Phu khuân mùa nắng hạn

Thứ Năm, 28/04/2016, 15:00
Mùa này, lạng lách bất cứ nơi nào trên Tây Nguyên cũng thấy con người đi tìm nước. Chưa bao giờ, cơn khát của cỏ cây, hoa lá lại khốc liệt đến vậy. Song song với việc đi tìm nước, là tìm cái ăn. Cả nhà lao ra ngoài, vắt kiện sức, làm đủ thứ nghề. Họ chẳng nề hà chuyện nắng nóng, bụi bặm, họ cũng chẳng tiếc thân đàn bà liễu yếu đào tơ, quăng quật thân xác với những chồng gạch cao hơn đầu người. Không biết từ bao giờ, nghề phu khuân tồn tại ở vùng đất này trong mùa nắng hạn.


"Thân mình chai như sỏi đá rồi"

Gữa cái nắng như thiêu như đốt, đội quân phu gạch vẫn hừng hực "cõng" từng chồng gạch dài hơn lưng, cao hơi đầu băng mình qua cây cầu rung rinh, lắt lẻo làm bằng một tấm ván ép. Cuộc sống của bà con Tây Nguyên từ bao đời nay trông chờ vào cây cà phê, thì nay những rẫy cà phê khô đét, héo rũ vì thiếu nước. Để cứu cà phê, đàn ông đi đào giếng. Đàn bà đi khuân gạch, đội đất, kéo xe… họ làm đủ thứ nghề chân tay nặng nhọc để tồn tại trên vùng đất khô khát khốc liệt này.

Xóm lò gạch ở thôn 1, xã Cư Ê Wi (Cư Kuin - Đắk Lắk) như một cái lò hun. Từng đụn khói khổng lồ vờn nhau tua tủa bay lên trời, như đang chạy đua cùng luồng gió Lào bỏng cháy thổi từ biên ải xa xôi tràn về.

Giữa cái nắng như nung, những phu khuân vẫn miệt mài lao động.

Chị Nguyễn Thị Gái (37 tuổi), tay nhanh thoăn thoắt lượm gạch thành từng chồng đẩy từ trên xe tải truyền xuống tấm trượt cho đồng nghiệp Trần Thị Ngân (42 tuổi) đón lấy cõng đi. Dù đã cuốn khăn kín đến tận răng, chỉ còn hở mỗi đôi mắt để nhìn thì cái chỗ hở bé tý ấy gặp nắng lâu ngày trở thành vết nám sần sùi, đen đúa, hằn rõ thành chiếc kính trên mắt chị. Mồ hôi trên người chị ướt như mưa từ đầu xuống dưới cổ, tràn ra sau lưng, nếu cởi áo ra mà vắt cũng được cả lít. Đây là nghề thời vụ của cánh chị em ở xóm "lò gạch", kéo dài từ tháng 4 đến tháng 8, vào thời điểm sau mỗi vụ thu hoạch cà phê.

Nhà chị Gái có 5 sào cà phê, thu hoạch xong chi phí cho phân bón, nước tưới vừa đủ, chủ yếu lấy công làm lời. Như năm nay cà phê rớt giá bà con lỗ chỏng chơ, nợ  đầm đìa. Chồng chị phải đi đào giếng thuê, còn chị đi khuân gạch. Nghề nặng nhọc vất vả thì cũng chịu đựng được, nhưng nguy hiểm luôn rình rập.

Tuần trước, chị Gái bị một chồng gạch mười mấy viên đổ từ trên xe xuống chân, tuy không gãy xương nhưng mu bàn chân chị sưng vù, ngón chân cái bị dập móng. Thế mà chị cũng nghỉ có ba ngày cho vết thương dịu lại rồi vùng dậy đi làm tiếp. Do phải đi lại nhiều, vận động mạnh nên chỗ bị thương dù đã được buộc kín vẫn rỉ máu ra ngoài, đau tấy, nhức thấu xương.

Dãi nắng dầm sương suốt mùa khô Tây Nguyên, những người đàn bà phu gạch chẳng khác nào con trâu, con bò. Làm quần quật, thân xác tiều tụy tả tơi từ sáng tới tối chỉ kiếm được đủ tiền đong gạo và mắm muối. Nhưng nếu không có nghề này, chắc chết đói cả lũ.

