Sư thầy 36 tuổi và 50 đứa trẻ bị bỏ rơi

Thứ Năm, 21/04/2016, 15:19
Đằng sau vẻ hào nhoáng của một thành phố du lịch, một gương mặt khác của Vũng Tàu chính là nét cổ kính, trầm tư của những chùa chiền, thiền viện. Đây không chỉ là nơi tụng niệm, tu dưỡng mà còn là mái ấm của hàng trăm đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi ngay từ lúc lọt lòng.


Mái ấm của những đứa trẻ bị bỏ rơi

Giữa cái nóng gần 40 độ C của phương Nam, sư thầy Thích Thiện Thông để đầu trần, đi chân đất, mặc áo cà sa vắt chéo vai điềm đạm ra đón khách. Thầy Thông có nụ cười thân thiện, dễ mến với hai lúm đồng xu hai bên má. Ít ai biết, ở tuổi ngoài 30, thầy  một tay nuôi dạy gần 50 đứa trẻ. Đứa nào cũng được thầy Thông đích thân lên ủy ban xã làm giấy khai sinh lấy họ Hồ của mình (tên thật của thầy là Hồ Anh Tuấn).

Sư thầy Thích Thiện Thông nương tựa nơi cửa Phật từ nhỏ. Gần 10 năm trở lại đây, khi được Ủy ban xã Tân Thành, huyện Tân Hòa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp cho một mảnh đất, thầy xin phép sư phụ được ra tu tập riêng, đồng thời xây dựng cơ sở nuôi dưỡng trẻ em mồ côi mới vì cơ sở cũ không đủ cơ sở vật chất để nhận thêm trẻ.

Vậy là ngôi chùa kiêm mái ấm Hồng Quang được tạo dựng. Ban đầu, chỉ là tranh tre, vách lá. Sau ba năm tạo dựng cơ sở vật chất (từ 2005 đến 20080, thầy bắt đầu nhận nuôi trẻ mồ côi, trẻ sơ sinh bị cha mẹ bỏ rơi. Với 25 đứa trẻ ban đầu, một tay thầy tự nuôi dưỡng, chăm sóc với nhiều bỡ ngỡ. Những lúc các con ốm, đau trở bệnh, đứa nào cũng thiếu tình thương đòi được ôm ấp khiến thầy khó xử. Nhưng rồi tình thương với các con giúp người đàn ông 36 tuổi vượt qua mọi khó khăn để nuôi những đứa trẻ quặt quẹo, gầy gò thành những đứa trẻ khỏe mạnh, ngoan ngoãn.

Sư thầy Thích Thiện Thông chải tóc cho các con. 

“Ở đây bé nào cũng thiếu tình thương nên tranh giành nhau đòi được bế ẵm. Mình là thầy, lấy sự nhân ái làm đầu nhưng thường xuyên phải nghiêm khắc với các con. Chỉ những bé nào đau ốm, yếu ớt mình mới bồng bế. Còn lại mình dạy các con tính tự lập, biết tự lo cho mình và lo cho các em bé hơn, thầy Thông chia sẻ.

Biết chùa Hồng Quang là nơi nhận nuôi dưỡng trẻ mồ côi, nhiều bà mẹ mang con đến bỏ trước cổng chùa. Dần dần số lượng các bé tăng lên, cho đến hiện tại là 50 bé. Bé lớn nhất đang học lớp 5, đứa bé nhất vừa lọt lòng mẹ được 8 ngày. Tất cả chi phí ăn uống, học phí của gần 40 đứa trẻ trong độ tuổi đi học đều trông cậy vào lòng hảo tâm của phật tử và những “Mạnh Thường Quân” tứ phương.

Bước vào chùa, khách dễ thấy một kiến trúc không hoàn hảo. Ngoài gian chính điện và nơi tiếp khách được xây mới, toàn bộ khu ăn ở, sinh hoạt của các bé được dựng bằng tranh tre, vách lá. Sư thầy Thích Thiện Thông tâm sự, tiền có đến đâu thầy xây dựng đến đó. Nguyên  học phí cho hơn 30 đứa trẻ trong độ tuổi đi học đã lên tới hơn 10 triệu đồng một tháng. Cộng cả sinh hoạt phí mỗi tháng, nhà chùa chi gần nửa tỷ đồng để nuôi gần 50 đứa trẻ.

