Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ:

Quá khứ luôn ám ảnh tôi

Chủ Nhật, 12/06/2016, 22:59
Thuộc thế hệ đời cuối của 8x, nhưng Đinh Tuấn Vũ cho tôi cảm giác của một người già, trong những câu chuyện anh kể bằng điện ảnh và trong cả cách Vũ trò chuyện. 'Cuộc đời của Yến" đã mang lại cho Vũ vinh quang, nhưng phía trước, vẫn là những con đường chông gai cho sự lựa chọn của anh.


- "Cuộc đời của Yến" đã mang lại cho anh nhiều vinh quang, được vinh danh đạo diễn xuất sắc nhất tại Cánh diều vàng 2016. Thú thực tôi khá ngạc nhiên khi phim được làm bởi một đạo diễn trẻ như Vũ. Sự thành danh sớm liệu có phải là một áp lực đối với anh?

+ Đó là một áp lực dễ chịu, tạo cho tôi niềm tin vào nghề và con đường mình đang đi. Sau "Cuộc đời của Yến" tôi đã bắt tay vào bộ phim thương mại "Taxi, em tên gì". Và tôi hiểu, dù đi theo hướng nghệ thuật hay thương mại thì tôi hoàn toàn tự tin và làm chủ được cách kể của mình.

Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ.

Tôi muốn hướng tới những bộ phim mang tính nghệ thuật cao. Đúng một năm trước, tôi bấm máy cho "Cuộc đời của Yến", bộ phim mà tôi đã dành cả tâm huyết, say mê của mình. Quan trọng là mình đam mê nghề này, làm theo đam mê rất thoải mái, áp lực sẽ tạo thành động lực chứ không phải sức ép quá nặng nề.

- Dù được đánh giá cao tại các liên hoan phim trong nước, nhưng nhiều ý kiến cho rằng "Cuộc đời của Yến" lặp lại những cách kể cũ?

+ Tôi nghĩ, cách kể phải phù hợp với tinh thần kịch bản, mang lại cái nhìn chân thực nhất với đời sống thời đó. Ngôn ngữ điện ảnh bây giờ có quá nhiều, quan trọng là nó có phù hợp với bối cảnh của phim hay không. Với tôi, mới hay cũ không quan trọng, mà cảm xúc phải phù hợp với bối cảnh. Và sự ám ảnh mà bộ phim mang lại cho khán giả. Mỗi đạo diễn đều phải kiên định với con đường của mình.

Với tôi, đó là con đường chậm rãi, không ồn ào. Tôi cố gắng làm những bộ phim tốt, kể cả phim giải trí cũng phải ở mức độ cao để dần dần tạo được thị hiếu tốt cho khán giả. Càng nhiều phim tốt thì thị hiếu sẽ nâng lên. Và những phim cẩu thả, thẩm mỹ kém sẽ bị loại bỏ. Phải như thế nền điện ảnh của chúng ta mới có cơ hội phát triển.

- Nhưng nhiều người cho rằng anh nhận được nhiều ưu ái của Ban giám khảo vì anh là con trai của Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan?

+ (Cười) Điều đó cũng dễ hiểu thôi và tôi không muốn bình luận. Tôi thấy mình may mắn khi được sinh ra trong một gia đình nghệ thuật. Từ nhỏ tôi được tiếp xúc với không khí đó, gia đình tôi thường nói chuyện về điện ảnh và những câu chuyện cứ thấm dần vào tôi.

Lớn lên tôi cũng đam mê điện ảnh. Sự cộng hưởng đó đã giúp tôi có được những thành quả hôm nay. Khi tôi bắt tay vào làm mọi thứ đều rất tự nhiên. Điều quan trọng nữa là những người tôi cộng tác đều biết đến gia đình mình và họ sẵn lòng giúp đỡ tôi. Nhưng có ưu ái riêng tư thì tôi nghĩ là không, bởi Ban giám khảo họ cũng có danh dự làm nghề của họ chứ, không thể trao cho một bộ phim dở được.

Tôi đón nhận những bình luận đó, dù cũng hơi bực mình, nhưng quan trọng là mình tập trung vào nghề, vào kịch bản mới, biết mình đang đứng ở vị trí nào và hiểu được đam mê của mình.

- Vũ từng làm nhiều phim nhà nước, ngay cả "Cuộc đời của Yến" được truyền thông khá bài bản, nhưng doanh thu phòng vé vẫn là bài toán đau đầu. Theo anh vì sao, liệu có nên duy trì những dự án như thế nữa không?

+ Những đề tài Nhà nước sản xuất là đề tài khó như chiến tranh, nông thôn. Bản thân đề tài đã không hấp dẫn rồi. Vì thế, câu chuyện phòng vé không phụ thuộc vào tài năng của người làm phim, mà còn là thị hiếu, là khâu quảng bá. Có một thực tế là phim ra thị trường nhiều khi không phụ thuộc vào phim mà vào diễn viên.

