi thậm chí bị chà đạp như thế nào, mới đẩy con người ta đến đường cùng dẫn đến nhiều hành động mất nhân tính như thế.

Lịch sử cũng như văn chương vô cùng quan trọng để tạo nên con người có nhân cách, có khát vọng, có văn hóa và giàu tình yêu thương. Với giới trẻ bây giờ, bên cạnh ý nghĩa giáo dục, thì việc khơi dậy tình yêu, lòng tự hào dân tộc, ý thức chủ quyền quốc gia và rất nhiều điều tốt đẹp đang có nguy cơ bị nhấn chìm hiện nay là vô cùng cần thiết.

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà:

Nếu các nhà quản lý giáo dục đã từng học tốt môn văn

Tôi kịch liệt phản đối việc Bộ giáo dục cho phép các trường khối nghệ thuật bỏ thi môn Văn cho kỳ thi tuyển sinh. Văn là người, học văn là học để làm người, câu đó ai trong chúng ta cũng đều thuộc cả. Thời xưa, cha ông ta đã quan niệm học văn, thi văn là cách để soi trí tuệ, nhân cách, tâm hồn của con người. Cho đến hôm nay, điều đó vẫn không hề lạc hậu.

Tôi nghĩ rằng một người làm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin, hay thậm chí một người quét rác đi nữa thì việc học Văn cũng luôn cần thiết. Chỉ có Văn học mới chỉ cho người ta thấy những nguyên tắc ứng xử trong cuộc đời, nuôi dưỡng tâm hồn con người và dạy người ta biết yêu thương, trắc ẩn. Đối với những người làm nghệ thuật, điều này càng đặc biệt quan trọng.

Tôi không hình dung một diễn viên điện ảnh hay sân khấu mà lại không có kiến thức văn học thì họ sẽ nhập vai vào các nhân vật như thế nào? Một người đạo diễn sẽ khai phá một kịch bản như thế nào? Chúng ta sẽ trông chờ gì ở một nghệ sĩ mà các thầy cô cho là có năng khiếu đi nữa, nhưng lại thiếu kiến thức Văn học?

Tôi cam đoan rằng nếu các vị quản lý giáo dục thời còn cắp sách đến trường mà học tốt môn Văn thì các vị chắc chắn đã hiểu vai trò nền tảng của môn văn đối với việc hình thành phông văn hóa và sự hiểu biết như thế nào đối với chính mình. Và một khi các vị đã hiểu điều đó thì chắc các vị không đưa ra một quyết định “lợi bất cập hại” như vậy.

Quỳnh Trang (thực hiện)
.
.
.