Ba năm trở lại đây, đồng cảm với hoàn cảnh của sư thầy, một số phật tử tình nguyện ăn chay, ở lại trong chùa giúp chăm nom những đứa trẻ. Một trong số đó là chị Gái. Chị Gái ngoài 40 tuổi, quá lứa nhỡ thì nhưng nhân ái vô cùng. Chị được coi là một bà mẹ mát tay quán xuyến gần 10 đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Trong dãy nhà dành cho trẻ sơ sinh, bé lớn nhất được 8 tháng tuổi nhưng nhìn còi cọc như bé gái 3 tuổi. Chị Gái gắn bó với công việc chăm sóc trẻ sơ sinh từ khi thầy Thông còn ở chùa cũ. Khi chuyển sáng địa điểm mới, chị tình nguyện theo thầy để đỡ đần.

“Tôi về quê chưa được một ngày thầy đã gọi điện nhờ lên gấp. Chừng ấy đứa trẻ thiếu hơi tôi nên khóc quấy không chịu ăn, chịu ngủ. Nhiều năm nay, tôi quen với cảnh ngủ ngồi, đêm thức, ngày ngủ gà ngủ gật theo nhịp độ sinh học của bọn trẻ”, chị Gái tâm sự.

Hỗ trợ chị Gái là bé Anh, 18 tuổi. Cô bé có gương mặt xinh xắn, ánh mắt mở to ngơ ngác. Anh bị động kinh từ nhỏ nên được cha mẹ gửi vào chùa. Những lúc tỉnh táo, Anh có thể giúp chị Gái trông chừng lũ trẻ. Những lúc cô bé lên cơn, chị Gái vừa phải hỗ trợ Anh, vừa trông chừng bọn trẻ. Người đàn bà nhỏ thó, gày gò nhưng vô cùng nhanh nhẹn này coi đây là mái ấm thực sự của mình. Vắng chị, lũ trẻ thèm hơi người gào khóc dữ dội.

Những đứa trẻ luôn thèm được ôm ấp

Trong căn bếp rộng chừng 15m2, gần 30 đứa trẻ chụm đầu trên ba chiếc bàn hồ hởi ăn cơm trưa. Bữa ăn có rau cải bắp luộc và thịt ba rọi rang mặn. Một ni cô luôn chân luôn tay cắt nhỏ thịt trong bát cho bé này rồi lại quay sang đút cho bé khác. Trên chiếc giường là một nhóm khác lớn hơn, đứa lớn đút cơm cho đứa bé. Tiếng la hét, đùa nghịch và cả ánh mắt, nụ cười rạng rỡ khi thấy người lạ đến chơi khiến bữa cơm diễn ra nhanh chóng, rôm rả.

Ni cô nói trẻ ở đây đứa nào cũng thèm hơi ấm, thèm được ôm ấp. Bất cứ ai đến chơi chúng cũng sà xuống ngồi vào lòng đòi bế ẵm, hôn hít. “Lấy lòng thương vay của thiên hạ làm niềm vui, hạnh phúc của mình”, ni cô nói.

Trong khu trẻ sơ sinh, trừ cô bé hơn một tháng tuổi còn hồn nhiên, trẻ ở đây đứa nào cũng thèm được bế vì cả ngày phải nằm hay bò trong cũi. Có cậu bé 9 tháng tuổi vừa biết bò, thấy có khách đến, tìm mọi cách leo ra khỏi cũi, rồi vắt vẻo trên thành cũi la hét òm sòm để gây sự chú ý. Khách bế lên rồi không đặt xuống nổi. Vì đặt xuống là các bé gào khóc “nghe không cầm lòng”, một nhà hảo tâm chia sẻ.

Có em khác buồn ngủ đến húp mắt, được cô bảo mẫu cho sữa uống rồi tự ngủ nhưng vẫn cố căng mắt chống lại cơn buồn ngủ chờ được bế. Bé gào khóc, kêu la đòi được bế lên chứ không chịu xoa lưng. Khi được một nhà hảo tâm khác bế lên, vỗ vỗ vài lần, cô nàng lăn ra ngủ. Trong giấc ngủ vẫn sợ bị bỏ rơi nên cứ đặt xuống nôi là khóc ré lên và mở mắt.

“Tội nghiệp, bé nào cũng đòi bế trong khi mình chỉ có hai tay. Giá có thể ôm hết mấy cái bánh bao này về nuôi”, diễn viên Tuyền Mập nói trong một lần đến thăm.

Không chỉ lo cho trẻ mồ côi, mái ấm của thầy Thích Thiện Thông còn cưu mang những mảnh đời cơ nhỡ như người già tàn tật không nơi nương tựa. Gian điện thờ còn di  ảnh nhiều cụ già khi còn sống được thầy Thông đưa về đây chăm sóc.

