Không có gì mà ầm ĩ cả

Sợi dây cách ly

Thứ Năm, 29/09/2016, 15:54
Sáng 23-9, người dân lưu thông trên cầu Nhật Tân phát hiện một người đàn ông áo sẫm màu bất tỉnh ở chân cầu, cách mặt cầu khoảng 20m. Trên cầu có chiếc ôtô taxi 4 chỗ có biểu hiện hư hỏng một số bộ phận, bên trong xe bị xáo trộn. Các phóng viên đã tới đây nắm thông tin. Trong quá trình tác nghiệp, PV Quang Thế (Báo Tuổi trẻ) bị một số người mặc thường phục trục xuất bằng ngôn ngữ và cơ bắp.

Ngay chiều 23-9, Thượng tá Phạm Nam Thắng - Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Đông Anh đã đến làm việc với Văn phòng đại diện Báo Tuổi trẻ. Tại buổi làm việc, Thượng tá Thắng thừa nhận cán bộ chiến sĩ của đơn vị đã có "thái độ không đúng" và cho rằng đây là sự việc rất đáng tiếc.

Thượng tá Thắng thay mặt Công an huyện Đông Anh gửi lời xin lỗi tới Báo Tuổi trẻ và PV Quang Thế. Câu chuyện được mở ra và kết thúc nhanh trong một ngày. Những hành xử vượt qua mực thước đã được người trong cuộc điều chỉnh.

Tuy vậy, việc clip khẩu chiến giữa phóng viên và những người bảo vệ hiện trường đưa trên mạng đã làm nhiều người xem và có nhiều cách lý giải khác nhau. Người bất bình thì cho rằng dùng cơ bắp là không chấp nhận được. Người khác cho rằng áp lực công việc sẽ khiến người ta dễ nổi nóng. Cho dù nói việc nổi nóng do áp lực công việc cũng không đủ để thông cảm. Sợi dây kinh nghiệm còn phải rút dài thêm nữa.

Minh họa: Lê Tâm.

Việc đưa tin có giới hạn nào không là một việc cần xác định. Với vụ trên, điều đầu tiên nó là một nghi án về hiện trường giả chứ chưa thể xác định là một vụ tự tử. Trong quá trình tiếp cận hiện trường, việc phong tỏa hiện trường, bảo vệ dấu vết là tối quan trọng, đừng ai xem thường. Tiếp cận đầu tiên phải là cán bộ điều tra, cán bộ pháp y.

Những người đầu tiên được phép chụp ảnh, quay phim và giữ bí mật chính là các cán bộ điều tra, pháp y chứ không phải cơ quan truyền thông. Đây là những lực lượng làm nhiệm vụ đương nhiên và mọi lực lượng khác phải tạo điều kiện cho lực lượng này thi hành nhiệm vụ. Dù lý luận thế nào thì cơ quan truyền thông không thể có ưu tiên trên cơ quan điều tra. Nhưng bảo vệ hiện trường cũng phải chuyên nghiệp bài bản.

Một Facebooker viết: Đôi co lý luận giữa lúc người ta đang làm nhiệm vụ là không chuyên nghiệp. Đội hình sự và những người trợ giúp bảo vệ hiện trường cũng không chuyên nghiệp. Cách xưng hô không chuyên nghiệp. Anh Công an xã thì xưng em. Một số Cảnh sát mặc sắc phục thì dùng ngôn ngữ hòa nhã thiếu kiên quyết.

Tương tự thế này, Cảnh sát một số nước khác làm đơn giản hơn. Để lực lượng điều tra làm việc, họ có sợi dây cách ly màu vàng khoanh vùng. Các nhà báo, nhà đài được quyền tác nghiệp quay chụp thoải mái bên ngoài dây cách ly. Nếu ai vi phạm thì sẽ bị khống chế và trục xuất khỏi hiện trường nhanh chóng. Người thi hành công vụ không đôi co mà chỉ dặn người bị khống chế là có quyền im lặng. Nói gì thì để dành ra tòa phân xử.

Cái sợi dây cách ly màu vàng ấy vô cùng mỏng mảnh nhưng có quyền lực thực sự, không mấy ai dám vượt qua.

Xem clip trên cầu Nhật Tân thì thấy việc cách ly chỉ là "Sợi dây vô hình" bằng hiệu lệnh mồm và xô đẩy.

Còn bạn. Bạn có dám vượt rào vào nhà xưởng người khác và đòi hỏi bảo vệ phải cư xử nhã nhặn với mình không?

Lê Tâm
.
.
.