Sống ở Hà Nội

Thứ Năm, 07/08/2014, 10:00

“Người đi đi ngoài phố”, tự dưng tôi lại nhớ tới câu hát ấy khi ngồi viết về những dáng hình tôi vừa gặp, những người mai mốt tôi quên, những người đâu đó trong lòng thành phố này. Một Hà Nội quay quắt theo dòng đời cơm áo, một Hà Nội âm bản trong những bức vẽ truyền thần lưu lại dấu ấn thời gian. Và còn đó, một Hà Nội rất tình, trong ê ẩm xó xỉnh phố phường, từ đôi mắt trắng đục đầy ghèn kia, người đàn ông còm cõi già nua không nhớ nổi quê hương, gốc gác, lại chảy nước mắt khi nghĩ về người vợ quá cố của mình…

1. Người đàn ông tên Chuông không nhớ nổi nơi chốn mình sinh ra nhưng lại chảy nước mắt khi nhớ về người vợ quá cố của mình. Là bởi bố mẹ mất sớm, không người thân thích; mười một, mười hai tuổi ông đã nhảy lên chuyến xe khách định mệnh ra Hà Nội. Ông bảo cả cuộc đời, điều nuối tiếc nhất của mình đó chính là không nhớ nổi quê hương ở đâu. Sau đó, ông đi đánh giày cùng mấy đứa trẻ lang thang có hoàn cảnh như mình. Rồi ông trở thành con nuôi của một gia đình ở phố Khâm Thiên. Họ nhận ông vì trông ông hiền lành, thật thà và tội nghiệp quá.

Ông kể gia đình bố mẹ nuôi tốt với ông lắm. Ông được bố nuôi cho đi phụ xe chuyến Hà Nội – Vân Đình. Rồi sau này, ông đi thanh niên xung phong, theo bạn bè đi làm công nhân cầu đường, lưu lạc nhiều nơi chốn trên đất nước này, công trình đường sắt, cầu cống nào ông cũng tham gia. Sau đó, ông về hưu theo diện mất sức, được hỗ trợ mấy năm, sau đó không có chế độ gì khác nữa. Vợ ông trước đây là công nhân vệ sinh môi trường. Sau khi bà qua đời, số tiền lương hưu của bà được chuyển qua ông. Và đó cũng là khoản tiền chủ yếu giúp ông tồn tại giữa lòng thành phố triệu con người này.

Tôi hỏi ông yêu Hà Nội không, ông bảo có, chẳng biết với nhiều người vì sao nó xấu xa, bon chen và buồn bã như thế; còn với riêng ông, Hà Nội đầy nhân từ, bao dung. Hà Nội ngay từ ngày đầu tương kiến đã là một niềm an ủi nhất của cuộc đời. Hà Nội còn cho ông người vợ xinh đẹp, hiền lành và tốt bụng. Chỉ là cái số nghèo bủa vây thôi, nhưng cái tình lúc nào cũng đong đầy.

Về cuộc tình của ông, ông kể lúc đó bố vợ mình là bảo vệ của Văn Miếu – Quốc Tử Giám, cũng vì thấy ông hiền lành, nhân hậu mà đem lòng cảm mến, thương quý và muốn ông là con rể của mình. Vợ ông, bà Đễ - lúc bấy giờ là một người con gái cao ráo, xinh đẹp, đứng đắn - giữa những người chức tước, nghề nghiệp ổn định, lại chọn ông Chuông, một người tỉnh lẻ, mồ côi cả cha lẫn mẹ làm chồng. Ông kể ông nhớ mãi giây phút gặp bà lần đầu tiên ấy. Dù là có sự gán ghép nhưng lúc gặp vẫn bồi hồi lắm. Sau này khi về ở một mái nhà với nhau, ông hỏi vì sao ngày ấy em đồng ý lấy anh, bà bảo vì em thương anh, thương hoàn cảnh của anh. 

