Robot hóa đang tới gần

Thứ Hai, 05/12/2016, 14:13
Vì lương công nhân tăng cao ở châu Á, các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu - như Hãng dụng cụ thể thao Adidas - dần chuyển hoạt động về nước, theo báo Wall Street Journal.

Nhà máy mới của Adidas được xây dựng ở thành phố Ansbach (Bayern, Đức) chỉ dựa vào robot và dây chuyền tự động để sản xuất 500.000 đôi giày thể thao/năm. Một khi đi vào sản xuất đầy đủ từ năm 2017, sản lượng đó chỉ bằng 1% tổng số 300 triệu đôi/năm của Đức.

Adidas nói việc sản xuất ở Đức sẽ giúp cải thiện chất lượng giày của họ, giảm thời gian đưa sản phẩm ra thị trường và giảm chi phí lưu kho. Gerd Manz, Phó chủ tịch mảng sáng tạo công nghệ của Adidas cho biết, chi phí lưu kho, hậu cần và chuỗi cung ứng sẽ giảm ở các nhà máy mới, và hãng đã lên kế hoạch xây dựng các xí nghiệp có dây chuyền sản xuất tự động tương tự ở khắp thế giới.

Tận dụng tự động hóa

Theo tờ báo Mỹ, hiện các thương hiệu phương Tây chỉ chuyển một phần nhỏ khâu sản xuất khỏi các nước đang phát triển. Các sản phẩm mà các công ty phương tây sản xuất “gần nhà” cũng thường là hàng chính hãng hơn là hàng hóa rẻ tiền được sản xuất ở các nước đang phát triển.

Các công ty đang ngày càng đưa sản phẩm về gần khách hàng hơn, khi họ phải đối diện lương nhân công tăng và chi phí vận chuyển tốn kém, cùng với việc thiếu nguồn lao động ở nhiều nước đang phát triển.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng muốn có nhanh các kiểu giày mới, nên các thương hiệu nổi tiếng phải tính lại phương án sản xuất.

Nike cho biết đang làm việc với công ty gia công Flex về công nghệ để cho phép họ đưa sản phẩm giày của mình đến gần các thị trường chính hơn.

Trong khi đó, Apple đã mở rộng khâu sản xuất máy tính Mac ở Mỹ. Công ty sản xuất gia công hàng đầu thế giới là Jabil Circuit Inc (Mỹ) cũng đang chuyển dần qua sự tự động hóa, nhằm chuẩn bị tương lai cho các xí nghiệp nhỏ hơn. Jabil chuyên sản xuất bảng mạch điện và các linh kiện điện tử cho các công ty như Apple, Electrolux…

Các nhà phân tích cho rằng sự tự động hóa là cần thiết để chuyển hoạt động về “gần nhà”, vì máy móc có thể thay thế sự chi lương công nhân vốn ngày càng tăng ở những nhiệm vụ thủ công và lặp đi lặp lại.

Các nhà sản xuất cũng xem sự tự động hóa là một cách duy trì đầy đủ các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, đồng thời tăng cường an toàn lao động bằng cách để robot thực hiện những nhiệm vụ nguy hiểm nhất.

Những người ủng hộ tự động hóa nói tiến bộ công nghệ sẽ giúp sản xuất hàng hóa giá thấp hơn và gần với khách mua hơn. Tuy nhiên, đối với nhiều thương hiệu toàn cầu, vẫn còn phải mất một thời gian dài mới có thể có những nhà máy tùy biến, vì những công việc đòi hỏi sự khéo léo hiện vẫn do con người thực hiện tốt hơn.

“Nhân viên thông minh” cướp việc làm !

Từ năm 2021, người máy sẽ loại bỏ 6% tổng số việc làm ở Mỹ, bắt đầu là nhân viên phục vụ và rồi đến lượt tài xế taxi và tài xế xe tải, theo một báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Forrester. Báo cáo viết: “Trong tương lai không xa, từ năm 2021, một làn sóng gây rối loạn của sự tự động hóa sẽ thay thế nhiều việc làm, tác động lớn nhất là vào ngành vận chuyển giao thông, logistic, phục vụ và dịch vụ tiêu dùng”.

Các người máy này được gọi là “nhân viên thông minh”, có thể hiểu hành vi của người và thay mặt người ra những quyết định. Hiện “họ” khá đơn giản, nhưng trong 5 năm tới, “họ” sẽ trở nên giỏi hơn người trong việc thay mặt người ra những quyết định trong những kịch bản phức tạp hơn.

Robot chưa thể sớm thay sức người. 

Trong khi đó, báo Newsweek nêu các nhà hàng thức ăn nhanh ở Mỹ bị “người máy xâm nhập”! Thực tế là họ chú trọng khâu tự động hóa, sử dụng người máy để giảm chi phí hoạt động. Hiện lĩnh vực dỡ hàng từ tàu vào nhà kho và các nhà hàng ăn ở Mỹ đang có tình trạng người máy “xâm chiếm”, khi họ “ôm” lấy lĩnh vực chế tạo người máy và tự động hóa.

Như thương hiệu McDonald’s đang thử nghiệm các ki-ốt đặt món tự động, Domino có nhiều cách đặt món mà không cần có sự đối thoại giữa thực khách với nhân viên. Starbucks đã dùng công nghệ tự động hóa  để chuyển nhân viên khỏi nhiệm vụ chờ thực khách gọi món, chuyển họ qua khâu chế biến thức uống.

