Phnom Penh – thành phố không phải để lãng quên

Thứ Ba, 07/07/2015, 14:00
Thành phố nằm bên bờ sông này, hiền hòa và gắt gao, mạnh mẽ và tàn lụi, có khả năng đem đến cho bạn những ấn tượng không hề mờ nhạt, và thậm chí có thể trở thành một cái “note” đáng nhắc đến trong sổ tay du lịch của bạn, một nơi không phải chỉ đến một lần để rơi vào quên lãng.

Sông Mekong, chùa Watt Phnom, và xe tuk tuk

Chừng năm tiếng đồng hồ cho một chuyến đi xuất phát từ con phố du lịch Phạm Ngũ Lão trung tâm thành phố Hồ Chí Minh đến con phố trung tâm thủ đô Phnom Penh qua cửa khẩu Mộc Bài, với nhiều lựa chọn từ các hãng xe khác nhau, hoặc cũng chừng ấy thời gian cho một chuyến thuyền máy trên sông Mekong khởi hành từ Châu Đốc và cập bến tại Công viên bờ sông Phnom Penh, và nếu lựa chọn đường hàng không thì sân bay quốc tế Phnom Penh chỉ cách trung tâm thành phố có 7km, cho nên không có gì đáng ngạc nhiên khi thành phố này lại là một địa điểm du lịch ưa thích của du khách Việt Nam cũng như quốc tế. 

Phnom Penh được chúng tôi lựa chọn như điểm kết thúc của một cuộc hành trình ngắn ngày từ thành phố Hồ Chí Minh qua Cần Thơ, Bến Tre, Châu Đốc. Tuy nhiên, với nhiều khách du lịch khác, đây chỉ là một trong những điểm dừng chân của cuộc hành trình dài hơi hơn khám phá sông Mekong.

Rất nhiều người khi nói tới Campuchia chỉ nghĩ đến di sản thế giới Angko Watt, tuy nhiên với những chùa chiền và cung điện đậm chất bản địa, những kiến trúc điển hình thời kỳ thuộc địa, và cả những dấu tích đầy ám ảnh của Khơ me Đỏ, Phnom Penh thực sự là nơi đáng để dừng chân theo một cách riêng. 

Thành phố nằm bên bờ sông này, hiền hòa và gắt gao, mạnh mẽ và tàn lụi, có khả năng đem đến cho bạn những ấn tượng không hề mờ nhạt, và thậm chí có thể trở thành một cái “note” đáng nhắc đến trong sổ tay du lịch của bạn, một nơi không phải chỉ đến một lần để rơi vào quên lãng.

Phnom Penh lưu giữ bên trong nó một cái gì mang tính nữ. Nếu phải hình dung về thành phố này như một con người, thì với tôi đó nhất định là một người phụ nữ. Bản thân tên gọi của thành phố cũng mang ẩn ý đó. Phnom Penh được đặt theo tên một người phụ nữ là Penh. 

Theo truyền tụng thì bà là một góa phụ giàu sang, tình cờ vớt được trên sông một cây gỗ bên trong có chứa bốn bức tượng Phật. Để tỏ lòng tôn kính, bà đã đắp một ngọn đồi (phnom) và xây một ngôi chùa nhỏ (watt) để thờ phụng các tượng Phật này. Giờ đây, ngọn đồi đó chính là Watt Phnom, nơi ngự ngôi chùa trắng toát cùng một bức tượng cao lớn của bà Penh. Đó cũng là nơi chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình khám phá thành phố.

Watt Phnom nằm ở vị trí trung tâm thành phố, từ ngọn đồi nhỏ này có những con đường dẫn đến các địa điểm lịch sử và văn hóa quan trọng khác. Đây cũng là nơi diễn ra các hoạt động sinh hoạt cộng đồng vào những ngày lễ hội truyền thống. 

