Quán bún bò Huế 1.000 đồng ấm lòng người lao động nghèo

Thứ Hai, 31/08/2015, 14:30
Gần đây, những người lao động nghèo thường rỉ tai nhau về một quán bún bò Huế giữa Thủ đô có giá chỉ 1.000 đồng 1 bát vào mỗi thứ sáu đầu tiên trong tháng. Chủ nhân của quán bún "thứ sáu sẻ chia" ấy là bà Ngũ Thị Kiều Oanh, 52 tuổi, trú tại phường Ngọc Trạo, TP Thanh Hóa. Việc làm thiện nguyện này của bà Oanh không chỉ ở Hà Nội mà còn diễn ra ở Phú Quốc. Trước bà Oanh vẫn thường nấu cháo từ thiện ở Bệnh viện K2 (Hà Nội) nhưng bà quan niệm "không chỉ ở bệnh viện mới có nhiều người cực khổ mà ở ngoài xã hội cũng còn nhiều mảnh đời đáng thương lắm!".
Làm từ thiện từ chính nỗi đau của mình

Quán bún bò Huế "O Chanh" nhỏ nhắn nằm trên phố Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội vào mỗi thứ sáu đầu tiên của tháng nó lại trở nên đông đúc, nhộn nhịp khách hơn hẳn. Lý do là bởi vào ngày đó, mỗi suất bún bán ra đều được phát phiếu và giá chỉ là 1.000 đồng.

Với những người buôn bán, kinh doanh, ai cũng muốn đạt lợi nhuận một cách tối đa nhưng với bà Oanh thì khác. Bà không quan niệm "lộc ai người đấy hưởng" mà muốn lộc của mình cũng phải được san sẻ tới những người nghèo khác. 

Hỏi bà Oanh rằng cơn cớ nào đã khiến bà có những suy nghĩ và hành động như vậy thì bà tâm sự: "Có phải trải qua những ngày tháng khổ đau mới thật thấu hiểu những khó khăn, vất vả của người khác. Tôi đã từng chăm chồng bị bệnh ung thư gan ở trong bệnh viện, chứng kiến nhiều gia đình khuynh gia bại sản vì chữa trị cho người thân. Có gia đình nghèo rớt mồng tơi nhưng vẫn cố xoay xỏa mọi cách để kéo dài thời gian sống cho người thân của mình. Nhiều người vì dồn hết tiền bạc cho người bệnh mà nhịn ăn đến đói lả. Nói chung đã phải vào tới Bệnh viện K thì coi như cái chết đã được báo trước. Tôi chỉ muốn đem một chút lòng thành của mình để những bệnh nhân và người thân của họ vơi bớt khổ đau".

Người ăn chỉ phải trả 1 nghìn đồng/suất bún với giá thực là 35 nghìn.

Xót thương cho nhiều mảnh đời bất hạnh mà mình tận mắt chứng kiến, bà Oanh đã tự tay mình nấu cháo rồi phát cho bệnh nhân và người nhà của họ. Những nồi cháo bà nấu phải là tự bà đi chọn xương, mua thịt rồi về nhà bắc bếp nấu. "Có khi tôi dậy từ tờ mờ sáng đi chợ mua nguyên liệu. Về nhà bắc bếp ninh ninh, nấu nấu. Khi được cháo lại đóng vào hộp xốp rồi thuê xe chở đến bệnh viện phát cho những người nghèo. Mỗi lần nấu cháo cũng mất đứt một ngày buôn bán của mình. Với tôi, làm từ thiện cũng giống như người ta làm truyền hình vậy. Nghĩa là phải ổn định, phải định kỳ chứ không thể vì những lý do khách quan như trời nắng, trời mưa thì lại ngại không đi. Hoặc dù có việc bận gì thì cũng phải tự sắp xếp để không bị ảnh hưởng tới việc làm thiện nguyện của mình".

Những dịp lễ, Tết bà vẫn thường cùng 2 người con trai bỏ tiền vào phong bì để tặng bệnh nhân. "Tôi muốn tất cả những đồng tiền mà mẹ con tôi bỏ ra phải được đưa tới tận tay những người cần được nhận. Dù cho giá trị mỗi phong bì ấy không đáng là bao, nó thường chỉ khoảng 50 nghìn đồng mà thôi" - bà Oanh chia sẻ.

