Sàn catwalk của những nạn nhân bị tấn công bằng axit

Chủ Nhật, 22/10/2017, 15:08
ActionAid - tổ chức từ thiện giúp đỡ nạn nhân bị tấn công bằng axit đã tổ chức chuỗi chương trình thời trang mang tên "Beauty Redefined" tại một số nơi trên thế giới.

Điều đặc biệt là những người tham gia chương trình này không sở hữu sắc đẹp của một người mẫu như chúng ta thường thấy, mà gương mặt họ bị tổn thương vì axit ở nhiều mức độ khác nhau.

"Tôi không thể thay đổi gương mặt nhưng có thể thay đổi cuộc sống"

Đại diện Tổ chức từ thiện ActionAid cho biết, chuỗi hoạt động thời trang mang tên "Beauty Redefined" (tạm dịch: Định nghĩa lại sắc đẹp) được tổ chức nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trên khắp thế giới về hàng ngàn cuộc tấn công bằng axit xảy ra mỗi năm. 

Chương trình "Beauty Redefined" đầu tiên được tổ chức tại Bangladesh vào đầu năm nay. 15 người mẫu tham gia trình diễn trong chương trình đều là nạn nhân của axit. Họ bị đối phương tấn công để trả thù nhưng tất cả đều im lặng và đối mặt với sự ám ảnh kinh hoàng trong cuộc sống.

Chương trình thời trang "Beauty Redefined" tổ chức tại Dhaka, Bangladesh vào 7-3-2017.

ActionAid đang gấp rút chuẩn bị cho chương trình "Beauty Redefined" được tổ chức tại London (Anh) vào thời gian tới. Tulip Mazumdar, một chuyên gia của ActionAid, người tham gia tổ chức chuỗi chương trình "Beauty Redefined" chia sẻ: "Chương trình đã mang lại cho tôi những cung bậc cảm xúc. Tôi đã tiếp xúc với nhiều nạn nhân của axit và nghe họ kể lại câu chuyện của cuộc đời mình. Những gì họ trải qua thực sự là điều khủng khiếp. Họ xuất hiện trên sân khấu thời trang này là kết quả của sự nỗ lực vượt qua rào cản, định kiến xã hội. Ban đầu, những người phụ nữ bày tỏ sự lo lắng. Họ nói rằng, sau khi bị tạt axit, họ không dám nhìn thẳng về phía trước. Nhưng rồi, sau một thời gian tập luyện, những người mẫu đã bắt đầu nhảy múa và tươi cười. Những phụ nữ này không chỉ là nạn nhân của axit, mà còn là những người sống sót".

Một trong những người mẫu xuất hiện trong chương trình "Beauty Redefined" ở Anh có tên là Nahar. Nahar là một phụ nữ trẻ nhưng đã trở thành nạn nhân bị tấn công bằng axit khi mới 15 tuổi. 

"Một thanh niên ngỏ lời yêu nhưng bị tôi từ chối. Anh ta tức giận ra về. Một đêm, anh ta đến nhà và ném axit vào người tôi. Tôi thấy lửa cháy bỏng rát trên mặt, trên tay. Tôi nghĩ rằng, mọi thứ đã kết thúc. Tôi không có cơ hội tiếp tục học tập, làm việc. Tôi luôn cố gắng che giấu bản thân. Tôi đeo mặt nạ mỗi khi ra ngoài đường", Nahar kể lại.

Nahar cho biết thêm, "tôi không thể thay đổi gương mặt nhưng tôi có thể thay đổi cuộc sống của mình. Đó là những gì tôi đang làm". Nahar đã học xong thạc sỹ. Cô thực sự là người đã  truyền cảm hứng cho những nạn nhân bị tấn công bằng axit. Nahar đã liên lạc, kết nối, giúp đỡ hơn 200 phụ nữ còn sống sót sau cơn bão axit.

Trang điểm cho một người mẫu trước khi diễn ra chương trình "Beauty Redefined" tại Bangladesh.

Tấn công bằng axit để lại thương tích khủng khiếp

"Tấn công bằng axit để lại thương tích khủng khiếp. Đó không chỉ là những vết thương trên thân thể, mà còn ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý. Nhiều phụ nữ đã bị tẩy chay khỏi cộng đồng. Không nhan sắc, điều đó đồng nghĩa rằng, họ không có cơ hội học tập, làm việc, kết hôn. Phần lớn nạn nhân bị thương tích do axit sống như ở ẩn tại nhà và không nhận được bất cứ sự giúp đỡ nào",  Nahar nói thêm.

Theo chuyên gia Tulip Mazumdar, ở các quốc gia thuộc khu vực Nam Á, tội phạm thường sử dụng axit tấn công phụ nữ. Hôn nhân được coi là một phần quan trọng trong cuộc đời phụ nữ ở khu vực này nên tội phạm sử dụng axit tấn công nhằm hủy hoại cuộc sống, hủy hoại sắc đẹp, lấy đi cơ hội kết hôn của họ.

Tuy nhiên, ở Anh, các băng nhóm tội phạm còn sử dụng axit để tấn công lẫn nhau, nhằm cả vào đối tượng là nam giới. Ước tính, hơn 400 vụ tấn công bằng axit đã xảy ra ở Anh từ cuối năm 2016 đến tháng 6-2017. Các cơ quan chức năng ở Anh đã đề xuất quy định nhằm giải quyết vấn đề này. 

Theo đó, hạn chế khả năng mua axit, nhất là với đối tượng thanh thiếu niên. Ở Bangladesh, quy định tương tự cũng đã được thực hiện trong hơn một thập niên, làm giảm những vụ tấn công bằng axit từ hơn 400 vụ mỗi năm xuống còn dưới 100.

Chuyên gia Tulip Mazumdar cũng nói rằng, tấn công bằng axit vẫn là hành vi bạo lực đối với phụ nữ. Để ngăn chặn những cuộc tấn công này, các tổ chức từ thiện đã có nhiều hành động tích cực. Việc cốt lõi để giải quyết vấn đề là nâng cao nhận thức cho người dân về bình đẳng giới. Cần phải thay đổi định kiến trong xã hội, phụ nữ phải được đối xử công bằng như nam giới. 

Tường Phạm (Tổng hợp)
.
.
.