Sông Hậu, mùa cá linh về

Chủ Nhật, 18/10/2015, 08:00
Làm báo, viết văn sướng nhất là định viết một cái gì thì bắt được những chi tiết “độc” cho chủ đề đó. Chuyến công tác vào công trường xây dựng cầu Vàm Cống kì này, thật tình cờ tôi liên tiếp gặp được những chi tiết thuộc hàng độc.

1. Thoạt kì thủy ngay từ khi ngồi trong phòng Đỗ Hưng-Chánh văn phòng Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1) đã thấy anh chàng điển trai, đang độ tuổi thanh niên nhanh nhẹn, ưa hài hước này liên tiếp nói qua điện thoại về việc Cienco1 được đề cử hai công trình nổi tiếng của mình là cầu Rạch Miễu (bắc qua sông Tiền) và cầu Rồng (qua sông Hàn Đà Nẵng) vào danh sách các công trình đề nghị xét giải thưởng Hồ Chí Minh.

Cầu Mỹ Thuận do Úc tài trợ, thiết kế, cầu Cần Thơ do Nhật thiết kế và thi công. Còn cầu Rạch Miễu, cây cầu dây văng thứ ba ở đồng bằng sông Cửu Long nối Thành phố Tiền Giang với Bến Tre lại là hoàn toàn do tinh thần tự lực cánh sinh của dân thợ cầu Việt Nam từ thiết kế, giám sát đến thi công. Cầu khởi công năm 2002 và kết thúc vào năm 2009 là giai đoạn nền kinh tế nước ta đang ở độ trũng mà hết thảy không kém gì hai cầu có yếu tố ngoại trợ giúp. 

Tôi còn nhớ, lần gặp anh Ba Be Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre ở khách sạn Hà Nội cùng anh Phạm Quang Tuyến, Thứ trưởng Bộ GTVT ngay năm đầu của thế kỉ 21, anh Ba không giấu nổi băn khoăn. Trong chiến tranh thì thôi khỏi nói, nhắc đến tỉnh dừa này là nhắc đến đồng khởi. Còn nay, về tiềm năng thì Bến Tre cũng có kém tỉnh nào ở vùng đồng bằng sông Cửu Long nhưng nó lại là một hòn đảo cô lập, tách rời nên tiềm năng mấy cũng chịu. 

Chiếc cầu nối Bến Tre với các tỉnh sẽ như chiếc khóa vạn nặng mở bung cho tiềm năng Bến Tre phát lộ. Nhưng mới tính sơ sơ thấy số tiền xây cầu cần ngót 2000 tỷ đồng là quá lớn. Nên chăng cố xây cầu từ Châu Thanh ra cồn Thới Sơn giữa sông Tiền rồi thêm chặng phà nữa. Nếu làm vậy thì vẫn ngày đường gang nước. Đã làm thì thắt lưng buộc bụng rốn mà làm vậy. 

Trong thời gian xây dựng cầu Rạch Miễu, việc đứt lương tháng của thợ cầu là chuyện thường. Thiếu thốn đến độ có lần công nhân làm reo bỏ việc, may sao chàng giám đốc dự án (tên của chàng sẽ được biết phần sau vì là nhân vật chính của thiên ghi chép) mới ngoài ba mươi đã thuyết phục anh em công nhân bằng lời động viên chân tình: “Mình xây xong cầu này dân Bến Tre mỗi người cầu cho anh em mình thọ thêm ba phút mà gần năm triệu dân thì phúc đức đến thế nào”. 