Chúng tôi đến Watt Phnom vào một buổi chiều nóng nực, nhiệt độ ngoài con phố du lịch bên bờ sông cùng làn không khí khô ran khiến cho đám khách du lịch cũng phải tản bớt vào các quán giải khát hai bên đường, và niềm hứng khởi du ngoạn cũng phải xẹp bớt phần nào. 

Nhưng chỉ cần bước chân vào gần khu vực chùa, bạn đã có thể cảm nhận được một bầu không khí khác hẳn, dịu mát và hiền hòa hơn. Khoảng sân rộng trước đồi, những thân cây xanh cao vút, đâu đó rải rác mấy chiếc ghế đá cũ kỹ với các khách bộ hành tạm dừng chân, chim chóc thơ thẩn tìm mồi trên mặt đất. Không có các sạp hàng bán đồ lễ lạt, thậm chí chỉ có một gánh nước giải khát nhỏ duy nhất trước cửa chùa. 

Leo hết hàng bậc thang lên chùa, trả tiền vé tham quan với giá 1USD/người (chỉ dành cho khách du lịch, dân địa phương vào đây miễn phí), và bạn đã có thể cầu nguyện trước bà Penh ở ngôi chùa linh thiêng nhất Phnom Penh. Tuy nhiên, có một lưu ý là không cầu tình duyên! (không hiểu tại sao, có lẽ vì bà Penh là một góa phụ?).

Từ Watt Phnom, có rất nhiều địa điểm tham quan để có thể đi bộ tới được. Tuy nhiên, với thời tiết nắng nóng như đổ lửa và khô rang như chúng tôi đã trải nghiệm vào những ngày mùa khô (Phnom Penh có khí hậu chia hai mùa: mùa khô và mùa mưa, gần giống miền Nam Việt Nam) thì đi bộ có lẽ chỉ thích hợp vào buổi tối. Còn ban ngày, ở mọi con đường góc phố khu vực này đều có sẵn một đội quân đông đảo xe tuk tuk với mức giá trung bình là 1 USD/km. 

Mỗi xe tuk tuk chở được 3-4 người lớn, và được trang trí khá đẹp mắt với những chi tiết gỗ chạm trổ và rèm vải đơn giản nhưng có thể khiến cho không xe nào hoàn toàn giống xe nào. Các bác tài, anh tài lái xe tuk tuk đều nói tiếng Anh hết sức trôi chảy và có phong cách thân thiện hết cỡ. Chỉ cần bạn yêu cầu đi đến một địa điểm nào đó, tài xế sẽ sẵn lòng gợi ý cho bạn một tour qua vài địa điểm du lịch nổi tiếng với mức giá ưu đãi hơn. Và nếu bạn đồng ý với tour của ngày hôm nay, thì chắc chắn bạn sẽ được gợi ý đặt hẹn cho tour ngày mai.

Cũng như các dịch vụ khác xung quanh khu trung tâm, xe tuk tuk thường nhận tiền khách trả bằng USD. Dịch vụ đổi tiền rất tiện lợi, từ các chi nhánh ngân hàng đến các cửa hàng nhỏ lẻ đều sẵn sàng phục vụ cho bạn đổi từ tiền Việt sang tiền USD với mức giá không quá chênh lệch nhau. 

Đi loanh quanh thành phố bằng tuk tuk là một trải nghiệm thú vị mà khách du lịch không nên bỏ qua, ngoại trừ việc đây là loại xe đi nhanh nhất và ẩu nhất trong cái thành phố mà các phương tiện giao thông đều đi lại khá chậm rãi và sẵn lòng nhường đường cho người đi bộ này. 

Ngoài ra, còn một kinh nghiệm nhỏ nữa là bạn chớ nên để cho dáng vẻ thân thiện và những câu mời chào ngọt như mía lùi của các bác tài đánh lừa. Chúng tôi đã suýt bị lừa bởi một bác tài có khuôn mặt và nụ cười chất phác hết cỡ ở khu vực Cung điện Hoàng gia. 

