Sự trốn chạy đồng loại của những người bạch tạng ở châu Phi

Thứ Tư, 27/02/2013, 16:20

Đã từ lâu trong tâm thức người dân Châu Phi thì những người bị bệnh bạch tạng với màu da trắng và mái tóc vàng là một điều bất thường và họ xem những người đó như hiện thân của ma quỷ, họ xa lánh hắt hủi.

Niềm tin mù quáng vào quyền năng kỳ diệu

Những người dân châu Phi từ bao đời nay, dù cho những dân tộc khác có nhìn nhận họ như thế nào, có sự phân biệt họ như thế nào thì họ vẫn luôn tự hào về dòng máu của mình, về màu da của mình. Nhưng nghèo đói và lạc hậu đã dẫn đến những nhận thức sai lầm của người dân và tin tưởng vào sức mạnh của đấng siêu nhiên.

Đã từ lâu trong tâm thức người dân Châu Phi thì những người bị bệnh bạch tạng với màu da trắng và mái tóc vàng là một điều bất thường và họ xem những người đó như hiện thân của ma quỷ, họ xa lánh hắt hủi.

Một vài năm gần đây lại xuất hiện tin đồn từ những thầy phù thủy cho rằng những bộ phận cơ thể của người bạch tạng có thể giúp người ta phát tài, vì thế ngoài việc bị mọi người xa lánh thì những người bệnh bạch tạng ở châu Phi còn phải sống trong tình trạng luôn bị đe dọa đến tính mạng bởi sự mê muội của người dân nơi đây.

Ở châu Phi nói chung và đặc biệt là hai quốc gia Tanzania và Burundi là nơi mà mọi người hầu như không có chút hiểu biết gì về bệnh bạch tạng và cũng là nơi có tỉ lệ người mắc bệnh bạch tạng cao nhất trên thế giới . Họ không biết đó là một loại bệnh, họ chỉ biết rằng những đứa trẻ sinh ra có màu da hoàn toàn khác với họ là một điều không bình thường và họ tin vào những điều ma quái.

Nhiều bà mẹ khi sinh ra một đứa trẻ bạch tạng sẽ từ chối không cho con bú và bỏ mặc chúng lớn lên tự nhiên mà không có bất kỳ sự quan tâm, chăm sóc nào. Nhiều gia đình người chồng sẽ ly dị khi vợ sinh ra một đứa con bạch tạng.

Bạch tạng là do sự khiếm khuyết hoặc vắng mặt hoàn toàn của một loại enzyme để sản xuất melanin (Melanin là những gì cần thiết tạo sắc tố cho da, tóc, và đôi mắt). Hầu hết những đứa trẻ bị bệnh bạch tạng ở châu Phi sinh ra và lớn lên trong sự hắt hủi của những người xung quanh và thậm chí là cả những người thân. Chúng tự lớn lên như cây cỏ không được ăn uống đầy đủ, không nhận được sự yêu thương và không được đi học.

Từ xa xưa ở một số khu vực có núi lửa khi núi lửa phun trào người ta tin rằng đó là lúc thần núi nổi giận và chỉ có máu của những người bạch tạng mới xoa dịu được sự tức giận của thần núi. Vì thế những người dân châu Phi đã luôn tin vào quyền năng kỳ diệu của những người bạch tạng.

Cho đến vài năm trở lại đây khi một số thầy phù thủy liên kết với nhau và dựa vào niềm tin cực đoan của những người dân thiếu hiểu biết tung ra tin đồn về lợi ích to lớn của những bộ phận cơ thể người bệnh bạch tạng có thể mang lại khiến cho họ luôn bị rình rập đe dọa đến tính mạng.

Những thầy phù thủy có thể trả giá rất cao khoảng 2 đến 3 ngàn đô la để mua những bộ phận của người bạch tạng sau đó chế biến thành thứ bột thần kỳ và bán với giá cắt cổ khoảng 75 ngàn đô la nhưng vẫn không ít người tìm cách có được thứ bột đó. Họ tin rằng những ngư dân có thể bắt được nhiều cá khi rắc thứ bột đó xung quanh thuyền của mình lúc ra khơi và những người thợ mỏ có thể tìm thấy khoáng sản khi rắc bột lên mặt đất…

Những cái chết đau lòng

Chính niềm tin mù quáng đó đã gây ra không ít những cái chết thương tâm cho những bệnh nhân bạch tạng trong suốt một thời gian dài. Chưa có một con số thống kê chính xác nhưng chỉ tính riêng quốc gia Tanzania đã có khoảng hơn 100 người bị giết và nhiều người khác bị thương từ năm 2006 trở lại đây.

Cô bé Mariam Staford Bandaba 17 tuổi đã có một ký ức kinh hoàng về sự đeo đuổi của những người săn lùng bộ phận cơ thể người bạch tạng. Cô bé phải nghỉ học ở trường vì có vấn đề nghiêm trọng về thị lực. Trong một thời gian dài Mariam cố gắng tìm kiếm việc làm để phụ giúp gia đình nhưng vì sự phân biệt đối xử với người bạch tạng nên không một ai nhận cô làm việc. Cuối cùng cô gái phải phơi mình dưới ánh nắng mặt trời với làn da vô cùng nhạy cảm của người bệnh để bán đậu phộng và kiếm về 2 đô la một tuần.

