Quán ăn lề đường nổi tiếng thế giới

Thứ Ba, 17/05/2016, 15:32
Dăm ba bộ bàn ghế nhựa nép sát mảnh sân nhỏ của quán ăn lề đường "Lunch Lady" trên đường Hoàng Sa, quận 1 đón hàng trăm lượt khách nước ngoài mỗi ngày.

Chị cả của bà Nguyễn Thị Thanh “Lunch Lady” cười hớn hở khoe, quán ăn của mấy chị em bà tình cờ được lên chương trình “No Reservations” của đầu bếp Anthony Bourdain đã bảy năm rồi mà đến giờ khách Tây cứ tìm đến mải miết. Được trải nghiệm một phần văn hoá ẩm thực Việt Nam thông qua món ăn hè phố ở một ngóc ngách nhỏ nào đó, như cách mà Anthony Bourdain đã trải nghiệm, là sức hút kéo du khách đến để thử cho được món bà Thanh nấu.

“No Reservations” là chuỗi những video khám phá ẩm thực thuộc kênh Travel Channel rất ăn khách trên truyền hình Mỹ. Nhờ có chương trình ẩm thực đường phố ăn khách này, quán nhỏ lề đường của bà Thanh thành một trong những địa điểm “phải đến” khi đặt chân xuống Sài Gòn của du khách. 

Người dân ở quanh khu bà Thanh ở đã quen với việc chỉ đường cho khách đến quán “Lunch Lady”. Có thể có hàng triệu những “Lunch Lady” trên khắp Sài Gòn, nhưng theo nhận định của các tay sành du lịch, những món ăn lề đường của bà Thanh có lẽ đáp ứng được nhu cầu của dân thích khám phá: lạ miệng, đặc trưng, sạch sẽ, chưa tới 5USD và luôn nóng hổi sẵn sàng mà không cần đặt trước.

Bà Thanh vừa là chủ quán vừa là người đứng bếp chính. Chồng và chị cả của bà chỉ phụ giúp bưng bê, thu dọn cho bà. Người phụ nữ ăn vận đơn giản, đội chiếc nón lá, vừa thoăn thoắt làm đồ ăn, vừa lăng xăng chạy ra chạy vào chụp hình theo lời rủ rê của các nhóm khách. Bà nói, những người khách “mắt xanh mũi lõ” đặc biệt thích hình ảnh một “quý bà” thuần Việt đội chiếc nón truyền thống, bàn tay điệu nghệ chan vào tô thứ nước lèo (nước sốt) ngon không cưỡng được.

Quán ăn Lunch Lady.

Sinh trưởng tại Sài Gòn trong một gia đình có bảy người con, năm gái hai trai, bà Thanh là con út. Quê nội gốc Bình Trị Thiên, theo như lời bà Thanh, nhưng đã dắt nhau vào Nam từ chục năm trước. Năm nay xấp xỉ 50 tuổi, bà Thanh cũng từng có thời gian sống ở miền Tây Nam Bộ. Khi được khách hỏi vì sao gốc người Trung mà vị món ăn lại bài bản cách nấu của người Nam, bà cười to nói, “tôi sinh trưởng ở Sài Gòn nhưng cũng có thời gian sống tại Bến Tre và lấy chồng cũng là người Cần Thơ nên món kiểu gì, vùng nào cũng học hỏi nấu được”.

Gọi là “quán” cho sang, từ khi được du khách biết rộng rãi đến nay, “Lunch Lady” vẫn chỉ là hàng ăn nhỏ nép giữa khu chung cư sầm uất dọc kênh Nhiêu Lộc, lọt thỏm giữa hàng chục hàng quán khác nằm sát rạt nhau. Chị cả của bà Thanh chia sẻ, quán ăn không tên của chị em bà đã mở cửa từ trước năm 1975, nằm ở khu vực cầu sắt ĐaKao, quận 1. Sau ngày tiếp quản, gia đình bà được giải toả dời về khu Hoàng Sa này và bán ở đây cũng đã gần 20 năm.

Không vách ngăn, không máy lạnh, bảng hiệu ghi “Quán ăn Lunch Lady” trên miếng nhựa treo lủng lẳng trên cây bàng. Một xe đẩy chất đầy những dĩa thịt đầy vun, đầy ắp những bún, rau hành, chả. Phía sau xe đẩy, hai thau lớn đầy thịt gà vừa được chế biến xong, 4 thùng lớn nước lèo, một cần xé bánh mì Sài Gòn nóng hổi vừa giao tới. 

