Sardinia - miền đất mang “khuôn mặt khác” của Italy

Thứ Tư, 19/06/2019, 08:23
Hòn đảo Sardinia tọa lạc cách Thủ đô Rome không bao xa, là đảo lớn thứ hai ở Địa Trung Hải chỉ sau đảo Sicily, nhưng tại Sardinia luôn bao trùm thứ cảnh quan cùng tập tục khác hẳn, như thể vùng đất này chưa khi nào thuộc về đất mẹ Italy vậy.


Giới khảo cổ học Âu lục đều nhất trí coi Sardinia là địa danh cổ xưa nhất của Italy. Tuy nhiên do những biến thiên của lịch sử qua nhiều nghìn năm, người ta vẫn chưa thể xác định rõ các sắc dân đầu tiên nào đã di cư tới đây. Họ có thể có xuất xứ từ cựu lục địa Âu châu, mà cũng có thể từ lục địa Đen châu Phi… 

Riêng những chiến thuyền của người Hy Lạp cổ đại thoạt đầu chợt nhận thấy, rằng hình dáng của hòn đảo này thật giống với bàn chân con người, hay chiếc dép xăng đan đi trong nhà, do vậy mà họ gọi là đảo “Sandalion” (dép xăng đan theo tiếng Hy Lạp cổ). 

Còn nền văn minh Phoenicia cường thịnh trong giai đoạn từ năm 1550-300 trước Công nguyên (Tr.CN), đã để lại nhiều dấu ấn tại những vùng nước ven bờ đảo, lại gọi bằng cái tên “Sardah” cũng là xuất xứ chính của địa danh Sardinia bây giờ.

Hơn 1,6 triệu người Sardinia cư ngụ trên khoảng diện tích rộng gần 24 nghìn km2, không bao giờ ngộ nhận mình là dân Italy “chính hiệu”. Cả tiếng nói cũng vậy, người Sardinia có âm giọng khác xa so với dân Rome cận kề. 

Khác hẳn truyền thống sinh sống của người Italy nói chung, dân đảo Sardinia từ bao đời nay luôn coi mặt nước đại dương tiềm ẩn đầy hiểm họa, cho dù họ tồn tại giữa bốn bề đều là biển cả bao quanh. Thậm chí còn có câu ngạn ngữ: “Đừng chờ đợi điều tốt lành từ phía mặt biển”, đúc kết từ những trang sử quá khứ tang thương, bởi mọi kẻ thù đều rắp tâm tấn công lên đảo qua con đường độc nhất từ ngoài biển vào. 

Trong khi giới đô hộ mới thường chỉ thích “cắm chốt” ở những vùng nước ven bờ, thì người Sardinia bản địa cứ lùi sâu dần vào phía trong, tìm sự chở che an toàn sau những dãy núi hiểm trở. 

Một sự thật nữa là trong suốt nhiều thế kỷ nay, dân chúng Sardinia chỉ chuyên tâm với công việc trồng trọt và chăn nuôi, không bao giờ “mơ màng” tới việc đánh bắt hải sản ngoài đại dương. Cho đến tận ngày nay vẫn vậy, âu cũng phần nào lý giải lối sống thận trọng trước họa ngoại xâm luôn rình rập chiếm cứ quê hương họ.

Vị trí đảo tự trị Sardinia trên bản đồ Italy.

Olbia là thị trấn lớn nhất phía đông bắc đảo thường rất đỗi hiu quạnh, chỉ nhộn nhạo lên chút ít khi có một con tàu nào đó sắp cập bờ hay rời bến, chở khách đi lại giữa Sardinia với đất liền. 

Vậy người Olbia sống bằng gì? Chủ yếu nhờ vào phong cảnh thiên nhiên “trời cho” vô cùng phong phú - y như với toàn đảo vậy: những bãi tắm tuyệt đẹp, bầu trời cao lồng lộng xanh thẳm, nước biển trong suốt tinh khiết như pha lê…

 Chính vậy mà ngay từ thập niên 20 thế kỷ trước, du lịch là nguồn thu nhập đáng kể nhất trong nền kinh tế của Sardinia. Thứ đến là nghề làm muối, huy động lượng diêm dân đông đảo trong những tháng hè khô hạn. Những đồng muối lớn nhất nằm về phía nam đảo, bao quanh thành phố thủ phủ Cagliari. 

Người Sardinia cung cấp tới 50% lượng muối ăn cần dùng thường niên cho toàn bộ dân số Italy. Ngoài ra là nhiều nguồn khoáng sản ẩn dưới lòng đất như than đá, lưu huỳnh, antimony và bạc, từng được khai thác với quy mô nhỏ từ thời Trung cổ.

Còn sự giàu có đáng nể về tinh thần của Sardinia chính là các công trình văn hóa kỳ vĩ, tiềm ẩn những giá trị khảo cổ lớn lao. Ngay từ 2000 năm Tr.CN, nhiều quần thể lăng tẩm đã đựợc dựng lên trên các vách đá cheo leo giữa lòng đảo. 

Nhưng đáng nói hơn cả là những ngọn tháp cự thạch dạng “ống” cao từ 10-25m, được dựng bằng đá núi mà không cần vật liệu kết dính, vẫn cứ ngang nhiên tồn tại từ thế kỷ XV Tr.CN đến nay, một bằng chứng hùng hồn về sự tinh thông của giới thợ xây cổ đại. 

Theo thuật ngữ chuyên ngành thông dụng, trường phái kiến trúc Nuraghe dựa trên kiểu tháp ống khởi sự từ Sardinia. Cho tới ngày nay vẫn còn lưu giữ được chừng 7 nghìn ngọn tháp ống như vậy. 

Ngoài ra, cư dân đảo Sardinia thường rất đỗi tự hào về người đồng hương Grazia Deledda (1871-1936), nữ văn sĩ Italy nổi tiếng từng đoạt giải Nobel Văn học của năm 1926; cũng như với người anh hùng dân tộc Giuseppe Garibaldi (1807-1882) quê gốc ở Sardinia, một trong những tên tuổi tiêu biểu cho lịch sử đấu tranh giành độc lập của Nhà nước Italy vào giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX, người có vinh dự được đặt tên cho chiếc tàu sân bay duy nhất của Hải quân Italy.

Bất chấp mức độ giàu có cố hữu cả về tinh thần lẫn vật chất, hòn đảo tự trị Sardinia vẫn luôn bị coi là một trong những vùng nghèo khó nhất và dễ bị quên lãng trong chính giới Italy, chủ yếu là do sự “cứng cổ” - theo tập tục muôn đời của cư dân trên đảo. 

“Người dân khăng khăng cự tuyệt mọi thứ, từ việc cơ giới hóa nông nghiệp đến mạng lưới cung cấp nước sinh hoạt tiện dụng… - một quan chức cao cấp ẩn danh thuộc chính quyền vùng Sardinia cho biết - Cho dù làn sóng du khách đổ tới Sardinia ngày càng đông, tự thân dân bản địa chính gốc lại hoặc là lùi sâu hơn nữa vào bên trong lòng đảo, hoặc là ra nước ngoài định cư nhằm duy trì nếp sống ngàn đời của cha ông. 

Trong những năm gần đây, thậm chí người ta còn phát hiện ra một vài nhóm dân Sardinia trên các triền núi cao, cùng lối sống y như thời… tiền Trung cổ. Lẽ đương nhiên, không một lời thỉnh cầu nào có thể làm lay chuyển lối sống tập quần bao đời nay đã ăn sâu bén rễ trong họ”. 

Trần Quang Long
.
.
.