Rượu: Phúc và họa

Thứ Sáu, 15/05/2020, 08:00
Rượu sẽ vẫn còn tồn tại song song cùng với con người, việc uống rượu thế nào cho đẹp, cho đáng nhớ, cho đúng nét đẹp văn hoá là một nhiệm vụ dài hơi của nhân loại. Câu chuyện nghị định 100 hay cũng chính là câu chuyện uống rượu thế nào là văn minh, thế nào là tự làm chủ được bản thân.


Tạo hóa vĩ đại mà cũng thật bí ẩn, đã thả con người xuống trái đất này, cho một thời hạn cuộc đời nhất định, gánh trên vai đủ gánh nặng của việc làm người, còn giấu tịt đi ý nghĩa cuối cùng của sự sống, để con người loanh quanh suốt bao đời đi tìm lời giải. 

Dường như chưa đủ khó khăn, con người còn phải đối mặt với chính dục vọng của mình như nguồn cơn của mọi khổ ải, với đủ thứ mong muốn: được hạnh phúc, được giàu có, được yêu thương, được thừa nhận, được thành công, chưa kể hàng tặng kèm bám dính như lời nguyền: nỗi cô đơn của kiếp người. Làm người, xem chừng là nhiệm vụ quá sức khó khăn.

Và chẳng hiểu là may mắn hay cạm bẫy, trong hành trình khó khăn ấy, rượu - thứ nước có cồn diệu kỳ đã xuất hiện ngay từ 10.000 năm trước Công nguyên, đã trở thành cứu cánh tạm thời của con người trong những thời khắc cô đơn, bạn bầy cùng con người trong những giờ khắc hưng phấn, làm con người ta thăng hoa, tạm thời quên đi thực tại, tạm thời vứt luôn lý trí vào sọt rác, tạm thời quên luôn cả sức nặng của thân xác, bay lên chín tầng mây. 

Ban đầu khi rượu xuất hiện, khi người ta tình cờ phát hiện ra những thứ hoa quả tích trữ được ủ lâu, lên men, thành thứ nước mà khi nếm thử, người ta hân hoan hơn, thông minh hơn, vui tươi hơn, rượu đã nhanh chóng có được vị trí của mình ở khắp mọi nơi. Từ đó, ở bất cứ đâu, bất cứ dân tộc nào, rượu, hay những hình thái đồ uống có cồn khác, đồng hành cùng con người, như cái van mở nút dục vọng, làm con người ta, trong những cơn say, quên đi được sự phức tạp của nhiệm vụ làm người.

Nhà văn An Hạ anhavn85@gmail.com.


Dần dà, rượu bám sâu vào nếp sống con người, trở thành nét văn hoá độc đáo của mỗi vùng đất, mỗi quốc gia. Châu Âu có rượu vang, Hàn có sochu, Nhật có sake, Trung Quốc có rượu Mao Đài, Việt Nam ta thì đủ loại: rượu nếp cái hoa vàng, rượu ngô, rượu sán lùng, rượu cần.. Chưa kể hàng trăm công thức ngâm rượu truyền từ đời này sang đời khác. 

Người ta uống rượu vào các dịp trọng đại của cuộc đời, từ mừng thọ tới ma chay cưới hỏi, trong các cuộc gặp gỡ từ ngoại giao tới thân mật, và uống ngay cả khi một mình. Cứ thế, rượu tưởng chừng như có vị trí khó lay chuyển trong đời sống của con người. Nhất là sau hàng nghìn, hàng nghìn năm, hàng nghìn loại rượu từ khâu chọn lọc nguyên liệu, ủ, cho tới thưởng thức, tất cả các khâu đã được đẩy lên đến ngưỡng tinh tế thấm đẫm nét văn hoá đặc thù.

Thế nhưng, rượu thực sự là thần dược cho tinh thần và giao tế, hay là cạm bẫy của tạo hoá, muốn chuốc cho nhân loại say tuý luý quên cả nhiệm vụ của kiếp người? Phàm trên đời này, cái gì chẳng có tính hai mặt của nó. Rượu xem ra cũng không ngoại lệ. Rượu một chút thì hân hoan, đúng thời điểm, đúng cảnh ngộ thì diệu kỳ, nhưng thái quá thì bất cập. Đấy đã là quy luật muôn đời đúng. 