Nhất là khán giả miền Nam, họ không xem những diễn viên miền Bắc. Bởi ở miền Bắc quan niệm về làm nghề khác, họ không thích sự hào nhoáng, dù giờ đây, sự hào nhoáng lại gắn liền và tác động mạnh tới thu nhập cũng như mức độ nổi tiếng của diễn viên.

Một cảnh trong phim "Cuộc đời của Yến".

Như diễn viên Thuý Hằng vai Yến (trưởng thành) chẳng hạn. Cô ấy không thích xuất hiện nhiều ở đám đông, thậm chí "sợ" sự PR bản thân. Là đạo diễn, để cân bằng được điều đó là việc vô cùng khó.

- Vì thế mà nhiều đạo diễn bây giờ chạy theo phim thị trường, theo doanh thu phòng vé và cho ra đời những bộ phim nhạt nhẽo, thậm chí là thảm họa. Vũ sẽ chọn con đường nào, phim nghệ thuật hay giải trí?

+ Như đã nói, tôi thích phim giải trí ở mức độ cao. Dù là giải trí cũng phải có tính thẩm mỹ tốt. Lấy được cảm xúc của khán giả là cả một nghệ thuật. Đó là đích đến của rất nhiều nhà làm phim tâm huyết, lấy được tình yêu của khán giả, khiến họ yêu thực sự bộ phim của mình và mua vé đến rạp.

- Cuối tháng này, "Cuộc đời của Yến" sẽ tham dự một liên hoan phim ở Philippines, Vũ chờ đợi điều gì ở liên hoan này?

+ Nền điện ảnh của chúng ta đi sau khá nhiều nước trong khu vực. Vừa rồi, các nước như Singapore và Philippines đều có phim tham dự Liên hoan phim Cannes. Đây cũng là một cơ hội cho tôi được gặp gỡ với các đạo diễn giỏi, được xem nhiều thể loại phim hay của thế giới. Đó là những cánh cửa mở ra với thế giới, giúp tôi tìm cảm hứng và năng lượng để đi tiếp con đường của mình.

- Những người trẻ như anh, có ấp ủ giấc mơ điện ảnh Việt một ngày nào đó sẽ được vinh danh trong khu vực?

+ Tại sao không, khi chúng ta đang có rất nhiều đạo diễn trẻ tài năng và tâm huyết. Điều tôi trăn trở vẫn là phải làm những bộ phim để khán giả trong nước thích và ra được với khu vực. Làm thế nào vừa tìm được góc nhìn mới lạ nhưng vừa phù hợp với tâm hồn người Việt. Điều đó khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Những phim thương mại xem xong rồi quên, không khiến khán giả nhớ, ám ảnh.

Phim Việt phải phản ánh tâm hồn của người Việt. Bây giờ, có nhiều phim làm theo mô típ nước ngoài, lồng tiếng nước nào lại thấy giống phim nước đó. Nó hoàn toàn xa lại với người Việt, xem xong thấy đạo diễn nào cũng làm được. Tôi nghĩ xem xong bộ phim phải để lại cho người ta cảm giác tích cực hơn, hứng khởi hơn với cuộc sống chứ không khiến người ta hoang mang.

Cuộc sống hiện tại có quá nhiều vấn đề rồi, nên tôi muốn điện ảnh mang đến một cái nhìn ấm áp về cuộc đời. Hơn nữa, có một thực tế, ở Việt Nam bây giờ coi trọng diễn viên ngôi sao hơn là đạo diễn, phim thành công hay không là do diễn viên chứ không phải đạo diễn nữa.

Dấu ấn đạo diễn là một thứ gì đó rất nhạt nhòa. Đây là một thực tế buồn cho dòng phim thương mại do các nhà sản xuất tư nhân chịu áp lực bởi doanh thu phòng vé. Nhưng tôi nghĩ, điều quan trọng là nội lực của bộ phim đến đâu nó sẽ đi xa đến đó.

Đạo diễn mỗi người có một cách kể riêng, quan trọng là kiên định với cách kể của mình, tạo ra lối đi của mình. Nếu chạy theo con đường của ai đó, mình sẽ hụt hơi, phải kể câu chuyện mình thích đã, may mắn gặp được sự đồng cảm của mọi người thì sẽ thành công.

- Nhưng tôi tự hỏi, vì sao một người trẻ như Vũ lại chọn kể những câu chuyện ngày xưa, những câu chuyện mà thậm chí anh không có ký ức gì về nó?

Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ trên trường quay.

