Rộ mốt chụp ảnh kỷ yếu độc và lạ

Thứ Năm, 24/11/2016, 11:11
Trào lưu chụp ảnh kỷ yếu độc đáo, lạ đang trở thành cơn sốt của giới trẻ. Thậm chí có lớp học tính toán chụp cả vào bốn mùa trong năm, tạo nên những bộ ảnh kỳ công, tốn kém. Nhiều nhóm còn chọn lối vừa đi phượt vừa chụp ảnh, chụp ảnh kỷ yếu ngoài bể bơi, chụp hóa thân, đóng phim… nhằm tạo nên sự khác lạ.


Nhà nhà chụp kỷ yếu

Sinh viên năm cuối đại học chụp kỷ yếu, học sinh cuối cấp ba chụp kỷ yếu, học sinh cuối cấp hai cũng cố gắng để có những bộ ảnh lưu niệm. Thậm chí những khóa học bồi dưỡng chỉ vài ngày đến một tháng cũng rủ nhau chụp lưu niệm…

Cứ đến các công viên, vườn hoa, thể nào cũng bắt gặp cảnh nhộn nhịp, từng nhóm, từng tốp. Nhiều học sinh, sinh viên cho hay, chụp ảnh tập thể và cá nhân trong những năm cuối cấp hay tốt nghiệp đại học là nhu cầu có thật và đáng khích lệ.

Những bức ảnh đó cần thể hiện được vẻ đẹp thật sống động của đời học sinh, sinh viên, ghi lại những khoảnh khắc, dấu ấn đáng nhớ của bạn bè với nhau.

Đời học sinh đầy mộng mơ, khi chuẩn bị tốt nghiệp cấp III, cùng cả lớp đi chụp ảnh sẽ tạo được tinh thần đoàn kết của thời học sinh. Còn khi đã là cử nhân, chụp ảnh kỷ yếu lại có một nét văn hóa, vừa để bè bạn luôn nhớ đến nhau sau mấy năm học đại học, vừa để sau này các bạn có điều kiện gặp lại thì coi đó như một chặng trước khi bước vào đời mưu sinh, trưởng thành.

Lớp 12 Lý Nguyễn Tất Thành (Yên Bái) chụp theo phong cách phim “Hậu duệ mặt trời”.

Bạn Hoàng Văn Gia, học sinh trường THPT Cao Bá Quát, Gia Lâm (Hà Nội chia sẻ: "Chúng em thích chụp ảnh, nhưng phải là ảnh đứng đắn. Lớp thống nhất chọn những mẫu đồng phục đẹp nhất để tạo ấn tượng, làm sao cho ra đời những bức ảnh lung linh".

Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu của giới trẻ, các viện ảnh cưới đã nghĩ ra nhiều chiêu khuyến mại, với những gợi ý về ý tưởng vô cùng đa dạng, trang phục cũng uyển chuyển.

Theo truyền thống, đối với nữ thường là áo dài trắng, áo dài hoa văn, cách điệu. Đối với nam giới là áo véc, áo ghi-lê, thắt nơ hoặc đeo cà-vạt. Địa điểm chụp thường ở Văn Miếu- Quốc Tử Giám, các công viên Yên Sở, công viên Tuổi trẻ, quanh Hồ Hoàn Kiếm, Hoàng Thành Thăng Long...

Những ngày cuối thu đầu đông, là thời điểm "nóng" trong mùa ảnh kỷ yếu. Thậm chí ở công viên Yên Sở, một ngày có tới vài chục lớp đến chụp ảnh bởi không mất phí vào, giá dịch vụ ăn uống lại bình dân.

Đa số các lớp tự bàn thảo, tổ chức, đóng tiền và thuê các viện ảnh với những tay máy có tay nghề cao tham gia. Mỗi lớp chỉ tốn một ngày, song với những chuyến phải di chuyển xa hơn thì mất hai ngày, thậm chí dài hơn.

