Phượt thủ U60

Thứ Hai, 05/10/2015, 08:00
Tuổi 60, đôi vợ chồng phượt thủ Nguyễn Thanh Long, Nguyễn Thị Bích Thủy (quận Gò Vấp, TP HCM) đã đi khắp miền Tây, miền Trung và Tây Nguyên, hàng trăm bản làng được tìm đến, hàng chục ngọn thác hoang sơ được khám phá…chỉ bằng chiếc xe máy cũ kỹ, tuềnh toàng. Bệnh tật và sức khỏe tuổi tác không làm cặp tình già này nao núng, trên tất cả những cung đường hiểm trở, ông là tay lái "lụa" chưa bao giờ chịu thua một ngọn đèo nào.
1. Bà Thủy là con gái duy nhất trong một gia đình gốc Sài Gòn. Ngay từ nhỏ, bà đã luôn nhận được sự nuông chiều, chăm sóc của cả nhà. Lớn lên, bà đi làm thợ may rồi gặp được ông, một chàng trai phong độ, đào hoa. Trước khi gặp bà, ông Long đã có vài mối tình vắt vai. Ông "phân trần" rằng, do ông đẹp trai nên bị nhiều cô bám đuôi chứ thực ra ông không phải người lăng nhăng. Từ ngày gặp bà Thủy, ông Long dẹp hẳn mấy mối dây mơ rễ má khác.

Ông dẫn bà về nhà, ngày đầu tiên đã lọt vào mắt xanh của mẹ, mọi người trong gia đình đồng ý cả hai tay. Ông Long dành tình yêu với bà Thủy bằng những chuyến phượt bất tận. Sở thích du ngoạn bằng xe máy đã ngấm vào máu hai con người này. Sau khi lập gia đình, vì phải quay cuồng mưu sinh và bộn bề con cái nên vợ chồng ông Long không có điều kiện đi phượt. Hiểu được nỗi bồn chồn của vợ, ông Long ủng hộ bà đi vào những ngày cuối tuần. Còn chuyện con cái, bếp núc cứ để ông lo.

Những ngày nghỉ, bà Thủy gói ghém hành lý đi về những bản làng xa xôi nhất của Tây Nguyên để tiền trạm. Vì di chuyển bằng xe máy nên đoàn của bà phải mất mấy ngày. Tới nơi, việc đầu tiên bà làm là xuống chuyện trò với đồng bào, hỏi thăm người già, em nhỏ sau đó chụp hình, ghi lại những thông số "đói nghèo". Nhiệm vụ của chuyến đi tiền trạm chỉ có vậy. Sau đó đoàn quay về, kêu gọi, vận động mọi người ủng hộ, ai có gì cho đó, từ quần áo, giày dép, mắm muối, cơm gạo…

Chuẩn bị lên đường.

Đặc biệt, nếu có sách cũ mà cho thì bao nhiêu bà Thủy cũng khuân vác được, vì bà thương tụi nhỏ ở trên núi nhiều lắm. Chúng đi học mà không có sách vở, không đủ áo ấm mặc vào mùa đông. Khi hàng hóa đã "hòm hòm'', đội của bà tiếp tục hành trình về bản. Lúc nào cũng vậy, chuyến đi từ thiện luôn làm bà háo hức nhất. Đến nỗi đêm bà nằm mơ thấy nụ cười của tụi nhỏ đang tranh nhau viên kẹo, thấy nước mắt của cụ già đưa tay ôm túi gạo. Nồi cơm chiều ở miền biên viễn trắng hơn mọi ngày vì không có ngô độn, bước chạy của trẻ con khỏe khoắn hơn khi được ăn một bữa no.

Những điều đó, chỉ có bà mới cảm nhận được và bà là người hạnh phúc nhất khi làm được điều đó ở những nơi thâm sơn cùng cốc. Bà cho biết: "Tôi không có nhiều của cải tiền bạc để cho thật nhiều người. Vì có ít nên tôi phải đi đến tận nơi, chứng kiến tận mắt nỗi thống khổ của bà con, làm sao để món quà của mình đến tận tay những người cần nó nhất". Hơn 20 năm đi và đến, bà Thủy đã đặt chân lên khắp bản làng Tây Nguyên, xuôi về miền Tây rồi ngược ra miền Trung. Bà có sở thích đi bằng xe máy và mỗi nơi phải đến ít nhất 2 lần, một lần tiền trạm và một lần thực tế.

