Sợ mưa hơn sợ chết

Thứ Tư, 04/11/2015, 08:26
Hơn 2h chiều cuối tháng 10, một số người đi xe máy vào hầm Kim Liên đột ngột dừng đỗ mặc áo mưa, thì bị xe bus tông vào làm đổ một số xe máy. Nhiều người hoảng loạn tháo chạy và may mắn không có thiệt hại sinh mạng. Như vậy là họ vẫn còn cơ hội sửa chữa sai lầm. Nhưng có chịu sửa hay không thì lại là chuyện khác.
Các nhà lý sự lại phán. Có người phang "mấy ông xe buýt chạy cứ như là đường của nhà mình. Trời mưa gió đến ngã tư, đường hầm thì mấy ông chạy chậm đi một chút đã làm sao. Nhiều người đang dừng xe để mặc áo mưa chứ có phải một hai người đâu mà bảo là ít không nhìn thấy".

Không ít người nói lần này, xe bus không phải là hung thần. Phần còn lại vẫn cho rằng xe bus đâm trúng xe máy là xe bus sai. Cái phanh sinh ra để làm gì?

Tình trạng này không chỉ ở Hà Nội, ngay cả TP Hồ Chí Minh, nơi ý thức giao thông khá hơn thì dân vẫn dừng đỗ thản nhiên trú mưa tràn nghẽn lối ở cầu vượt Hàng Xanh, đại lộ Võ Văn Kiệt khúc cầu vượt ngã 4 Thủ Đức, cầu vượt Cát Lái…

Minh họa: Tả Từ.

Sợ mưa hơn sợ chết, đúng là những anh hùng thời sến sẩm. Hầm Thủ Thiêm hiện đại thế mà người ta cũng sẵn sàng dừng cả đám. Nếu xảy cháy thì to chuyện hơn nhiều. Người bênh thì lý luận cũng không vừa: "Thế mưa người ta không được quyền dừng lại mặc áo mưa à? Nói thì dễ, nhưng gặp hoàn cảnh đó ai cũng vậy thôi".

Người phê phán thì rằng: "Cứ theo luật mà xử. Bắt xe máy bồi thường cho xe bus. Cho chừa cái tật sợ mưa."

"Tôi chọn thà bị ướt chứ nhất định không chịu "hy sinh" tính mạng".

"Tham gia giao thông thế kỷ 21 mà như đi trong rừng. Hãy ở nhà đi. Ý thức kém thì không nên ra đường với bất kỳ phương tiện nào".

Có lần người viết bài này sắp đi vào hầm Kim Liên thì thấy khoảng 20 xe máy đi ngược chiều dội lại, sợ quá vội rẽ đi đường ngoài cho lành. Chỉ vài hôm sau thì có tin một thanh niên phóng xe máy Wave ngược chiều tốc độ cao va vào một thanh niên đi xe SH khiến người đi SH chết oan.

Các nước gần xa không có khái niệm sử dụng sai công năng, sai chỗ. Đơn giản như việc dừng đỗ, nếu sai là phạt không hề nhẹ. Vì thế tài xế luôn phải đi lòng vòng tìm chỗ. Những điểm đỗ ở trung tâm cũng không được đỗ thoải mái mà hạn chế trong khoảng thời gian tương ứng số tiền không nhỏ tý nào. Vì thế, xe buộc phải ở trạng thái lưu thông là chính. Kết quả là đường xá rất ít khi tắc nghẽn mặc dù có chỗ đường của họ nhỏ hơn ta. Nếu ta áp dụng quy định thu tiền chỗ đỗ thì sẽ được số tiền khổng lồ bù vào ngân sách.

Ở ta ôtô đỗ rất vô trách nhiệm. Chẳng kiện được ai nên người dân nghĩ ra trò chơi khăm tài xế. Họ viết lên xe bằng đủ thứ bút khó tẩy như dạ kính, bút phủ văn phòng. Nội dung thì từ lịch sự đến xúc phạm: "Người khác ra đường nào?", "Ông làm phiền tôi đấy", "Đỗ như con bò"…

Xứ Tây văn minh mà đôi khi họ nổi "thú tính" đến nỗi chọc thủng lốp xe hoặc đập vỡ đèn đấy. Xứ ta thật nhân ái. Chủ xe sau đó mắm môi mắm lợi tìm cách cạo mực bút phủ hoặc tẩy mực dạ kính. Chả biết có thẹn không.

Đã thành quy luật. Cấm cái gì thì làm cái đó. Cấm họp chợ thì người ta họp chợ; Vỉa hè dành cho đi bộ thì người ta chiếm hết để bán bia; Sân nhà hàng xóm thì là bãi rác và nơi vứt chuột chết của nhà láng giềng; Ngõ hẹp là nơi đám đông xúm xít tâm sự; Hành lang chung cư là nơi người ta rải chiếu bầy cỗ đánh chén; Nơi cần yên lặng thì người ta một hai ba dzô!...

Sự không đúng chỗ, đúng lúc khắp nơi. Đi xe máy hay đi bộ ra đường không phải để tới đích an toàn mà để gọi điện thoại. Ngồi trên bồn cầu đại tiện toilet cơ quan nhiều khi cũng không tập trung vào chuyên môn mà không ngừng oang oang chỉ đạo quân lính làm việc nọ báo cáo việc kia. Khi họp hành thì cả đơn vị ngồi nghiêm trang nhưng mỗi người thì tay chơi game, tay thì nhắn tin không nghỉ…

Còn bạn, bạn đã bao giờ sợ mưa hơn sợ chết chưa?

Lê Tâm
.
.
.