Thật lạ, vì thương nên quấn quýt một đời. Cũng vì thương nên tin yêu gửi gắm nhau hết. Tôi chắc rằng thứ tình cảm ấy xuất phát từ tâm can của những tấm lòng giản phác, yêu thương và trân quý con người. Và tình cảm đó, chắc chắn không phải là sự thương hại đâu.

Bà bị bệnh ung thư, chạy chữa khắp nơi. Hai ông bà đã nghèo lại càng nghèo. Những ngày cuối đời của bà, ông ở bên cạnh suốt. Rồi bà ra đi như một cơn gió. Vừa qua cái giỗ đầu tiên của bà. Ông kể lúc bà mới mất, cả tháng trời, đêm nào ông cũng khóc. Vì nhớ bà. Vì căn nhà vốn có bóng dáng của bà thì nay chỉ có mình ông đi về. Và cho tới tận bây giờ, khi bà đã mồ yên mả đẹp, ông cũng có những quãng ngày nhớ bà quay quắt, không ngủ được.

Những góc nhỏ Hà Nội.

Ông kể, trước khi bà mất, bà có gửi gắm ông với cô em kết nghĩa năm nay hơn 40 tuổi của mình. Đến khi gần đất xa trời, bà ấy vẫn thương và lo lắng cho ông. Hiện tại, ông Chuông làm nghề bơm xe, sửa xe đạp ngay ngã ba Thanh Miến, gần cổng sau của Văn Miếu. Những khách đến với ông toàn là những khách quen, những người biết về hoàn cảnh gia đình ông. Có khi bơm xe 3000 đồng/ lốp nhưng người ta biếu ông cả chục ngàn. Ông biết lắm, cái tình mà cuộc đời dành cho mình. Và cũng có những người thỉnh thoảng đến bơm lại nhắc đến bà, mắt ông lại đỏ hoe.

Ông kể ngày trung bình ông kiếm được vài chục ngàn từ công việc này. Thỉnh thoảng ông được khách biếu thêm. Hằng tháng, cộng với khoản tiền 500 ngàn lương hưu của bà, sau khi trừ các khoản điện nước, sinh hoạt linh tinh, ông bảo trong túi chẳng còn đồng nào. Và khi người ta hầu như đã sử dụng bơm máy thì những đồ làm nghề của ông vẫn là chiếc bơm thủ công, phải dùng sức. Mà ông năm nay 75 tuổi, yếu lắm rồi. Chẳng biết mai này, không còn chút sức nào nữa, ông sẽ như thế nào?

Người đàn ông còm cõi, nhỏ bé ấy quên mất mình sinh ra ở đâu, không nhớ nổi mình đi qua bao nhiêu cuộc đời, ngày thành hôn ông cũng mang máng, không nhớ chính xác. Điều ông nhớ nhất cho đến lúc này vẫn là chút tình bé mọn mà cuộc đời ban tặng cho ông. Vì thế mà người đàn ông ấy cứ hoài vọng mãi chút tình đó mà khóc mà rưng rưng...

2. Được một người quen giới thiệu, tôi tìm đến một hiệu vẽ truyền thần nằm trên phố Hàng Ngang. Chủ cửa hiệu, ông Nguyễn Bảo Nguyên, 80 tuổi, gắn bó với nghề vẽ truyền thần hơn nửa thế kỷ, là một trong 36 nhân vật của cuốn “Người Hà Nội”. Đây là những nhân vật mà như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều từng nói đã “lưu giữ trong chính đời sống của họ những giấc mơ, những sáng tạo và dâng hiến cho đời sống của vùng đất kinh kỳ”.

Ông Nguyễn Bảo Nguyên và những nét vẽ truyền thần.

Tôi hỏi giấc mơ đó như thế nào, ông cầm cây chì vẽ cả cười bảo giấc mơ đó ông gửi hết vào giấy để rồi bao nhiêu hồn cốt, thần thái của người, của đời cứ thế mà hiển hiện trên nét vẽ. Ông bảo những năm thập niên 60 – 70 của thế kỷ trước, cả Hà Nội có tới mấy trăm người làm nghề này nhưng hiện nay, chỉ còn sót lại đôi ba người sống mãi với nghề.