2. Ba đứa con trưởng thành, có gia đình riêng là lúc ông Long được rỗi rãi, ông thường làm xe ôm cho vợ trong những đợt đi từ thiện. Cứ thế, ông yêu những chuyến đi lúc nào không biết. Ông Long mò mẫm lên mạng tìm hiểu những vùng đất mới, những địa danh hoang dã để khám phá. Những ngày lang thang trên Internet, ông Long làm quen được một Leader (người đứng đầu) của diễn đàn phượt Việt Nam. Ông ngỏ ý muốn tham gia một chuyến hành trình của nhóm.

Được sự cổ vũ của các bạn trẻ trong diễn đàn phượt, vợ chồng ông Long rạo rực, hồi hộp không sao ngủ được. Ông đi tân trang, sơn sửa lại con xe Dream II, bà tất tả đi mua đồ nghề phục vụ cho chuyến phượt đầu đời. Lần đầu tiên, nhóm phượt xuất hiện một cặp đôi U60 hừng hực sức sống. Ông Long tỏ rõ là tay lái lão luyện không chịu thua ai. Trên suốt hành trình phượt từ TP Hồ Chí Minh đi thác Băng Tiên (Lâm Đồng), với trên 300km đường đèo dốc, ông Long không cần sang tay và không hề nao núng với bất cứ con đèo nào.

Đường đi có những đoạn lầy lội khó khăn.

Đoạn đường từ trung tâm thành phố Đà Lạt tới thác Băng Tiên dài hơn 30km, trong đó khoảng 10km không hề có đường đi. Đoàn phượt phải len lỏi qua từng phiến đá trơn trượt, dốc cheo leo hiểm trở. Đến đoạn đổ vực, phải một người giữ đầu, một người giữ đuôi, một người nâng giữa mới cẩu xe qua được. Trên suốt hành trình khám phá dòng thác hoang dã này, những tay phượt thủ luôn phải cao số 1 và vặn ga nhừ tay. Phía trước là đá phía dưới là vực thẳm, chỉ cần sơ suất coi như toi mạng.

Ai cũng lo lắng cho tay lái Nguyễn Thanh Long, chỉ sợ tuổi già sẽ là trở ngại lớn nhất với ông, nhưng bà Thủy lại vô cùng yên tâm khi ngồi phía sau chồng. Ngồi trên xe, bà cảm nhận trọn vẹn sự hùng tráng của thiên nhiên, mỗi lần ông vượt lên đá bị trơn, xe loạng choạng, bà cảm giác đó là cuộc phiêu lưu thật thú vị.

Thác Băng Tiên nằm sâu trong rừng, vì đường sá cách trở nên chưa có bóng dáng con người khai thác du lịch. Sống dưới chân thác là một bản làng người Cil hiền hòa. Họ không nói được tiếng Kinh nhưng vô cùng nhiệt tình và hào phóng. "Thác Băng Tiên như quà tặng của trời đất ban tặng cho con người, đồng bào Cil bao đời gìn giữ, bảo vệ dòng thác nên nó trong ngần như một thiếu nữ mới lớn. Tôi bị mê hoặc bởi vẻ đẹp của dòng thác. Chúng tôi muốn dựng lều ở lại nhưng người dân bản địa khuyên nên xuống núi, bởi khu vực rất nguy hiểm, vẫn còn thú rừng" - bà Thủy chia sẻ.

Sau chuyến phượt nhớ đời ấy, ông Long về nhà đau nhức toàn thân. Đôi chân cứng đơ, cánh tay không thể cử động. Nhưng điều đọng lại trong ông là niềm đam mê đến quay cuồng. Dù mệt mỏi, nhưng ông bà đều háo hức, mong ngóng cho những chuyến đi sau. Ngày nào ông Long cũng lên mạng chát, theo dõi thông tin trên diễn đàn. Ông mỏi mắt thì bà thay, cứ dán mắt vào màn hình máy tính và chát chít đến quên cả ăn.

