Sir Alex Ferguson: Phía sau tấm áo choàng là quyền lực

Thứ Tư, 26/06/2013, 14:20

Suốt cả tuần qua, thế giới rúng động vì lời chia tay của ông. Một tượng đài vĩnh cửu của bóng đá. Một hình ảnh đầy quyền năng, đủ sức làm thay đổi mọi chân lý. Gương mặt ngài Alex Ferguson luôn nhẹ nhõm, gần gụi và có phần chất phác. Nhưng trong một thế giới đầy bất trắc, quyền lực không thể có được với gương mặt ủy mị. Sir Alex cũng vậy!

1. Bức tượng tôn vinh Ferguson đặt bên ngoài sân Old Trafford, ông mặc chiếc áo choàng nổi tiếng, tay khoanh lại, gương mặt cương nghị khác hẳn với bức tượng HLV huyền thoại khác của Man Utd, cách bức tượng của Ferguson vài trăm mét. Bức tượng Sir Matt Busby cầm trái bóng, tay chống nạnh đầy thư thái, với một nụ cười nhẹ. Đó là hai hình ảnh trái ngược lạ lùng liên quan đến cả một giai đoạn lịch sử.

Thời của Busby là một giai đoạn chông gai, khốc liệt và đầy biến cố, gắn liền với tấn bi kịch Munich, vụ rơi máy bay thảm khốc giết chết 8 cầu thủ tài năng trong thế hệ lừng danh mang tên "Busby Babes" (những đứa trẻ của Busby). Còn thời của Ferguson là một triều đại 27 năm thành công rực rỡ, một giai đoạn vàng son với những chiến tích huy hoàng kéo dài từ năm này sang năm khác.

Vậy tại sao lại có sự khác biệt như vậy? Dường như đó mới là hình ảnh phản ánh chính xác tính cách của 2 tượng đài. Sir Matt Busby làm sống lại một đội bóng chìm trong tang tóc bằng sự lạc quan, bằng câu nói nổi tiếng trên giường bệnh: "Dù sao ngọn cờ Man Utd vẫn phải bay cao!". Còn Sir Alex đưa đội bóng lên đỉnh cao danh vọng bằng cá tính và quyền uy được phủ kín trong lớp áo choàng xám đầy bí hiểm.

Từ khi đến Man Utd, Ferguson điều khiển mọi chuyện theo cách riêng của mình, chẳng theo bất kỳ quy tắc nào. Sir Alex chu đáo, tỉ mỉ, để ý đến từng chi tiết. Cá tính ấy mạnh đến mức đưa ông xía vào mọi vấn đề liên quan đến những gì dính dáng đến đội bóng, có thể kéo sập cả tòa biệt thự của ai đó dám hỗn láo, dám đối mặt với ông. Thứ quyền năng đáng sợ đó được bồi đắp suốt hơn 1/4 thế kỷ, kéo dài theo từng thời kỳ, từng thế hệ ngôi sao đã ở Old Trafford.

2. Trận gặp Swansea tại vòng 37 Premiership cuối tuần trước là ngày Sir Alex chia tay Old Trafford. Ông có bài phát biểu xúc động, tỉ mỉ, cảm ơn từng người, không quên nhắc đến cả những cầu thủ chấn thương không thi đấu.

Nhưng sau đó 30 phút thôi, ông không quên tuyên bố với báo chí rằng: Rooney không được thi đấu ở trận này vì đã bày tỏ ý định ra đi, và Rooney sẽ toại nguyện. Trước khi rời ghế, Ferguson không quên dành một cái tát trực diện cho ngôi sao của Quỷ đỏ. Nó nối tiếp câu chuyện ông đã "xử" Rooney như thế nào từ 2 năm trước, khi tiền đạo này đòi tăng lương.

Khi đó, người tuyên bố Rooney bị "khủng hoảng tâm lý" là Fergie. Người nói Rooney không còn chỗ ở Man Utd nữa là Fergie. Người khẳng định Rooney sẽ ở lại vẫn là Fergie. Và người hào hứng thông báo về hợp đồng mới với Rooney cũng là Fergie. Rút cuộc, điều tiếng về một gã chẳng ra gì được gán cho Rooney, dù rằng thực tế, anh chưa bao giờ "đủ tuổi" để chơi trò đe nẹt, hù dọa với ông chủ Man Utd.