Trong cơn say tuý luý hàng nghìn năm của nhân loại, thấp thoáng nhiều câu chuyện khiến người ta giật mình. Hẳn ai trong chúng ta cũng biết Trương Phi, võ tướng nóng tính như lửa, mê rượu, nghiện rượu, vì rượu mà đánh mất thành Từ Châu, trở thành ma không đầu. Và hẳn ai cũng biết Lý Bạch, vị trích tiên, thi tiên nổi tiếng, cũng nghiện rượu. Dù biết bao thi phẩm xuất thần của ông ra đời trong những cơn say, nhưngcái chết nổi tiếng đậm tính lãng mạn của ông vì nhảy xuống sông bắt lấy bóng trăng mà chết, thực chất lại cũng bắt nguồn từ một cơn say.

Rượu xem ra, uống chút thì vui, uống vừa thì tạm thời có biết bao tác dụng, tăng hưng phấn, nhìn rõ nỗi buồn, tạm quên đủ điều thường nhật, tạm tự do trong phút chốc, nhưng cứ quá là mất hay. Nhưng thế nào là vừa, thế nào đủ, thế nào là quá, khó có thể có một quy luật rõ ràng. Rượu vốn có khả năng tác động thẳng vào thần kinh trung ương, thấm thẳng vào máu, ai dám tự tin mình còn tự điều khiển được chính mình khi rượu vào.

Khi say, hai người là hai thế giới riêng biệt.

Rượu đã thế còn gây nghiện. Đã gọi là nghiện, thì đừng nói dùng lý trí. Bao kẻ tự tàn phá đời mình và gia đình chỉ vì nghiện rượu. Khi say kẻ nghiện như biến thành con người khác, chẳng còn làm chủ được bản thân. Có người nỗ lực cai nghiện được, nhưng tái nghiện là nguy cơ lúc nào cũng treo trước mắt, thật chẳng khác thanh gươm treo trên sợi tóc lủng lẳng trước mặt, chỉ trực người ta yếu lòng là lại cắm phập xuống.

Ấy là chưa kể, những nét xấu xí trong thói quen uống rượu của ta. Ép nhau uống, thách nhau uống, các anh đã ngồi xuống bàn nhậu là dô, là uống, là trăm phần trăm, là không say không về. Uống không còn để vui nữa, uống lúc ấy để say, để nôn, để thể hiện khí phách nam nhi theo hướng không lấy gì đáng tự hào cho lắm. 

Kể ra, nếu uống xong, các anh như các cụ ta thuở trước, say xong thì ngủ, có ngã ven đê hay nằm gục giữa đường cũng chẳng mấy nguy nan, cái thuở người ta đi bộ, cưỡi ngựa thì làm đúng rượu chưa mấy tai hại. Có mấy ai lãng mạn đến tai nạn như Lý Bạch. Nhưng ngày nay, câu chuyện tai nạn giao thông vì uống rượu đã trở thành câu chuyện đau lòng phổ biến, ở khắp nơi trên trái đất này. 

Không ít quốc gia có điều luật nghiêm minh xử lý những trường hợp uống say còn tham gia giao thông. Mỹ và Canada có thể phạt tù chung thân đối với tài xế vi phạm nồng độ cồn mà gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc tái phạm nhiều lần. Ở ta, nghị định 100 ra đời thiết nghĩ chẳng khác nào cái đai bảo hiểm để các anh tự bảo vệ chính mình và hạnh phúc gia đình mình, cần thiết lắm thay.

Biết từ chối khi cảm thấy... mình đang bị rượu uống.

Rượu sẽ vẫn còn tồn tại song song cùng với con người, việc uống rượu thế nào cho đẹp, cho đáng nhớ, cho đúng nét đẹp văn hoá là một nhiệm vụ dài hơi của nhân loại. Câu chuyện nghị định 100 hay cũng chính là câu chuyện uống rượu thế nào là văn minh, thế nào là tự làm chủ được bản thân. 

Vẫn biết uống rượu như chơi dao, đủ bản lĩnh thì tận hưởng giờ khắc tạm thời tự do, vì chẳng ai lường được khi say người ta cảm thấy những điều gì, mỗi cơn say là một lần bất ngờ, không đủ bản lĩnh thì mất tự chủ, nghiện, huỷ hoại sức khoẻ, nhưng ở đời, đứng trước rượu, mấy ai có lý trí dám tự tin vỗ ngực mình đủ/ thừa bản lĩnh đây?

Nhà văn An Hạ
.
.
.