Salon tóc miễn phí cho người nghèo

Thứ Tư, 29/06/2016, 10:02
Không phô trương hay những lời quảng cáo nhưng ngày nào nhóm thợ cắt tóc vỉa hè trên đường Tố Hữu (Hà Nội) cũng nườm nượp khách ra vào. Dù cắt tóc miễn phí nhưng những tay kéo ở đây hết sức chăm chút, quan tâm khách khiến ai đến đây cũng hài lòng. 


Không chỉ cắt tóc miễn phí, nhóm thanh niên còn thường xuyên tổ chức những chuyến tặng quà và cắt tóc miễn phí cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn."Chúng tôi thường bảo nhau, mỗi đường kéo là phải chứa đựng tình cảm ở đó.Cắt miễn phí nhưng phải có trách nhiệm như cắt cho người thân của mình" - Anh Đỗ Đức Trọng người nảy ra ý tưởng "salon tóc miễn phí" tâm sự.

Cắt tóc miễn phí - lợi ích cho cả hai

Chiều nào cũng vậy "salon" tóc của họ tấp nập, kẻ qua người lại.Nói là "salon" nhưng thực chất hiệu cắt tóc này rất đỗi bình dị. Vài chục cái ghế, đồ nghề cắt tóc, trưng biển miễn phí, vải bạt, dăm ba vật dụng nhỏ khác. Vậy mà ngày nào ở đây cũng thu hút không dưới 100 khách đi đường.

Người dân đi đường đã khá quen thuộc với tấm biển này.

Ý tưởng cắt tóc miễn phí này là của anh Đỗ Đức Trọng, chủ một salon có tiếng ở Hà Nội.Chúng tôi gặp Trọng trong lần anh trực tiếp hướng dẫn học viên tại "salon" vỉa hè. Anh chia sẻ: "Ý tưởng này đã được em thực hiện nhiều năm nay rồi. Mục đích là giúp các em học viên nâng cao tay nghề, cao hơn nữa là giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Vào đây họ sẽ được cắt tóc như ý mà không phải mất tiền".

Là những anh chàng chuyên cắt tóc nhưng họ đã lập hẳn ra một quỹ từ thiện, thường xuyên tổ chức những buổi tặng quà, cắt tóc miễn phí cho những hoàn cảnh khó khăn.Chính vì thế tại nơi cắt tóc, họ vẫn có 1 chiếc hòm nhỏ để mọi người tùy tâm quyên góp. Số tiền này không phải để chia chác tiền công mà để giúp cả nhóm có quỹ chung tổ chức các buổi từ thiện.

Theo lời anh Trọng, trước khi mở địa điểm cắt tóc miễn phí trên đường Tố Hữu, các học viên tại trung tâm của anh đã tổ chức cắt tóc miễn phí ở khá nhiều nơi như chợ Phùng Khoang, cổng Trường Đại học Kiến Trúc. Đây cũng là cách để anh Trọng giới thiệu nghề này đến nhiều bạn trẻ. Những ai chưa có định hướng nghề nghiệp, nếu thấy thích, đều được anh cho theo học và đảm bảo việc làm sau này.

Với những người theo học, anh Đỗ Đức Trọng chỉ mất khoảng 2 tháng là có thể thành thạo, tạo được những kiểu tóc thời trang, theo ý khách hàng. Có được điều này là do học viên được trải nghiệm thực tế, được cắt tóc bằng cả cái tâm của mình.

"Sau khi được học cơ bản, các học viên sẽ được ra đây thực tế. Các bạn biết đấy, phải được cắt tóc thật như thế này họ mới nhanh lên tay được. Hơn nữa trước khi cắt cho khách tôi thường dặn các em là, phải coi khách như người thân của mình vậy.Mỗi đường kéo đều phải có trách nhiệm, có tình cảm, coi như mình đang cắt cho em, cho anh, cho bố mẹ ở nhà".

Thợ cắt tóc tại "salon" vỉa hè này hầu hết là nam giới, chỉ duy nhất có một người là phụ nữ. Họ đến từ nhiều địa phương, mỗi người một độ tuổi khác nhau nhưng khi cùng nhau cắt tóc "không công" họ đều rất vui vẻ, hào hứng.

Anh Nguyễn Văn Doanh (Trưởng nhóm học viên cắt tóc tại đây) tâm sự: "Trước đây tôi làm nghề kinh doanh tự do nhưng bỗng một ngày yêu nghề cắt tóc và quyết tâm theo đuổi nó tới cùng. Được làm trưởng nhóm ở đây cũng là một niềm hạnh phúc với tôi.Không chỉ hướng dẫn cho các bạn, dạy cho các bạn thành nghề mà còn thấy mình đang làm một việc có ích cho xã hội".

Có đủ loại khách đến đây cắt tóc miễn phí.

Học viên Lê Chiến Hiệp (SN 1996, Tam Hiệp, Hà Nội) vui vẻ: "Vì đông khách nên chúng em có cơ hội tiếp xúc với nhiều loại tóc khác nhau. Đặc biệt là trong lúc cắt tóc, được tâm sự, được nghe những câu chuyện rất thú vị và xúc động". Dẫu rằng, khách đến đây cắt tóc, nhiều người không phải quá khó khăn nhưng Hiệp và các thành viên khác đều rất hài lòng và luôn tin rằng mình đang cho đi một điều gì đó thật tâm mà không đòi hỏi sự hồi đáp.

Anh Nguyễn Công Du, một khách ruột cho biết: "Tôi thường xuyên qua đây cắt tóc. Mỗi lần đi cắt tóc miễn phí cũng tiết kiệm được mấy chục nghìn.Mà tôi thấy các anh ở đây cắt rất đẹp lại hòa nhã.Giá mà có nhiều mô hình như vậy để cho những người nghèo được cắt tóc miễn phí, được làm đẹp miễn phí thì tốt quá".