“Thương con, ngon của”, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Bến Tre coi thợ cầu như người thân yêu. Lo gạo, lo lương, rồi tết năm, rằm bảy, người thợ cầu nào đi phép về nhà đều có quà của tỉnh Bến Tre gửi theo. Nghĩa tình của tỉnh dừa với người thợ cầu gắn bó đến độ, chàng giám đốc dự án hơn mươi năm sau mới cưới vợ, Bí thư Ba Be đã về hưu thôi giữ chức bí thư tỉnh vẫn vượt qua hơn hai ngàn cây số ra dự đám cưới anh trong một tối mưa dầm của Hà Nội…

Còn cầu Rồng, có hình dáng đẹp, với trình độ thi công tài hoa nhất Việt Nam từng được đưa vào sách ghi nét của thế giới. Một chiếc cầu làm thành phố Đà Nẵng đẹp thêm, tráng lệ thêm và cũng làm tên tuổi vị Bí thư  Đà Nẵng một thời thêm một lần được khẳng định khi ông quyết làm “Đà Nẵng trở thành một thành phố đáng sống”. 

Quá trình xây dựng chiếc cầu này trải qua không ít cam go và nó chỉ được thông đồng bén giọt vì một nghị lực, một sự sáng tạo, một sự vững vàng về tay nghề và sự quyết đoán. Con người thể hiện được những đức tính ấy góp công lớn cho việc xây dựng cầu Rồng vượt qua những cam go vẫn là nhân vật chính của thiên ghi chép này. 

Trước khi bắt tay vào xây dựng cầu Rồng, người Trung Quốc đã mời đòan cán bộ thi công cầu sang tham quan để hiểu trình độ thi công cầu của Trung Quốc. Cầu Rồng mang dáng rồng là cả một sự thách thức đối với thợ cầu Cienco1- mặc dù họ đã làm vài trăm cây cầu lớn nhỏ, với yêu cầu kĩ, mỹ thuật từ thấp đến cao. 

Dòng sông Hàn nối liền với biển, mưa lũ thất thường. Chậm một ngày là chậm hàng tháng, hàng năm… Vậy mà lúc căng thẳng, thử thách nhất, với sự góp sức, góp trí tuệ của nhân vật chính mà tôi sắp kể sau đây, cầu Rồng đã về đích đúng thời hạn để hiện ra hình dáng uy nghi của con rồng vàng bay qua sông Hàn biểu tượng cho một Đà Nẵng vươn mình từ ao nhà bay ra biển mênh mông…

2. Ngay tối đầu tiên ăn với anh em cán bộ công nhân tại công trường xây dựng cầu Vàm Cống, tôi chợt nhặt được hai chi tiết độc nữa. Tối đó là 10 tháng 9, đúng là ngày mà cách đây hai năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bấm nút ra lệnh khởi công xây cầu Vàm Cống. Tiếng động của xe, của cần cẩu, trạm trộn, của dân đôi bờ rộ lên làm xôn xao cả bông lục bình đang trôi ngan ngát trên mặt sông Hậu. 

Chi tiết thứ hai đời thường mà quyến rũ hơn đối với dân cầm bút làm báo, viết văn ấy là mùa cá linh duy nhất trong năm đã về. Trên bàn bữa ăn công trường tối tôi có may mắn được dự, anh em công nhân đã mời tôi nồi lẩu cá linh. Trong lòng chiếc đĩa trắng xoá đặt những con cá linh trắng tinh nổi bật bên bông điên điển vàng rực. 

Tôi vốn dân ven sông nên thoạt nhìn cá linh cứ thấy quen quen vì nó giống như cá mương sông Hồng quê tôi nhưng nhìn kĩ thấy nó tròn, mập mạp và lại thuộc dòng cá chép. Nghe nói cá linh có nguồn gốc từ Biển Hồ bên Campuchia, vì thế nên tên nguyên thủy của nó là treey rial. Còn vì sao sang đến đất Việt lại mang tên như vậy thì có tích của nó. 

Tích này gắn liền với chuyện Chúa Nguyễn Ánh khi bị nhà Tây Sơn đuổi đến Vàm Nao- con sông nối Tiền Giang và Hậu Giang ở An Giang, thấy con cá trắng nhỏ nhảy vào thuyền, Chúa cho là điềm báo bèn không cho thuyền đi tiếp. Sau mới biết quân Tây Sơn đã mai phục tại Thủ Diễn Sai, chợ Thủ, Cù lao Giêng thuộc vùng Chợ Mới. Vì thế nên Nguyễn Ánh mới đặt tên loài cá cứu mệnh đó là cá linh. 