Những mảnh đời bất hạnh đến khó tin ở chùa Từ Ân

Chùa Từ Ân nằm khuất trong một con đường lớn ven quốc lộ 51- nhiều năm nay là nơi cưu mang hàng trăm trẻ em, người nhà cơ nhỡ. Khi chúng tôi ngồi nói chuyện với sư trụ trì ở chính điện, một người phụ nữ ôm theo một bé trai xinh xắn, khỏe mạnh đứng lấp ló ở cửa. Hỏi ra mới biết chị đem con đến nhờ nhà chùa nuôi giúp. 

Ngoài 40 tuổi, sinh sống bằng nghề hái tiêu, hái điều thuê. Chị về chung sống với một người đàn ông mà không đăng ký kết hôn. Khi đứa con thứ hai ra đời, không đi làm được để có thu nhập, người chồng hờ bỏ đi với người khác, để mặc ba mẹ con xoay xở. Quá túng quẫn, chị đem đứa bé chưa đầy 6 tháng tuổi vào nhờ nhà chùa nuôi giúp. 

Khi được hỏi tại sao không đem con gửi vào nhà nào có điều kiện để được sung sướng, chị nói gửi con ở đây còn qua lại thăm con, thậm chí khi giàu có có thể xin con về. Còn gửi chỗ khác coi như mất con.

Đứa trẻ hồn nhiên không biết sắp phải xa mẹ mãi mãi.

Tuy nhiên, sư thầy Thích Nữ Minh Hải khẳng định hơn 10 năm trụ trì ngôi chùa này, sư chưa thấy ai đến xin con về. Có duy nhất một trường hợp xin nhận lại con nhưng lại không chịu làm thủ tục pháp lý nên sư thầy không đồng ý.

Những đứa trẻ được mẹ đem gửi tận tay cho chùa còn có may mắn là biết gốc gác. Có những đứa bé bị bỏ rơi trước cổng chùa khi chưa kịp cắt rốn, kiến bâu đầy người, cũng không một dòng địa chỉ để lại. Trong số đó có nhiều em bị dị tật bẩm sinh bị bố mẹ chối bỏ. Có cô bé được 7 tuổi mà thể trạng như một đứa bé ba tuổi. Em được gọi Mắt hý vì một bên mắt bị lác, trí não phat triển chậm chạp. Có lẽ do ngoại hình không được đẹp  nên em ít được khách đến thăm để ý. Mỗi lần có người quan tâm, bé ngả đầu vào ngực người lạ khóc nức nở rồi bám lấy không rời.

Bé Siđa được các bảo mẫu ở đây gọi theo tên căn bệnh của mẹ. Mẹ qua đời vì bệnh AIDS, Siđa may mắn không lây bệnh nhưng vẫn bị sự ghẻ lạnh của họ hàng.  Sau khi mẹ mất, em được họ gửi vào trong chùa, sống cuộc sống của trẻ mồ côi.

Sư cô Minh Hải kể, năm 2008, vào một buổi trưa hè, mọi người trong chùa bỗng nghe tiếng khóc trẻ con, lúc đầu cứ ngỡ tiếng khóc của trẻ con của những nhà sát bên. Mãi đến khi ra cổng quan sát, sư cô thấy một bé trai khoảng 1 tháng tuổi được quấn trong khăn bông, đặt bên gốc xoài. Sư đã bế cháu về nuôi và đặt cháu là Lê Hữu Phước. 

Trường hợp của em Lê Vũ An An, em bị mẹ bỏ lại dưới chân tượng phật trước cửa chùa vào giữa năm 2010, lúc đó em mới 5 tháng tuổi. Hầu hết những trẻ bị cha mẹ bỏ rơi từ khi mới lọt lòng được sư cô Minh Hải đem về nuôi và đặt những cái tên rất ý nghĩa, với mong ước các em luôn được đón nhận mọi sự tốt lành và hưởng trọn vẹn cuộc sống trẻ thơ. Đặc biệt, những đứa trẻ này đều mang họ Lê, theo họ và tên thật của sư cô Thích Nữ Minh Hải.

Em Nguyễn Thị Dung, quê ở Đắk Lắk, cha em mất sớm một mình mẹ lăn lội nuôi 3 anh chị em Dung, trong đó chị gái của Dung bị bệnh do chất độc da cam, gia đình lại quá nghèo, nên bữa đói bữa no. Một lần sư cô Minh Hải đến Đắk Lắk cứu trợ và thấy hoàn cảnh nhà em quá khó khăn nên nhận em về nuôi dưỡng. Lúc vào chùa, Dung được 5 tuổi. Hiện em đã là sinh viên một trường cao đẳng trên địa bàn.

Minh Châu
.
.
.