Sắc dân da trắng đầy bí ẩn ở châu Á

Thứ Năm, 09/05/2019, 12:58
“Kafirs” - theo ngôn ngữ phổ biến trong vùng Trung Nam Á nghĩa là “người vô thần”, hay “kẻ ngoại đạo” để ám chỉ sắc dân Kalash - tộc người da trắng duy nhất đã tồn tại bao đời nay ở châu Á.


Nhưng sắc dân Kalash chỉ là những kẻ vô thần đối với đạo Hồi, vì trong quá khứ họ đã cự tuyệt tôn giáo. Cuộc chiến đầy cam go để khước từ thứ tín ngưỡng mới là một giai đoạn hiển hách trong lịch sử dân tộc Kalash, xảy ra vào cuối thế kỷ XIX ở các tỉnh giáp ranh giữa hai quốc gia Hồi giáo hiện nay là Pakistan và Afghanistan. 

Phần bên Afghanistan nơi chấp nhận đạo Hồi được đặt tên là Nuristan” (đất nước của ánh sáng). Còn phần kề với Pakistan được chia làm hai nhóm, phân biệt theo màu trang phục họ mặc là màu đỏ và màu đen. 

“Nhóm đỏ” hầu như chịu ảnh hưởng của Hồi giáo; chỉ có “bọn đen” là theo một thứ tín ngưỡng khác, được giới sử gia Hồi giáo gọi là “Kafiristan” (vùng đất của những kẻ bất tín). Đó chính là nơi cư ngụ của tộc người Kalash, một sắc dân từng “làm khó dễ” các nhà nhân chủng học quốc tế.

Tuy nhiên người ta chỉ mới gọi họ là sắc dân Kalash trong giai đoạn đầu thế kỷ trước. Đúng ra họ là hậu duệ trực hệ nhiều đời của những toán binh lính tiền phương, thuộc đạo quân viễn chinh tinh nhuệ dưới triều Hoàng đế Macedonia Alexander Đại đế (356-323 Tr.CN). 

Tổ tiên họ được đích thân Hoàng đế Alexander ra lệnh “trụ” lại chốn này vào năm 325 Tr.CN, sau khi ông không chinh phục được toàn cõi Ấn Độ như đã hứa, để các binh sĩ thất trận không “nổi lên chống lại vương triều”.

   Có thể điều đó là đúng, vì một bằng chứng duy nhất tồn tại bởi người Kalash không phải là một sắc dân Á châu! Sự thật là họ đang sống trên độ cao gần 3.000 mét so với mực nước biển thuộc phần đất sâu bên trong lòng châu Á, được họ giải thích bằng một huyền thoại danh bất hư truyền. 

Theo đó từ thời xa xưa, khi những kẻ thù cố tàn sát cha ông họ, nhằm bắt họ khuất phục thứ tín ngưỡng muốn áp đặt. Chỉ còn một nhúm người Kalash thoát được, ẩn từ chỗ này qua chỗ khác, xa dần vùng đồng bằng phì nhiêu quê hương… Một đêm nọ, người tù trưởng đứng đầu nhóm trốn chạy mơ thấy gặp các thần linh của họ. Rồi một vị thần nói: “Ta sẽ bắn lên trời ba mũi tên: đỏ, vàng và đen. Cứ để cho ba người con trai cuối cùng của Vua Txyam là Rumbur, Bumboret và Urtsun tới đó lập làng mới với cùng tên gọi”. 

Ngày hôm sau ba Hoàng tử anh em lên đường đi tìm các mũi tên, họ tìm, tìm mãi, trèo cả lên các sườn núi lởm chởm đá tai mèo phủ dày tuyết… Và rồi ba người đã tìm thấy các mũi tên quanh triền thung lũng Birir thoai thoải này, nơi gắn liền với tên của họ cho tới ngày nay: ba ngôi làng độc đạo duy nhất của dân Kalash mang tên ba vị Hoàng tử ấy.

Thiếu nữ tộc người Kalash, một trong những nền văn minh bí ẩn nhất thế giới.

Tộc người Kalash là một trong những sắc dân ít được biết đến nhất trên hành tinh. Họ sống tự quản trong ba thung lũng cao nằm trên dãy Himalaya - “mái nhà của thế giới”, bao quanh tỉnh Nuristan thuộc Afghanistan giáp giới phía tây bắc Pakistan. 

