Reng reng... xe đạp của mẹ kêu reng reng

Thứ Sáu, 03/04/2020, 16:47
Reng reng... reng reng... reng reng... Mới thoáng nghe tiếng chuông reo đầu ngõ, thế nào chị em chúng tôi cũng nhao ra. Làm sao có thể nhầm lẫn được. Đó đích thị là tiếng chuông xe đạp của mẹ. Nghĩ cũng lạ, con ngõ nhỏ mỗi ngày có bao nhiêu xe cộ đi qua đi lại, với đủ thứ âm thanh ồn ào, hỗn tạp nhưng lúc nào chúng tôi cũng nhận ngay ra tiếng xe của mẹ.


Thực ra chị em tôi đều khá thuộc tiếng xe các thành viên trong ngõ Hoa Giấy. Nhưng tiếng xe đạp của mẹ vẫn là đặc biệt nhất, hay nhất. Tiếng xe ấy khác hẳn với tiếng xe rè rè của ông Tứ xích lô, tiếng xe như tịt mũi của bác Kỳ, hay tiếng xe trầm đục của cô Thanh. Còn tiếng xe của chú Sơn thì ôi thôi, cứ như tiếng kim loại xiết vào nhau, nghe cứ gọi là sởn hết cả gai ốc. Tiếng xe của mẹ lanh lảnh, như thể tiếng gọi reo vui cất lên gọi chúng tôi. Bao giờ mẹ cũng kéo chuông đủ ba lần, mà theo sự giải mã tài tình của chúng tôi thì nội dung của tiếng chuông đó là: "Các con ơi, các con ơi, mẹ đã về!".

Nhà văn Phong Điệp, phongdiepbvn@gmail.com

Reng reng... reng reng... reng reng...

Chẳng phải là câu gọi: "Các con ơi, các con ơi, mẹ đã về!" đấy thôi!

Vậy là những đứa con hiếu động dù đang làm gì, thậm chí đang mải đuổi nhau quần nát cả vườn rau, vừa thoáng nghe tiếng chuông xe đạp, lập tức phi ra ngõ đón mẹ, nhanh hơn cả tia chớp. 

Nghĩ cũng buồn cười, đằng nào mẹ cũng về đến tận sân nhà, vậy mà hai chị em cứ cố ganh nhau xem ai chạm được vào xe mẹ trước tiên. Có khi giành giật nhau làm mẹ suýt ngã. 

Lần khác, chị em tôi đang chơi ô ăn quan, chị tôi đang có nguy cơ bị thua, đúng lúc ấy thì tiếng xe của mẹ vang lên. Như tìm được lối thoát, chị tôi bèn vãi hết cả nắm sỏi trên tay xuống đất, tiện thể lấy chân gạt bàn cờ để xí xóa rồi lao ra đón mẹ trong sự hậm hực của tôi. Nhưng mẹ về! Đầu xe mẹ treo tòng teng một túi bánh rán. Sự hậm hực của tôi như thể được xoa dịu đi phần nào. Nhưng vụ ấy vẫn làm tôi ấm ức mãi.

Khi đã đứng nhỉnh hơn chiếc xe đạp một mức tương đối (yên xe cao cỡ ngang ngực) thì chị em tôi bắt đầu rủ nhau tập đi xe. Chẳng cần đợi mẹ dựng xe ở sân, hai chị em đã đón lõng ngay từ đầu ngõ. Mẹ tôi chỉ vừa kịp dỡ túi xách, rời khỏi yên xe thì trong tích tắc chiếc xe đã mất hút ngoài ngõ. 

Hai chị em tôi hì hụi, đứa chạy bình bịch phía sau cố giữ thăng bằng, đứa bặm môi phía trước, đạp toát cả mồ hôi. Có lúc mệt quá, đứa nào tự lo thân đứa ấy. Vậy là đành "độc lập tác chiến" theo kiểu: ngồi lên gióng xe, một chân rê trên đất, một chân tạch tạch chỉ đạp được nửa vòng bánh xe. Thế mà hai chị em cứ nghênh ngang kì cạch đạp hết từ đầu ngõ đến cuối ngõ. 