Fergie hồ hởi với hợp đồng giữ chân Rooney, nhưng ông nhanh chóng mang về Van Persie thế chỗ, đưa gã Shrek vào vai của người làm nền cho tân binh Hà Lan tỏa sáng. Đến nỗi chỉ sau 1 mùa giải, Rooney công khai tuyên bố muốn biến khỏi Old Trafford. Sir Alex lại dàn dựng nên một kịch bản cầu kỳ, chi tiết có lợi cho ông, cho CLB, có diễn tiến câu chuyện hoàn mỹ, chỉ có cái kết bỗng nhiên quay ngoắt đầy bi kịch cho nhân vật chính. Đó là cách ông xây dựng vị thế vô song ở Man Utd trong suốt 27 năm, với rất nhiều tác phẩm có hồi kết tương tự, chỉ khác ở diễn biến cốt chuyện…

3. Một ngày đẹp trời đầu năm 1993, Ferguson ra tận sân bay đón Roy Keane, một tài năng của Nottingham Forest. Ông đích thân lái xe đưa Keane về nhà. Nói chuyện hồi lâu, Fergie nổi hứng mời cầu thủ trẻ chơi một ván billard. Trong cuốn tự truyện của mình, Keane viết: "Ông ấy chơi cừ lắm, nhưng tôi cũng chẳng tệ cái môn này.

Nhìn cách ông ấy chơi, cách ông ấy nhìn tôi, cách ông ấy nói chuyện, tôi quyết định sẽ thua". Ngay trong cuộc chơi, Fergie cũng biến người đối diện phải tự chấp nhận thua cuộc. Thất bại trong ván billard ngày ấy trở thành thất bại của Keane trong cả cuộc đời, mỗi khi đối mặt Fergie.

Roy Keane được Fergie coi là mẫu cầu thủ hoàn hảo, nhưng khi ở "đỉnh cao uy tín", Keane "dính đòn" của Fergie. Năm 2002, khi Ferguson lần đầu tuyên bố nghỉ hưu, bỗng dưng có tin đồn Roy Keane nổi lên như người có tiềm năng thay thế. Ngay lập tức, Ferguson họp đội.

Những khuôn mặt ủ rũ, những tràng pháo tay lẹt đẹt, chờ đợi Fergie phát biểu chia tay. Nhưng ngày hôm đó không có lời chào nào cả. Thay vào đó là bài giáo huấn đầy bực bội, thậm chí có vài ba câu chửi thề. Ba hôm sau, Sir Alex khẳng định sẽ ở lại. Và Roy Keane trở thành mục tiêu.

Roy Keane.

Trong chuyến tập huấn tại Bồ Đào Nha hè 2005, Keane lớn tiếng chê bai BLĐ Man Utd đã tổ chức chuyến đi quá tệ. Dù ở resort 5 sao nhưng cơ sở vật chất không đạt yêu cầu, sinh hoạt không đáp ứng được với tầm vóc đội bóng. Fergie im lặng. Ba tháng sau, Keane lại được thể chỉ trích đồng đội kịch liệt với thất bại 1/4 trước Middlesbrough. Chỉ 15 ngay sau, Keane nhận được thỏa thuận cho phép ra đi, với một bảng danh vị công nhận 12 năm rưỡi đóng góp cho CLB!

Thời Ferguson, không chỉ có Keane mà rất nhiều ngôi sao đang ở độ chín đã ra đi mà không ai biết lý do. Mark Hughes, Andrey Kanchelskis, Jaap Stam, Paul Ince, Gabriel Heinze… là những người như thế. Mãi về sau này người ta mới lờ mờ hiểu ra sự thật. Stam bị đẩy đi vì những tiết lộ quá trớn trong cuốn tự truyện xuất bản năm 2001. Paul Ince bị bán cho Inter năm 1995, với lý do Ince đã chơi tệ trong trận thua 0-4 trước Barca lại còn vặc lại Ferguson trong phòng thay đồ. Heinze phải bán xới sang Real… Và "vụ án" nổi tiếng nhất mà ai cũng biết là vụ "chiếc giày bay" mà Fergie tặng cho Beckham, sau cú sút chuẩn xác đến kinh ngạc làm rách mí mắt trái thần tượng của nước Anh.