Tường bao quanh cung điện này khá rộng, nên trong khi chúng tôi đang đi vòng quanh để tìm cửa vào thì một bác tài xế xe tuk tuk đã đến bắt chuyện, và khẳng định rằng cả ngày hôm nay Cung điện Hoàng gia đóng cửa không đón khách tham quan để quốc vương họp! Đã được nhân viên khách sạn cho biết rằng mặc dù Cung điện Hoàng gia là một điểm tham quan nhưng đôi khi vẫn đóng cửa không báo trước khi quốc vương làm việc, nên chúng tôi cũng bán tín bán nghi. 

Tuy nhiên, đến khi bác tài gợi ý rằng, thay vì phí thời gian vô ích ở khu Cung điện Hoàng gia không mở cửa này, chúng tôi có thể lên xe tuk tuk của bác để đi tới một số điểm du lịch khác, thì nỗi bán tín bán nghi của chúng tôi thành ra một nỗi nghi ngờ rất chính đáng! Quả thật, từ chối lời đề nghị của bác tài, chúng tôi đã tìm thấy cửa ra vào của cung điện chỉ sau 5 phút và biết rằng cung điện mở cửa suốt ngày hôm nay.

Điện Vàng, Chùa Bạc và đội quân ăn xin

Ngự ngay khu vực trung tâm thành phố, cách khu phố du lịch sầm uất san sát khách sạn, hàng ăn và quán cà phê chỉ chục phút đi bộ, Cung điện Hoàng gia (Royal Palace) khoe sắc vàng lấp lánh của những mái vòm trong ánh nắng, khiến không một khách du lịch nào có thể bỏ qua. 

Với giá vé 7 USD/người, bạn có thể vào tham quan Cung điện Hoàng gia và ngôi Chùa Bạc nổi tiếng nằm bên trong nó. Khi vào Cung điện Hoàng gia, bạn phải ăn mặc lịch sự: quần hoặc váy dài và áo có tay kín đáo, giày hoặc dép có quai hậu. Với những khách du lịch không có trang phục phù hợp, đã có quầy bán áo và váy quây ngay cạnh kiot bán vé vào cửa.

Cung điện Hoàng gia bao gồm nhiều tòa nhà bắt đầu được xây dựng từ hơn một thế kỷ trước và vẫn tiếp tục được trùng tu, sửa chữa trong suốt thời gian qua. Đó vừa là nơi diễn ra các nghi lễ hoàng gia, tiếp khách nước ngoài, vừa là nơi làm việc và sinh hoạt của quốc vương Campuchia cùng gia đình. Nếu bạn có nhu cầu, cung điện có cả một đội ngũ hướng dẫn viên nói tiếng Anh và một số ngoại ngữ khác, sẵn sàng hướng dẫn khách tham quan khám phá từng câu chuyện lịch sử và văn hóa đằng sau mỗi tòa nhà hay mỗi hiện vật. 

Bản thân kiến trúc của các tòa nhà nơi đây đã rất đáng để chiêm ngưỡng. Chúng là sự tổng hợp hài hòa một cách đáng ngạc nhiên giữa lối kiến trúc truyền thống của nền văn hóa Khmer và các chi tiết vay mượn từ kiến trúc Pháp. Tuy nhiên, khối tài sản có giá trị được gìn giữ cẩn thận bên trong chúng cũng đáng để thán phục không kém.

Chùa Bạc nằm ngay bên trong khu vực Cung điện Hoàng gia, bên phải của Hoàng cung. Khác với chùa Watt Phnom nổi tiếng bởi sự linh thiêng và sự tích đi liền với sự ra đời của nó, Chùa Bạc nổi tiếng bởi các bảo vật đắt giá mà nó còn lưu giữ được. Bạn có thể đặt chân lên sàn nhà lát bởi những miếng bạc nặng chừng 1 kg, ngắm nghía những pho tượng làm bằng ngọc, và vô số đồ vật nạm ngọc dát vàng trong ngôi chùa này.

