Quầy sách báo miễn phí giữa thủ đô

Thứ Ba, 15/05/2018, 13:22
Với mong muốn chia sẻ văn hóa đọc với mọi người, đặc biệt là chia sẻ những tờ báo được cấp phát, đầu năm 2017, bà Phạm Thị Huyền Dung đã nhờ con trai dựng một lán nhỏ tại sân Gò Ðống Ða, mang báo ra đó cùng với tấm biển làm bằng 3 miếng gỗ, đề dòng chữ: “Mời nhân dân đọc sách, báo miễn phí”. Quầy sách báo miễn phí của bà Dung ra đời đơn giản như thế.


Bà Dung cho biết năm nay bà đã ngoài 70 tuổi, nguyên là giảng viên Triết học Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Ý tưởng mở quầy sách báo đến với bà từ năm 2016, bà bảo vì “đọc một mình thì phí quá” bởi khi ấy bà được cấp phát 1 tờ báo miễn phí. Hơn nữa, những năm tháng làm giảng viên đã giúp bà thấy được tầm quan trọng của sách báo trong đời sống hàng ngày.

Hiện nay, số lượng đầu sách tại thư viện ngoài trời của bà Dung đã lên đến con số gần 1.000, phần lớn là được các độc giả tặng. Không chỉ tặng sách, nhiều người còn mang cả ô che, quạt điện, tủ sách… đến tặng để bà có đồ dùng phục vụ độc giả. 

Những độc giả của quầy sách bà Dung đủ cả: lớn có, bé có, già có, trẻ có, trí thức có, người lao động có, học sinh, sinh viên cũng có...  Ai đến cũng say sưa đọc sách, xem báo, có người còn mượn sách của bà về đọc tại nhà rồi mang trả. Bà bảo, quầy sách này không phải của riêng mình bà mà là của nhân dân, là nguồn tri thức vô giá bà muốn giữ gìn.

Bà Dung chia sẻ: Quầy sách báo của bà chỉ được dựng tạm tại một góc sân của Gò Đống Đa nhưng được mọi người yêu mến, gọi một cách trang trọng là “thư viện đặc biệt” vì có nhiều đầu sách quý.  Trong thư viện đặc biệt này, bà vừa là giám đốc vừa là cô văn thư tận tâm đón các độc giả từ sáng sớm đến tối khuya, cụ thể là từ 6 giờ sáng đến 22 giờ hàng ngày.

Bà kể rằng thời gian đầu mới mở quầy sách, nhiều người không tin tưởng quầy sách của bà là miễn phí, cứ đi qua đi lại ngó nghiêng. Có người còn nói ra nói vào rằng đằng sau công việc này của bà chắc có điều gì đó khuất tất. Sau đó, thấy thái độ niềm nở, chân thành của bà, nhiều người quý mến, thường xuyên đến với quầy sách của bà hơn. Từ đó, bà cũng có thêm nhiều người bạn chia sẻ vui buồn trong cuộc sống. Để những độc giả cao tuổi đọc sách, báo thuận lợi, bà còn mua cả kính lão phục vụ họ. Vì thế, ai nấy đều cảm thấy vui vẻ trước tấm chân tình của bà.

Cũng như một thư viện thực sự, đến với quầy sách của bà Dung, mọi người không chỉ được đọc sách miễn phí tại đó mà còn được mượn sách về nhà. Bà Dung luôn chuẩn bị sẵn một quyển sổ ghi lại tên tuổi, địa chỉ, ngày mượn, ngày trả, số điện thoại của những người mượn sách để tiện liên lạc. 

Bên cạnh những người trả đúng thời hạn thì vẫn còn một số người mượn sách về nhưng không mang trả. Bà kể có người đến mượn của bà hơn chục cuốn sách, mãi không mang trả, bà gọi điện thì bảo là bao giờ đọc xong mới trả. Có những người khi mượn sách còn cho bà số điện thoại sai nữa... Điều này khiến bà rất buồn.

Nhưng bà bảo khó khăn của bà không phải ở điểm này, khó khăn chính là kinh phí để mua sách, báo hàng ngày cho độc giả. Nhận thấy nhiều người ham đọc sách, bà đều đặn trích tiền lương hưu mua sách, báo, nhưng con số này là quá nhỏ so với nhu cầu của bạn đọc. 

Hơn nữa quầy sách của bà lại là quầy sách ngoài trời nên việc bảo quản sách báo cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa bão... Bà bảo bù lại những khó khăn ấy chính là sự ủng hộ nhiệt tình từ những người con của bà.

Bà Dung cho biết hiện nay cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, nhiều em nhỏ hiện nay được bố mẹ chiều chuộng mua cho điện thoại thông minh, máy tính bảng nên chỉ biết đến trò chơi điện tử mà lãng quên việc đọc sách. 

Do đó, thông qua quầy sách, bà muốn truyền cảm hứng về văn hóa đọc đến với mọi người, đặc biệt là giới trẻ. Bởi theo bà, thói quen đọc sách không chỉ giúp mọi người có thêm những kiến thức sách vở, mà còn có thể tích lũy về văn hóa, vốn hiểu biết, kinh nghiệm sống, cách sống…

Nghĩa Trần
.
.
.