Còn đó những nỗi niềm

Có tâm sự với các anh mới thấy nghề cắt tóc cũng chứa chất bao nỗi niềm. Họ cũng vui, cũng buồn theo đường kéo, họ cũng rung động với những số phận của "khách hàng". Anh Doanh, trước khi là trưởng nhóm ở đây anh cũng từng là một học viên. Những năm tháng học nghề ấy có lẽ chẳng thể nào anh quên.

Anh kể: "Đa số khách vào đây cắt miễn phí là những công nhân, những người lao động vất vả. Với họ để bỏ ra vài chục nghìn cắt tóc cũng là vấn đề không nhỏ.Chính vì thế nhiều người vào đây cắt tóc, nghe họ tâm sự về cuộc sống mới thấy nhiều người còn khổ quá. Có lần em cắt tóc cho một chú người Hà Tĩnh, chú ấy lên Hà Nội làm thuê để lo cho vợ nằm viện, nghe chú ấy kể về gia cảnh mà em vừa cắt tóc vừa khóc" - Doanh nhớ lại.

Có lần, cả nhóm đang mải mê làm việc thì một chiếc xế hộp rất sang trọng đậu ngay cạnh. Tất cả đều hoảng hốt, nghĩ bụng đó là người đến ngăn cản việc cắt tóc miễn phí này. Khi người đàn ông ăn mặc bảnh bao, ngồi vào ghế chờ đến lượt thì mọi người mới biết đó là khách.

"Em chẳng hiểu tại sao mà anh ấy lại ra chỗ này để cắt tóc.Nhìn bộ dạng thì đúng là một đại gia.Hỏi ra mới biết anh ta là chủ tịch của một tập đoàn bất động sản lớn ở Hà Nội. Anh ấy đến đây cắt tóc chỉ với 1 lý do là muốn ngồi giữa trời cắt tóc, muốn nhớ lại những ngày thơ ấu được bố cắt tóc cho ở sân nhà" - Lê Văn Thắng (một thợ cắt tóc) nhớ lại.

Để được vào cắt tóc, khách hàng chỉ cần ghi vào phiếu rồi chờ đến lượt.

Một người phụ nữ ăn vận khá sang trọng đưa cậu con trai ra vỉa hè cắt tóc miễn phí. Cậu bé một mực không chịu bởi cậu cho rằng: "Cắt tóc ở đây bụi bẩn, xấu và không muốn ngồi cùng những người quần áo xấu xí". Ngay lúc đó tất cả ánh mắt đổ dồn về phía hai mẹ con.

Người mẹ giữ bình tĩnh, nhẹ nhàng giải thích cho đứa con của mình rằng: "Tất cả mọi người ở đây đều là những người tốt, đều là những người lao động chân chính. Họ cũng như ông bà mình ở quê, họ cũng như các chú các bác mình ở quê. Và họ cũng có con như con vậy…".

Thế là cậu bé ngỗ ngược ấy mới chịu ngồi cắt tóc trong sự hậm hực. "Có lẽ cậu bé ấy đã hiểu ra điều gì đó, tuần nào cũng tự đi taxi đến đây để cắt tóc mà không cần mẹ chở đi. Đặc biệt hơn, cậu bé ấy lại giao lưu, tiếp xúc với mọi người xung quanh rất cởi mở" - Anh Doanh nhớ lại.

Bên cạnh việc cắt tóc miễn phí, nhóm của anh Đỗ Đức Trọng còn thường xuyên tổ chức các buổi đi làm từ thiện, tặng quà kết hợp cắt tóc miễn phí.Điểm đến là làng trẻ Hữu Nghị, các trung tâm bảo trợ xã hội, các trại dưỡng lão.Mỗi lần đi như vậy là những kỷ niệm không thể quên với những thợ cắt tóc này.

Anh Nguyễn Việt Hà kể lại: "Có lần em vào Trung tâm khuyết tật của huyện Chương Mỹ mà không cầm được nước mắt. Các em nhỏ bị tật nguyền, ngồi cũng không vững, có khi phải cắt tóc cho các em trong thư thế nằm. Hay những em thiểu năng trí tuệ mình phải vừa dỗ dành vừa cắt tóc.Dù khá mệt nhưng mỗi chuyến đi như vậy về lòng thấy rất thanh thản".

Hay những lần nhóm được tổ chức lên trại dưỡng lão tỉnh Bắc Giang cũng để lại những kỹ niệm khó quên. Anh Doanh nhớ lại: "Lên trại dưỡng lão các cụ quý bọn em lắm. Họ toàn là những người già cô đơn, năm thì mười họa con cháu mới lên thăm. Các cụ háo hức chờ đợi bọn em lên, mọi người đều gọi bọn em là con.Có lần em ngồi cắt tóc cho một cụ ông hơn 80 tuổi, đang nói chuyện vui vẻ thì bỗng dưng cụ không nói gì, nước mắt lã chã.Cụ bảo, mấy năm rồi không được nhìn thấy con cháu.Niềm vui duy nhất của cụ lúc này là thấy các cháu đến cắt tóc, trò chuyện".

Chia tay với nhóm thợ cắt tóc vỉa hè miễn phí mà lòng chúng tôi phơi phới vui. Đôi khi làm từ thiện cũng không cần số tiền lớn, những vật phẩm có giá trị, mà nó chỉ là những niềm vui, tiếng cười thậm chí là lắng nghe người khác tâm sự.

Phong Anh
.
.
.