Điều đó có nghĩa, cùng với việc thuê ê-kíp chụp, trang điểm, số tiền mỗi em phải đóng khá lớn. Một số em chụp ảnh cầu kỳ cho hay: Bình thường số tiền là 700 nghìn đồng/người, nhiều hơn có lớp mỗi người phải đóng lên đến cả triệu đồng để sở hữu bộ ảnh kỷ yếu.

Với một học sinh, sinh viên như vậy là lớn. Song vì đua theo mốt, các em phải… nhắm mắt chi tiền.

Lớp 12K, trường THPT Tô Hiệu, TP Sơn La chụp ảnh kiểu nông thôn.

Rộ các xu hướng mới

Thực tế, ngay cả ở nhiều trường phổ thông đã rộ lên phong trào chụp theo các xu hướng mới, như sử dụng flycam (một loại máy dạng máy bay, có điều khiển, gắn camera) chụp được những tấm hình từ trên cao.

Các em cũng thường xuyên tạo ấn tượng bằng cách thuê những trang phục bắt mắt, ấn tượng, cách điệu và xếp hình lớp hoặc các biểu tượng để làm dáng.

Nhiều học sinh, sinh viên còn dùng bột màu để tung vào nhau. Địa điểm cũng mở rộng ra các vùng ngoại ô, khu vực có cảnh đẹp, chân đê, bờ sông, hoặc khu đô thị mới…

Với sự năng động của tuổi trẻ, học sinh, sinh viên các trường còn nghĩ ra những kiểu chụp vô cùng kỳ công. Ví dụ học sinh trường THPT Cao Bá Quát (Hải Dương) còn nghĩ tới việc vừa đi phượt vừa chụp ảnh kỷ yếu, gắn với làm từ thiện.

Bạn Nguyễn Linh - lớp trưởng lớp A8 trường THPT Cao Bá Quát đã thẳng thắn chia sẻ: "Vì là cuối năm nên bọn em đều bận rộn với việc ôn thi, rồi chọn trường nữa; mà các công việc tìm kiếm địa điểm, rồi đặt chỗ, liên hệ thợ ảnh, lên ý tưởng chụp ảnh thực sự tiêu tốn thời gian lại dễ dẫn tới bất đồng. Thế nên lớp em đã chủ động liên hệ với một tổ chức thiện nguyện và thật bất ngờ là các anh chị rất ủng hộ ý tưởng này và tạo điều kiện hết sức để bọn em thực hiện nguyện vọng phượt để chụp ảnh kỷ yếu này".

Thành quả mà các bạn trẻ đạt được, là một chuyến đi Tây Bắc nhiều ý nghĩa, với những bộ ảnh đẹp, lạ mắt, táo bạo, gắn với cả những sinh hoạt, lao động sản xuất của người dân địa phương.

Một kiểu khác mà gần đây nhiều học sinh THPT học theo, là chụp ảnh theo phong cách bộ phim "Hậu duệ mặt trời". Những bức ảnh đưa lên mạng xã hội gây chú ý là của lớp 12B, trường THPT Nguyễn Huệ (Tam Điệp, Ninh Bình); lớp 12I2, trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội); lớp 12 Lý - THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành (Yên Bái). Trên diễn đàn, sản phẩm hút hàng ngàn lượt (thích) sau ít giờ đăng tải.

Hay tập thể lớp 12A3 trường THPT Ngô Sĩ Liên (Bắc Giang) đã thực hiện bộ ảnh kỷ yếu nông thôn vui nhộn, nhí nhảnh. Rồi nhằm tái hiện lại hình ảnh thập niên 70, lớp 12C4 trường THPT Uông Bí - Quảng Ninh lên ý tưởng chụp bộ ảnh kỷ yếu với phong cách thời trang độc đáo, ấn tượng.

Chụp ảnh kỷ yếu với màn ném bột màu gây nguy hiểm.