Mặc dù là một ngôi chùa để tham quan hơn là để cầu nguyện, lại nằm trong khu vực Cung điện hoàng gia mang nhiều tính chất hành chính lễ nghi hơn là thanh tịnh, nhưng không khí xung quanh Chùa Bạc vẫn không mất đi vẻ thiêng liêng của tôn giáo. Có lẽ một phần là do vẻ trang nghiêm thành kính của các nhân viên và hướng dẫn viên khi bước vào khu vực này. 

Ngoài ra, tiếng nhạc thánh thót từ dàn nhạc nơi cửa ra vào, và sự có mặt của những cây Sala ở khắp nơi cũng góp phần làm cho không khí nơi đây thêm đặc biệt. Trong Phật giáo, nếu cây Bồ đề là nơi Đức Phật giác ngộ thì cây Sala là nơi ngài nhập cõi Niết Bàn. Bồ đề vững chãi và thâm nghiêm, còn cây Sala thì mềm mại, rực rỡ và cả hoa lẫn quả đều có màu sắc, hương thơm rất đậm. Sala khá phổ biến trong các chùa chiền phái Nam tông ở Thái Lan, Lào, Campuchia và miền Nam Việt Nam.

Một ấn tượng khó quên đối với chúng tôi là ngay bên ngoài Điện Vàng Chùa Bạc oai nghiêm và rực rỡ ánh bạc vàng kia, trên quảng trường thênh thang rợp chim bồ câu phía trước cung điện, vẫn la liệt những người ăn xin từ trẻ con đến người lớn, đen đúa, gầy guộc và lầm lũi dưới cái nắng gắt bỏng của mùa khô Campuchia. Phnom Penh có khá nhiều người ăn xin. 

Lũ trẻ con táo tợn bám theo chân khách du lịch cả quãng đường dài để xin cho kỳ được lon nước giải khát bạn đang uống dở cầm trên tay, và vào buổi tối, len lỏi trong những góc phố tối tăm giữa những dãy khách sạn và nhà hàng là những bóng đen lúc ẩn lúc hiện của những người ăn xin – những ông bố bà mẹ ăn xin bồng đứa con gầy như que củi trên tay. Lặng lẽ như những cái bóng, họ xuất hiện bên cạnh bạn bất cứ lúc nào, bên bàn ăn sáng ở một nhà hàng địa phương, quanh các gian hàng ở khu Chợ Trung tâm nhộn nhịp, trên con đường tấp nập người đi bộ dọc công viên bờ sông... Họ là một phần khác, một màu sắc khác trong bức tranh thành phố.

Buổi sáng hôm đó, khi chúng tôi đang ăn sáng, ở bàn bên cạnh, một khách du lịch phương Tây to béo đi một mình không biết vì hào phóng hay vì buồn chán mà đã mời luôn hai đứa trẻ ăn xin ngồi vào bàn và mua cho chúng hai cốc lớn trà sữa chân trâu. 

Đứa con trai có vẻ rụt rè, ngồi uống một cách lặng lẽ, cặp mắt đen với hàng mi dày đặc trưng của người Campuchia nhìn ra xa một cách tư lự. Còn đứa con gái, tuy nhỏ hơn, nhưng lanh lẹ hoạt bát hơn nhiều, nó vừa uống trà sữa vừa huơ chân múa tay tán chuyện với vị khách Tây bằng một thứ tiếng Anh rất lưu loát. Uống xong, nó còn giơ tay lên làm động tác đập tay với vị khách, rồi mới bỏ đi. Hai cẳng chân gầy guộc đen đúa lộ ra dưới chiếc quần cộc, bàn chân trần thoăn thoắt bước đi trên mặt đường Phnom Penh nóng dễ phải đến gần 50 độ.

