Sắc xuân trên miền đất dân ca

Thứ Hai, 16/01/2017, 16:13
Vương quốc vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) mùa xuân này lặng gió và ấm áp một cách lạ kỳ. Đâu rồi những cơn giá rét tím tái như cắt da, cắt thịt vẫn thường thấy mỗi tháng Giêng. Có cái gì đó đang thay đổi, phải chăng quy luật thời tiết đang bị phá vỡ?


Dù vậy chắc chắn một điều vẫn "bất di bất dịch", đó là cứ độ hoa đào, hoa mơ nở khắp bản làng thì những câu hát dân ca thiết tha lại ùa về trong tâm thức của những chàng trai, cô gái rẻo cao.

Khắp nơi ca hát

Vùng cao Lục Ngạn bây lâu đã tồn tại những phong tục văn hóa đặc sắc, cả những câu chuyện tình đậm chất huyền thoại và chợ phiên sặc sỡ sắc màu của áo chàm xuống núi.

Có người từng ví mảnh đất ấy như là "Hoa Quả Sơn" của Việt Nam. Bởi thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây bốn mùa đều cho hoa thơm trái ngọt. Và cũng phải chăng là do nền thổ nhưỡng, khí hậu  mà vùng đất ấy đã sản sinh ra những làn điệu dân ca thiết tha, ngọt ngào đến thế.

Bà chuẩn bị trang phục cho cháu đi hội hát.

Anh bạn tôi trước đây công tác trong ngành văn hóa, hiện đang làm Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy giới thiệu rằng: Lên Lục Ngạn vào mùa xuân mới cảm nhận được sức hút của dân ca trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc. Họ toàn hát chay (không nhạc đệm) mà cứ thâu canh, rạng ngày.

Suốt 3 tháng xuân, nam, nữ, trẻ, già hát say sưa hết chợ phiên này đến chợ phiên khác. Từng tốp người rủ nhau đi hát ròng rã từ chợ Thác Lười (Tân Sơn) đến chợ Phong Vân, ngược Tân Hoa, Biển Động, Đèo Gia, Khuôn Thần, Biên Sơn, xuôi Chũ xong lại vòng về Bắc Lệ, Chi Lăng, Đồng Mỏ (Lạng Sơn)...

Có khi đồng bào đi chợ chẳng buôn bán gì mà cái chính là để gặp bạn hát và khoe tài đối đáp. Hễ gặp bạn hát là họ "bắt sóng" và hát suốt, hát trên sân khấu chưa thấy đủ, họ chuyển về hát trong nhà rồi lại trên khắp các sườn đồi, lối về. Bạn hát lần lượt mời nhau về dự hội hát ở xã mình, trước là để thăm nhà, thăm cửa, sau thì hát giao lưu.

Cũng có khi họ "đánh bắt xa bờ", thuê xe ôtô đi tận Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Phú Thọ chỉ để hát giao lưu. Chưa thấy thỏa mãn, bà con hát qua điện thoại hàng tiếng đồng hồ cho những người cùng dân tộc ở các tỉnh phía Bắc và xa nhất là tận Tây Nguyên cùng nghe.

Thiếu nữ vùng cao trong hội hát.

Già làng, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn An, Trưởng ban Liên lạc các CLB hát dân ca của huyện khẳng định: “Người dân tộc thiểu số định cư ở nhiều nơi, không phải lúc nào  cũng có điều kiện gặp gỡ và hát cho nhau nghe nên cứ thấy nhớ nhau thì gọi điện thoại hỏi thăm sức khỏe và hát. Có người phải trả cước điện thoại gần triệu đồng/tháng. Có đêm điện thoại ai cũng nóng ran bởi những cuộc hát kéo dài tới vài chục phút. Cứ hát được khoảng 1 giờ thì đầu dây bên kia sẽ gọi lại nên sự "tốn kém" được san đều". Thấy chúng tôi băn khoăn về việc làm nông nghiệp mà sử dụng nhiều cước điện thoại, già làng An chỉ cười và bảo: "Giá trị tinh thần còn lớn hơn rất nhiều, tốn kém chút nhưng đã kết bạn với nhau thì tiếc gì".

Nên duyên nhờ những hội hát

Tôi cứ ngạc nhiên mãi, chưa thể lý giải được vì sao dân ca lại có sức quyến rũ mạnh mẽ đối với đồng bào ở vùng cao Lục Ngạn đến vậy. Thường thì hát dân ca được chuộng nhất chủ yếu là thể loại giao duyên đối đáp nam - nữ trong tình yêu hay những khát vọng của cuộc sống.

Những chàng trai cô gái quen nhau trong các mùa hội hát đến với nhau bằng sự rung động của con tim. Cả huyện hiện có gần 30 câu lạc bộ hát dân ca dân tộc thiểu số thuộc 7 dân tộc. Họ tự nguyện, tự túc đóng góp kinh phí hoạt động và lưu diễn.

Không gian một hội hát mùa xuân ở xã Biên Sơn.

Các làn điệu có từ thời xa xưa, được cha ông truyền dạy cho con cháu, cứ như một sợi dây kết nối giữa quá khứ với hiện tại. Dân tộc nào cũng kiêu hãnh về những di sản của mình.

Nếu người Nùng mê điệu Soong hao (hát lượn), người Tày thích nhất hát Then, người Dao say tiếng Páo dung thì người Cao Lan trung thành với Sình ca, đồng bào Sán Chỉ có dân ca Cnắng cọô, dân tộc Sán Dìu tự hào có điệu Soọng cô… Tất cả tạo nên một bức tranh đa sắc về một vùng đất rất say mê ca hát. 