Khách ăn chen nhau trên mấy bộ bàn ghế cũ, chẳng ngại quen lạ ngồi chung đụng, cả “Tây” lẫn “ta” đều vừa ăn vừa hít hà, tay quệt mồ hôi. Quần tây áo sơ-mi xen kẽ áo thun quần sooc, tiếng Việt lẫn với tiếng Anh, trộn cùng tiếng còi xe rền rền trong con ngách nhỏ. Nếu không để ý kỹ, người đi ngang qua có thể để mắt trôi tuột khỏi nơi này.

Ở cái quán nằm gọn trong góc dãy chung cư đó, từ khi dọn hàng đến khi bán tô cuối cùng, lúc nào cũng có tấp nập khách ra vào, đặc biệt là khách Tây. Ngồi ở đây có thể dễ dàng quan sát được, cứ khoảng 5-10 phút sẽ có một nhóm khách nước ngoài đến, đi theo đoàn hoặc đi bụi bằng xe máy, hoặc có cả Việt Kiều. “Lunch Lady” cũng là cái tên được khách đặt cho, là “cẩm nang truyền miệng” quen thuộc mà du khách hay rỉ tai trên khắp các tạp chí, trang tin du lịch-ẩm thực nổi tiếng, từ TripAdvisor.com, Lonely Planet, Asia Life, hay EatingSaigon.com.

Lục đục dọn hàng từ  9 giờ sáng, đỏ lửa đến tầm hơn 10 giờ, quán ăn đã lác đác khách đến “xí” chỗ trước khi nồi cà-ri gà đã ùng ục khói, thơm nức một góc đường. Một vị khách lạ dựng chống xe bước vào quán nói to “một tô bún Thái”, bà Thanh đã nhanh nhảu chìa ra tờ danh thiếp kiêm luôn thực đơn cho các ngày được ghi chi tiết. “Hôm nay thứ tư, cà-ri gà, miến gà, bún thịt nướng. Bún Thái thứ hai. Thích món đó thì qua tuần đáo lại nhé”, bà Thanh xởi lởi. Cứ khoảng vài tháng, thực đơn sẽ được đổi món mới, tổng cộng trên dưới 20 món thuần Việt đã được nấu dưới đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ này.

Bún bò Huế được đánh giá là món được khách quốc tế yêu thích nhất.

Thực đơn thay đổi mỗi ngày theo cách đó là điểm đặc biệt ở quán của “madame Thanh” – biệt danh mà một số khách quen người nước ngoài thân thiết đặt cho bà. Nếu như đầu tuần là bún Thái chua chua cay cay cho dân văn phòng đổi vị thì các ngày tiếp theo lần lượt là các món khác như bún mắm, bún mọc, bánh canh cua, bò kho. Hết thảy có hơn 11 món bán xoay vòng trong bảy ngày của tuần. “Thay đổi để đỡ ngán, vậy thôi”, chồng bà Thanh cười xuề xoà giải thích.

“Chủ yếu bán buổi trưa, cho dân văn phòng, cư dân ở khu vực này và khách Tây. Vào giờ cao điểm nghỉ trưa, khách có gọi món đều phải thông cảm chờ 15-20 phút vì đông quá”, chồng bà Thanh nói, dặn khách nếu muốn ăn nhanh thì nên tới sớm hoặc sau giờ nghỉ trưa, đến tầm 4 giờ chiều quán sẽ dọn.

Trên trang web nổi tiếng của dân du lịch Lonely Planet, đề tài chỉ đường đến quán ăn “Lunch Lady” được rất nhiều quan tâm bàn luận. Từ con đường rẽ ngay chân cầu Thị Nghè, rẽ trái ở ngã ba thứ hai, tìm quán ăn nằm ngay dưới gốc bàng to nhất khu, khi ấy đã đến đúng địa chỉ “Lunch Lady”.

Anh Sam Neal đến từ Mỹ, vai quảy balo, tháo kính đen đứng trước quán hỏi vọng vào, “Miss Lunch?”. Khi được bà Thanh dẫn vào quán, Sam tự tin gọi to: “Một tô” bằng vốn tiếng Việt mới học. Anh nói, đến quán để tận mắt tận tay thưởng thức xem món bún bò Huế ở bản địa như thế nào so với món mà anh đã ăn trên đất Mỹ. 