Ông bảo làm cái nghề này không giàu được. Yêu nghề thì làm thôi. Thường thì vẽ một bức truyền thần mất tầm vài ngày, nếu những bức cũ quá, nhàu quá, thì việc phục dựng lâu hơn chút. Và cũng bởi nó hợp với đức tính cần mẫn, tỉ mỉ, cẩn thận và sự cầu toàn của mình, nên ông cứ gắn bó mãi. Giữa vẽ màu và vẽ đen trắng, ông thích đen trắng hơn. Nhiều người bảo vẽ mắt khó nhất thì với ông, vẽ nếp nhăn mới là khó nhất. Và tinh thần phải thoải mái thì lúc đó mới vẽ được. “Vẽ truyền thần không chỉ đơn thuần là sự sao chép như nhiều người vẫn nghĩ. Làm sao để vẽ cho có thần, cho có đời sống trong bức tranh, có những người cả đời cũng không làm được”, ông Nguyên chia sẻ. 

Suốt hơn nửa thế kỷ gắn bó, điều ông thích nhất trong nghề nghiệp của mình đó là khi vẽ, ông có cảm giác người trong tranh không còn là một bức vẽ vô hồn mà rất sống động, có da có thịt hẳn hoi. Họ có một đời sống thực và họ đang đối diện nói chuyện với mình. Ông bảo ông đang tiếp xúc với một người, và biết thêm một cuộc đời. Điều đó thú vị lắm!

Lại có những gia đình không có bức ảnh nào lưu giữ, mình chính là người phục dựng lại chân dung bằng ký ức, bằng những câu chuyện, tiểu sử, thậm chí bằng văn chương. Vẽ lên một bức mà trước đó, chẳng ai biết mặt mũi như thế nào mà lại được công nhận, được hài lòng thì rất khó. Biết khó nhưng vẫn nhận, và khi vẽ xong thì thấy đặc biệt vô cùng. Và còn một điều nữa làm ông cứ say nghề đó là tranh sau khi vẽ xong, người ta đưa về và treo lên ở những vị trí trang trọng nhất trong nhà. Có nghĩa là họ trân trọng công việc của mình, hiểu công sức của mình. Ông bảo mấy nghề được như thế.

Ông bảo ông không kỳ thị Hà Nội bây giờ vì mỗi thời có một cái hay của nó. Nhưng để nói yêu Hà Nội xưa hay nay thì ông vẫn chọn xưa. Hà Nội đó có chút gì để thương, để nhớ lắm. Cũng vì thế mà ảnh ông vẽ bảng lảng nỗi niềm trầm mặc, khói sương. Đó là người đó, là đất đó, là văn hóa, là truyền thống uống nước nhớ nguồn đó. Và còn là một Hà Nội kinh kỳ đó, câu chuyện về những người muôn năm cũ đó.

Trong quãng đời cầm bút vẽ của mình, ông có một vinh hạnh lớn đó là được vẽ cụ Vũ Tông Phan (1800 – 1851), vốn là một danh sỹ nổi tiếng vào thời Nguyễn, bạn của “thần Siêu thánh Quát”, người đã góp công rất lớn cho việc chấn hưng nền văn hóa Thăng Long giữa thế kỷ XIX.

Qua sự giới thiệu của một người bạn, ông Vũ Thế Khôi, người cháu bảy đời của cụ Vũ Tông Phan tìm đến gặp ông và nhờ phục dựng lại chân dung cụ tổ của mình. Không có bức chân dung nào để hình dung, không có một hình hài rõ ràng để mình nhìn vào. Tất cả chỉ là lời kể của ông cháu về tiểu sử, gia phả, dòng họ và cuộc đời của cụ. Tất cả chỉ có thơ văn và những câu chuyện mà gia đình còn lưu giữ được. Khó quá và cũng mơ hồ quá. Ông định từ chối nhưng rồi cuối cùng lại nhận lời.

