Sahel - miền đất của “những người khốn khổ”

Thứ Sáu, 21/08/2020, 10:38
“Sahel” theo tiếng Arab có nghĩa là “ranh giới của sa mạc Sahara”. Đây cũng là tên gọi của một vùng đất nằm giữa Bắc Phi và sa mạc Sahara ở phía Nam. Sau nhiều thế kỷ nằm dưới sự kiểm soát của các thế lực đế quốc, người dân Sahel đã giành được độc lập và thành lập 9 quốc gia thành viên, bao gồm: Senegal, Mauritanie, Mali, Burkina Faso, Niger, Nigeria, Tchad, Sudan, và Eritrea. Cả 9 quốc gia này hiện đang phải trải qua một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo đáng sợ nhất trong lịch sử châu Phi.


Từ trước đến nay Sahel luôn luôn thuộc nhóm những khu vực chậm phát triển nhất thế giới. Nhiều thế hệ người dân bị mắc kẹt trong nghèo đói vì không có bất kỳ cơ hội kinh tế nào có thể  đến được với họ. Trong khi đó câu chuyện biến đổi khí hậu càng lúc càng khiến cho việc canh tác, chăn nuôi truyền thống của người dân vùng đất này trở nên bất khả thi. Cũng chính vì lẽ đó mà nhiều năm liên tục qua, hàng trăm nghìn người dân Sahel đã phải dứt ruột cay đắng từ bỏ mảnh đất của gia đình mình vì hạn hán.

Số dân di cư  nói trên không chỉ có người Sahel địa phương, mà còn cả những gia đình từ đầu kia của sa mạc Sahara tìm cách chạy trốn hiện tượng sa mạc hoá. Theo ước tính thì tại Sahel, hiện tại số người dân cần sự trợ giúp khẩn cấp về lương thực thực phẩm và nước sạch đã lên tới 2,6 triệu nhân khẩu. Trong đó người ta dự báo rằng sẽ có khoảng 1,8 triệu người bị chết đói trong vòng một năm tới.

Một trong số những người nông dân Niger đã mất đi kế sinh nhai của mình vì hạn hán.

Bản thân chính phủ các quốc gia Sahel cũng đã mất đi phần nhiều khả năng cung cấp những dịch vụ công cho người dân của mình, đặc biệt là dịch vụ y tế. Trong vòng 5 năm qua theo ước tính, đã có khoảng 80 bệnh viện phải đóng cửa vì chiến tranh. Rồi thì bởi tình trạng thiếu bác sỹ, hay nguồn quỹ hoạt động cạn kiệt... Không những điều này khiến hàng loạt các bệnh dịch chết người như Ebola và COVID-19 có thêm cơ hội hoành hành, mà bất kỳ hoạt động cứu trợ nào cũng trở nên vô cùng khó khăn để có thể đến được với người dân tại khu vực.

Thực tế cho thấy, chính những vấn nạn nói trên đã - đang lại tạo điều kiện để xung đột xảy ra giữa các nhóm tôn giáo, sắc tộc khác nhau, đặc biệt là ở Mali và Burkina Faso. Lực lượng vũ trang các nước cùng với quân đội Pháp và lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc đang tìm mọi cách để dập tắt những cuộc chiến nói trên, nhưng đến nay họ không đạt được nhiều thành công như mong đợi. Vào hồi tháng 12 năm ngoái, một cuộc tấn công kinh hoàng đã cướp đi sinh mạng của 35 dân thường tại Burkina Faso, đồng thời châm ngòi cho một loạt vụ khủng bố khác nối tiếp nhau. Tổng cộng từ khi đó đến nay chưa đầy một năm trời mà  đã xảy ra hơn 800 vụ khủng bố chỉ riêng tại Burkina Faso, Mali và Niger.

Nguồn gốc của những xung đột hiện nay xuất phát từ việc quân đội Pháp mở chiến dịch Barkhane tại Sahel nhằm tiêu diệt các nhóm khủng bố lan tràn trên khắp khu vực sau nội chiến Libya. Tuy vậy, cuộc chiến này đến nay vẫn còn đang tiếp diễn mà không có một bên thật sự nào có thể nắm chắc phần thắng. Các nhóm vũ trang Hồi giáo cực đoan đã  - đang từng ngày mạnh lên nhờ vào việc khơi dậy được tinh thần nổi loạn trong dân chúng bằng cách chỉ ra sự bất tài và tham nhũng của chính quyền địa phương. Gốc rễ của các tổ chức này đã bắt rất chặt, khả năng tiêu diệt được họ hoàn toàn gần như là không thể.

Liệu có khả năng nào mang lại  hoà bình tại Sahel?! Không hề có nhiều nhà phân tích tỏ thái độ lạc quan, đặc biệt là sau khi Chính phủ Mali thất bại trong việc tuân thủ một hiệp định hoà bình ký kết vào năm 2015. Ngay bản thân chính phủ các nước cũng có nhiều ý kiến phản đối việc thương lượng với quân nổi dậy. Trong khi đó thì các nhóm khủng bố ngày càng chiếm được nhiều khu vực lãnh thổ hơn. Trong trường hợp mà họ tiếp cận được với Vịnh Guinea, một phần quan trọng trong tuyến giao thương quốc tế trên biển, thì một cuộc khủng hoảng nhân đạo mang cỡ toàn cầu sẽ xảy ra là điều khó tránh khỏi.

