Tác quyền sách giáo khoa

'Quên' và đã 'nhớ'

Thứ Bảy, 22/08/2015, 13:00
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ vui mừng khi câu chuyện đòi bản quyền sách giáo khoa của Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC) mà chị với tư cách là Giám đốc Trung tâm và các đồng sự của mình theo đuổi bấy lâu đã có một hồi kết rất có hậu.

Hơn 100 tác giả, trong đó có nhiều người là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam có tác phẩm in trong sách giáo khoa đã được nhận tiền tác quyền. Hơn 500 triệu đã được Nhà xuất bản chi trả cho các tác giả. Số tiền không lớn nhưng đây là câu chuyện không hề nhỏ, đánh dấu một bước chuyên nghiệp hơn trong công tác bản quyền vốn còn gặp đầy rẫy những khó khăn trong môi trường xuất bản ở Việt Nam.

Mặc dù Việt Nam đã tham gia đầy đủ các công ước quốc tế về vấn đề bản quyền tác phẩm, quyền sở hữu trí tuệ, nhưng con đường để hiện thực hóa tất cả những quy định, quy tắc ấy vẫn đang ở những bước ban đầu. Không năm nào không có những câu chuyện điển hình để kể về việc vi phạm bản quyền. Ý thức sử dụng sản phẩm trí tuệ thì phải trả tiền cho người sáng tạo vẫn bị "làm ngơ" dù đơn vị sử dụng, người sử dụng hiểu rất rõ trách nhiệm của mình.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa (ngoài cùng bên trái) và nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn (ngoài cùng bên phải) nhận tiền tác quyền của NXB Giáo dục hôm 17/8 vừa qua.

Vấn đề ở đây là lợi nhuận. Bên sử dụng thấy làm ngơ được thì cứ làm ngơ. Trong khi các tác giả có tác phẩm được sử dụng vì thói quen không được nhận tiền tác quyền bấy lâu, vì ngại ngần va chạm mà chưa có những động thái gay gắt, rốt ráo. Việc thu bản quyền tác phẩm văn học nghệ thuật vài năm qua thành công được bao nhiêu phần lớn đều nhờ vào các tổ chức, chẳng hạn như Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc (VCPMC) và VLCC là chính. Các tác giả, với tư cách cá nhân đi đòi quyền tác giả và thành công trong việc đòi quyền tác giả chưa nhiều.

Riêng trong lĩnh vực văn học, "thắng lợi" trong việc đòi tiền tác quyền của VLCC với Nhà xuất bản Giáo dục cho các tác giả có tác phẩm được in trong sách giáo khoa đã mở ra những hy vọng mới. Theo đó, việc sử dụng các tác phẩm của nhà văn trên sóng phát thanh VOV, như các chương trình "Đọc truyện đêm khuya" hay "Tiếng thơ" cũng đã được VLCC gửi công văn yêu cầu chi trả tác quyền cho các tác giả. Tiếp theo đó là công cuộc "đòi" tác quyền cho các tác phẩm của nhà văn đã được các đơn vị làm sách xuất bản bằng phương thức sách điện tử. Các nhà văn đã ủy quyền bảo hộ tác quyền cho VLCC có thể chờ đợi để nhận tiền tác quyền nếu họ có tác phẩm được sử dụng ở những hình thức trên, và nếu VLCC nhanh chóng đạt được thỏa thuận với các bên sử dụng.

Vấn đề cần bàn thêm ở đây là ý thức chuyên nghiệp của những người được gọi là "cha đẻ" của tác phẩm. Có thể vẫn là "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" nhưng thực sự rằng nhiều văn nghệ sĩ ở ta còn "tầm phơ tầm phào" chuyện này quá. Tư duy làm việc miễn phí, mặc nhiên coi những gì từ tài năng trí tuệ của mình sản sinh ra là cống hiến không công cho đời sống, nên việc ai sử dụng tác phẩm của mình không được người sáng tác quan tâm nhiều. Khi giao tác phẩm của mình cho bên sử dụng, nhiều nghệ sĩ cũng thường qua loa. Nói chung, nghệ sĩ nước ta chưa có thói quen làm việc trên văn bản, giấy tờ, hợp đồng. Bởi vậy, khi xảy ra tranh chấp hay các vấn đề kiện tụng liên quan, rất khó để giải quyết, rất khó để đòi quyền lợi cho người sở hữu.

Việc đòi tác quyền thành công cho các nhà văn có tác phẩm được in trong sách giáo khoa một lần nữa nhấn mạnh rằng, việc đấu tranh cho vấn đề bản quyền cần thời gian và sự kiên nhẫn. Những văn bản cần được hoàn chỉnh, lý lẽ thuyết phục và phải liên tục thúc bách phía sử dụng tác phẩm để họ có thái độ rõ ràng với chi trả bản quyền. Thêm vào đó, cần sử dụng triệt để sức mạnh của truyền thông để gây sức ép trong vấn đề bản quyền.

Riêng với câu chuyện đòi bản quyền cho tác giả có tác phẩm trong sách giáo khoa, Báo Lao động đã theo đuổi một loạt bài cho thấy mức độ vi phạm của đơn vị sử dụng và sự cần thiết phải trả tác quyền cho tác giả để chuyên nghiệp hóa môi trường xuất bản trong nước. Tác động của báo chí truyền thông đã hỗ trợ nhiều cho việc nhanh chóng thu được tiền tác quyền và trả cho từng tác giả. Số tiền mà mỗi tác giả nhận được không nhiều, nhưng nó là dấu mốc quan trọng để đơn vị sử dụng ý thức thêm về vấn đề bản quyền trong in ấn, xuất bản. Việc "quên" tác quyền hay "cố tình quên" tác quyền đã được xóa bỏ. Từ nay, mỗi tác phẩm được in trong sách giáo khoa sẽ phải được xin phép tác giả trước khi in. Và tất nhiên, trả tác quyền cho tác giả là việc mà đơn vị sử dụng đã "buộc phải nhớ".

.
.
.