Khi quá khứ song hành cùng hiện tại

Nằm ở khu vực trung nam vương quốc Campuchia, nơi gặp gỡ nhau của mấy dòng sông, lại lưu giữ được nhiều công trình lịch sử và văn hóa của nền văn hóa Khmer lẫn những chứng tích thời kỳ Pháp thuộc và thời kỳ Khmer Đỏ, không có gì lạ khi thành phố này được coi là điểm dừng chân tất yếu của các chuyến du lịch dọc theo sông Mekong vốn được khách du lịch phương Tây rất ưa chuộng.

Từng được mệnh danh là “hòn ngọc châu Á” vào trước những năm 1960, Phnom Penh vẫn còn lưu giữ những dấu vết gợi nhắc chúng ta về thời kỳ vàng son này. Lối kiến trúc Khmer và kiến trúc Pháp sát cánh bên nhau trong thành phố. Các công trình kiến trúc kiểu Pháp thường đã trở thành nơi làm việc của các cơ quan chính phủ, hoặc các địa điểm công cộng như Bưu điện trung tâm. 

Dấu ấn văn hóa Khmer thì hiện diện ở mọi nơi trong thành phố, từ các cung điện lộng lẫy, chùa chiền thâm nghiêm đến những đường chạm khắc tinh vi trên gỗ trong khách sạn, và những bàn thờ nho nhỏ tinh tế đặt trên vỉa hè trước mỗi quán hàng. 

Người Campuchia hẳn có một mối đam mê lâu dài và mãnh liệt với vàng và bạc, nên đã tận dụng triệt để chúng trong kiến trúc và chế tạo vật dụng từ các đồ dùng thường ngày cho đến đồ trang trí. Đương nhiên ngày nay việc sử dụng hai thứ kim loại này như chất liệu, cho dù chỉ để dát, đã trở thành quá xa xỉ. Song các chi tiết, hoa văn và ánh sáng mô phỏng chúng vẫn hiển hiện khắp nơi, như lời nhắc nhở về quá khứ vàng son lẫn trong cái uể oải khô cằn của hiện tại.

Ngoài cái tên được biết đến nhiều nhất và cũng là cái tên hiện hành “Phnom Penh”, thành phố lớn nhất vương quốc Campuchia này còn có một thời mang tên Krong Chaktomuk. Nghĩa của cái tên này là “thành phố bốn mặt”, được gợi ra từ hình dung về một vùng đất nằm trên ngã tư của các con sông Mekong, Bassac và Tonle Sap, tạo thành bốn ngả sông (bốn mặt). 

Sông mang lại sự sống cho thành phố thuở xa xưa, và sông mang lại nguồn thu nhập từ du lịch cho thành phố hôm nay. Khi khí nóng ban ngày đã được những làn gió từ sông thổi bạt, và bóng tối làm mờ đi những mảng cuộc sống rách rưới lầm lụi ẩn hiện đâu đó quanh đây, thì cũng là lúc con đường du lịch đắt giá dọc bờ sông trung tâm trong thoáng chốc trút bỏ bộ quần áo đen đúa ngột ngạt để khoác lên mình mảnh xiêm y lấp lánh ánh đèn màu. Từng tốp khách du lịch dạo qua dạo lại, tiếng nhạc vọng ra từ các quán bar và quán cà phê, mùi bia bốc lên từ những chiếc ghế đang vươn ra ngoài vỉa hè hòng đón chút gió sông thổi vào. 

Và ngay sát bờ sông, giữa cái hỗn tạp của đủ thứ tiếng động và mùi vị, một anh chàng phương Tây đang mê mải chơi vĩ cầm dạo với hộp đàn nhận tiền đặt dưới chân. Những bản nhạc Pháp trong thoáng chốc khiến cho bạn tưởng mình đang ở bên bờ sông Seine, cho đến khi làn gió nóng ran và một đứa trẻ ăn xin làm bạn bừng tỉnh!

PV
.
.
.