Và sự quá đà

Đành rằng tuổi trẻ thì phải vui, thoải mái và sáng tạo. Song với không ít lớp đã quá trớn trong thực hiện những bộ ảnh gây phản cảm. Ví dụ như có lớp chụp ảnh nữ sinh mặc bikini ở những nơi di tích linh thiêng, nam nữ hôn nhau, xếp hình nhạy cảm. Chưa nói là chụp như vậy có nghệ thuật, thẩm mỹ hay không, nhưng nó cho thấy sự quá trớn và phi văn hóa trong một bộ phận giới trẻ.

Nhiều phụ huynh đã lên tiếng về những kiểu chụp ảnh đua theo mốt, thiếu nghiêm túc, thiếu sự trong sáng của thời học sinh, sinh viên. Nhiều người còn lên mạng xã hội kêu gọi phản đối trào lưu phản cảm, đồng thời cấm con cái họ tham gia những kiểu chụp kỷ yếu không đẹp mắt này.

Một số ý kiến bày tỏ quan điểm, cho rằng nhiều em có lối sống buông thả, nói tục, chửi bậy, hút thuốc, nay lại thêm các trào lưu chụp ảnh phản cảm. Nếu cứ để như vậy sẽ sinh ra nhiều thanh niên hư. Trái lại, những em ủng hộ thì cho rằng: "Mọi thứ cần phải cởi mở, nếu không vui thì thiếu đi những kỷ niệm đẹp".

Trước những ý kiến trái chiều của các học sinh, sinh viên, nhiều nhà giáo đã bày tỏ quan điểm rằng, lứa tuổi thanh niên cần gìn giữ sự trong sáng hồn nhiên.

PGS.TS Phạm Minh Hằng, hiện là giảng viên khoa Tâm lý học, trường ĐHKHXH&NV Hà Nội cho rằng : "Ở độ tuổi của các em có nhu cầu khẳng định mình rất lớn. Sẽ có những em đi đúng hướng nhưng cũng không ít em dễ có hành vi lệch chuẩn để cố khẳng định bản thân. Hằng ngày tiếp xúc với những nét văn hóa mới, cởi mở, tự do phóng khoáng hơn càng dễ khiến các em sai lầm. Bản thân các em cũng chưa thể nhận thức được hành động của mình sẽ khiến xã hội bức xúc".

Theo cảm quan của người viết, không phải cứ chụp ảnh kỷ yếu gây sốt là các em đã trưởng thành hoặc có những may mắn trong đời. Đó thực sự là những trào lưu nhất thời mà giới trẻ nên cân nhắc. Bởi con đường lập nghiệp, tìm kiếm công ăn việc làm mới quan trọng, là việc mà mỗi cử nhân ra trường cần tính toán, chứ không phải là việc thể hiện, khoe bản thân.

Không ai cấm chúng ta chụp ảnh, nhưng chụp sao cho đẹp, văn hóa. Bởi xét đến cùng, với lứa tuổi thanh niên, chập chững bước vào đời cần phải được giáo dục văn hóa một cách đầy đủ, bài bản, đồng thời được gia đình uốn nắn để trở nên chín chắn, trưởng thành hơn. Sự xuất hiện của những tấm ảnh kỷ yếu phản cảm trong mấy năm qua đáng bị lên án, song điều ấy cũng chứng tỏ sự thiếu hụt về kỹ năng sống, khả năng tiếp nhận những xu thế mới của giới trẻ còn quá hạn chết.

Làm sao để các em tránh tiếp xúc, tung những thứ bột màu ô nhiễm ấy vào người nhau và thải ra môi trường? Làm sao để trào lưu chụp ảnh ô nhiễm ấy không đầu độc các em, rất cần sự giáo dục cẩn trọng từ phía những người có trách nhiệm với lớp trẻ tương lai đang bước vào đời.

Chụp ảnh kỷ yếu tuy dễ mà khó. Bởi vậy cần xây dựng nề nếp văn hóa, quy chuẩn cho vấn đề chụp ảnh kỷ yếu. Về điều này, các nhà trường hoàn toàn có thể xây dựng được các quy định.

Thụy Miên
.
.
.