Sau này khi, thấy những bệnh nhân của Bệnh viện K. được nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm, bà Oanh lại nghĩ đâu chỉ ở bệnh viện mới cần thiện nguyện. Ngoài kia xã hội cũng có nhiều con người cần được quan tâm lắm. Nghĩ vậy nên bà Oanh đã bàn với hai người con trai của mình làm suất bún từ thiện với tên gọi "Ngày thứ sáu sẻ chia".

Muốn có nhiều "Ngày thứ sáu sẻ chia"

Chẳng khó khăn gì để mẹ con bà Oanh đi đến thống nhất mở quán bún bò giá rẻ này. Bởi với bà làm từ thiện, sẻ chia với người lao động nghèo như thể cơ duyên vận vào gia đình bà vậy. Bà Oanh kể: "Nhiều người nghĩ ba mẹ con chúng tôi sẽ phải mất nhiều thời gian để đắn đo, bàn bạc mở quán bún bò này. Thực tế chúng tôi chỉ ngồi bàn với nhau trong thời gian rất ngắn và đi đến thống nhất. Giúp càng được nhiều người chúng tôi càng thấy ấm lòng. Thế là chúng tôi đã triển khai chương trình "Ngày thứ sáu sẻ chia" tại quán Bún bò Huế O Chanh của mình".

Một người lao động thưởng thức bát bún tại quán O Chanh.

Chúng tôi đến quán bún bò O Chanh vào đúng "Ngày thứ sáu sẻ chia". Người qua kẻ lại tuyệt nhiên chỉ có những người lao động nghèo. Cô bán vé số, chị đồn g nát, anh cửu vạn, hay những cháu bé đánh giày… Không khí rộn ràng từ chủ tới khách khiến nơi đây trở nên ấm cúng lạ kỳ. Giữa trưa nắng chang chang, bà Oanh ân cần phát từng tờ phiếu cho khách đến ăn. Gạt mồ hôi, bà Oanh tiếp chúng tôi: "Vui lắm cô chú ạ, cứ thấy mọi người đến đây ăn khen ngon là mẹ con tôi vui lắm".

Gần nửa năm nay, quán bún bò Huế giá 1.000 đồng trở thành địa chỉ quen thuộc của biết bao người lao động có thu nhập thấp ở Hà Nội. Họ quá quen với hình ảnh người phụ nữ cùng hai cậu con trai khôi ngô tự tay làm những tô bún mời khách. Bà Oanh tự hào kể về người con của mình: "Châu Ngọc Điệp là con lớn trong gia đình. Em nó được sinh ra ở Huế nhưng có nhiều duyên nợ với Hà Nội. Chính vì thế Điệp lúc nào cũng đau đáu muốn làm điều gì đó cho Hà Nội. Điệp đang là cán bộ nghiên cứu khoa học, ngành hóa sinh tại Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam, công việc rất bận nhưng cứ rảnh là em lại săm sắn vào quán bún bò này".

Con số 150 suất bún bò chính là con số mà bà Oanh đưa ra trong ngày triển khai "Ngày thứ sáu sẻ chia". Người đến ăn sẽ được phát một lá phiếu thứ tự từ 1 đến 150. Vì muốn người đến ăn không có cảm giác nhận của bố thí nên bà Oanh quyết định lấy 1.000 đồng/bát. Mặc dù "Ngày thứ sáu sẻ chia" chỉ bán ra 150 suất chia làm 3 bữa: sáng, trưa, tối nhưng rất nhiều hôm, khách đến đông quá, chủ quán sẵn sàng làm thêm vài chục suất để khách không phải về với cái bụng rỗng.

Anh Điệp tâm sự: "Thực sự 150 suất chỉ là tương đối thôi, chúng tôi chẳng tính đếm gì nhiều. Có khi đông khách chúng tôi làm thêm khoảng 50 bát. Hy vọng trong thời gian tới, công việc kinh doanh của gia đình ổn hơn sẽ tăng lên 200 bát, 300 bát cho người lao động. Tính ra chi phí cho 150 bát bún cũng tốn kém vài ba triệu. Số tiền không nhiều nhưng quan trọng là chúng tôi làm được đều đặn và gửi cả tấm lòng của mình vào những tô bún đó".