Vào mùa tháng 5 âm lịch, từ Biển Hồ hàng triệu triệu con cá linh mới sinh như bọt nước theo dòng phù sa trôi xuống bơi qua những con rạch, con kênh nhỏ vừa lớn. Vào tháng 8 ta khi tràn vào sông Hậu thì cá linh đã bằng ngón tay út đi thành đàn, thành mảng làm xanh cả mặt sông. Cũng lúc đó gió hanh heo đã về, người dân nghèo phong phanh áo mỏng ra vớt cá linh- quà tặng của thiên nhiên trù phú dành cho người nghèo. 

Những ngày đầu mùa chính là lúc cá linh ngon nhất vì xương còn mềm, bụng còn mỡ béo ngậy. Người ta tha hồ vớt cá linh để nướng, để làm lẩu, để làm mắm, đầu ruột con cá làm dầu thắp đèn. Chỉ hơn tháng sau, con cá to bằng ngón tay cái thì xương cá linh đã cứng, thịt đã nhạt…

Người ngồi cạnh tôi trong bữa cá linh đầu mùa tối ấy là nhân vật chính của ghi chép này. Anh tên là Nguyễn Duy Thắng, người đã từng làm giám đốc dự án cầu Rạch Miễu. Hồi cầu Rồng thi công, Thắng là trưởng phòng kĩ thuật của Cienco1, nhưng vị trưởng phòng này không ngồi trong phòng máy lạnh ở trụ sở ngoài Hà Nội mà lại đảm đương chỉ đạo kĩ thuật và cũng là tác giả phương pháp thi công lắp những đốt rồng trên cầu Rồng trong giai đoạn quyết định sự thành bại của việc xây dựng cây cầu vượt qua sông Hàn. 

Mối quan hệ của chúng tôi thêm thân thiết khi Thắng biết anh cùng năm sinh, tháng đẻ với con trai lớn của tôi. Mỗi khi giáp mặt, chuyện trò Thắng gọi tôi bằng bố và chia sẻ nhiều tâm sự về nghề, về đời. Lần gặp này tôi càng nhận ra, chàng giám đốc dự án, đang đảm đương vai trò Phó TGĐ Cienco1 này ngoài sự say mê, trăn trở với nghề đến độ suýt quên cả lấy vợ nếu không có bố mẹ, bạn bè nhắc nhở. 

Anh còn là một chàng trai ham hiểu biết. Khi mới ngoài 40 tuổi chỉ bằng con đường tự học cộng thêm một chút năng khiếu gia truyền (ông nội Thắng là một nhà nho nức tiếng Phủ Ứng Hòa cũ) nên Thắng đã nắm thành thạo chữ nho cổ. Đủ để đọc toàn bộ gia tài thư tịch cổ lưu truyền từ thời ông nội để lại. Vì thế nói chuyện với Thắng tôi nhận ra sự uyên thâm kiến thức của anh gắn liền với loại chữ cực kì khó học, khó nắm kia. Có thể vì thế nên anh luôn tâm niệm “cuộc đời tiến hay lui đều do cái tâm và khả năng của con người tạo nên. Cốt sao cứ theo chữ tâm chữ trung mà sống…”.

3. Quê Thắng ở xã Sơn Công huyện Ứng Hoà, Hà Tây cũ. Anh tốt nghiệp ngành cầu hầm của trường Đại học GTVT Hà Nội năm 1997. Điều may mắn của Thắng là vừa tốt nghiệp anh được về làm việc tại Công ty tư vấn của Cienco1. Ngay lập tức trong hai năm 98-99 những kiến thức đã học được trong trường được Thắng có điều kiện thi thố khi anh tham gia thiết kế gia cường để đảm bảo cho cầu đủ sức chịu đựng được xe siêu trường siêu trọng chở thiết bị thuỷ điện nặng tới 165 tấn cho chuỗi gồm 46 cầu từ cảng Quy Nhơn đến Thuỷ điện Yaly. 