Cũng may xe của mẹ là xe cho nữ, chứ có lần mượn được xe nam của bác hàng xóm, chúng tôi phải nghiêng người, luồn dưới gióng ngang của xe, như thể làm xiếc. Sau buổi tập thì toàn thân cũng mỏi nhừ.

Có lần chị em tôi cùng đám trẻ láng giềng hứng chí phi xe ra đường lớn trong xóm, xe cộ đông hơn, nhiều thử thách hơn. Vì vậy mới xảy các sự cố như tông xe vào tường cong cả vành, lao xuống con mương nước cạnh đường, hay tránh xe khác mà tự ngã lăn chiêng. Kết quả những lần tập xe ấy là hông thâm tím, chân tay xước sát, và xe thì lăn ra hỏng. 

Nhưng mẹ không bao giờ cáu giận với chúng tôi. Thậm chí mỗi lần đi làm về đến đầu ngõ, mẹ kéo chuông rồi tự giác rời khỏi xe, đợi chúng tôi ùa đến là mẹ lập tức bàn giao xe cho đám con "giặc giời". Tối ngủ, mẹ còn lần mẩn nằm xoa những vết thâm tím trên người chúng tôi do tập xe. Nhờ "luyện tập chuyên cần", chẳng mấy hai chị em tôi đã có thể tự tin đạp xe đi nhung nhăng trong xóm. 

Nhìn đứa nào lộc ngộc, vẫn còn hì hụi tập đi xe là hai chị em được thể vênh mặt lượn xe qua, nhìn đứa kia và tỏ vẻ ta đây. Nhờ biết đi xe, thỉnh thoảng chúng tôi được mẹ nhờ ra chợ, mua mấy thứ lặt vặt. Úi chà, được mẹ giao việc, hai chị em phấn khởi, ai cũng đòi đi. Mẹ giải quyết bằng cách đồng ý cho hai chị em cùng đi, thành thử chúng tôi thay nhau chở theo kiểu con mèo tha con chuột. Tranh thủ mua đồ cho mẹ còn lượn phố xá một tí cho thỏa. Bởi vậy mà thời gian đi chợ của hai chị em bao giờ cũng mất cả tiếng đồng hồ.

Ảnh minh họa.

Nhưng chúng tôi vẫn thích mẹ đi chợ hơn. Đơn giản là mỗi lần như vậy, thế nào mẹ cũng sẽ mua quà gì đó về cho hai chị em. Khi là tấm bánh bỏng, khi là chiếc kẹo bông, lúc thì là tập bánh quế,... Khỏi phải nói chúng tôi sung sướng đến nhường nào. Hai chị em nhận quà từ mẹ, thi nhau ăn... thật chậm để có cớ nhem nhem người ăn nhanh. Vì vậy mới có chuyện một lần chiếc kẹo kéo của tôi để lâu bị chảy nước, rơi bẹt xuống đất, kiến bu đầy. Chị tôi nhìn thấy cười hả hê, còn tôi thì tiếc đứt ruột. Biết thế tôi đã ăn hết luôn cho xong, chứ không cầm kẹo trên tay trêu ngươi chị tôi làm gì.

Vậy mà có một lần, mặc cho hai chị em tôi đợi dài cổ, vẫn không nghe thấy tiếng chuông xe đạp của mẹ vang lên từ đầu ngõ. Hôm ấy là một ngày mùa đông. Trời tối khá nhanh. Thường thì 5 rưỡi mẹ sẽ về. Bởi vậy cứ gần đến giờ ấy "nhiệm vụ chính" của hai chị em là thi xem ai nghe thấy tiếng xe của mẹ trước. Chúng tôi ngồi bên hiên nhà, ngồi đếm từng tiếng xe vang lên từ đầu ngõ. Vừa nghe thấy tiếng xe ken két, ken két như kim loại miết vào nhau là chúng tôi cùng bịt tai lại và cười phá lên. 

