Câu đối ngày xuân

Thứ Bảy, 25/01/2020, 22:00
"Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh", chẳng biết tự bao giờ, Tết cổ truyền của dân tộc đã không thể thiếu những thứ trên. Cả vài thập niên qua, cây nêu, tràng pháo đã không còn nhưng thú chơi câu đối lại trở lại nhộn nhịp hơn.

Chơi câu đối ngày nay đã khác nhiều, vì ngày xưa câu đối được viết bằng chữ Hán, các cụ đồ đọc thông viết thạo chữ Hán đã dần khuất bóng. Sau này câu đối được viết bằng chữ Nôm. Và đến thời đại ngày nay, câu đối được viết bằng chữ Quốc ngữ, ai cũng đọc hiểu nghĩa được, với mong muốn một năm mới thịnh vượng, phát tài, sai lộc, phúc lộc đề huề, bình an thuận lợi...

1.Sự ra đời của câu đối bắt đầu từ một truyền thuyết ở Trung Hoa. Chuyện kể rằng có vị thần trông coi ngôi làng nhưng đến năm đó vị thần có việc phải rời khỏi ngôi làng, sợ bọn quỷ đói sẽ kéo đến tác yêu, tác quái người dân trong làng, nên vị thần đã lấy gỗ thân của cây đào, rồi dùng mực đen viết lên đó, như một loại bùa chú an lành, người ta gọi là đào phù (bùa may mắn).

Sau này cùng với sự biến thiên của thời gian, đào phù chuyển thành thú chơi câu đối bằng chữ Hán. Khi du nhập sang Việt Nam, vào thời kì xã hội phong kiến, câu đối vẫn được các nhà nho viết bằng chữ Hán.

Người ta cũng coi đây là thú chơi dành cho giới trí thức, của những người đọc rộng hiểu nhiều, có chữ nghĩa chứ ít khi dành cho giới bình dân bởi vì câu đối thường được viết bởi các bậc thánh hiền, nho sĩ am tường kinh điển, siêu tuyệt chữ Hán.

Sau này, thú chơi câu đối mở rộng ra được viết bằng chữ Quốc ngữ và chữ La tinh, ở văn hoá truyền thống, chơi câu đối là một thú chơi tao nhã và ẩn đầy giá trị nhân văn.

Câu đối thường được treo ở phòng khách gia đình, ở cổng làng, cổng tam quan của ngôi chùa, hay ở hai bên trước bệ thờ ban Tam Bảo, ở trước điện thờ Mẫu, thờ Thánh. Câu đối có nơi cửa đền, cửa phủ... Mỗi câu đối đều gửi gắm ý nghĩa mà nội dung gắn với không gian. Câu đối ở chùa tán dương Đức Phật, Phật Pháp, sự tu hành.

Ví dụ: "Cửa thiền rộng mở mọi người đều đến", vế đối: "Vào cảnh từ thì nên rút bỏ những phiền não lo toan". Hay ở nơi cửa đình có câu đối tán dương công đức của đức Thánh, công trạng của Thành Hoàng từ xưa đến nay và cầu mong cho nhân dân bản địa trong ngôi làng ấy được sức khoẻ, an khang.

Ví dụ: "Thánh công thần đức thiên niên thịnh" (dịch nghĩa: Công lao của đức Thánh từ nghìn năm nay thịnh), vế đối: "Quốc phú dân an vạn sự hưng" (Dân mạnh, nước cường thì muôn đời được phồn vinh hưng thịnh).

Treo ở nhà thờ tổ của dòng họ thường có những câu đối ca ngợi, tán dương công lao của các vị tiên tổ. VD: "Tổ tông công đức nghìn năm thịnh". Vế kia: "Tổ bồi công vun thiên niên hưng thịnh" (Tổ tiên vun bồi nhân đức, thì con cháu kế tục sự nhân đức ấy mà phát triển).

Câu đối không chỉ còn có mặt ở chốn tâm linh thiêng liêng hay tại tư gia, biệt phủ mà còn có mặt ở khắp mọi nơi từ không gian đón xuân năm mới bên thềm hội nghị, trường học, quán ăn...

Ở gia đình, người ta treo câu đối nói về lối sống tiêu dao, tiếp đón bằng hữu. Khách đến nhà lấy sự quảng giao vui vẻ làm trọng, người chủ nhà lấy sự nồng hậu, nhân nghĩa, đạo hạnh ra tiếp đón tạo niềm vui. "Trai gái cười vui đón Tết"; "Trẻ già hoan hỷ đón xuân sang". Hay "Tết đến gia đình vui sum họp"; "Xuân về con cháu hưởng bình an".

Câu đối ở cửa hàng cầu sự may mắn trong buôn bán, người tới mang theo tiền của đến, trong lòng phấn chấn, niềm vui. Người bán phải có tâm trong làm ăn để có sự phát triển thịnh vượng, cửa hàng phát triển được lâu dài.