Chủ nhân quán O Chanh luôn thân thiện với người ăn.

Những ngày đầu, quán rất vắng khách vì không ai nghĩ một bát bún bò Huế ở phố lớn, điều hòa mát lạnh lại chỉ có giá 1.000 đồng. Bà Oanh đã dành hẳn một tuần để đi phát tờ rơi, thậm chí nhờ những bạn sinh viên đi phát. Trước tấm lòng của chủ nhân, nhiều người hảo tâm đến ăn vẫn trả đủ 35 nghìn, thậm chí có người còn đưa cả 100 nghìn/bát. "Có người thấy xúc động đưa cả 100 nghìn/bát, có khi còn hơn. Họ cũng muốn đóng góp chút ít để giúp đỡ những người nghèo. Những lúc như vậy, tôi sẽ bảo nhân viên ghi chép đầy đủ tên tuổi người đóng góp và báo lại cho tôi" - bà Oanh chia sẻ.

Gần 6 tháng qua, mỗi lần đến "Ngày thứ sáu sẻ chia", những người lao động có thu nhập thấp lại về quán bà Oanh như thể ngày hội. Sau một tuần làm việc mệt mỏi và căng thẳng, hai ngày cuối tuần để nghỉ ngơi, còn ngày thứ sáu là ngày mọi người dành tình cảm cho gia đình, người thân, chính vì thế bà Oanh quyết định chọn ngày thứ sáu để triển khai chương trình từ thiện đầy ý nghĩa này. Điều đặc biệt ở quán O Chanh này có khá nhiều bạn sinh viên tình nguyện đến phụ giúp vào "Ngày thứ sáu sẻ chia". Thậm chí có người ăn xong đã xúc động và tình nguyện xin ở lại rửa bát cho quán.

Chị Ngô Thị Thái (Quảng Xương, Thanh Hóa) bày tỏ: "Tôi đã lên Hà Nội nhặt phế liệu cả chục năm nhưng chưa bao giờ dám bỏ ra 35 nghìn để ăn 1 bát bún bò Huế. Vì một ngày tôi cũng chỉ kiếm được vài chục nghìn, còn tiết kiệm thuê nhà rồi gửi về quê nuôi các con. Thấy gia đình bà Oanh tốt bụng, tôi cũng muốn xin ở lại quán phụ giúp rửa bát…".

Bữa ăn "Ngày thứ sáu sẻ chia" không chỉ ở Hà Nội mà bà Oanh còn mở thêm một cơ sở ở Phú Quốc. "Sau khi chồng tôi mất, tôi đã rất suy sụp. Bạn tôi thấy thế đã rủ tôi vào Phú Quốc nơi cô ấy đang sinh sống để thay đổi không khí, giúp tôi bớt buồn. Thực sự là khi vào đây, thấy còn nhiều người nghèo quá nên tôi lại quyết định mở thêm một quán bún bò Huế ở đây cũng với mục đích có thêm cơ hội để mình làm việc thiện nguyện. Mở quán rồi, tôi cũng tự mình tìm đến gầm cầu, công viên để phát từng tấm phiếu cho những người lao động nghèo và thuyết phục họ tin để họ chịu vào quán của mình ăn" - bà Oanh tâm sự.

Cảm động trước tấm lòng của bà chủ quán nhân hậu, một khách hàng đã làm thơ tặng: "Quán bún bò Huế O chanh/ Hà Nội, Phú Quốc nổi danh đắt hàng/ Người thu nhập thấp thở than/ Bao giờ mới được vào hàng O Chanh/ Thương thay số phận mong manh/ Tu tâm hướng thiện O Chanh đã làm/ Mỗi tô chỉ giá một ngàn/ 150 suất chứa muôn vàn yêu thương/ Thứ sáu chia sẻ vấn vương/ Người đi, người ở tỏ thường thiện tâm/ Nghĩa tốt, việc tốt nên làm/ Tấm lòng nhân ái hơn vàng vô tâm/ Ai ơi xuôi ngược ghé thăm/ Quán bún bò Huế O Chanh nghĩa tình".

Phong Anh
.
.
.