Sự dấn thân của các điêu khắc gia

Thứ Sáu, 28/10/2016, 10:47
Không ít nhà điêu khắc đi sát cuộc sống, tìm hiểu đời sống dân dã và chắt lọc sáng tạo nên nhiều tác phẩm có hồn. Họ quan niệm, nghệ thuật là những điều giản dị được khúc xạ bởi óc quan sát và tài năng. Cùng với đó sự dấn thân của họ đã tạo nên những sắc màu đa diện của nghệ thuật điêu khắc nước nhà.


Những sự khác biệt

Một trong những tên tuổi dấn thân, tạo sự khác biệt trong sáng tạo là Phạm Văn Hạng. Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Đà Nẵng, Phạm Văn Hạng đam mê nghề điêu khắc, hội họa từ nhỏ. Lớn lên, chứng kiến cảnh đau thương của chiến tranh, ông luôn mong những ngày yên bình.

Từ những tác phẩm đầu tay ông đã say mê sáng tạo những tác phẩm xoáy vào ước mơ hòa bình. Tượng của ông thanh thoát, giản dị và đôi lúc mãnh liệt, như những tác phẩm khắc họa vẻ đẹp của tình yêu đôi lứa, người con gái xứ cao nguyên…

Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng.

Một điêu khắc gia tên tuổi khác là Tạ Quang Bạo được nhiều người kính nể về tài năng và sự dấn thân. Ông là họa sĩ của Đoàn Văn công Quân khu 5, từng trải qua nhiều trận chiến ác liệt, cũng là người từng tham gia giải phóng Trường Sa nên sớm nhận ra biển đảo vô cùng quan trọng với Tổ quốc ta. Bảo vệ vùng biển, đảo Tổ quốc là nhiệm vụ của muôn dân và đặc biệt là người lính hải quân.

Cũng vì thế cảm xúc về người lính, cái bi hùng trong chiến tranh ám ảnh ông. Bức “Đảo tiền tiêu” được ông sáng tác vào năm 1980, và giành giải Nhất tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc là một điển hình trong thành công sáng tạo của Tạ Quang Bạo. Để làm được, ông đã tỉ mẩn suốt 5 năm trời.

Hoàn thành, ông cảm thấy sung sướng và nghẹn ngào vì bức tượng đã tạc được vẻ đẹp lãng mạn của người lính đảo. Còn bức “Hoàng Sa”, ông làm trong những ngày bị tai biến, liệt một tay vào giữa năm 2014, trong thời điểm giàn khoan Trung Quốc xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam.

Tạ Quang Bạo tâm sự: “Sự dấn thân đã làm nên cá tính sáng tạo. Sáng tạo tức là đi một con đường không giống ai. Là sự trải nghiệm và đau đáu. Từ nỗi đau đáu ấy mà chưng cất, thành ra những tác phẩm có độ rung cảm cao”.

Nhiều tên tuổi khác đã tạo nên sự khác biệt là các nhà điêu khắc Phan Gia Hương, Nguyễn Tâm Nhâm, Phạm Ngọc Lâm, Nguyễn Hải, Phạm Thái Bình, Nguyễn Xuân Tiên… Đặc biệt nhà điêu khắc Phạm Ngọc Lâm, hiện đang sống và làm việc ở Hải Phòng, là một người đặc biệt.

Ông là cựu chiến binh, do bị nhiễm chất độc da cam, và một thời gian dài phải vào điều trị trong Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng. Thời gian đó, ông đã cho ra đời tác phẩm “Con thuyền đi đòi công lý”.

Ông đi nhặt nhạnh những mẩu đồng cũ để chắp vá thành tác phẩm sống động với những em bé khác màu da, những lá quốc kỳ đủ màu sắc, những chiếc đèn công lý, những chùm chìa khóa lương tâm, những vết thương tàn khốc của chất độc da cam để lại sau chiến tranh…

Ông Lâm có thể sáng tác trên nhiều chất liệu, nhưng say mê nhất vẫn là trên chất liệu đồng với tranh gò đồng, phù điêu đồng, gò đồng nền sơn mài inox. Những tác phẩm của ông không chỉ được vẽ bằng bút, bằng giấy mà còn bằng búa, bằng đục và bằng... lửa.

Cây đời, chất liệu đồng - Tạ Quang Bạo.

Cái khác biệt của họ chính là nhìn vào mỗi tác phẩm là người xem nhận ra một phong cách. Chỉ nhìn vào tác phẩm mà biết được là “con đẻ” của ai, tác giả có chuyên nghiệp và đi xa hay không. Cái riêng đó, theo nhiều nhà điêu khắc, còn cất lên tiếng nói, quan điểm nghệ thuật, quan điểm sống của người sáng tạo ra, là thái độ sống trước cuộc đời.

Không thể thiếu cảm xúc

Qua tâm sự, tôi nhận thấy cảm xúc trước cái đẹp, cái bi, cái đau và cả sự hồi hộp… đã hội tụ trong tâm hồn các nghệ sĩ nói chung, với các nhà điêu khắc điều này cũng không ngoại lệ. Nhiều người dành phần nhiều sáng tác về đề tài phụ nữ.