Ngay sau thành công này anh lại được điều vào làm quản lý dự án đường trục Bắc – Nam. Thời gian đó chàng kĩ sư ở tuổi 25 này đã tham gia xây dựng hàng loạt cây cầu như cầu Ông Lãnh, cầu Kênh Tẻ, đường nối Quận Tư đi Hiệp Phước, Nhà Bè… Liền sau thời gian này Thắng tham gia xây dựng cảng Sài Gòn, cảng Tân Thuận, cầu Thủ Bộ (Long An). 

Đến năm 2003 khi chưa đầy 30 tuổi Thắng được điều xuống công trường làm giám đốc dự án cầu Tân An tuyến tránh - một chiếc cầu có quy mô thuộc loại cầu lớn dài 500 mét, gồm 7 nhịp, kết cấu đúc hẫng với nhịp chính 110 mét - lập kỉ lục trong thời  gian thi công chỉ trong tám tháng với phương pháp đúc hẫng liên tục, cầu dẫn bằng dầm super T. Sau công trình này chàng kĩ sư trẻ lại được điều xuống làm trợ lý phụ trách kĩ thuật cho giám đốc dự án cầu Rạch Miễu. Một thời  gian sau Thắng được phân công làm giám đốc dự án. 

Cuối năm 2007 khi cầu Rạch Miễu cơ bản hoàn thành thì TGĐ Cienco 1 lại điều anh về làm giám đốc dự án cầu Phả Lại- chiếc cầu đầu tiên ở nước ta có kết cầu dầm thép liên tục không có thanh đứng, bản tiếp điểm nằm ngoài bản nút. Sau tám tháng tại công trường Phả Lại, Thắng được rút về đảm nhận vai trò Trưởng phòng kĩ thuật TCT đến hết năm 2008 anh lại kiêm nhiệm luôn giám đốc dự án nhà T2 cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài. 

Trong vai trò trưởng phòng anh cùng anh em trong phòng liên tiếp hoàn thành các đề tài: Chuyển giao công nghệ chống trượt mặt đường cao tốc Novachip tại đường Nội Bài, khu công nghiệp Quang Minh. Công nghệ tái chế mặt đường cũ thành đường mới. Chủ trì, phối hợp cùng đội ngũ kĩ thuật xây dựng công nghệ thi công cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý….

Riêng đối với Cầu Rồng có thể nói nhờ con mắt xanh của TGĐ Cienco1 Cấn Hồng Lai trong việc sử dụng cán bộ nên đã tạo điều kiện cho kĩ sư Nguyễn Duy Thắng phát huy tối đa chuyên môn và lòng yêu nghề của mình. Chuyện này Thắng không hề kể với tôi mà tôi lại được nghe một cán bộ cấp trưởng phòng của Cienco 1 đi cùng tôi trong chuyến vào công trường cầu Rồng ở giai đoạn nước rút. 

Vị trưởng phòng ấy kể: “Thời gian ấy nước sông Hàn lên khá cao, lại thêm có tin cơn bão số 2 sắp ập vào, vị chỉ huy trưởng cầu Rồng chần chừ có ý cho dừng thi công sau khi nước rút. Nếu vì thời tiết mà lui lại thì tiến độ thi công các hạng mục phần hạ bộ sẽ bị chậm, trì hoãn tiến độ thi công. Cầu khó có thể hoàn thành vào ngày giải phóng Đà Nẵng 26/3”. 