Sự thật là những rắc rối đã đến với Beckham ngay từ khi chuyển mình thành một ngôi sao, và tự cho mình cái quyền thể hiện vị thế thống trị ở Man Utd. Beckham khiến Fergie nhiều phen nóng mặt và Fergie bán Beckham cho Real Madrid để nhận 25 triệu bảng…

4. Quyền lực không tự dưng đến. Quyền lực cũng không thể tạo ra với một bộ mặt hiền lành, ủy mị. Sir Alex xây dựng Man Utd bằng tình cảm, luôn gần gũi cầu thủ, tận tình, chu đáo với mọi người, nhưng lại dựa trên sự độc đoán với nguyên tắc rõ ràng của một ông trùm.

Ông có thể không tha cho những ai giỡn mặt mình, nhưng lại có thể tha thứ, tin dùng và làm bạn với cầu thủ đã đấm giữa mặt ông (McDougall). Ông có thể đá rách mắt Beckham, đẩy hàng loạt ngôi sao khỏi Man Utd, nhưng mọi nạn nhân của Sir Alex xưa nay đều phải kính nể, thừa nhận Fergie là nhà chiến lược bậc thầy ở mọi khía cạnh, với quy tắc kinh điển: "quy tắc Sir Alex".

Tuy nhiên, khen Fergie mãi cũng chẳng hết lời. Cần phải nghe Roy Keane nói, một câu nói cũng đáng để suy ngẫm: "Ferguson là HLV vĩ đại. Nhưng nếu không có những cầu thủ như chúng tôi, liệu ông ấy có thể trở nên vĩ đại?"!

Jaap Stam bị bán ở... trạm xăng

Tháng 11/2012 khi đã 40 tuổi, hậu vệ nổi tiếng một thời, Jaap Stam mới tiết lộ câu chuyện về việc anh bị Sir Alex bán sang Lazio năm 2001.

"Một buổi sáng, sau khi rời sân tập, đang trên ôtô thì tôi nhận được cuộc điện thoại từ cô thư ký của Ferguson. Cô ta bảo ông ấy đang muốn nói chuyện với tôi. Ferguson chỉ nói: Anh đang ở đâu? Tôi trả lời: Tôi đang ở gần nhà mình, tại trạm xăng. Bằng giọng lạnh lẽo, ông bảo: Chờ đó! Vài phút sau Ferguson gặp tôi ở trạm xăng và nói: Anh vui lòng chuyển sang Lazio một cách nhanh chóng chứ? Tôi không nói được gì ngoài câu đồng ý!".

Một cuộc nói chuyện chóng vánh ở trạm xăng. Bản hợp đồng hoàn tất với mức giá kỷ lục 15,3 triệu bảng.  

Ferguson từng bị ăn đấm như thế nào?

Người duy nhất đấm Ferguson là tiền đạo Frank McDougall của Aberdeen (Scotland), khi Ferguson còn dẫn dắt CLB này (1978 đến 1986).

McDougall kể lại trong cuốn tự truyện: "Fergie bước vào phòng thay đồ, mặt đỏ hơn thường lệ. Ông ấy vẫn tức vì trận hòa Hearts (1 - 1) mấy hôm trước. Ferguson nhằm mặt tôi quát lên vô cùng giận dữ. Tôi chỉ lo ông ấy phát hiện ra mùi bia mà tôi uống đêm hôm trước. Tôi cố giữ bình tĩnh, nhai kẹo cao su cho át mùi. Nhưng ông ấy chẳng quan tâm đến mùi bia mà chỉ chửi té tát như thể ở đó chỉ có 2 người.

Tôi dành rất nhiều sự tôn trọng cho Ferguson, nhưng trong trường hợp này tôi đã phản xạ theo bản năng. Một cú đấm vào mặt khiến ông ấy ngã xuống. Tôi định chạy lại đỡ thì thình lình Ferguson đứng bật dậy… chửi tiếp và trước khi bỏ đi còn ném lại một câu: "Biến đi. Cậu hết đời rồi!".

Cả tuần sau, tôi sợ hãi, tránh né Ferguson, kiểm tra mọi ngóc ngách để đảm bảo không giáp mặt ông ấy.

Nhưng cũng chẳng tránh mãi được. Khi đó, tôi chỉ lúng búng nói lời xin lỗi. Nhưng ông ấy nói: "Hãy làm điều đó trên sân!". Sự hòa giải nhẹ nhàng đến bất ngờ. Fergie rộng lượng hơn tôi nghĩ. Bị phạt 2 tuần lương, nhưng tôi có một người bạn và cả một công việc nữa!".

Lê Giang
.
.
.