+ Khi làm những thứ mà mình phải trăn trở, suy nghĩ với nó, chăm chút với nó từng câu thoại, chắt chiu từng tí một, làm xong, mình có cảm giác hạnh phúc. Tôi muốn tìm lại cảm giác đó với dự án mới. Tôi không giải thích được vì sao thích sống bằng hoài niệm.

Từ những ngày nhỏ, tôi đã nghe những câu chuyện qúa khứ từ ông bà, bố mẹ, gia đình tôi nhiều người trải qua cuộc chiến. Thời đó, con người sống với nhau an lành hơn. Tôi được nghe rất nhiều câu chuyện xúc động.

Tôi nghĩ, nhiều khi là số phận, số phận đã mang tôi đến với những kịch bản như thế, để rồi say mê nó, sống chết với nó. Có lẽ tôi có duyên với những kịch bản như thế. Biết đâu khi 40 tuổi, tôi lại thích kể những câu chuyện của người trẻ? (Cười)

Sắp tới, tôi đang ấp ủ một đề tài về tâm lý chiến tranh, không quá nặng về bom đạn mà khai thác tâm lý con người trong cuộc chiến. Câu chuyện tôi đang ấp ủ dựa trên một truyện ngắn nổi tiếng, tôi đọc và rất ấn tượng, ở đó có nhiều chi tiết chưa xuất hiện ở các bộ phim trước đây về chiến tranh.

- Nhìn lại chặng đường đã đi qua, anh có nghĩ, cuộc đời làm nghệ thuật của mình được rải hoa hồng, bởi mọi người toàn nhìn thấy những vinh quang?

+ Mọi người nhìn từ ngoài vào sẽ thấy con đường của tôi rất thuận lợi. Nhưng để có được những thành công đó, tôi cũng phải đánh đổi nhiều thứ. Đặc biệt là sức khỏe, tôi già đi nhiều sau những bộ phim.

Tôi nhớ, những ngày nắng chói chang, hay cả những đêm lạnh thấu xương ở Đà Lạt. Cứ lạnh là tôi ho sù sụ. Phải mặc áo bông và đốt đống lửa bên cạnh để sưởi ấm. Vất vả, cực nhọc, nhưng tôi yêu nghề này, tôi thích những cảm giác đó, mệt nhưng hạnh phúc.

Chị không bao giờ hiểu được cảm giác khi những đêm lạnh buốt giá như thế mà xung quanh tôi, mọi người vẫn say mê làm việc, vì một mục đích chung, vì bộ phim. Cảm giác đó rất xúc động mà không nghề nào có được.

- Vâng, như trong một gia đình. Có lẽ vì thế mà câu chuyện cổ phần hóa hãng phim truyện, nơi anh làm việc khiến nhiều nghệ sĩ gạo cội bức xúc, bởi nó đã từng như là ngôi nhà của họ. Một người trẻ, không nặng lòng bởi ký ức như Vũ nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

+ Cổ phần hóa là một xu thế tất yếu để vực dậy hãng phim. Tôi nghĩ, quan trọng là sau cổ phần hóa sẽ như thế nào. Nhiều người lo lắng cũng là điều dễ hiểu. Với chúng tôi, giá trị thương hiệu của hãng phim truyện không thể bằng không. Những giá trị đó là vô giá, với những thành quả trong quá khứ.

Tôi cũng hi vọng dù cổ phần hoá nhưng hãng vẫn nhận được những dự án phim từ Nhà nước, đương nhiên bản thân chúng tôi phải chứng minh được mình đủ năng lực để làm ra những sản phẩm chất lượng.

Bởi nếu không có Nhà nước đầu tư thì những đề tài khó không ai làm, bức tranh điện ảnh sẽ nghèo nàn, chỉ có phim giải trí, phim thương mại, không tạo nên được bức tranh điện ảnh toàn diện về đất nước, con người Việt.

- Ngoài điện ảnh, Vũ còn những đam mê khác hay không?

+ Tôi sống đơn giản, không có gì quá đặc biệt, bởi nghệ thuật đã chiếm của tôi khá nhiều thời gian. Tôi nhớ, có một câu chuyện khá thú vị, năm ngoái, tôi có cuộc hẹn với nghệ sĩ Thanh Thúy và mấy người về một dự án điện ảnh. Họ vô cùng ngạc nhiên khi thấy tôi đi xe máy. Họ nghĩ rằng tôi sẽ đi ôtô.

Tôi thích những chuyến đi, những chuyến đi mang lại cho tôi nhiều cảm xúc về cuộc sống, đi để thấu hiểu và để trải nghiệm. Thỉnh thoảng, vài tháng, tôi lại xách ba lô lên đường, rong ruổi những chuyến đi.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.

Việt Hà (Thực hiện)
.
.
.