Cách đây ba năm, chị Gái từng khăn gói xuống TP Hồ Chí Minh  làm tạp vụ cho một công ty trong khu chế xuất. Tiền lương hơn ba triệu chỉ đủ tiền thuê nhà và ăn uống, có ky cóp lắm cũng chỉ dư được hơn một triệu gửi về cho con mỗi tháng. Biết chị Gái thân đàn bà cô quạnh, lão bảo vệ công ty toan giở trò đồi bại nhưng bất thành do chị Gái la hét, phản ứng dữ dội. Sau lần đó, chị Gái bỏ ngang nửa tháng lương, bỏ luôn sổ bảo hiểm, bắt xe về quê ngay trong đêm. Chị không dám kể cho chồng nghe, sợ ông ghen tuông sinh chuyện.

Hoàn cảnh của chị Ngân thì bi đát hơn, chồng làm nghề đào giếng thuê chuyên nghiệp. Ở đâu có giếng cạn, ở đó có anh. Anh xách đồ nghề đi khắp nơi của Tây Nguyên nhận đào giếng, khoan giếng các loại. Sau mỗi công trình, anh trở về cũng có tiền rủng rỉnh, sửa sang lại nhà cửa, mua sắm đồ dùng. Chị Ngân chỉ việc ở nhà chăm sóc ba đứa con.

Nhưng cái nghề kiếm cơm ở dưới "âm phủ" khỏi phải nói cũng thấy được sự bất trắc hiện hữu trước mặt. Và người đàn ông của chị Ngân đã vĩnh viễn nằm lại dưới đáy giếng. Đó là một buổi chiều mây đen xám xịt, cơn mưa rào đầu mùa trút xuống xối xả. Anh hì hục đưa chiếc máy bơm xuống giếng, dây điện chằng chéo phía trên chuẩn bị cắm phích cho máy chạy. Khi anh hô "thử" một cái, chiếc ổ điện vừa cắm vào đã nghe tiếng xèo phía dưới và một tiếng thét vọng từ giếng lên. Mọi người lao tới thành giếng xem thì hốt hoảng thấy anh bị điện giật cứng đơ, miệng còn há, mắt còn trợn.

Nhận xác chồng trong tình trạng khô héo, mắt không nhắm được, chị Ngân ngất xỉu tại chỗ. Ngày chị từ bệnh viện trở về thì người nhà đã làm đám tang cho chồng xong xuôi, chỉ còn di ảnh anh ngồi trên bàn thờ.

Mất chồng, mất nguồn thu nhập, người đàn bà ba con quằn quại, khổ đau một thời gian dài. Chị quyết định bán hết đồ nghề của chồng, bán luôn mấy sào đất rẫy để lấy tiền trang trải nợ nần. Rồi chị xốc lại mình, đi làm phu gạch. Lâu không khuân vác, mấy ngày đầu, chị đau hết xương cốt, đau mà không thể đứng nổi. Tối về nhà nhìn lên bàn thờ chồng, nước mắt chị giàn giụa, nỗi đau lại kéo về.

Họ hăng say lao động, thậm chí quên luôn việc bảo hộ lao động.

Chị đã nghĩ mình không thể trụ nổi với nghề, vì nó quá nặng nhọc. Nhưng ba đứa con đang mong ngóng mẹ ở nhà, chị lại ráng. Ráng miết mà thành quen. Bây giờ chị Ngân đã trở thành một phu khuân lăn xả như trâu, dẻo dai, bền bỉ, hầu như không chịu nghỉ ngày nào. Hết mùa gạch, chị lại đi hái cà phê thuê, thậm chí đi kéo đất lấp ao cho người ta. Chị tâm sự: "Bây giờ làm tất, việc gì có tiền là làm, nặng nhọc mấy cũng chịu được. Thân mình chai như sỏi đá rồi".

Khắc khoải chờ mưa

Đội quân phu gạch ở đây đều đã kinh qua tất thảy các ngành nghề, nên họ thừa hiểu sức lao động bỏ ra và giá trị của đồng tiền. Hơn chục chị em ở xóm lò gạch, là hơn chục mảnh đời nhọc nhằn, tần tảo sớm hôm. Trong đó đáng chú ý nhất là mẹ con chị Lành, góp nhặt vào xóm hai nhân công lao động thường xuyên và liên tục.