Ví dụ: "Năm cũ qua đi năm mới lại đến cầu mong cho điều tốt lành thuận lợi"; "Người khoẻ, người vui, vạn vật được sinh sôi tốt lành." Câu đối gắn với cầu mong sự khởi đầu phát triển của mùa xuân, mùa của sự sinh sôi, phát triển nảy nở.

2.Viết câu đối chơi xuân người ta phỏng những nội dung liên quan đến chúc tụng đầu xuân, cầu mong sức khoẻ, đắt tài sai lộc, mong muốn cả một năm hạnh phúc, an khang, người già thêm thọ, tuổi trẻ bình an.

Những gì người ta muốn gửi gắm nguyện vọng, thì đều có thể viết bằng những lời văn thánh thót. Quả nhiên không sai, văn tự là lối chơi trí tuệ của người hiểu biết. Câu đối là một dạng thức văn chương và là thú chơi đỉnh cao tao nhã của người có học. Thú chơi câu đối, nhiều điển tích nho sĩ nước ta đều có lối chơi tiêu dao này.

Nguyễn Công Trứ cũng là bậc thầy câu chữ, ông có câu đối ngày xuân nói lên ước nguyện thủa xưa của riêng cá nhân ông mà cũng là sự mong mỏi của con dân nước Việt thời bấy giờ: "Chiều ba mươi, nợ réo tít mù/ Co cẳng đạp thằng Bần ra cửa"; "Sáng mồng một, rượu say tuý luý/ Giơ tay bồng ông Phúc vào nhà".

Vào thời bao cấp, trong dân gian tương truyền hai câu đối nhại lại Nguyễn Công Trứ: "Chiều ba mươi Tết lợn kêu eng éc inh tai bố": "Sáng mồng một pháo nổ đì đùng điếc gáy thầy".

Trong những năm khó khăn, nhiều gia đình còn chạy ăn từng bữa, cuộc sống đói khổ, thiếu thốn, người ta chơi câu đối nghe mà tang thương, chua chát, thật bi hài: "Tí mỡ, tí miến, tí mì chính, bán bìa số 9, chen bẹp ruột"; "Lít dầu, yến củi, yến mùn cưa, bán ô số 3, xô lòi gan".

Nói về câu đối, không thể không nhắc đến bà chúa thơ Nôm - Hồ Xuân Hương, người phụ nữ "chanh chua" bậc nhất trong lịch sử văn chương nước nhà. Giai thoại về bà có nhiều câu chuyện xung quanh các câu đối trong hoàn cảnh khác nhau, nói đến câu đối Tết của bà chúa thơ Nôm thì dân gian lưu truyền: "Đêm ba mươi tống cự, khép cánh càn khôn, một then đưa đẩy khìn khin khít khịt/ Sáng mồng một nghênh tân, mở lò tạo hoá, hai cánh banh ra toác toạc toàng toang". 

3. Nhà nghiên cứu Hán Nôm, TS Nguyễn Đức Bá (Đại học Văn hoá Hà Nội) cho biết: Trải qua thăng trầm biến thiên của thời gian thì câu đối gắn với sự phát triển của lịch sử, gắn với sự phát triển của văn tự chữ Hán và cả sự phát triển của nho gia. Giai đoạn nào Nho học phát triển, thi cử phát triển, chữ Hán được tôn sùng thì giai đoạn ấy văn chương, câu đối được hưng thịnh.

Và nghiễm nhiên câu đối là thú chơi văn tự Hán, dùng điển tích, điển cổ nho gia để chơi. Đó là thú chơi của những nhà nho tài tử, nhà trí thức, của dòng tư tưởng uyên bác. Năm 1919 là khoa thi cuối cùng dùng chữ Hán để thi, kết thúc đánh dấu, chấm dứt vai trò chữ Hán mở ra một nền văn tự mới - chữ Quốc ngữ. Nhưng bởi chữ Hán đã ăn sâu vào xã hội, hệ tư tưởng, tư duy của chúng ta từ 1000 năm nay.

Văn tự Hán vẫn có sự gắn bó mật thiết với chữ tượng hình mang tính mỹ thuật cao, gắn với ý nghĩa, điển tích, điển cố thì chữ Hán là công cụ truyền tải tốt nhất và khi chơi chữ thì người ta thường dùng văn tự Hán. Để người ta khẳng định thú chơi tao nhã, nhân văn, có văn hoá, có chiều sâu, và có ngữ nghĩa hàm chứa thì câu đối Hán vẫn là một dạng thức lựa chọn tối ưu.

Hiện tượng du nhập cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, chữ La tinh thì có sự giao thoa giữa chữ Quốc ngữ và chữ La tinh và chữ Hán. Câu đối hiện nay đã được mở rộng ra bằng chữ Quốc ngữ trên các mái trường, nếp nhà dễ đọc, dễ hiểu: "Trời thêm tuổi mới, người thêm thọ"; "Xuân khắp mọi nơi, phúc khắp nhà".

Trần Mỹ Hiền
.
.
.