Khi Mariam được sinh ra, cha và hai người anh trai của cô đã dọn ra ngoài sống vì không chấp nhận cô bé nên chỉ còn mẹ luôn yêu thương và chăm sóc cho Mariam. Một ngày nọ khi Mariam đang ngồi ăn tối cùng mẹ thì bên ngoài nhà cô có một nhóm những gã đàn ông đang rình rập. Chúng là thành viên của tổ chức “dao dài” được trang bị những lưỡi dao sắc lạnh chuyên đi săn lùng những người bạch tạng đặc biệt là trẻ em.

Chúng tấn công vào nhà Mariam và cố gắng giết cô nhưng không thành bởi mẹ cô bé đã cố gắng bảo vệ cô. Mặc dù vậy chúng đã kịp lấy đi của cô bé một cánh tay và chém gần đứt lìa cánh tay còn lại rồi bỏ chạy. Mariam may mắn được cứu sống nhưng phải phẫu thuật cắt bỏ cánh tay còn lại và cô bé đã bị hoảng loạn trong một thời gian dài.

Mẹ của Mariam chia sẻ: “Cho dù người khác đối xử với con gái tôi như thế nào và họ có thể gọi con tôi là ma quỷ hay gì đi nữa thì Mariam cũng là con gái của tôi. Tôi cảm thấy con bé hoàn toàn bình thường như những đứa trẻ khác ngoài làn da trắng và mái tóc vàng. Tôi yêu Mariam và sẽ luôn bảo vệ cho con mình”.

Mặc dù những người dân xung quanh đều biết về đội quân “dao dài” nhưng một phần vì sợ sự hung hãn của chúng, một phần vì những quan niệm sai lầm về người bạch tạng nên họ không đứng ra bảo vệ nạn nhân khi những người này bị tấn công, vì thế không phải ai cũng may mắn thoát chết giống như cô bé Mariam.

Trẻ em thường là đối tượng bị chặt chân tay của bọn tay sai cho thầy phù thủy.

Ông Nyerere Rutahiro và bà Susannah sống ở một vùng quê nghèo của Burundi. Khi bà đến với ông là một người bạch tạng bà Susannah đã bị cả gia đình ngăn cản và từ bỏ. Nhưng với bà ông Nyerere Rutahiro là một người đàn ông thực sự và họ đến với nhau vì tình yêu cho dù cuộc sống khó khăn và chịu sự xa lánh của mọi người.

Bà Susannah vẫn còn nguyên nỗi sợ hãi và đau đớn khi nhớ lại về cái chết của chồng mình: “Khi chúng tôi đang ăn tối trong nhà mình, có một nhóm 4 người với dao phay, gậy gộc xông vào và họ hét lên tao muốn chân của mày, tay của mày”.

Cả hai vợ chồng họ đã cố gắng chống cự lại nhưng không thể làm gì trước sự man rợ của chúng. Cuối cùng chúng đã lấy đi 2 cánh tay và chân của ông Nyerere Rutahiro rồi bỏ đi. Bà Susannah đã cầu cứu tới những người hàng xóm để đưa chồng mình tới bệnh viện nhưng tất cả đều quay lưng vì thế bà đành ngồi ôm chồng mình chết trong đau đớn và mất máu.

Thi thể còn lại của ông Nyerere Rutahiro đã được đem chôn trong một ngôi mộ xi măng để tránh bị những kẻ xấu chuyên đi đào mộ người bạch tạng để lấy nốt những bộ phận cơ thể khác có thể bán được cho thầy phù thủy. Từ sau đám tang anh trai mình cô Winifrida Nyerere cũng là một bệnh nhân bạch tạng không còn dám ra ngoài và luôn sống trong sự sợ hãi vì nghĩ rằng mình sẽ là nạn nhân tiếp theo một ngày nào đó.

Gần đây nhất là vụ một bé trai có bệnh bạch tạng 7 tháng tuổi bị những tay săn lùng giết chết và lấy đi những phần cơ thể trong khi mẹ của em đi làm và để em ở nhà một mình. Vụ việc trên đã làm dấy lên sự phẫn nộ của nhiều người và đặc biệt là những người bệnh bạch tạng đang hàng ngày sống trong lo sợ cho tính mạng của mình.

Trước tình hình trên chính phủ các quốc gia châu Phi đã bắt đầu thấy cần thiết vào cuộc để bảo vệ những người bạch tạng sau khi con số những nạn nhân bị giết ngày một tăng ở những nước này. Họ lập ra những trung tâm cho người bạch tạng cư trú an toàn và họ cũng cử những tình nguyện viên tới những làng quê hẻo lánh để tuyên truyền tới người dân về căn bệnh bạch tạng, bác bỏ những niềm tin mê tín dị đoan không có căn cứ. Nhưng đó không phải việc làm đơn giản bởi những tín ngưỡng ấy đã ăn sâu vào tâm trí những người dân nơi đây từ đời này qua đời khác. Hy vọng rằng với nỗ lực của các tổ chức và của chính phủ những nước này, những bệnh nhân bạch tạng sớm có được một cuộc sống bình yên và có được sự chăm sóc y tế cần thiết

Nhật Mai
.
.
.