Sau nhiều lần lôi tranh ra vẽ rồi cất đi, có một hôm, tự dưng không biết sao hào hứng quá, ông lôi tranh ra vẽ ngay, không chần chừ. Xem xong, ông cháu đần mặt ra, chẳng nói năng gì. Khi hỏi, ông ấy mới nói xem tranh thấy người trong tranh gần gũi với tôi quá, cứ như cụ nhà tôi ngồi trước mặt tôi ấy. Rồi ông cháu xin “rước” cụ về làng (ở Hải Dương). Sau khi các cụ bô lão ở làng xem xong thì ai cũng nhận xét không thể sai được rồi. Không có ai biết mặt cụ nhưng khi tiếp xúc với bức tranh, ai cũng khẳng định như đinh đóng cột rằng đó là cụ, thật lạ.

Tôi hỏi vui, đã bao giờ sau khi vẽ xong, khi ngủ, ông gặp lại họ trong giấc mơ không. Ông cười bảo có. Đó là vợ ông. Và đây cũng là bức ảnh thứ 2 để lại nhiều cảm xúc trong nghiệp vẽ của ông. “Nó đặc biệt ở chỗ ông toàn đi vẽ thiên hạ, mãi 50 năm sau khi lấy nhau, ông mới vẽ vợ mình. Năm 2010, bà ấy bảo ông vẽ cho tôi đi, tôi có chút ngần ngừ thì bà bảo tiếp nếu ông không vẽ tôi ly dị ông đấy, thế là tôi sợ quá nên vẽ”. Câu nói vui thôi nhưng tôi thấy cũng đến lúc vẽ được rồi.

Đang ngồi vẽ, ông nhìn lên bức vẽ diễn viên William Clark Gable, người đóng vai Rhett Butler huyền thoại của bộ phim “Cuốn theo chiều gió” rồi kể mấy chuyện nữa. Rồi cứ thế, cứ thế, tôi say mê và lạc vào thế giới nhân vật của ông. Tôi không biết tôi đang ở buổi chiều nào trên đời.  Thỉnh thoảng, tôi và ông đá sang âm nhạc ở Hà Nội những năm thập niên cũ. Trong thứ nắng chiều quái quái chiếu chếch xuống, ông bảo ông thích nghe bài “Giấc mơ hồi hương” do ca sỹ Khánh Hà hát lắm.

Nụ cười sau một ngày lao động vất vả

3. Hà Nội rất tình, có chút gì để nhớ để thương, để người ta rưng rức khi nhớ về những ngày tháng cũ hay nhớ về một khuôn dáng dấu yêu nào đó. Hà Nội cũng đầy sương giăng bụi phủ và đâu đó là hồn phách Thăng Long một thuở vàng son. Và Hà Nội đó, còn là những ngày “yêu dấu bọt bèo”, là những ngày theo đời cơm áo, quay quắt mưu sinh và gánh gồng.

Tôi biết cô vì chiều nào cũng gặp cô đứng ở đoạn đường mấy trăm mét ở trên phố Đê La Thành. Cô năm nay 48 tuổi, nhà ở Sóc Sơn, đánh xe máy chở hàng lên đây để bán. Cô bán rau, hoa quả, có cái gì bán cái đó. Ngày nào cũng như ngày nào, tầm 4 giờ chiều, đã thấy cô lích kích dựng xe vào vệ đường để bán. Cô bảo, như người ta vốn nhiều, bán cả ngày thì vào chợ, vào trung tâm thương mại; còn cô, ít vốn, bán có chốc buổi chiều nên mới chọn hình thức này. “Chợ” của cô nhỏ xíu, chỉ mình cô bán rau. Và cũng chỉ bán trên khúc này thôi, chẳng có ai cạnh tranh với cô, lại nhiều khách quen. 