Xem tượng về phụ nữ của các nghệ sĩ, tôi cảm được nguồn sống như những dòng sông mang nước tưới cho các cánh đồng. Nhiều tượng điêu khắc về thiếu nữ đầy chau chuốt, như gió quyện vào mây, như có cả hơi thở hào hển trong đá rắn.

Cũng có bức tượng mô tả cận cảnh vẻ đẹp hình thể người thiếu nữ, gây cho người xem sự ngỡ ngàng. Nó cho thấy bàn tay tác giả nâng niu, trân trọng và khát sống, khát yêu và đã yêu là hết mình. Nhà điêu khắc Lê Lâm cho rằng, sự si mê của người nghệ sĩ cho phép anh ta có sự quan sát rộng.

Anh ta có thể đi đến các vùng nông thôn, vùng có nhiều công nhân để quan sát đời sống, tìm hiểu thực tế để sáng tác. Cuộc sống đi vào tác phẩm làm sao thật tự nhiên mà vẫn cho thấy những suy tư về cuộc đời.

Nguyễn Tâm Nhâm, từ một anh thợ mỏ cùng với năng khiếu, đam mê và sự tinh tế trong cảm nhận cuộc sống mà trở thành nhà điêu khắc nổi tiếng. Xem điêu khắc than đá của ông, nhiều người nhận ra chất liệu này có sự độc đáo, dù một số người từng sử dụng, nhưng lối “nói” bằng điêu khắc của ông lại tạo sự khác biệt.

Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo với các tác phẩm mỹ thuật.

Có người nói ông là con một người thợ gò giỏi, ít nhiều được thừa hưởng tài hoa từ người cha. Nhưng thử hỏi không được gắn bó với vùng than, thiếu tình yêu với than, người thợ mỏ thì năng khiếu của ông làm sao thăng hoa?

Nguyễn Tâm Nhâm thổ lộ: “Cách cảm về cuộc sống mỗi người mỗi khác. Và cảm xúc được bộc lộ qua tác phẩm bầu lên tài năng của nhà điêu khắc”.

Nhiều nhà điêu khắc chung quan điểm, bất cứ ngành nghệ thuật nào cũng phải có đam mê. Nhưng có một điều cực kỳ quan trọng trong sáng tạo nghệ thuật là từ niềm đam mê, cộng với tài năng để tạo ra những tác phẩm có ấn tượng, gây xúc động là điều không đơn giản.

Tạ Quang Bạo nhấn mạnh: “Người nghệ sĩ có xúc động, có đau đáu với đề tài mình đang định làm mới có khả năng làm lan tỏa, lay động người thưởng thức và công chúng. Một trong cái làm nên khả năng đó là sự từng trải của người nghệ sĩ”.

Để có được vườn tượng này, ông đã phải đầu tư rất nhiều công sức. Năm 2005 vườn tượng được khai trương khiến nhiều người ngạc nhiên bởi sự công phu và tâm huyết. Trong ngày khai trương không có cờ phướn, không băng khánh thành, không lời phát biểu hay tuyên bố.

Chỉ có rượu vang, hoa hồng và cả một vườn tượng ẩn khuất dưới tán thông. Những tác phẩm điêu khắc cứ rải ra giữa thiên nhiên thơ mộng. Có tượng cao vút, có tượng ngợp tầm mắt, có tượng vừa đủ một vòng tay và… thật sự đa dạng.

Những hình ảnh dễ thấy là một cô gái vừa mạnh mẽ, vừa kiêu sa nhìn xa xăm vào chốn liêu trai, vai khoác chiếc khăn choàng đặc trưng của cao nguyên giá lạnh.

Hay là một thiếu phụ nằm nựng con trẻ thiên thần giữa trời cao đất rộng, phơi lộ màu sinh sôi nơi bầu sữa nhân từ. Rồi thiếu nữ nét duyên Việt xưa trong tà áo dài lướt qua dưới ngàn thông hoà quyện giữa mù sương...

Sông Cái - một tác phẩm điêu khắc của Tạ Quang Bạo.

Gần đây, một nhà điêu khắc còn khá trẻ là Trần Văn Thược, anh sinh năm 1992, tốt nghiệp thủ khoa ngành Điêu khắc, Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Tác phẩm tiêu biểu gây ấn tượng cho giới điêu khắc của anh là “Sự sống”, đoạt giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam tại triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015.

Tác phẩm nói về sự vươn lên mạnh mẽ của con người, trong đó chi tiết những chiếc thang tượng trưng cho số phận của con người, có hình tượng cây mọc ở mảnh đất cằn cỗi nhưng vẫn đơm hoa kết trái, tràn trề nhựa sống.

Thược tâm sự, cảm xúc là cái thường trực trong con người làm nghệ thuật. Khi có tài năng, dấn thân và hòa quyện với cuộc sống đầy sôi động, sẽ có tác phẩm đẹp.

Qua thực tế của những triển lãm gần đây, những vườn tượng, sản phẩm điêu khắc cá nhân trong nhà riêng của các nhà điêu khắc, cho thấy xu hướng “hiện đại” trong ngôn ngữ điêu khắc đã cập nhật đời sống xã hội đương đại và mang đậm tính nhân văn. Phải chăng đó là điều mà các nhà điêu khắc hướng tới, bởi vì nói cho cùng, nghệ thuật phải đạt đến sự giản dị, nhân văn, gần gũi.

Ngân Anh
.
.
.