Trẻ em đang là nạn nhân lớn nhất của cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Sahel. Kể từ đầu năm 2019 đến nay, đã có hơn 670 nghìn trẻ em đã bị buộc rời khỏi nhà mình vì chiến tranh và nạn đói thảm hại. Khi chạy trốn, các em và gia đình phải đối mặt với nguy cơ rất lớn bị tổn thương vì suy dinh dưỡng, bom đạn, những kẻ buôn người… Và kể cả khi các em có sống sót qua được cơn khủng hoảng này, thì vết thương thể xác và tinh thần sẽ làm  thui chột quá trình phát triển các em mãi mãi, bởi hệ lụy của sự ám ảnh khủng khiếp.

Có một điều kỳ lạ rằng, tại các quốc gia thuộc khu vực Sahel, virus COVID-19 lại không lây nhiễm cho  quá nhiều người. Tính đến ngày 8 tháng 7 vừa qua, tại Chad, Burkina Faso, Mali, và Niger chỉ có tổng cộng 5318 ca lây nhiễm và 300 người tử vong. Tại sao lại có hiện tượng đó?! Đơn giản là, tỷ lệ lây truyền và tử vong thấp hơn nhiều so với các quốc gia lân cận, một phần vì mật độ dân số ở Sahel không cao, phần vì giao thông đường biển, đường không ít đi qua 9 quốc gia trong khu vực này.

Tuy đại dịch không gây thiệt hại trực tiếp quá lớn, ấy thế nhưng nó lại làm nặng nề thêm những vấn đề hiện có. Những biện pháp giãn cách, phong toả xã hội đã khiến nền kinh tế của các quốc gia thuộc khối Sahel hoàn toàn tê liệt và nhiều người bị mất việc làm. Ngoài ra thì có đến tận 25 triệu người dân Sahel sống dựa vào việc trồng trọt và chăn nuôi. Người nông dân không còn cách nào để có thể  đưa nông sản họ làm ra lên thành phố để bán. Hiện giá các loại lương thực thực phẩm tại Sahel đã tăng gấp đôi, ngoài khả năng mua tiêu dùng của phần lớn người lao động. Kết quả là xảy ra thiếu đói trầm trọng ở cả nông thôn lẫn thành phố.

Xung đột không chỉ lấy đi một phần cơ thể mà còn cả tương lai của trẻ em Sahel.

Hiện nay, các chính phủ và tổ chức từ thiện trên thế giới đang tìm cách hỗ trợ người dân Sahel bằng tiền mặt. Cách làm này tuy thế chưa đi đến tận gốc vấn đề. Tình trạng khan hiếm thực phẩm tại Sahel chỉ có thể được giải quyết khi hệ thống vận chuyển - phân phối hàng hoá từ ruộng đồng đến chợ được nhanh chóng phục hồi lại trong thời gian sớm nhất.

Điều đáng nói đến ở đây không chỉ là việc giao thương trong nước, mà còn là xuất nhập khẩu nữa. Vì lẽ hầu hết các quốc gia Sahel phải nhập khẩu thực phẩm để đáp ứng nhu cầu của người dân. Ở các nước đã đóng cửa biên giới như BurkinaFaso, Mali và Niger hiện đang có từng hàng dài những đoàn xe chở nông sản đang đứng chờ để được thông quan, khiến cho hàng chục tấn lương thực - thực phẩm bị hỏng hằng ngày, trong khi người dân đang trong tình trạng đói khát trầm trọng hơn bao giờ hết.

Những nhóm khủng bố và tội phạm đang lợi dụng đại dịch COVID - 19 để làm lợi cho mình. Trong hầu hết các trường hợp thì họ buôn lậu thực phẩm qua biên giới đế bán với cái giá cắt cổ. Nhưng với những tổ chức Hồi giáo cực đoan như Ansar ul Islam  Burkina Faso thì họ sẵn sàng cho không thực phẩm, đồng thời còn phát miễn phí những thứ như khẩu trang và nước rửa tay cho người dân nghèo.

Vào hồi tháng 4 vừa qua, Liên minh châu Phi đã ra Bản tuyên bố về An ninh Lương thực và Dinh dưỡng trong đại dịch COVID-19. Các nước cùng ký vào bản tuyên bố cam kết sẽ “Hợp tác với mọi cấp chính quyền và các bên thứ ba để giải quyết những nút thắt cản trở sự trung truyển của các nhu yếu phẩm và dịch vụ cơ bản đến với tay người dân”. Hiện nay ở Sahel có khoảng 248 tổ chức phi chính phủ đang cùng hoạt động để biến mục tiêu trên thành hiện thực. Tuy vậy, họ đang rất cần đến sự trợ giúp về nguồn lực. Theo ước tính, các quốc gia ở Sahel hiện cần tới 600 triệu đô-la để có thể cứu đói cho 3,7 triệu người, thế nhưng hiện tại  họ mới chỉ kêu gọi được khoảng 19% con số đó.

Ngoài việc cứu trợ khẩn cấp, bình ổn tình hình an ninh trật tự, và xây dựng sự hợp tác giữa chính phủ, chính quyền địa phương và các tổ chức phi chính phủ, cách mà thảm hoạ nhân đạo tại Sahel sẽ được giải quyết là sự đầu tư mạnh tay của cả cộng đồng thế giới. Đây là một cuộc chạy đua với thời gian để cứu rỗi hàng triệu sinh mạng đang trong tình trạng “sống dở chết dở” tại miền đất Sahel.

Lê Vũ (tổng hợp)
.
.
.