Với kinh nghiệm của mình TGĐ Cấn Hồng Lai đã chấp nhận biện pháp thi công vượt lũ của kĩ sư trẻ Trưởng phòng kĩ thuật Nguyễn Duy Thắng. Vậy là giải pháp thiết kế lắp dầm vòm cầu Rồng bằng cần cẩu Long Môn được thực hiện, với khả năng tự thay đổi chiều cao để lắp vòm cầu theo độ uốn lượn của cầu. Nhờ có giải pháp hợp lý này, lực lượng thi công của Cienco1 không lệ thuộc vào nhà thầu Trung Quốc, chủ động được tiến độ. 

Trong thời gian khẩn trương thi công cho kịp tiến độ đó Thắng không nghỉ Tết mà trực tiếp chỉ huy thi công tại hiện trường trong các khâu lắp ráp và truyền tải chịu lực cho cầu Rồng. Sau khi hoàn thành cầu Rồng đúng thời hạn tiến độ, ngay sau ngày cưới vợ ở tuổi 40 lại ba lô lên đường vào làm giám đốc dự án lần thứ năm kể từ khi Thắng về Cienco1.

4. Sáng hôm sau vì bận làm việc với ban tư vấn, nên Giám đốc dự án Nguyễn Duy Thắng phân công Phó Giám đốc Vũ Chi Phúc đưa tôi ra công trường. Đi trên cầu công vụ nhỏ mứt, chòng chành trên mặt sông Hậu mênh mông tôi có cảm giác như gặp lại sông Hồng quê tôi thủa thiếu thời. Tiếc cái mênh mông, trên là trời dưới là nước nơi sông Hồng quê tôi giờ chẳng bao giờ còn nữa… 

Một dòng sông từng ngạo nghễ mang tiếng sông Cái – như dân làng Chèm tôi thường gọi- sông Mẹ giờ ngay cả vào tháng 5, tháng 6 ta mùa lũ về cũng vẫn toen hoẻn một dòng nước gầy guộc, nhỏ nhoi đang oằn mình chịu đựng những thuyền, phà cát tặc lổn nhổn trên mặt nước, ngoằn ngoèo những chiếc vòi dài ngoáy chọc vào lòng sông. 

Còn nơi dòng sông Hậu này mặt sông ngút ngát, đôi bờ xa ngái. Những đám lục bình gần bờ thì kết lại thành mảng rộng như một bãi cỏ, còn ngoài khơi thì dập dềnh từng đám lãng đãng theo dòng nước. Cũng rất hay, lục bình là tên mà người Nam bộ đặt cho giống bèo tây như cách gọi ở quê tôi thực ra đó là giống bèo Nhật. 

Cụ Phan Bội Châu cùng chiến hữu trong chuyến Đông du thấy hay hay mang về thả vào bình để ngắm xem như một loài hoa lạ. Ai dè, chỉ ba ngày sau, bình cũng không đủ chứa, ném ra ao, chỉ nửa tháng sau mặt ao cũng chật… Hoa lạ Nhật bị đổ ra mặt ao để rồi tất cả hồ, ao làng rồi lan ra hết thảy mọi mặt nước của quốc gia này. Hoa lạ Nhật thành bèo, thành lục bình là thế. 

Hậu Giang mênh mông nên nhìn chiếc cầu đang thành hình hoành tráng, hùng vĩ là thế mà dường như lọt thỏm giữa một miền sông nước. Cầu dây văng Vàm Cống là cây cầu hiện đại. Đứng về mặt kỹ thuật thi công thì nó tạo lập ra nhiều kỉ lục nói lên sự trưởng thành của ngành cầu Việt Nam. Cầu chính dài 800 mét, cùng cầu dẫn hai bên dài tổng cộng 2,1 cây số. Để nâng được thân cầu như thế, dân thợ  cầu phải khoan, đúc 64 cọc với đường kính dài nhất từ trước đến nay là 2,5 mét cùng độ sâu là 120 mét. 

Viết đến đây tôi lại chạnh nhớ hồi làm cầu Thăng Long ở quê tôi. Thợ cầu chưa biết và chưa có thiết bị khoan nhồi nên phải áp dụng đúc trụ cầu bằng phương pháp giếng chìm chở nổi. Phương pháp này nói nôm giống như người dân vào mùa tát ao. Chặn hai đầu sông Cái thủa còn mênh mông, tát cạn nước ở khoảng ngăn rồi vét bùn đổ bê tông dần lên xây trụ. 