Ông Long kể và cười sảng khoái để lộ hai hàm răng đã rụng gần hết: "Ngày xưa tôi bị nhiều bệnh lắm, nhưng từ ngày đi phượt tự nhiên thấy khỏe ra, hết bệnh luôn. Mỗi chuyến đi là một khám phá. Chúng tôi chỉ thích đi đến những nơi nào hoang sơ, thuần khiết nhất, nơi không có hơi hám con người thì mới sướng cái mắt được". Điều đặc biệt trên chiếc xe phượt của ông bà lúc nào cũng lỉnh kỉnh bao bọc. Ngoài đồ nghề nghề phượt ra, bà Thủy nhặt nhạnh từng gói bánh, cuốn vở, tập sách nhét vào xe. Trên đường đi hễ thấy trẻ em chăn trâu, kiếm củi là ông dừng xe, bà lôi "quà" trong bao ra phát cho tụi nhỏ.

Lúc nào ông cũng là bờ vai để bà dựa.

3.Trong những năm cùng nhau đi phượt, chuyến xa nhất của cặp đôi U60 là tới miền Trung. Tính cả thời gian đi và nghỉ để ra tới đó mất mười mấy ngày. Tối tấp vào nhà văn hóa cộng đồng của địa phương pha mì tôm ăn, dựng lều ngủ. Không có nhà cộng đồng thì tìm gốc cây ven đường cũng xong một đêm. Điều đặc biệt của hai vợ chồng là không bao giờ ngủ khách sạn, bà Thủy muốn để dành số tiền ấy mua bánh kẹo phát cho trẻ em nghèo trên dọc đường đi.

Ra miền Trung năm đó gặp trúng bão, hai ông bà phải ém lại ở nhà văn hóa cộng đồng ba ngày. Cảnh người dân oằn mình chống bão, nhà cửa tốc mái, nước ngập trắng đồng là bức tranh thê lương đập vào mắt ông bà. Bà bàn với ông dốc hết lương thực dự trữ cho mấy cụ già ăn cầm cự với giá rét. Còn ít tiền, bà đi mua hết mì tôm phát cho trẻ em. Chuyến đi lần đó không đến được nơi dự kiến vì "sạch túi", ông bà đành cho xe quay về, trong lòng cứ rưng rưng không sao tả nổi.

Phượt thủ Nguyễn Thanh Long năm nay 65 tuổi, còn bà Lê Thị Bích Thủy vừa bước sang tuổi 61. Bà Thủy cười rạng rỡ: "Ở cái tuổi đó, không ai chạy xe như vợ chồng tôi đâu. Đi khắp nơi, sáp nhập với rất nhiều đoàn phượt toàn là thanh niên trẻ khỏe, nhiệt tình và sung sức, trật ra mỗi cặp già đầu đã hai thứ tóc này. Thế mà tụi trẻ hò reo, động viên chúng tôi suốt chặng đường đi. Đêm chúng tôi đốt lửa trại ăn uống hát hò, ngày chúng tôi đi bất tận đến những vùng đất mới. Đi riết tự nhiên thấy mình như thanh niên, chẳng nghĩ đến tuổi già nữa".

Con cái thấy ba mẹ vui tươi quấn quýt bên nhau trên dặm dài trường chinh cũng mừng. Đầu tiên họ có chút lo lắng cho sức khỏe của ông bà nhưng đi vài chuyến thì họ ủng hộ cả hai tay. Thậm chí còn biếu tiền để ông bà đi. Phượt hàng ngàn cây số, qua nhiều cung đường cheo leo trắc trở, nhưng ông bà chưa bao giờ gặp phải sự cố nào. Bởi, bà chuẩn bị đầy đủ đồ nghề dự trù, cộng thêm tay lái "lụa" của ông nên xe cứ băng băng trên đường. 

Cặp phượt thủ dự tính năm nay sẽ làm một chuyến Tây Bắc. Đó là mơ ước của ông bà từ nhiều năm nay. Ông Long hồ hởi: "Tôi yêu núi rừng, yêu cuộc sống nghèo khó, chất phác của bà con các dân tộc miền núi. Tôi muốn đi để cảm nhận và sẻ chia cùng họ, muốn giúp đỡ họ thật nhiều". Nhẩm tính chuyến phượt Tây Bắc ngốn hết khoảng 20 triệu, ông bà đang dành dụm, góp nhặt và huy động mọi nguồn lực để thực hiện ước mơ.

Ngọc Thiện
.
.
.