Gần 10 năm trước, cô đi Hà Nội bán rau bằng xe đạp. Nhớ mãi, có lần tối trời, gió thổi giần giật, đang đạp đứt hơi qua cầu Thăng Long để về Đông Anh thì gặp cướp trên cầu. Chúng kéo xe mình lại, chẳng cho đi. Lúc đó, cô nói em ơi, chị đi bán như thế này là xin bát cơm bát cháo cho các cháu thôi chứ chị chẳng có gì đâu, chúng mới tha cho cô. Sau lần đó hãi quá, cô nghỉ bán rau luôn, rồi sinh thằng cu, ở nhà chăm em mấy năm, cho tới hơn năm trước mới xuống đây bán trở lại nhưng không phải bằng xe đạp nữa.

Giá bán mà cô đưa ra, cô khẳng định không rẻ hơn trong chợ nhưng rau mà cô bán chắc chắn là rau sạch, “của nhà trồng được” và cô không bán điêu cho ai một cắc. Bán đúng giá và cân cũng đúng cân nên khách của cô toàn khách quen trên trục phố này. Và dường như với những ai sống trên đoạn đường này, hình ảnh của cô bán rau cũng trở nên quá quen thuộc nên chiều nào, họ cũng chờ cô lên bán để mua. Cả mua bán, cả trò chuyện rôm rả. Họ nói chuyện với nhau về cuộc đời, giãi bày một chút gì đó gọi là sâu kín nhất. Họ gặp nhau trong giây lát nhưng họ là những người bạn của nhau. Và nếu nói có thoáng giây nào đáng yêu trong đời sống này thì chính là thoáng giây làm bạn của những người biết mặt nhưng không biết tên này.

Không biết tên thật, nhưng mặt thì quá quen thân rồi. Biết người ấy sống ở khúc này hay khúc kia. Và cũng vì khách quen nên cô cho nhiều người nợ, có khi nợ cả tiền trăm. Muôn hình vạn trạng lý do để người ta nợ. Có những người nhớ mà trả. Cũng có những người quên, mãi chẳng thấy trả. Cũng có người, không biết là quên hay nhớ mà sau lần mua ấy, cũng chẳng thấy trở lại. Cô bảo biết thế, cũng buồn lắm, xót chứ, với người lao động như mình, hai xu một hào cũng là lớn. Nhưng cô tin có nhân có quả, cô sống để phúc cho chồng cho con. Nghĩ thế cho nhẹ đầu.

Và bao giờ cũng thế, bán hết rau thì cô mới về. Muộn nhất có hôm 9 – 10 giờ đêm mới về đến nhà. Hôm nào bán được hết hàng sớm thì 7 giờ đã về rồi. Ngày bán đắt hàng thì được 500 ngàn đồng cả vốn lẫn lãi, ngày ế hàng thì 200 ngàn, gọi là ế nhưng của nhà trồng được nên cũng không gọi là lỗ. Cô bảo nghề này vất vả lắm nhưng còn hơn khối người ở quê. Cô còn biết tính toán nên mới xuống đây bán, chồng ở nhà trồng rau, mỗi tháng kiếm thêm đồng ra đồng vào cho con cái ăn học.

Chúng ta đến đây, thở vào phố những hơi thở của mình. Chúng ta, những người đi về trong phố, đã yêu mến, ghét bỏ, thậm chí từng cay nghiệt với nơi này. Bởi phố là đời, là một đời sống bằng da bằng thịt, ngồn ngột và chất chứa trong đó những tự sự đương thời. Cũng sẽ có lúc, tự dưng thấy nhớ phố quá và nhìn quanh thấy bóng dáng năm xưa mòn mỏi trong cơn bão đời trùm lấp. Bởi phố là vòng quay của những nỗi niềm. Như khi tôi hỏi cô bán rau tên cô là gì. Cô bảo mày đừng đưa cô lên báo. Cô chỉ là một người bình dị. Mày cũng đừng chụp ảnh cô. Cô xấu xí, lem luốc lắm. Và đôi khi, chuyện của phố bắt đầu từ một người như thế mà thôi 

Đậu Dung - Việt Hà
.
.
.