Đem những thắc mắc hỏi anh bạn tôi làm Trưởng ban Tuyên giáo huyện ủy Lục Ngạn được biết: Trước đây, đâu đó cũng đã hơn chục năm rồi, nhận thấy đồng bào đam mê hát dân ca, hơn nữa địa phương cũng muốn gìn giữ lại bản sắc phong phú, huyện Lục Ngạn có chính sách động viên, hỗ trợ kinh phí và trang phục, tăng âm, loa đài, rồi mở lớp truyền dạy cho các CLB hát dân ca thành lập mới.

Thanh niên dân tộc Sán Chỉ hát giao duyên

Từ năm 2002, huyện cũng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn xây dựng là huyện điểm văn hóa, mà hát dân ca là một trong những tiêu chí không thể bỏ qua.

Theo lời kể của bạn tôi, đã ba mùa hoa đào gần đây, năm nào tôi cũng đi chợ tình Thác Lười (xã Tân Sơn) để cảm nhận không khí xuân rạo rực đáng quý của vùng cao. Gọi là chợ tình bởi người ta đến đây không phải để mua bán mà là nơi trai gái hò hẹn trao duyên, quan trọng hơn là được hát đối đáp, giao duyên một cách thoải mái. Phiên chợ chỉ họp một năm có một lần vào ngày 12 tháng Giêng.

Nhóm phụ nữ hát giữa chợ tình Thác Lười.

Khi những màn sương còn chưa tan trên khóm mía thì từ các ngả núi, đồng bào Tày, Nùng, Sán Chỉ, Sán Dìu, Cao Lan… từ các ngả núi đã kéo xuống chợ. Gặp chị Vi Thị Dùng (50 tuổi) dân tộc Nùng, thôn Khuôn So, xã Tân Sơn trong bộ áo chàm truyền thống, chị Dùng bảo: Người Nùng ai cũng nằm lòng câu hát "Soong hao pây lỉn xuân hát lượn, pú lượn là pú vui" (hai ta đi chơi xuân hát lượn, không lượn là không vui).

Trẻ em Nùng từ bé đã được dạy hát Soong hao. Ngày trước còn xuân sắc, chị Dùng cũng thường đến chợ tình để hát giao duyên, chị từng tham dự nhiều cuộc hát trong vùng, giọng hát ấy đã làm thổn thức biết bao trai bản. Cũng từ những cuộc hát ấy chị đã ưng ý và chấp nhận về làm vợ một chàng trai có giọng hát hay thuộc hạng nhất, nhì vùng.

Ngày xuân, trai gái vùng cao Lục Ngạn thường rủ nhau đi chợ để hát, trai ngồi một bên, gái ngồi đối diện, qua những canh hát tập thể kéo dài, nếu thấy ai hợp với mình thì sẽ dắt tay nhau đi chơi.

Cuộc hát kéo dài đến lúc xế chiều, họ hát say sưa trên cả các ngả đường đi về bản, nhiều đôi đã nên vợ nên chồng sau những cuộc hát ấy. Những đôi đã từng quen nhau, "thề non hẹn biển" trong ngày hội hát mà không lấy được nhau thì họ hẹn cứ ngày này hàng năm lại gặp nhau tại chợ, đơn giản chỉ là để hỏi thăm và hát cho nhau nghe.

Theo quan niệm của một số dân tộc, khi đã thành vợ thành chồng rồi thì sẽ hát giao duyên đến khi nào có con đầu lòng mới thôi. Đối với anh Vi Văn Sắt, 50 tuổi thôn Bắc Hoa, Soong hao chính là sợi dây kết duyên. Hơn 30 năm trước, khi còn là một thanh niên hào hoa, những câu Soong hao gọi mùa xuân về đã làm náo nức trái tim chàng trai người Nùng.

Đồng bào xem hát ở chợ tình Thác Lười.

Đến chợ tình, anh Sắt hòa vào dòng người, chung vui câu hát tìm bạn ngày xuân và rồi đã chinh phục được trái tim cô sơn nữ đẹp người, đẹp nết nhất xứ vải thiều. Giờ họ có đông đủ con cháu nhưng hai vợ chồng anh vẫn rủ nhau đi xem hát chợ tình, anh bảo: "Mỗi khi nghe Soong hao, lòng tôi dâng lên một niềm cảm xúc khó tả, nó gợi nhớ về thời trai trẻ chỉ biết yêu và hát". Nói rồi anh cũng nhẩm cho tôi nghe vài câu anh đã từng hát suốt thời trai trẻ, tuy không hiểu lời hát nhưng âm hưởng thiết tha thì cứ âm vang mãi với người nghe: "Pê hạc pén ma cà nả sở, Kín càng say toong bô mi hơ?".

Anh Sắt tạm dịch nghĩa: "Tôi gặp được bạn trong phiên chợ này, hỏi xem bạn đã có người yêu chưa?". Rồi anh hát thêm đoạn nữa đại ý rằng: "Anh nghèo chẳng có gạo, có trâu, cũng chẳng bạc trắng rượu ngon biết lấy gì hỏi em làm vợ"... Lời ca có lúc ngân cao, có khi trầm ấm, bay bổng như mời gọi, như thiết tha thể hiện tình yêu, khát khao cháy bỏng của lứa đôi.

Ở Lục Ngạn hầu như mỗi xã đều tổ chức một ngày hội hát vào đầu xuân, thu hút nhiều đồng bào các dân tộc về đua tài. Để tạo sân chơi, đáp ứng nhu cầu của đồng bào, hàng năm huyện tổ chức hai ngày hội (18, 19 tháng hai Âm lịch) tại thị trấn Chũ để các dân tộc trên địa bàn quy tụ về thể hiện tài năng hát dân ca.

Kim Sa
.
.
.