Robot chưa thể sớm thay sức người

Đấy là những bằng chứng robot-công nghệ tự động hóa đã “xâm nhập” lĩnh vực thức ăn nhanh.  Câu hỏi đặt ra là liệu sự tự động hóa sẽ khiến các cửa tiệm thức ăn nhanh hoạt động hiệu quả hơn, hoặc cho phép chúng thôi sử dụng nhân lực ?

Steven Rothberg, chủ Công ty trực tuyến CollegeRecruiter.com giúp sinh viên và người tốt nghiệp đại học kiếm việc làm, xác nhận đang có tình trạng người máy “chiếm” lĩnh vực thức ăn nhanh, nhưng ông không nghĩ chúng sẽ “hất cẳng” nhân viên phục vụ. Ông nói:  “Nhiều sinh viên và người vừa tốt nghiệp dùng trang web của chúng tôi đều được các nhà hàng thức ăn nhanh tuyển dụng.

Chắc chắn sự tự động hóa sẽ tiếp tục tác động đến số người và những việc làm ở các nhà hàng này, nhưng tôi không nghĩ việc đặt món kỹ thuật số, các ki-ốt tự động, máy tính bảng cùng các biện pháp khác sẽ thay thế người phục vụ ở các nhà hàng thức ăn nhanh. Hãy nhìn vào các ngân hàng: Máy ATM có làm giảm việc cần người giao dịch? Quả có thế, nhưng hoàn toàn không có chuyện ATM đạt gần đến việc loại bỏ sự cần có giao dịch viên”.

Giáo sư Timothy Carone  thuộc khoa Công nghệ thông tin - phân tích - hoạt động ở trường thương mại Mendoza (thuộc Đại học Notre Dame) nhận định, công nghệ tự động hóa sẽ xảy ra ở các nhà hàng ăn, nhưng không chóng hoặc không cần thiết loại bỏ nhân viên phục vụ bằng xương bằng thịt.

Vị giáo sư có cuốn sách “Tương lai của sự tự động hóa-những thay đổi cho cuộc sống và làm ăn”, cũng tin hướng tiến tới nhân công người máy sẽ diễn ra chậm: “Sự phục vụ tự động  ở các nhà hàng đã bắt đầu và sẽ tiếp tục suốt nhiều năm, nhưng nhiều nhà hàng sẽ vẫn duy trì mức nhân lực phục vụ.

Một số công ty thức ăn nhanh sẽ nhào vào, nhưng các công ty khác chọn thái độ chờ xem. Sẽ mất nhiều năm để các nhà hàng thức ăn nhanh nhượng quyền có lãi từ sự đầu tư vào công nghệ tự động hóa, dù có lúc nào đó, một hoạt động tự động sẽ rẻ hơn nhiều so với một hoạt động thủ công”.

Giáo sư Carone còn nói: ý tưởng các nhà hàng đều tự động hóa để giảm chi phí lao động chỉ đúng phần nào: “Sự tự động hóa sẽ dẫn đến chi phí lao động thấp hơn mức chi hiện nay hoặc trong tương lai, nhưng sự tự động hóa làm tốn tiền”.

Ông lưu ý khoản đầu tư này sẽ hạ dần theo thời gian: “Khi nào một nhà hàng trở nên phần nào hoặc hoàn toàn tự động hóa thì còn tùy thuộc số thực khách và vị trí kinh doanh của họ. Các điểm thức ăn nhanh nhượng quyền ở bất kỳ đâu đang phải tìm nguồn khách đề cao sự tự động hóa. Các nhà hàng này ở sân bay hoặc các điểm tương tự đều thu hút khách vãng lai nhưng không là khách trung thành, ngoại trừ các khách trung thành sẽ cho rằng sự tự động hóa là cần thiết và đề cao nó”.

Donald Mazzela, thành viên tổ chức bất vụ lợi National Robotics Education Foundation, cho biết tổ chức này đã tìm hiểu vấn đề người máy ở nhà hàng ăn từ 3 năm nay, ghi nhận sự tương tác của người máy  đã được dạy ở các lớp dạy ẩm thực và khách sạn trên toàn thế giới. Ông viết: “Theo nghiên cứu mới nhất, chúng tôi ước tính các nhà hàng thức ăn nhanh sẽ chuyển 1-2 nhân viên khỏi khâu phục vụ để làm nhiệm vụ khác, khi ngày càng tăng việc đặt món từ xa và người máy phụ trách giao món”. 

Ông Mazzela cho rằng đỉnh điểm của sự tự động hóa sẽ là từ năm 2020, vì lĩnh vực nhà hàng thức ăn nhanh cần có thời gian để hướng dẫn khách hàng vận dụng công nghệ tự động hóa.

Nhưng sự tự động hóa sẽ diễn ra vì rất có ích: sự thay đổi về máy tính tiền, thiết bị cảm ứng cùng các công cụ khác khiến sự kiểm đếm chính xác hơn, và khả năng chuyển sự đặt món trực tiếp đến  bộ phận chế biến là một cách kéo giảm lãng phí. Ông viết đấy sẽ là một sự thay đổi chậm, nhưng chắc chắn sẽ diễn ra.

Trung Trực (tổng hợp)
.
.
.