Trọn cả sáu tháng trong năm, tất cả mọi phương tiện giao thông liên lạc với vùng đất này đều bị băng tuyết cắt đứt; ngay cả sáu tháng còn lại do đường sá hiểm trở nên cũng chỉ đi được từng đoạn một mà thôi. Sự sung túc nhất của họ là những đàn dê đông đảo. 

Họ ăn thịt và uống sữa dê, mặc quần áo từ vải thô được dệt bằng lông dê. Ngoài ra, loài vật này còn là một trong những biểu tượng thuộc tín ngưỡng của người Kalash, với vô vàn các đấng thần linh bí hiểm. Đồng thời dê cũng là con vật dùng để tế thần, thể hiện lòng thành kính trong những dịp lễ hội trọng đại của sắc dân Kalash.

Để trở thành một người Kalsash “chính cống”, trước hết bạn phải học tín ngưỡng của họ. Có ba vị thần: trước hết là Thần Tối cao Sah-I-Gor, vị thần của sức mạnh và công lý; thứ đến là Thần Mahadeo - Thần Dê; cuối cùng là Thần Kouhumai - Thần Đất. Còn có cả vị thần thứ tư nữa là Thần Iogoxtahan, người hộ mệnh cho con trẻ. Nơi tế Thần Tối cao là một khoảng đất rộng bên sườn núi, được xếp đầy quả rừng. 

Bốn phía xung quanh cắm bốn cái thủ cấp ngựa, cùng các dải lụa viền quanh treo nhiều hình tròn đa sắc để trang trí. Chưa từng có một con ngựa nào “phi” được tới đây, ngay cả bàn chân con người cũng khó đến được nữa là… 

Đó lại thêm một bí ẩn nữa về sắc dân Kalash; cũng như đồ trang sức phổ biến của họ trong các dịp lễ lạt là những chuỗi vỏ sò - được cất giữ như “của gia bảo”. Sò - thứ sản vật đặc trưng của biển cả, lại hiện diện tại một vùng đất cách xa đại dương hàng nghìn cây số, âu cũng thêm một điều khó lý giải nữa về cội nguồn của tộc người Kalash. Tù trưởng cắt tiết dê rồi bôi lên mặt bạn, kể từ lúc này bạn đã thành thành viên cộng đồng  Kalash  - sắc dân châu Á da trắng duy nhất với nguồn gốc đầy bí ẩn…

Đến ngày mở đầu kỳ lễ hội chính thức hàng năm, thường kéo dài trong vòng hai tuần lễ trùng với dịp Giáng sinh và mừng Năm mới dương lịch của người Công giáo châu Âu (lại thêm một điều bí ẩn nữa), Thần Tối cao Sah-I-Gor được tế tới 20 con dê. 

Lễ hội cử hành trong tiếng hát nhiều bè của nam thanh nữ tú khắp ba làng. Nên biết người Kalash là sắc dân “mê ca nhạc” nhất vùng Trung Nam Á, họ luôn hát hò ngay cả lúc làm việc, chăn dê, vắt sữa, múc nước… 

Nhưng chỉ có cánh đàn ông là được phép “bén mảng” tới chỗ đặt bàn thờ tế thần, từng con vật một thứ tự được cắt tiết tế dần. Còn có cả một số lượng dê và cừu đông đúc khác, cũng được làm thịt cùng lúc cho những người dự hội thưởng thức. Hầu như suốt quanh năm chỉ vào dịp mừng Tân niên này người Kalash mới ăn… thịt. 

Các trẻ sơ sinh cũng được cuốn trong những tấm da dê ra dự hội. Đêm đến, những đống lửa khổng lồ được đốt lên. Đàn ông bắt giọng, phụ nữ hòa theo cùng hàng nghìn tiếng chuông nhỏ lúc lắc. Họ nhảy, múa, hát, cười… mắt tràn trề xúc cảm hạnh phúc. 

Khi lửa chỉ còn là những muội than thì cuộc vui mới tàn. Nam giới làm sẵn những cây đuốc khổng lồ cao tới 2-3 mét, được thắp sáng bằng mỡ dê. Mỗi người một cây đuốc trở về nhà mình khi tan tiệc. 

Quang Long
.
.
.