Không có gì mà ầm ĩ cả

Phòng vệ từ xa

Thứ Tư, 07/11/2018, 16:53
Ngày xưa khi có trộm vào nhà, chủ nhà ho lên một tiếng, kẻ trộm chạy mất dép. Còn bây giờ thì khác. Ho là nguy đấy. Có câu “đầu trộm đuôi cướp”.


Câu này được hiểu là đầu tiên chỉ là ý định trộm của cải, nhưng sau khi bị phát hiện thì kẻ trộm chuyển sang phương án 2 là cướp. Có những trường hợp, kẻ “đuôi cướp” là người quen nên giết chủ nhà để diệt khẩu.

Nói chung kẻ đột nhập thường mang theo hung khí để mở đường máu thoát thân. Hãy mặc định kẻ đột nhập có hung khí.

Nếu có kẻ đột nhập vào nhà riêng của bạn trong đêm tối, bạn sẽ làm gì?

Van lạy hắn để xin tha mạng? Tặng hắn bó hoa? Biếu tiền bạc? Nếu là người quen mặt thì e rằng khó. Chống trả bằng vũ lực, tay chân đòi hỏi bạn phải có sức khỏe và vốn võ thuật thượng thừa. Trường hợp 1 chống 1 đã khó. Sẽ ra sao nếu là 1 chống 3 hay 4…?

Nếu không có những kỹ năng đó thì buộc phải dùng công cụ để tăng an toàn cho bản thân và gia đình. Nếu quá tay, bạn có thể phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nếu bạn đơn độc, những kẻ đột nhập sẽ “a đây rồi” và “hỏi thăm sức khỏe” bạn sau một nhịp không hơn.

Trường hợp anh Phương ở Tây Tựu phục kích và chém được kẻ đột nhập 2 nhát. Đây là kiểu chém bừa chứ không có chủ ý sát hại, nhưng anh Phương đã đối mặt 9 năm tù. Vậy anh phải làm sao để bảo vệ gia đình?

Luật pháp đã quy định thì phải chấp hành, không tranh cãi. Nhưng cuộc sống đã thay đổi rất nhiều thì có những bất cập của luật nên được đặt câu hỏi để hoàn thiện. Thực tế những vụ án như Lê Văn Luyện ở Bắc Giang, Nguyễn Hải Dương, Vũ Văn Tiến ở Bình Phước nhắc nhở chúng ta một hiện tượng tâm lý tội phạm mới cần nghiên cứu nghiêm túc.

Các quy định pháp luật cần bàn thảo, cải tiến và cần thời gian. Ở một số quốc gia khác, luật pháp cho phép gia chủ có những biện pháp mạnh, thậm chí có thể tiêu diệt kẻ đột nhập mà không bị vướng vòng lao lý. Mỗi xứ mỗi khác. Vậy ta chỉ bàn về kỹ năng phù hợp nhất có thể.

Minh họa Tả Từ.

Về kỹ năng phòng vệ, nguyên lý đầu tiên là làm tiêu tan âm mưu xấu. Đó là phòng vệ về thông tin và tâm lý. Xấu nhất là khi sự việc đã xảy ra thì gia chủ phải ứng xử bằng cơ bắp hoặc cao hơn. Với các võ sư thì đây là nguyên lý khoảng cách và thời điểm ra tay. Theo thứ tự khoảng cách là xa thì dùng súng, gần thì dùng giáo, gậy. 

Gần hơn gậy thì dùng kiếm, gần nữa thì dùng dao, không có dao mới đến tay không. Vậy xử lý bằng tay không là an toàn thấp nhất. Một người không có kỹ năng võ nghệ thì dùng tay chân thì an toàn càng thấp. Đồng thời phải tính đến nguyên lý thời điểm. Thời điểm tốt nhất là giấu được thông tin về vị trí bản thân. 

Các cụ dạy “Tiên hạ thủ vi cường”. Ra tay trước thì chiếm thượng phong. Vậy làm sao ra tay mà không quá tay thì thực sự phải có bản lĩnh về thể trạng và tâm lý. Có câu “Nhất lực nhì đảm, tam công phu”. Nghĩa là thứ nhất phải khỏe, thứ hai gan lỳ, thứ ba mới đến kỹ năng chân tay.

Việc tự vệ vô cùng phức tạp vì nó có nhiều yếu tố phải đủ hiểu biết để xử lý. Tuy vậy có thể thấy, phòng vệ bằng chân tay là hạ sách. Phòng vệ từ xa mới là thượng sách. Bắt đầu từ tâm lý. Hãy luôn làm cho ý muốn trộm cướp không xuất hiện trong đầu những kẻ “đầu trộm đuôi cướp”. Cần có lối sống thân thiện, hài hòa để bản thân không trở thành con mồi. Tránh việc khoe tài sản nói chung và đặc biệt với những đối tượng phức tạp, trong đó kể cả người quen biết.

Hãy luôn phòng vệ từ xa, đừng để nguy cơ trở thành hiện thực trong ngôi nhà của mình. Đó là bài học cảnh giác nói chung và cảnh giác với chính lối sống của chính mình.

Còn bạn. Bạn chọn cách phòng vệ từ xa hay đêm nào cũng phải phục kích trong ngôi nhà mình?

Lê Tâm
.
.
.