Nhưng rồi sự vui thích của chúng tôi chẳng được bao lâu vì con ngõ đã tối thẫm mà chưa thấy mẹ về. Hai chị em tôi lục tục đi nấu cơm, tai vẫn dỏng lên để ngóng tiếng xe của mẹ. Vẳng trong không gian tĩnh mịch của chiều ngả sang tối, những tiếng chuông xe vang lên. Nhưng đó là tiếng xe trầm đục của cô Thanh làm bên nhà máy dệt, tiếng xe như nghẹt mũi của bác Kỳ làm bên bưu điện thành phố, tiếng xe rè rè kèm theo những tiếng lọc xọc từ chiếc xe kềnh càng của ông Tứ xích lô. Tuyệt nhiên không thấy tiếng xe của mẹ. Cơm nước đã nấu xong. Mẹ vẫn chưa về. 

Chị em tôi, không ai bảo ai, đều thấy nóng ruột. Chưa khi nào mẹ về muộn như vậy. Bình thường nếu có việc mẹ sẽ dặn chị em tôi trước. Hôm nào mẹ đi trực thì mẹ cũng sẽ báo với hai chị em. Bố đi bộ đội, nhà chỉ có ba mẹ con, vì vậy mẹ luôn là chỗ dựa vững chắc cho hai chị em tôi. Do đó mẹ thường lo chu toàn mọi việc, không để cho chị em tôi thiếu thốn tình cảm, nhất là không bao giờ để chị em tôi phải rơi vào tình trạng hoang mang, sợ hãi như gà con lạc mẹ. Vậy mà hôm nay... 

Liệu đã có chuyện gì xảy ra với mẹ? Tôi nhìn chị, chị nhìn tôi. Trong ánh nhìn có sự lo âu, sợ hãi. Chúng tôi không dám nói ra nhưng thâm tâm đều nghĩ đến những điều đáng sợ. Rằng có thể mẹ bị tai nạn, mẹ thậm chí... không bao giờ về nữa. Nỗi sợ hãi bóp nghẹt lấy tim chúng tôi, khiến chúng tôi run rẩy. Tôi ngồi sát vào chị. Chị nắm chặt tay tôi. 

Xung quanh chúng tôi, bốn bên hàng xóm đều đã lên đèn. Tiếng bố gọi con, tiếng vợ gọi chồng, tiếng anh giục em về ăn cơm vang lên rộn rã. Con ngõ Hoa Giấy không còn tiếng xe đạp vang lên. Các nhà đều đã tề tựu đông đủ. Chỉ còn chị em tôi ngồi quạnh quẽ bên hiên nhà phủ đầy bóng tối, phủ đầy những nỗi âu lo. Mỗi phút trôi qua chúng tôi đều thấy thời gian dường như dài vô tận, và nặng nề quá sức chịu đựng của chúng tôi. Trong tim chúng tôi vang lên tiếng gọi mẹ. Hoang mang. Bấn loạn. "Mẹ ơi, mẹ về với con đi!".

Ảnh minh họa.

Chúng tôi ngồi như vậy không biết bao lâu. Tưởng chừng như sắp mục rủn ra thì tiếng chuông xe quen thuộc vang lên.

Reng reng... reng reng... reng reng...

"Các con ơi, các con ơi, mẹ đã về!".

Chúng tôi choàng tỉnh khỏi cơn chờ đợi dài như cả trăm năm. Không ai bảo ai, chị em tôi òa khóc.

"Mẹ ơi, sao mẹ về muộn thế? Mẹ có bị làm sao không?".

Mẹ buông xe, ôm chầm lấy chúng tôi:

"Mẹ xin lỗi. Mẹ không sao. Có một tai nạn trên đường, vì vậy mẹ đã hỗ trợ cấp cứu nạn nhân tại chỗ nên về muộn. Mẹ xin lỗi...".

Mấy năm sau, chị tôi vào cấp ba rồi đi học đại học. Chiếc xe đạp thân thuộc của mẹ được "truyền đời" sang chị và tiếp tục được chuyển cho tôi khi tôi bước vào đại học. Những năm tháng xa nhà ấy, mỗi lần đi xe đạp tôi rất thích kéo chuông. Reng reng... reng reng... reng reng... Để rồi trong tâm tưởng lại vang lên tiếng nói thân thương ngày nào: "Các con ơi, các con ơi, mẹ đã về!".

Nhà văn Phong Điệp
.
.
.