Chị Lành không có chồng, một nách nuôi hai con ăn học nên người. Bé gái Dịu Hiền tốt nghiệp trung cấp y hai năm vẫn treo bằng trên nóc nhà. Dịu Hiền rải hồ sơ như phát tờ rơi, nhưng chẳng có nơi nào hồi đáp cho em lấy một tiếng. Chờ đợi mỏi mòn, Hiền đi lên TP Buôn Ma Thuột xin làm nhân viên bán cà phê với mức lương hai triệu tám trăm ngàn đồng/tháng. Được nhà chủ bao ở, mỗi tháng Hiền dư được một ít mang về giúp mẹ.

Làm một thời gian, quán cà phê thua lỗ phải sang nhượng lại, sang luôn cả mấy đứa nhân viên. Bà chủ mới thuộc hàng nanh nỏ, tham công tiếc việc, bắt nhân viên làm ngày chưa đủ tranh thủ làm đêm. Để bắt mắt "thượng đế", bà trực tiếp thiết kế cho nhân viên những bộ đồng phục "mát mẻ". Hiền có ý kiến, xin được ăn mặc lịch sự, tức thì chủ quán chỉ tay: "Không làm thì biến". Cô bé tủi thân, nước mắt giàn giụa thu gom quần áo ra về.

Những ngày ở nhà, thấy mẹ đi cõng gạch cực khổ, Hiền không cam tâm. Em xin đi cõng cùng mẹ. Sức vóc nhỏ bé, người ta không trả công theo ngày mà khoán sản phẩm, cõng được bao nhiêu hưởng bấy nhiêu. Mỗi ngày Hiền kiếm được tám mươi ngàn cộng với tiền công của mẹ nữa cũng đủ chi phí sinh hoạt cho ba mẹ con.

Suối của Tây Nguyên cạn trơ đáy mùa nắng hạn.

Mới hai tháng tham gia đội phu gạch, Hiền từ một cô bé mảnh khảnh, yếu đuối đã cứng cáp lên nhiều. Tay chân Hiền đã có nhiều vệt chai, khuôn mặt non choẹt, trắng bóc ngày nào giờ đã xám đen. Hiền lặng lẽ làm, em bịt mặt kín bưng suốt ngày, chỉ khi nào uống nước mới lột ra xong lại nhanh chóng cuốn vào, bởi Hiền sợ gặp bạn bè, chúng gièm pha, sợ người quen chỉ trỏ: "Tốn bao nhiêu tiền của ăn học. Nhà trường cấp bằng cho về đi khuân gạch"? 

Tủi lắm, nhục lắm và đau đớn nữa. Mẹ Hiền nhìn đôi lưng còng của con lom khom cõng gạch giữa cái nắng như đổ lửa, chỉ biết quệt nước mắt quay đi. Nhiều lần Hiền thấy mẹ sụt sùi lau mắt, hỏi sao mẹ khóc? Chị Lành mắng con: "Tôi lau mồ hôi. Làm bở hơi tai ra sức đâu mà khóc". Nghe là vậy, nhưng Hiền hiểu hết nỗi lòng của mẹ. Bóng bà cõng gạch run rẩy trong ráng chiều thênh thang, chiếc áo trắng đã chuyển sang màu cháo lòng bởi mồ hôi và bụi gạch, chén cơm trưa bỏ dở và cả những đận mẹ xỉu nằm giữa đống gạch. Tất cả hình ảnh ấy, đều in lên màu mắt của Hiền.

Gió Lào mênh mông, mang theo màu xơ xác trong mùa đại hạn Tây Nguyên. Cây xanh héo úa, lòng người héo rũ với những cơn khát như vắt kiệt thịt da. Những bước chân vội vã trở về sau ngày lao động mệt nhoài, bát cơm chan đầy mồ hôi, đâu đó khắc khoải một cơn mưa. Có mưa, cũng không làm thay đổi cuộc sống của dân phu gạch, nhưng chí ít, "nước mắt của trời" sẽ gội rửa bụi bẩn trên tấm áo nhuộm trắng mồ hôi, tưới mát tâm hồn những phận người "cắm mặt xuống đất, phơi lưng lên trời".

Ngọc Thiện
.
.
.