“Khó mà tưởng tượng được những gia vị gì đang “nhảy múa” trong miệng tôi”, David cười hóm hỉnh và hỏi, “làm sao để kết hợp thịt bò với bún mà không bị lạc lõng như trong món bún này được nhỉ?”. Mark Wiens, một blogger du lịch-ẩm thực nổi tiếng của Mỹ cũng đã gọi món bún bò ở quán của bà Thanh là một “huyền thoại” khi có chuyến khám phá ẩm thực Việt Nam.

Dẫn theo cô con gái 11 tuổi hỏi thăm đường đến quán “Lunch Lady”, chị Rhonna Rosales 44 tuổi, đến từ Manila, Philippines, kể: “Tôi biết nơi này thông qua đoạn quay về “Lunch Lady” trên chương trình “No Reservation”, dù đã lâu nhưng vẫn được phát lại thường xuyên ở nước tôi. Sau một chuyến vòng quanh các nước Đông Dương, khi quay lại Việt Nam, chúng tôi được tư vấn nên đi ăn thử ở quán ăn này trước khi bay về nước chiều nay”. “Tôi thích món cà-ri gà ăn với bún ở đây. Cách nấu cà-ri với nước cốt dừa thực sự đặc biệt so với ở các nước khác”, chị Rhonna tấm tắc.

Đến ngay sau chị Rhonna, một nhóm khách đủ quốc tịch trên 10 người tiến vào quán. Anh Timon, người Nam Phi tìm đường nhón chân vào khu bếp, nơi nồi nước lèo đang bốc khói nghi ngút. Thích thú giơ máy chụp lại mọi thứ từ rổ khoai, rổ bún, sọt bánh mì, Timon khoe: “Madame, bằng tay và cử chỉ, hướng dẫn tôi chi tiết cách nấu, chỉ tôi tên gọi vài thứ nguyên liệu cơ bản. Khoai lang màu vàng và khoai môn màu tím, đây là rau ngò, và đây là bánh mì Sài Gòn. Madame không giấu gì hết. Và bà rất đa tài”. Anh Thomas (29 tuổi) đi cùng Timon chen vào nói, anh ăn no bụng chỉ tốn chưa đến 2USD, và chuyến du lịch sau anh nhất định sẽ kéo cho bằng được cô vợ đến đây.

Lẳng lặng kéo ghế ngồi một mình ở góc xa của quán, anh chàng có biệt danh Po (người Mỹ) nói, anh đến Việt Nam để làm việc đã gần hai năm. Từ chỗ anh làm đi bộ ra quán bà Thanh 10 phút. “Nhờ các hàng quán như thế này mà tôi ăn món Việt ngon lành, còn dùng đũa thành thạo nữa”, Po nói, “thật may mắn cho người luôn đi ăn một mình như tôi vì khi đến đây tôi có cảm giác thân thuộc như được mẹ mình nấu ăn cho vậy”. 

Bà Thanh tiết lộ, mỗi ngày trong khoảng thời gian trên dưới năm tiếng đồng hồ, quán của bà bán được từ 300 đến 350 tô. Mỗi tô các loại bán trung bình 30.000 đến 40.000 đồng. Thu nhập một ngày gần 10 triệu đồng. Theo bà Thanh đánh giá, món được người nước ngoài yêu thích nhất là bún bò Huế. “Luôn luôn là như vậy”, bà nói, “món bún mắm với mùi mắm đặc trưng của người miền Tây tuy ban đầu hơi khó ăn nhưng dần dà họ ăn được hết đấy, bún mắm là món được yêu thích thứ nhì sau bún bò”.

Bà Thanh hào hứng nói, “chương trình tin vắn của đài truyền hình vừa phỏng vấn tôi xong, bỏ tuần này, tuần kế tiếp nữa sẽ có một đoàn phim Malaysia qua quay”. Khi khách hỏi, bà không ngại hai tay xắt thịt, trộn bún, mắt không rời khỏi nhúm rau nhưng miệng thì vẫn liến thoắng tiếp đủ chuyện “trên trời dưới đất”. Và như lời vị khách Nam Phi ở trên, bà có thể chia sẻ bí quyết nấu ngon mà không ngại ngùng gì cả.

Một trong những điểm sáng kéo khách trở lại quán của bà Thanh, không chỉ là món ăn, mà còn là cung cách phục vụ nhiệt tình của vợ chồng, chị em chủ quán. Bà nói không hề tăng giá hay chặt chém dù độ nổi tiếng của quán ngày một lan rộng. “Để Tây họ còn trở lại Việt Nam mình chứ”, bà cười.

Huỳnh Duyên
.
.
.