Với công nghệ thủ công này nên cầu Thăng Long phải 13 năm mới xong, còn với công nghệ khoan nhồi đường kính lớn cầu cỡ như Thăng Long chậm lắm chỉ khoảng 4,5 năm là hoàn thành. Ngoài 64 cọc khoan nhồi -một con số mà Nguyễn Duy Thắng bảo là con số tốt trong âm dương ngũ hành thì lực lượng thi công cầu là dân Cienco1 phải xây hai trụ căng cáp gồm một trụ neo và một tháp có độ cao cũng đạt kỉ lục là 143,9 mét, với lượng bê tông lên đến 11000 khối. 

Phó giám đốc Phúc cất giọng vang cả mặt nước gọi cho được để tôi gặp đội trưởng đội thi công chủ lực ở hạng mục tháp trụ. Tôi và Nguyễn Quốc Chương, đội trưởng đội thi công 6, Công ty thi công cơ giới  trò chuyện trên mặt nước giữa sông, ngay dưới trụ tháp đang vươn cao dần. Chương là chàng thanh niên đẹp trai với nước da ngăm khỏe của người quen với nắng và gió trên vùng sông nước, chiếc mũi dọc dừa hơi hếch lên khiến khuôn mặt của chàng trai 36 tuổi vùng Quỳnh Lưu xứ Nghệ luôn lộ vẻ tinh nghịch. Hai chúng tôi thỉnh thoảng phải gào lên khá to vì gió sông, vì tiếng máy thi công. 

Chương cho biết, đội của anh bắt đầu đổ trụ từ ngày 13/8. Lúc cao trào phải huy động tới 300 người, giờ đã hòm hòm nên chỉ còn lại 100. Vừa lắng nghe câu chuyện của đội trưởng Chương, tôi vừa ngước nhìn ra hai thân trụ tháp đang vươn cao dần trên mặt nước Hậu Giang đang vào mùa cá linh. Tôi mường tượng chỉ hai năm nữa thôi, theo tiến độ thì tháng 11/2017 cầu Vàm Cống, một chiếc cầu dây văng vào loại lớn mang trên mình nhiều kỉ lục hiển hiện tay nghề của thợ cầu Việt Nam sẽ hình thành với một dáng vẻ kiêu sa, hiện đại. 

Dòng Hậu Giang mênh mông với lục bình và những chiếc ghe nhỏ như lá tre giữa mênh mông sóng nước sẽ bớt đi sự hoang sơ và cô quạnh. Tôi cùng phó giám đốc Phúc vượt qua cầu công vụ sang đất huyện Lấp Vò đất Đồng Tháp. Từ nơi tôi đứng chợt hiểu câu nói ở nơi đây một tiếng gà gáy không chỉ ba tỉnh mà bốn, năm tỉnh nghe thấy, nhưng rồi vẫn cách xa biền biệt nếu không có cây cầu. Sông Hậu chảy qua An Giang là ranh giới của Đồng Tháp và Cần Thơ, của Cần Thơ và Vĩnh Long, của Hậu Giang và Vĩnh Long, của Trà Vinh và Sóc Trăng… với những chiếc cầu sẽ liền lại.

Hai năm nữa cầu Vàm Cống sẽ xong, những chàng thợ cầu Nguyễn Duy Thắng, Vũ Chi Phúc, Nguyễn Quốc Chương... sẽ từ mảnh đất một tiếng gà gáy bốn, năm tỉnh nghe thấy này lại lên đường, bởi tiếng ới đò, tiếng vọng tha thiết của những khoảng cách dòng sông trên đất nước mình vẫn đang vẫy gọi.

Vàm Cống, Thốt Nốt tháng 9/2015

Nguyễn Hiếu
.
.
.